VPF đã chuyền bóng, chờ VFF ghi bàn
Những phương án cho V-League trở lại sau hai cuộc họp của VPF với các CLB đang chờ một quyết định hợp tình, hợp lý nhất từ cơ quan quyền lực cao nhất bóng đá Việt Nam.
Công ty VPF dưới sự chỉ đạo của VFF đã nhóm họp với CLB đang chơi ở V-League bàn thảo về thời điểm bóng lăn và phương thức thi đấu trở lại dù còn gây nhiều tranh cãi vẫn có những gợi ý sáng nước. Vấn đề còn lại là quyết sách của VFF sao cho có lợi nhất cho các giải đấu với ưu tiên hàng đầu là lợi ích của CLB đang gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19.
Sáng kiến của VFF và VPF cho bóng lăn vào ngày 15-4 hoặc 1-5 đã không nhận được sự đồng tình của hầu hết CLB. Ngay cả phương án chơi cách ly tập trung trên bảy sân vận động ở phía Bắc không có khán giả cũng thiếu tính khả thi vì một số đội bóng sẽ chịu thiệt thòi từ kinh tế đến chuyên môn.
Cái khó của các nhà làm bóng đá Việt Nam không chỉ có mỗi V-League vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng đá kiểu gì, mà còn các giải cúp quốc gia, hay hạng nhất, các giải trẻ sẽ chơi ra sao? V-League giả sử thi đấu tập trung ở một số địa phương thì bóng hạng nhất lăn ở đâu? Dĩ nhiên, mọi thứ đều lệ thuộc diễn biến dịch bệnh COVID-19 đã lắng xuống hoặc bị tiêu diệt cùng sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức các giải đấu.
Cũng không ai dám chắc những địa phương mà VPF ngắm nghía cho bóng lăn có phải là nơi an toàn hơn, mà theo ý kiến của Trưởng đoàn B. Bình Dương Nguyễn Hồng Cường là nếu cơ quan chức năng công bố ở đấy kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ chấp nhận chơi. Còn đặt trường hợp COVID-19 đã bay xa với sự thừa nhận cả nước hết dịch thì không cần đá tập trung không khán giả ở phía Bắc làm gì nữa.
Các CLB quan tâm đến sự an toàn cho cầu thủ, người hâm mộ khi bóng lăn trở lại. Ảnh: TRÂM ANH
Video đang HOT
Nhiều CLB giờ án binh bất động, giao giáo án ở nhà cho cầu thủ tập duy trì. Ảnh: CTV
Đơn giản nếu VPF có thể thỏa thuận cho bóng lăn bằng mọi giá để không thiệt hại hợp đồng với nhà tài trợ và giữ gìn quyền lợi của mình nhưng ngược lại các CLB đá không có khán giả, không phải trên sân nhà chính thức sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều.
Cần biết rất nhiều CLB có lực lượng cổ động viên chịu bỏ tiền mua vé vào sân là nguồn thu chính của đội, là bầu sữa từ các nhà tài trợ không dễ hài hòa lợi ích cho nhau. Chẳng mấy ai chịu mất nhiều tiền để chơi bóng mà tính mục đích còn mơ hồ, hoặc chỉ vì phải đá như “trả nợ” trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu khi “không thể chờ mãi” với kiểu đặt cược với sự mạo hiểm.
Một số phương án khác như V-League chỉ đá một lượt trận thay vì hai lượt như bình thường, tương tự hạng nhất cũng tổ chức như thế, để rút ngắn thời gian cho giải về đích an toàn, đồng thời giúp tuyển thủ quốc gia duy trì phong độ có ổn không? Đặt trường hợp các đội V-League không muốn rớt hạng thì các nhà làm giải tính toán sao với hạng nhất đá với mục tiêu thăng hạng?
Rất nhiều đường chuyền khó của VPF dành cho VFF sau khi nhóm họp chỉ với các đội bóng ở V-League cần một giải pháp thực dụng và hợp lý cho cả tổng thể một nền bóng đá.
Thách thức lớn cho giới cầu thủ
Theo tính toán của các CLB, phải có ít nhất nửa tháng cho đến 20 ngày huấn luyện tập trung và bài bản thì cầu thủ mới tích lũy phong độ cho một giải đấu kéo dài. Đấy cũng là nguyên do nhiều đội bóng không đồng ý cái mốc thời gian quá gấp gáp của VPF đưa ra nhằm lấy số đông biểu quyết cho bóng lăn trở lại khi dịch bệnh COVID-19 đã kiểm soát trong vùng an toàn. Cũng vì không biết đến bao giờ mới tập luyện một cách chính thức khi quyết định cách ly toàn xã hội còn hiệu lực, các CLB chỉ cho cầu thủ duy trì sức khỏe cầm chừng và chủ yếu là ý thức tự giữ gìn phong độ cho mình. Một số đội bóng cho cầu thủ về nhà tự tập, một số khác chia đội theo từng nhóm tìm cảm giác bóng và sân cỏ cùng điều kiện nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tất cả CLB đều có chế độ kiểm tra và quy định phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Đây là thời điểm thử thách ý chí của cầu thủ rất mạnh mẽ trong trường hợp bất khả kháng vì dịch bệnh như tình trạng chung của cả làng bóng thế giới.
GIA HUY – NHƯ QUỲNH
VFF đánh trống, VPF bỏ dùi
VFF đưa ý tưởng và chỉ đạo Công ty VPF họp bàn với các CLB đá V-League về việc thi đấu theo phương thức tập trung nhưng lại không thấy giải pháp chung tay tháo gỡ khó khăn cho các CLB.
Những ngày qua, VPF bị rất nhiều CLB phản ứng mạnh mẽ khi đưa ra phương án thi đấu cách ly tập trung ở phía Bắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa lắng xuống. Còn nhớ một ngày trước khi VPF gửi thư mời CLB bỏ phiếu để quyết định đá hay không đá lại V-League vào hai mốc thời gian 15-4 và 1-5, lãnh đạo VFF đã thông báo ý tưởng cho bóng lăn.
Trong mọi văn bản của VPF đều thường xuyên nhắc đến vai trò chỉ đạo của cổ đông lớn nhất VFF về việc chủ động đón đầu diễn tiến của dịch và nhằm đảm bảo kế hoạch thi đấu của đội tuyển quốc gia lẫn hoạt động nghề nghiệp của cầu thủ. Tuy nhiên, VFF đã không có chính kiến với VPF khi xây dựng kế hoạch thi đấu.
Đáng nói là đại diện của VFF là Tổng thư ký Lê Hoài Anh cũng có mặt trong cuộc họp trực tuyến của VFF nhưng cho đến thời điểm này vẫn không đưa ra giải pháp hữu hiệu, không hẳn là bàn chuyện cho bóng lăn ở V-League mà còn liên quan đến rất nhiều CLB khác ở hạng Nhất (do VPF tổ chức) và hạng Nhì, các giải trẻ trong hệ thống giải của VFF.
Các CLB cần được LĐBĐ hỗ trợ và hướng dẫn những giải pháp để tránh khủng hoảng trong mùa dịch COVID-19 như FIFA nhắn nhủ các liên đoàn. Ảnh: NGỌC DUNG
Dễ thấy những cuộc họp của VPF chẳng đi đến đâu, bởi họ chỉ làm theo chỉ đạo chưa đúng hướng và làm theo cái VPF cần chứ không phải vấn đề các CLB quan tâm. Chẳng hạn, bầu Đức nói rất thẳng nếu các nhà làm bóng đá ngồi lại nói chuyện về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phương án giúp đỡ các CLB thoát khỏi sự khủng hoảng về tài chính khi không thi đấu, chịu đặt lợi ích của CLB là ưu tiên số một thì chắc chắn sẽ được ủng hộ chứ không phải tìm cách bóng lăn để thu tiền.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cũng nói VPF bàn việc bóng V-League lăn trở lại mà không đái hoài đến các đội hạng Nhất, thành viên của mình là đã thiếu sót. Lẽ ra những nhà làm bóng đá phải quan tâm hơn đến sự tồn tại của tất cả CLB trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, tiền đâu ra nuôi cầu thủ?
Nhìn sang láng giềng gần Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT), đích thân ông Chủ tịch FAT Somyot Poonpanmuang tự nguyện giảm 50% lương và yêu cầu các nhân viên FAT làm việc tương tự, kiên nhẫn chờ đại dịch COVID-19 qua đi mới nói chuyện banh bóng. Cách nghĩ và làm của FAT khác hẳn với đồng nghiệp ở VFF với một bộ máy cồng kềnh dè dặt trú ẩn trong lớp vỏ bọc an toàn lại đi "đánh trống" chỉ đạo VPF họp với các CLB đòi bóng lăn rồi cuối cùng cũng "bỏ dùi".
VPF tổ chức hai cuộc họp không thể giải quyết chuyện gì nhưng trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về VFF khi chỉ tính toán quyền lợi cổ đông cao nhất mà thiếu giải pháp hợp tình, hợp lý cho các CLB.
CLB tự cứu mình trước khi VFF để mắt đến
Sau khi VPF phá sản hai phương án thi đấu V-League trở lại và gửi đi báo báo, vẫn chưa thấy VFF có động tĩnh gì. Điều quan trọng hơn là giải pháp của VFF hỗ trợ cho các CLB trong mùa dịch bệnh không thấy nhắc đến, khi họ vẫn bàng quan với những tìm hiểu, đánh giá thiệt hại kinh tế của liên đoàn thành viên để chọn ra hướng giải quyết tốt nhất.
V-League chưa thể đá trở lại, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia chưa khai diễn đã khiến tất cả CLB "đóng băng". Một vài đội bóng đã thỏa thuận giảm lương cầu thủ trong tháng 4 như Nam Định, TP.HCM..., còn một số CLB sẽ tính toán cầm chừng cho đến tháng 5. Trong khi đó, VFF vẫn án binh bất động, dù FIFA kêu gọi các thành viên của mình lên tiếng và hướng dẫn các CLB điều hòa lợi ích khi chung tay gia giảm thiệt hại.
CÔNG TUẤN
Kịch bản được báo trước Trước khi LĐBĐ Việt Nam (VFF), đơn vị tổ chức V-League (VPF) cùng 14 đội dự giải họp hôm nay, 31/3, số phận V-League đã như chỉ mành treo chuông. TP.HCM của Công Phượng (trái) chỉ phải chuyên tâm đá AFC Cup nếu V-League bị hủy. Ảnh: VFF. Cứu cánh duy nhất, cũng là khả dĩ nhất cho V-League là để các đội...