Vụ 13 mộ liệt sĩ: Hội Cựu TNXP lên tiếng
UBND tỉnh Bắc Kạn cũng thành lập tổ công tác, lên kế hoạch tìm kiếm toàn bộ thông tin và nhân chứng sống về việc chôn cất, quy tập 13 liệt sĩ thanh niên xung phong.
Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH về vụ 13 mộ liệt sĩ TNXP hy sinh ở hồ Tân Minh, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn không có hài cốt.
Theo Hội Cựu TNXP, đây là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng, liên quan đến việc thực hiện pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc; tâm tư, tình cảm của gia đình thân nhân liệt sĩ, gây bức xúc trong cựu TNXP, dư luận xã hội…”.
Vì vậy, Hội Cựu TNXP Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ quan liên quan và tỉnh Bắc Kạn điều tra, xác minh, làm rõ bản chất sự việc và xử lý những sai phạm (nếu có). Cơ quan chức năng cần nhanh chóng trả lời các gia đình thân nhân liệt sĩ, dư luận xã hội và đảm bảo việc thực hiện đúng quy định pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Cha mẹ qua đời, ông Hà Văn Năm là người thờ cúng cô mình, liệt sĩ Hà Thị Sằm. Ảnh: VIẾT LONG
Liên quan đến sự việc trên, bà Địch Thị Loan, con liệt sĩ Địch Xuân Dong (TNXP duy nhất lập gia đình trước lúc hy sinh), cho biết từ lúc khai quật 13 ngôi mộ liệt sĩ đến nay đã gần ba tháng nhưng các thân nhân liệt sĩ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ UBND tỉnh Bắc Kạn hay Sở LĐ-TB&XH tỉnh này.
Chiều 13-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh Bắc Kạn cho biết hiện UBND tỉnh này đã thành lập tổ công tác để tìm kiếm thêm thông tin về các đợt quy tập di chuyển hài cốt liệt sĩ từ nhân chứng còn sống trong lực lượng quy tập trước đây. Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng làm tổ trưởng.
Video đang HOT
Tổ công tác sẽ chia làm hai nhóm: Nhóm một làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên để tìm kiếm các hồ sơ lưu giữ liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP lần đầu đến khi di chuyển sang Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông năm 1990.
Đồng thời nhóm một sẽ phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tìm kiếm các nhân chứng còn sống có tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông để khai thác thông tin.
Chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng sớm thông tin diễn tiến sự việc này. Đồng thời xem xét đề xuất của thân nhân trong việc khai quật lại khu vực đồi Nà Coóc nơi chôn cất ban đầu của các liệt sĩ…
Bà Địch Thị Loan
Nhóm hai tìm kiếm các hồ sơ lưu giữ tại huyện Bạch Thông liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ tỉnh từ khi xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông đến nay.
Đồng thời nhóm hai cũng sẽ tìm kiếm các nhân chứng còn sống có tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông. Nhóm cũng gặp nhân chứng còn sống nắm được các thông tin liên quan đến việc quy tập hài cốt liệt sĩ TNXP (từ khi truy điệu, chôn cất liệt sĩ lần đầu tại đồi Nà Coóc, thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới đến khi quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ năm 1990) để thu thập thông tin.
Xác định vị trí mộ liệt sĩ TNXP tại nơi an táng ban đầu, vị trí nghĩa trang liệt sĩ cũ và vị trí mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông cũ.
Vậy địa phương có tiến hành khai quật lại nơi chôn cất ban đầu của các liệt sĩ không? Ông Giang từ chối trả lời câu hỏi này và nói: “Hiện công việc đang được triển khai, khi nào có thông tin chúng tôi sẽ thông báo”. Theo ông Giang, thời gian thực hiện kế hoạch trên từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020.
Năm 1968, 13 TNXP được phân công nhiệm vụ giúp xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn xây hồ thủy lợi Tân Minh nhưng do mưa nhiều nên hồ thủy lợi bị vỡ khiến 13 người hy sinh. Sau đó người dân và gia đình cùng tổ chức lễ truy điệu, mai táng các TNXP.
Năm 2008, thân nhân liệt sĩ TNXP biết được thông tin hài cốt TNXP thuộc Đại đội 933, Đội 92 TNXP chống Mỹ cứu nước Bắc Thái đã được quy tập về nghĩa trang. Tuy nhiên, các phần mộ này không rõ tên tuổi.
Theo nguyện vọng của các gia đình, cuối tháng 10-2019, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khai quật các ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Trong đó có 13 mộ liệt sĩ thuộc Đại đội 933. Tuy nhiên, tất cả 13 mộ này chỉ có túi nylon bọc một ít đất đá, không có tiểu và cốt…
VIẾT LONG
Theo plo.vn
13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn toàn đất đá: Tìm thông tin, nhân chứng từ lần quy tập đầu tiên
Bắc Kạn lập 2 nhóm tìm kiếm thông tin 13 mộ liệt sĩ, trong đó có việc tìm thông tin, nhân chứng quy tập hài cốt lần đầu về nghĩa trang Phủ Thông.
Liên quan đến sự việc 13 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong ở Bắc Kạn không có hài cốt mà chỉ toàn đất đá, mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo thành lập tổ công tác, lên kế hoạch tìm kiếm toàn bộ thông tin và nhân chứng về việc chôn cất, quy tập các liệt sĩ này.
Công tác này sẽ được thực hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020. Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng làm tổ trưởng, chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1 (gồm đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Hội Cựu chiến binh tỉnh, do Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH làm nhóm trưởng) sẽ làm việc với Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, tìm kiếm các hồ sơ liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong lần đầu cho đến khi di dời sang nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông (huyện Bạch Thông) năm 1990; tìm kiếm các nhân chứng còn sống tham gia công việc này.
13 ngôi mộ liệt sỹ không có hài cốt, chỉ toàn đất đá.
Nhóm 2 gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh, UBND 2 huyện Bạch Thông và Chợ Mới, do Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm nhóm trưởng.
Nhóm này sẽ tỏa đi tìm kiếm các hồ sơ lưu giữ tại huyện Bạch Thông liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, kể từ khi xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông đến nay. Nhóm cũng tìm kiếm các nhân chứng còn sống từng quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang Phủ Thông và nhân chứng nắm được các thông tin liên quan đến việc quy tập hài cốt ban đầu (như từ khi truy điệu, chôn cất liệt sĩ lần đầu tại đồi Nà Coóc, thôn Quan Làng, xã Thanh Vân, huyện Chợ Mới đến khi quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ năm 1990).
Nhóm này có nhiệm vụ xác định vị trí mộ liệt sĩ thanh niên xung phong tại nơi an táng ban đầu, vị trí nghĩa trang liệt sĩ cũ và vị trí mộ tại nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông cũ.
Tháng 8/1968, 13 thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại chân đập ở hồ Tân Minh (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Sau 3 lần quy tập, hài cốt của 13 liệt sĩ này được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn, nhưng không xác định được danh tính.
Theo đề nghị của thân nhân các liệt sĩ, Sở LĐTB&XH Bắc Kạn khai quật phần mộ của 13 thanh niên xung phong để giám định ADN. Người thân của họ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh. Tuy nhiên, bên dưới 13 ngôi mộ không hề có hài cốt, chỉ có những chiếc túi nilon đựng đất, đá.
" Ngay cả đến tiểu sành, vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sĩ cũng không có dưới những ngôi mộ này", báo cáo nêu.
MẠNH ĐOÀN
Theo vtc.vn
Bắc Kạn: Thanh niên rủ nhau nuôi ong, trồng dưa, 2 năm đã có tiền tỷ Với sức mạnh, sự năng động và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ một tổ hợp tác sản xuất, 11 đoàn viên thanh niên xã Như Cố (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) nuôi ong, trồng dưa, đã từng bước phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trên chính đồng đất quê hương, để rồi sau 2 năm đã cho...