Vụ 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô: Lộ diện chiêu lừa đảo
Rất đáng ngờ, sau khi hoàn thành (trên giấy) việc chuyển nhượng 14 doanh nghiệp tại Hải Phòng, Cty Trường Sa không hề đả động đến phương án tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như trách nhiệm đối với người lao động.
Đại bản doanh của “đại gia” sắt thép Phạm Văn Thụ đã bị Nguyễn Hà Quảng thâu tóm. Ảnh: H.H
Trên diễn đàn, TGĐ Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa Ngô Quốc Hùng khẳng định: “Vốn điều lệ của Trường Sa là hơn 4 tỉ đồng, gấp nhiều lần 20.000 đồng…”. Nhưng, có một sự thật là số tiền hơn 4 tỉ đồng không đủ để mua những chiếc xe Lexus mà ông Ngô Quốc Hùng và Cty Trường Sa vừa “sang tay” từ Cty Thái Sơn.
Rất đáng ngờ, sau khi hoàn thành (trên giấy) việc chuyển nhượng 14 DN tại Hải Phòng, Cty Trường Sa và TGĐ Ngô Quốc Hùng cùng các chủ tịch HĐTV Nguyễn Hà Quảng và Nguyễn Văn Quang không hề đả động đến phương án tái cấu trúc DN cũng như trách nhiệm đối với người lao động.
Video đang HOT
Bi hài thương vụ… 1USD
Trên thế giới, có những nhà tài phiệt từng mua lại một tập đoàn đang ăn nên làm ra với giá chỉ 1USD và có những CEO công khai thừa nhận mức lương: 1USD. Hơn ai hết, các doanh nhân hiểu rằng con số nhỏ nhoi ấy chỉ có ý nghĩa tượng trưng về giá trị. Phía sau những thương vụ kiểu 1USD là lợi tức và danh thơm mà các DN và CEO chắc chắn sẽ thu về, nhờ biết cách tận dụng thời cơ để thay đổi phương án đầu tư và ký kết hợp đồng “làm ăn” mới.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp phân tích: “Quanh thương vụ mua bán DN giữa Cty Trường Sa và Cty Thái Sơn, điều dễ nhận thấy là bên bán có lợi thế về đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, lực lượng lao động nhưng đang ôm cả ngàn tỉ đồng nợ quá hạn bên mua là DN mới thành lập, vốn pháp định ít ỏi và không có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sắt thép”.
Theo điều tra của PV Báo Lao Động, đến thời điểm này Cty Trường Sa và cá nhân liên quan đến Cty này đã hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh trên cơ sở chuyển nhượng hầu hết cổ phần của 14 DN, với tổng số vốn điều lệ đăng ký của các DN hơn 1.400 tỉ đồng, tổng số vốn góp (trên giấy) xấp xỉ 1.250 tỉ đồng. Trong thực tế, những người chủ mới không có bất cứ động thái nào thể hiện kế hoạch tái cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc DN và không thực hiện nghĩa vụ tiếp nhận thanh toán nợ cho những Cty đã mua.
Chẳng hạn, tại Cty kim khí Hải Phòng, trong quá trình thương thảo chuyển nhượng cổ phần, phía Cty Trường Sa cam kết mua nguyên trạng DN, gồm khối nợ 86,5 tỉ đồng và lãi phát sinh, đồng thời sẽ tích cực hỗ trợ tài chính để trả nợ. Những cổ đông lớn của Cty kim khí Hải Phòng đồng ý bán 97,48% cổ phần- trị giá 16,8 tỉ đồng cho phía Cty Trường Sa và từ ngày 4.10.2011 (được cấp phép thay đổi đăng ký kinh doanh) đã bàn giao quyền điều hành Cty cùng với toàn bộ tài sản hiện hữu cho ban lãnh đạo mới, nhưng sau hơn 1 năm trôi qua, đến thời điểm này chưa cổ đông nào được thanh toán tiền, công nhân không có lương, sản xuất tê liệt và khối nợ các ngân hàng mỗi tháng phình to thêm 3 tỉ đồng tiền lãi!
Lộ diện nhiều khuất tất
Ngay sau khi thực hiện thành công thương vụ đầu tiên tại Cty kim khí Hải Phòng, tháng 11.2011 ông Nguyễn Hà Quảng và Cty Trường Sa tiếp tục chuyển nhượng 33,35% cổ phần trong Cty CP công nghiệp tàu Shinec của Tập đoàn CN Tàu thủy Việt Nam – ông Quảng làm Chủ tịch HĐTV, nắm giữ 19,46% cổ phần (9,73 tỉ đồng), Cty Trường Sa: 13,89% cổ phần (6,946 tỉ đồng). Riêng thương vụ mua bán Cty CP công nghiệp – thương mại Thái Sơn (tháng 4.2012), ông Quảng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu đứng tên ông Phạm Văn Thụ – tổng trị giá 521,1 tỉ (chiếm 86,85%).
Căn cứ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cty Trường Sa, “nhân vật số 1″ của Cty Trường Sa chính là Nguyễn Hà Quảng – sáng lập viên góp vốn nhiều nhất (40%). Ở một diễn biến khác, theo điều tra của PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hà Quảng hiện là bị đơn trong một vụ án kinh doanh thương mại tại TP.Hồ Chí Minh. Ngày 20.8.2012, TAND TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của Mỹ tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu và thu thập, cung cấp chứng từ để giải quyết vụ án kinh doanh thương mại tại Việt Nam. Theo đó, buộc ông Nguyễn Hà Quảng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường và thanh toán nợ xấp xỉ 6,7 tỉ đồng cho 1 DN tại TPHCM!
Xin nói thêm, trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Hà Quảng thường trú tại 225, tổ 9, P. Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Nhưng, sự thật là Việt kiều Nguyễn Hà Quảng đã và đang định cư tại 1778 Bush Avenue, Saint Paul, MN 55106, USA(!?).
Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa (mã số DN 0310762008) được Sở KHĐT TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 7.4.2011, đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 27.6.2011, vốn điều lệ 4,9 tỉ đồng, do 4 cổ đông sáng lập, gồm Nguyễn Hà Quảng – trú tại 225, tổ 9, P.Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai, Hà Nội – góp 1 tỉ 960 triệu đồng (40%) Trần Thị Kim Dung – trú 76/3B, khu phố 7, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TPHCM – góp 1 tỉ 470 triệu đồng (30%) Ngô Quốc Hùng – trú 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh – góp 980 triệu đồng (20%), và Trần Thị Thu Hiền – trú khu tập thể Z179, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội – góp 490 triệu đồng (10%). Người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Quốc Hùng. Chi nhánh Cty Trường Sa tại Hà Nội (mã số 0310762008.001), địa chỉ: số 28 ngõ 34A/24 Trần Phú, P.Điện Biên, Q.Ba Đình.
Ngày 15.11, Phòng Điều tra tội phạm kinh tế- CA Hải Phòng đã triệu tập ông Ngô Quốc Hùng, ngày 19.11 các cổ đông của Cty kim khí Hải Phòng đã gửi đơn kiến nghị CA Hải Phòng điều tra hành vi chiếm đoạt DN của Cty Trường Sa. Và, ngày 20.11.2012, CN NH Phát triển VN tại Gia Lai đã gửi thông báo yêu cầu ông Ngô Quốc Hùng trả nợ gốc và lãi vay vốn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (với tư cách Chủ tịch HĐQT Cty CP ximăng puzơlan Gia Lai) tổng cộng hơn 6,3 tỉ đồng. B.C – H.H
Theo TNO
Xuất hiện chiêu lừa đảo mới trong giới học đường
Tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (số 12, Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình) đang xảy ra tình trạng hàng loạt học sinh bị một kẻ giấu mặt đánh cắp nick Yahoo, giả danh bạn bè và lừa tiền. Số lượng nạn nhân đang tăng dần theo từng giờ...
Chiêu thức của "thủ phạm" là đột nhập nick Yahoo, giả danh chủ nhân chat với danh sách bạn bè trong đó. Khi chat chúng rất tinh vi và tỏ rõ sự thân mật, rồi tiến hành rao hàng với họ là những tấm thẻ cào tài khoản điện thoại mạng Mobi, chỉ cần nạp thẻ 100 ngàn sẽ "hack" lên thành 800 ngàn, 1 triệu đồng hay nhiều hơn thế trong tài khoản.
Tưởng đó là "quà tặng" từ người bạn đáng tin tưởng của mình, "con mồi" ngoan ngoãn nạp tiền. Tất nhiên, sau đó thì "người rao hàng" lặn mất tăm, đồng thời chiếm đoạt luôn nick yahoo của người đó. Bằng chiêu thức này, chúng tiếp tục lừa những người khác và danh sách những người là nạn nhân của chúng cũng theo đó mà ngày càng nhân rộng.
Bằng những thủ đoạn rất tinh vi, bọn xấu đã lừa đảo rất
nhiều người nhẹ dạ
Nguyễn Thành Đạt, học sinh lớp 7A11, Trường THCS Ngô Sĩ Liên là nạn nhân mới của trò lừa đảo này. Theo lời Đạt kể, hôm qua (ngày 30/3) khi đang online thì có người bạn nhảy vào chat (đó là Trang, bạn của Đạt). Biết là bạn mình (vì kẻ đó đã trộm nick và giả danh Trang) nên hai em nói chuyện khá thân mật, sau đó, "Trang" rao hàng "Ê, Đạt mày biết chuyện gì chưa? Nạp card mobi 100 ngàn hack được 800 ngàn lận đó, mày nạp rồi gửi cho tao, tao hack giùm cho". Vì tin "bạn" nên Đạt không chút đắn đo suy nghĩ liền nạp thẻ 100 ngàn và gửi cho người đó. Thế nhưng đợi mãi mà không thấy hồi âm, lòng bất an, Đạt hỏi nhưng người kia nói là "đang load, đợi tý".
Một hồi vẫn không thấy gì, Đạt lại hỏi nữa, lần này người kia lại nói là một card vẫn chưa đủ và bảo Đạt nạp thêm card nữa. Đến đây thì Đạt biết mình đã bị lừa, hỏi lại thì hắn đã...cao chạy xa bay. Không những mất 100 ngàn mà Đạt còn bị hắn ta chiếm đoạt luôn nick yahoo để tiếp tục trò lừa đảo.
Chưa hết bàng hoàng sau cú lừa ngoạn mục, Đạt đã liên hệ ngay với bạn bè để cảnh báo cho họ, nhưng Đạt đã chậm một bước vì đã có hơn 10 người là bạn của Đạt cũng trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, với cùng một thủ đoạn tương tự.
Cũng chung cảnh ngộ với Đạt là Nguyễn Ngọc Phương Trang (bạn học cùng trường với Đạt). Trang cũng bị lừa mất 100 ngàn. Nhưng thủ đoạn mà chúng sử dụng với Trang lại có phần tinh vi hơn. Chúng đột nhập vào nick Yahoo của Lê Ngọc Thanh Vi (bạn của Trang), giả danh Vi để chat với Trang, qua đó chúng mượn vai Vi và nói với Trang là đang thiếu tiền, nhờ Trang nạp giùm cái card điện thoại 100 ngàn. Là chỗ bạn bè thân tình nên Trang không hề suy nghĩ liền mua card và bắn tiền cho Vi. Nhưng khi gọi lại và hỏi bạn đã nhận được chưa thì Trang mới sững sờ nhận ra mình bị lừa. Vi nói là nick Yahoo của Vi đã bị kẻ lạ đánh cắp và không thể vào được, bản thân Vi cũng là nạn nhân của trò lừa đảo này.
Ba bạn Đạt, Trang, Vi chỉ là những trường hợp điển hình trong rất nhiều những trường hợp khác bị bọn xấu lợi dụng. "Tụi em vô cùng bức xúc khi bị lừa thế này, không chỉ em mà hơn 10 người bạn em cũng bị lừa bằng một cách như vậy, số các bạn bị lừa đang tăng lên rõ rệt theo từng giờ. Đến thời điểm này (tính đến 18h, ngày 31/3) đã có hơn 20 bạn bị lừa với cùng một chiêu thức. Em rất lo. Giờ đây không chỉ mất tiền mà tụi em còn mất luôn nick chat không thể lấy lại được, đó là nick của cả gia đình em", Đạt buồn bã nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Phạm Duy Khương (cựu sinh viên Trường FPT, hiện là lập trình viên chuyên nghiệp) đưa ra lời khuyên: "Người dùng yahoo, mail nên có những biện pháp bảo vệ mật khẩu của mình. Khi nhận được tin nhắn có nội dung bắt buộc phải chuyển tiếp e-mail, hoặc nhấp vào các đường link đính kèm, nếu không sẽ bị xóa khỏi Yahoo Messenger vĩnh viễn... thì đó đều là những dạng của trò lừa đảo".
Theo BĐVN