VPF nên nhìn sang châu Âu để tìm ra giải pháp cho V.League
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, nhiều quyết định của ban tổ chức các giải VĐQG châu Âu không thể làm hài lòng tất cả.
Ngày 17/7, đơn vị tổ chức các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ( VPF) thông báo kế hoạch dời phần còn lại của V.League 2021 đến tháng 2/2022. Quyết định này không nhận được sự ủng hộ của phần đông các CLB đang thi đấu ở V.League. Giải pháp của VPF khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ngân sách để duy trì hoạt động, bao gồm việc tập luyện, ký hợp đồng với các ngoại binh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, VPF tỏ ra bị động, không thể đưa ra giải pháp hợp lý là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đây cũng là tình trạng của nhiều giải VĐQG tại châu Âu.
Kể từ cuối mùa giải 2019/20, khi đại dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát, những giải pháp được ban tổ chức đưa ra đều nhận được nhiều quan điểm trái chiều.
HAGL sẽ giữ ngôi đầu bảng V.League cho đến năm 2022. Ảnh: Y Kiện.
Hủy hay không hủy?
Khi dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực bóng đá (tháng 3/2020), nhiều giải VĐQG hàng đầu châu Âu như Premier League, Bundesliga, La Liga, Serie A bị hoãn. Các trận đấu còn lại được dời sang đầu tháng 7/2020.
Đây được xem là giải pháp hợp lý nhất, phù hợp với quy định của chính quyền nước sở tại. Song, ban tổ chức các giải đấu vẫn gây tranh cãi bởi cách họ xử lý trước khi đưa ra quyết định này.
Tại Anh, ban tổ chức Premier League đắn đo suy nghĩ giữa việc để các CLB tiếp tục thi đấu hay hủy bỏ kết quả của cả mùa giải, không tìm ra nhà vô địch. Điều này khiến người hâm mộ Liverpool tức giận. Khi ấy, “The Kop” (biệt danh của Liverpool) đang bỏ xa vị trí thứ 2 của Man City đến 25 điểm và có cơ hội lớn để vô địch Premier League lần đầu tiên trong lịch sử.
Ở Italy, ban tổ chức Serie A tỏ ra bị động. Họ liên tục thay đổi quyết định một cách chóng mặt. Các cầu thủ được yêu cầu tập luyện, chuẩn bị cho những cuộc tranh tài tiếp theo và sau đó nhận tin trận đấu bị hoãn. Quá bức xúc trước sự trì trệ này, Chủ tịch Steven Zhang của Inter Milan từng lên tiếng chỉ trích gay gắt ông Paolo Dal Pino, Chủ tịch Serie A.
Khác với tình hình ở Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy, ban tổ chức các giải đấu bóng đá ở Pháp và Hà Lan quyết định sớm kết thúc mùa giải 2019/20.
Ban tổ chức Ligue 1 công bố quyết định này vào ngày 28/4/2020. Dựa vào quy tắc tính điểm trung bình (lấy điểm số của từng đội ở thời điểm Ligue 1 bị hoãn chia cho số trận họ đã thi đấu), họ tìm ra nhà vô địch là PSG. Đội bóng thủ đô cùng Marseille và Rennes tham dự Champions League 2020/21, trong khi Lille, Nice và Reims tham dự Europa League. Amiens và Toulouse phải ngậm ngùi xuống chơi ở Ligue 2.
Thế nhưng, hơn một tháng sau, ban tổ chức Ligue 1 nhận được đơn kiện từ phía Lyon. Trước khi mùa giải được tuyên bố kết thúc, Lyon đang kém Reims đúng 1 điểm và tràn đầy hy vọng giành vé dự cúp châu Âu. Do đó, họ cho rằng quyết định của ban tổ chức Ligue 1 quá vội vàng.
PSG vô địch Ligue I 2019/20 khi sau khi ban tổ chức quyết định sớm kết thúc mùa giải. Ảnh: Getty Images.
Căng thẳng giữa 2 bên ngày càng lớn khi Chính phủ Pháp cho phép các hoạt động thể thao quay trở lại từ ngày 2/6/2020. Song, cuối cùng, đơn kiện của Lyon không được cơ quan chức năng thụ lý.
Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) quyết định dừng mùa giải 2019/20 trước 9 vòng đấu và không tìm ra nhà vô địch, đội xuống hạng và lên hạng.
Khi ấy, Ajax Amsterdam và AZ Alkmaar đang bằng điểm nên quyết định không trao cúp vô địch của KNVB hoàn toàn dễ hiểu. Song, giải pháp quyết liệt của KNVB bị Cambuur phản đối. Đội bóng này đang dẫn đầu ở giải hạng 2, giữ khoảng cách 11 điểm so với đội xếp sau và tràn đầy hy vọng thăng hạng nếu các giải đấu không bị hủy.
Sống chung với khó khăn
Sau đợt dịch đầu tiên, các quốc gia có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Nhiều lĩnh vực được phép hoạt động trở lại ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 tăng theo từng ngày.
Bóng đá cũng không ngoại lệ. Các trận đấu được phép tổ chức trong điều kiện không có hoặc hạn chế số lượng khán giả trực tiếp đến sân (tùy thuộc vào tình hình của khu vực). Các cầu thủ, thành viên ban huấn luyện được xét nghiệm thường xuyên. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 sẽ được cách ly, và mọi hoạt động bóng đá vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, giải pháp này chưa đem lại hiệu quả tuyệt đối. Ban tổ chức các giải đấu xử lý thiếu linh hoạt, dẫn đến những câu chuyện hy hữu hoặc kiện tụng.
Những vấn đề liên quan đến CLB Napoli đầu mùa giải 2020/21 là ví dụ. Sau trận đấu với Genoa, đội chủ sân San Paolo (tên cũ của sân Diego Armando Maradona) phát hiện 2 trường hợp dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, Chủ tịch Aurelio De Laurentiis của Napoli yêu cầu hoãn trận đấu với đại kình địch Juventus ở Turin.
Theo quy định đã được Serie A đưa ra, một trận đấu chỉ bị hoãn khi một trong 2 đội không thể có đủ 13 cầu thủ khỏe mạnh, bao gồm một thủ môn. Vậy nên, yêu cầu của Napoli không được chấp thuận.
Tổ trọng tài kiểm tra sân Allianz Stadium ngay cả khi Napoli từ chối tham dự trận đấu với Juventus. Ảnh: Getty Images.
Sau đó, theo La Gazzetta dello Sport, Chủ tịch De Laurentiis thuyết phục chính quyền vùng Campania ra lệnh cấm thầy trò HLV Gennaro Gattuso bay đến Turin. Ngày 5/10/2020, câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra ở sân Allianz Stadium. Trong khi các cầu thủ Napoli chưa bước lên máy bay, đội chủ nhà Juventus và tổ trọng tài có mặt đúng giờ.
Ban tổ chức Serie A quyết định xử thua 0-3 và trừ 1 điểm trên bảng xếp hạng đối với đội bóng miền nam Italy. Không hài lòng, Chủ tịch De Laurentiis nộp đơn kiện lên Ủy ban Olympic Italy (CONI). Cuối cùng, cơ quan này tuyên bố hủy quyết định của ban tổ chức Serie A, đồng thời yêu cầu 2 đội đá lại vào một ngày khác.
Diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19 khiến mọi lĩnh vực bị ảnh hưởng. Nhiều nền bóng đá đưa ra quyết định chậm chạp, chưa thấu tình đạt lý là điều hoàn toàn dễ hiểu. Do đó, VPF nên rút kinh nghiệm từ ban tổ chức các giải đấu khác để tránh gặp phải rắc rối không đáng có.
V-League dời sang năm 2022: Khó chồng khó cho thầy Park
Tuyển Việt Nam và HLV Park Hang Seo sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu V-League 2021 dời sang năm sau bởi áp lực về thời gian, cũng như nhiều khó khăn khác.
Không khả thi
Việc V-League 2021 muốn đá lại vào năm sau rõ ràng là tình huống bất khả kháng của VPF trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện tại.
Có thể thấy, VPF đối mặt với quá nhiều thách thức, thậm chí là thiếu tính khả thi nếu mùa giải 2021 tổ chức lại vào tháng 2/2022.
V-League kéo sang năm 2022 thực sự khó khả thi
Bởi như đã nói, ngoài gánh nặng kinh tế đè xuống các CLB thì ngay cả VPF cũng không thể "chắc ăn" với những khó khăn bất khả kháng là dịch bệnh.
Đặt giả sử, thời điểm 2/2022 dịch bệnh chưa ổn thỏa thì liệu rằng V-League 2021 sẽ thế nào chắc không cần phải nói thêm.
Không chỉ tự đưa mình vào tình thế bị động, V-League 2021 và mùa giải năm sau rất sát nhau khiến các đội bóng khó mà chuẩn bị tốt nhất về lực lượng, chuyên môn.
... và rất khó cho thầy Park
VPF khi đưa ra ý tưởng kéo mùa giải 2021 sang năm sau cũng là vì "né" các kế hoạch của tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam ở giai đoạn vài tháng tới với lịch, giải đấu rất sát nhau.
Tuy nhiên, những tính toán của VPF trên thực tế cũng chỉ là vá víu, bởi cần biết năm 2022 tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam cũng hoàn toàn không hề thảnh thơi với quá nhiều giải đấu dồn vào một chỗ.
cũng như đẩy HLV Park Hang Seo và tuyển Việt Nam vào thế khá khó khăn
Có thể kể đến là AFF Cup 2022 (theo đúng lịch) tuyển Việt Nam sẽ tham dự, VCK U23 châu Á mà U23 Việt Nam hoàn toàn nghĩ đến khi nằm ở một bảng đấu tương đối dễ dàng như đang thấy.
Chưa hết, năm 2022 cũng tổ chức lại SEA Games 31 vốn dĩ đã dời lịch và mục tiêu mà HLV Park Hang Seo cùng U23 Việt Nam vẫn là bảo vệ tấm HCV trên sân nhà.
Ngoài các giải đấu kể trên, trong năm tới tuyển Việt Nam và HLV Park Hang Seo cũng còn phải tiếp tục thi đấu tại vòng loại World Cup 2022 đẩy họ vào thế vô cùng bận rộn, khó tính toán về mặt thời gian cho V-League.
Không chỉ là đội tuyển, năm tới các CLB Việt Nam cũng tiếp tục tham dự AFC Champions League, AFC Cup nên kế hoạch vô cùng chồng chéo. Và nếu V-League 2021 kết thúc vào năm sau, rồi tổ chức mùa giải mới ngay sau đó thì các cầu thủ có tên trong sách sách tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam... không kịp thở.
Nhìn vào các giải đấu, lịch tổ chức mà tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam tham dự vào năm sau, chưa kể các CLB đá cúp châu lục... khả năng VPF chỉ có khoảng hơn 3 tháng để tổ chức V-League, hạng Nhất.
Tất nhiên, muốn gì thì muốn VPF cũng cần họp bàn với các CLB sớm để thống nhất được phương án cuối cùng sao cho "cả làng đều vui", thay vì ngồi chờ và "câu giờ" như thế này.
Ưu tiên đội tuyển hay V-League? Dự kiến trong tuần này, LĐBĐ Việt Nam sẽ lắng nghe phản ứng từ các CLB tham dự V-League 2021 trước khi cùng Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cân nhắc lại kế hoạch hoãn V-League đến tháng 2-2022. Trong đó, việc ưu tiên cho đội tuyển quốc gia dự vòng loại World Cup 2022 - khu vực...