Vụ 10 cán bộ Navibank hầu tòa: Kiến nghị triệu tập lãnh đạo TAND Cấp cao
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập Phó chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM đến dự phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Navibank.
Ngày 8/3, TAND TPHCM đã nhận được kiến nghị của 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Navibank về việc triệu tập những người tiến hành tố tụng trong vụ án này và vụ án có liên quan trước đó đến tòa.
Cụ thể, các luật sư này đề nghị HĐXX triệu tập ông Quảng Đức Tuyên – Thẩm phán TAND Tối cao tại TPHCM (hiện nay ông Tuyên là Phó chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM) đến phiên tòa này.
Các luật sư kiến nghị triệu tập lãnh đạo TAND Cấp cao tại TPHCM.
Theo các luật sư, lý do đề nghị triệu tập ông Quảng Đức Tuyên vì ông là thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm giai đoạn 1.
Video đang HOT
Bản án số 02/2015/HSPT ngày 7/1/2015 của phiên tòa do ông Tuyên làm chủ tọa đã kiến nghị Viện KSND Tối cao và Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của những người có thẩm quyền tại Navibank đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các Ngân hàng hưởng lãi suất vượt trần gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Các luật sư cho rằng trong bản án phúc thẩm đó, HĐXX cho rằng số tiền 200 tỉ đồng của Navibank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Tuy nhiên, kết luận điều tra lại kết luận rằng số tiền nêu trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạn ở Vietinbank chi nhánh TPHCM. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác mà nhận định của HĐXX không đúng với các chứng cứ, tài liệu trong vụ án Navibank mà TAND TPHCM đang đưa ra xét xử sơ thẩm.
Vì vậy, 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị HĐXX triệu tập ông Quảng Đức Tuyên có mặt tại phiên tòa để làm rõ một số nội dung liên quan đến kết quả điều tra của vụ án.
Ngoài ra, trước khi mở phiên tòa, một luật sư bào chữa cho 8 bị cáo trong vụ án đã kiến nghị HĐXX triệu tập 4 Điều tra viên – Cơ quan điều tra Bộ Công an, 1 Kiểm sát viên cao cấp – Viện KSND Tối cao tham gia phiên tòa.
Xuân Duy
Theo Dantri
Bị cáo mà cũng "đòi hỏi" cấm cửa báo chí nữa sao?
Phóng viên được phép vào tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Navibank nhưng các bị cáo và luật sư không đồng ý, thậm chí phản ứng và đề nghị tòa cấm báo chí chụp ảnh (!).
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank tại tòa (ảnh: P.B).
Đây là chuyện hiếm thấy ở một phiên tòa công khai, được đưa ra xét xử tại TAND TP.HCM.
Đây cũng là chuyện hiếm xảy ra khi một số bị cáo nguyên là "quan ngân hàng" dính vào sai phạm, bị đưa ra xét xử công khai, nhưng báo chí muốn chụp ảnh thì phải được... chính họ cho phép (?).
Lẽ dĩ nhiên, nhiều người hiểu rằng, một phiên tòa công khai, báo chí được phép vào tác nghiệp với đầy đủ các thủ tục, tuân thủ luật báo chí và các qui định hiện hành thì chẳng có vị luật sư hay bị cáo nào có quyền cấm họ đưa tin chụp ảnh. Tại tòa, phóng viên hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, và dưới quyền điều hành, điều khiển của tòa. Nếu xử kín, với những vụ án nhạy cảm, báo chí không được dự trực tiếp để đưa tin thì cũng đã được luật qui định.
Nhưng với một phiên tòa công khai, các vị là những bị cáo, chỉ vì muốn không bị "chường mặt" trên mặt báo nên đề nghị tòa cấm một hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật và được pháp luật cho phép thì xem ra các vị còn muốn có quyền hành xử trên cả pháp luật chăng?
Đáng hoan nghênh là hội đồng xét xử đã rất tỉnh táo và công tâm, giải thích rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của báo chí hoạt động tác nghiệp trong một phiên tòa công khai, chứ không dễ sa vào sự "đòi hỏi" dễ bị trở thành trò cười của một số bị cáo.
Nhất định không chấp nhận những đề nghị hay đòi hỏi kiểm soát báo chí của những người là... bị cáo.
Nhất định không chấp nhận tạo ra những tiền lệ xấu cấm phóng viên chụp ảnh tại một phiên tòa công khai.
Bởi nếu chấp nhận sự đề nghị trong tình huống này thì rất có thể còn có thêm những đòi hỏi trong các tình huống khác vi phạm đến quyền hoạt động, tác nghiệp của báo chí theo luật định.
THẾ LÂM
Theo Laodong
"Đi đêm" lãi suất với Huyền Như, 10 sếp ngân hàng phải hầu tòa Lãnh đạo Navibank gửi trái phép hơn 1.500 tỷ đồng vào Vietinbank với lãi suất 22,5% và bị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ. TAND TP.HCM đưa 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng Navibank trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ra...