Vòng quanh thế giới xem đồng muối đẹp như “tiên cảnh”
Ngắm nhìn vẻ đẹp “ tiên cảnh” của các khu mỏ muối và hiểu hơn về sự vất vả của những người dân khai thác muối…
Muối là một trong những yếu tố cần thiết cho sự sống của con người. Muối có nhiều trong tự nhiên nhưng nó đòi hỏi con người phải có sự đầu tư khai thác.
Trong quá trình khai thác muối từ các mỏ, con người đã tạo nên những cảnh quan đẹp như hang động muối nằm sâu dưới lòng đất, cánh đồng muối đa màu sắc… Những màu sắc tuyệt đẹp ở các đồng muối thường do sự phản chiếu của ánh sáng Mặt trời và một số loại vi khuẩn ở nước biển.
Cùng chiêm ngưỡng những cánh đồng muối đẹp như tiên cảnh vòng quanh thế giới qua chùm ảnh dưới đây và hiểu thêm về sự vất vả của những người khai thác muối.
Cánh đồng muối Salar de Uyuni nằm tại Bolivia là cánh đồng muối lớn nhất thế giới. Ở độ cao khoảng 3.565m so với mực nước biển, Salar de Uyuni được ví như một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời và khung cảnh thiên nhiên. (Ảnh: David Mercado).
Ảnh chụp từ trên cao hồ muối và khu sản xuất ở mỏ muối Soquimich, trên đồng bằng muối lớn thứ hai thế giới – sa mạc Atacama của Chile. (Ảnh: Ivan Alvarado).
Hình ảnh lớp muối phản chiếu bên dưới mặt hồ ở mỏ muối Salina Turda, thành phố Turda (cách Bucharest, Romania 450km về phía Tây Bắc). Đây được coi là một trong những mỏ muối quan trọng nhất ở vùng Transylvania, Romania.
Mỏ muối này được biết đến từ thời cổ đại, nhưng được đưa vào khai thác trong thời kỳ La Mã. (Ảnh: Daniel Mihailescu).
Cảnh những người dân đang thu hoạch khối muối tại mỏ muối Danakil ở Ethiopia. (Ảnh: Michel Laplace-Toulouse).
Hình ảnh thác muối ở mỏ muối Nemocon, Colombia. Khu mỏ này là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Colombia. (Ảnh: Jose Miguel Gomez).
Video đang HOT
Ảnh chụp một tảng muối hình trái tim được chiếu sáng từ bên trong ở mỏ muối Nemocon, Colombia. (Ảnh: Jose Miguel Gomez).
Hình ảnh du khách tham quan nhà thờ Saint Kinga ở bên trong mỏ muối Wieliczka, gần Krakow, Ba Lan. Với độ dài lên tới 300km, nơi sâu nhất cách mặt đất 300m, mỏ muối Wieliczka là mỏ muối lâu đời thứ hai trên thế giới, được khai thác muối liên tục từ thế kỷ XIII cho đến nay.
Trải rộng trong lòng mỏ là các phòng triển lãm, bảo tàng với các tác phẩm nghệ thuật và những bức tượng điêu khắc từ muối. Đến năm 1978, nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. (Ảnh: Kacper Pempel).
Hình ảnh hai nhân viên thuộc Cơ quan Bảo vệ phóng xạ Liên bang đứng trong hầm lưu trữ số 7 tại mỏ muối cũ Asse ở Remlingen, Đức. Mỏ muối này được sử dụng như một kho lưu trữ chất thải phóng xạ. (Ảnh: Joerg Sarbach).
Hình ảnh một công nhân đi qua các mỏ muối Maras, thuộc Cuzco, Peru. Mỏ muối Maras được khai thác từ nền văn minh thời tiền Inca. Ngày nay, mỏ vẫn còn khoảng 3.000 hồ muối nhỏ được xây dựng trên sườn núi tại thung lũng Urubamba ở vùng Andean, Cuzco. (Ảnh: Enrique Castro-Mendivil).
Hình ảnh ghi lại bên trong mỏ muối Praid, cách 350km về phía Bắc thủ đô Bucharest, Romania. Một phần của khu mỏ này nằm ở độ sâu 160m dưới mặt đất và cách lối vào 1,3km đang được mở cửa cho khách du lịch vào tham quan.
Do có lượng khí ion hóa và áp suất không khí cao hơn so với trên mặt đất nên mỏ muối được sử dụng như một liệu pháp chữa các bệnh về hô hấp như viêm phế quản hay hen suyễn. (Ảnh: Radu Sigheti).
Một công nhân làm việc tại đồng muối có màu hồng rực tại nhà máy sản xuất muối ở Nangqian, tỉnh Qinghai, phía Tây Bắc Trung Quốc. (Ảnh: Simon Zo).
Hình ảnh những hồ nước khoáng màu của đồng bằng muối tại bờ biển Senegal gần biên giới với Gambia. Những người phụ nữ lấy muối bằng tay không và cho vào những bao 50kg, bán cho nước láng giềng Mauritania với giá 2 USD/bao (khoảng 40.000 VND). Người Mauritania chủ yếu dùng muối để bảo quản cá ở những nơi không có điện. (Ảnh: Finbarr O’Reilly).
Một người phụ nữ đi qua cánh đồng có hàng trăm đụn muối đang thu hoạch ở gần làng Ngaye-Ngaye, cách Senegal 10km về phía Nam. Có khoảng 3.000 người, chủ yếu là phụ nữ làm việc hàng giờ dưới trời nắng để thu hoạch muối bằng các cây gậy và tay không.
Làm vất vả như vậy nhưng số tiền họ kiếm được không đáng bao, chỉ khoảng 1 – 2 USD/ngày (khoảng 20 – 40.000 VND). (Ảnh: Finbarr O’Reilly).
Hình ảnh con trai của một công nhân khai thác muối đang vui đùa trên cánh đồng muối xếp tầng ở Bhavnagar, Gujarat, miền Tây Ấn Độ. (Ảnh: Arko Datta).
Theo Kenh14
Bãi tắm tiên giữa lòng Hà Nội
Người Hà Nội vốn kín đáo nên khi nói Hà Nội có một bãi tắm tiên, mà chẳng phải ở đâu xa, nó nằm giữa lòng Thủ đô... thì nhiều người không tin là nó có thật.
Xin được tiết lộ luôn là bãi tắm tiên, hay nói theo cách văn hoa là "tắm nude" còn nói dân dã như những người ở đây là "tắm chuồng" nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, một cây cây cầu đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi của Hà Nội. Mà đặc biệt hơn nữa, bãi tắm này có hai khu với số lượng thành viên CLB "tắm tiên" vào mùa hè lên đến hàng trăm người.
"Tiên cảnh" của những gã tắm tiên
Tôi tình cờ biết đến bãi tắm tiên này vì hay đi lang thang ở khu vực bãi giữa dưới chân câu Long Biên. Đó là một không gian rất khác với Hà Nội thường nhật dù chỉ cách Bờ Hồ có chưa đầy 2 cây số. Nếu lấy hồ Hoàn Kiếm là trung tâm (mà thường là người Hà Nội luôn mặc nhiên công nhận điều đó) và so về khoảng cách thì chỗ bãi giữa này còn trung tâm hơn nhiều những khu cao ốc ở... Mỹ Đình, Trung Hoà- Nhân Chính...
Không gian ở đây rất khác vì gần Tháp Rùa đến thế mà nó giống như một làng quê có bãi mía, cánh đồng trồng ngô, có những người nông dân ngày ngày trồng tưới, chăm sóc cho thửa ruộng nằm trên bãi bồi do phù sa sông Hồng tạo nên.
Không biết từ bao giờ những bãi tắm tiên này hình thành, chỉ biết rằng số lượng thành viên cứ đông dần lên khi họ có chung một thú vui và sở thích: tắm chuồng và ngắm nhìn Hà Nội từ giữa dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Các thành viên câu lạc bộ (CLB) tắm tiên tụ họp theo "ca sáng" và "ca chiều". Vào mùa hè, "ca chiều" đông đúc hơn trong khi đó mùa đông để tránh rét, CLB tắm tiên lại tụ họp từ 10 sáng đến 12 giờ trưa. Anh Hoàng Anh quả quyết: "Tôi đã tham gia bãi tắm tiên này được gần chục năm nay và hầu như chưa ngày nào nghỉ. Những người ra đây không hẹn nhau, cũng không tụ họp ở những địa điểm khác, không gian khiến chúng tôi quen biết nhau, gặp nhau và giao lưu chỉ nằm duy nhất ở bãi tắm sông Hồng này".
Các thành viên bãi tắm tiên ở nhiều độ tuổi khác nhau, già có, trẻ có. Cao lão nhất có người đã hơn 70 tuổi, còn trẻ nhất mới chỉ đôi mươi xuân xanh. Nghề nghiệp của họ cũng rất khác nhau, đa phần đều là công chức về hưu. Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên là một thầy giáo của một trường trung học ở Hà Nội thường được "cư dân" tắm tiên gọi là "giáo Bình", bảo rằng: "Điểm chung gần như là duy nhất của hội tắm tiên này là tất cả đều yêu thiên nhiên và thích đi... xe đạp, không thích những nơi ồn ào, xô bồ".
Theo ông "giáo Bình", bãi tắm tiên ở chân cầu Long Biên không chỉ giúp những người yêu thiên nhiên được hoà mình vào dòng chảy tự nhiên nhất mà còn được ngắm nhìn rất nhiều cảnh đẹp của Hà Nội. Từ đây, nhìn về phía Nam là cầu Chương Dương, rồi cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, phóng tầm mắt về phía Bắc có cây cầu Nhật Tân đang sắp đến ngày hợp long. Ngoái lại phía sau là khu phố cổ Hà Nội giờ cũng mọc lên nhiều cao ốc như vẻ đẹp chấm phá trong bức tranh Hà Nội cổ xưa
"Nhiều người nghĩ chúng tôi bệnh hoạn"
Không phải cư dân Hà Nội nào cũng biết về bãi tắm tiên giữa lòng Thủ đô này, mà kể cả có biết không phải ai cũng đủ "dũng cảm" để mò xuống đây cũng như... nhập hội.
Trong ánh mắt và ý nghĩ của nhiều người "đứng đắn" thì đám đàn ông tắm tiên ở đây là lũ người "dở hơi", bất bình thường, thậm chí "bệnh hoạn". Họ nghĩ rằng chỉ nhưng gã trai có vấn đề về giới tính mới thoải mái nude trước mặt nhau, thoải mái khoe cơ thể cho nhau xem và đôi khi họ bàn tán cả về chủ đề "súng ống" của nhau. Ông "giáo Bình" lúc đầu cũng không hoan nghênh những kẻ lạ mặt như tôi tìm đến họ để hỏi về những câu chuyện xung quanh bãi tắm này vì cũng đã có nhiêu dư luận bàn tán không hay về bãi tắm và không gian của họ.
Nhưng sự thật mà tôi phát hiện ra ở bãi tắm tiên này ngược hẳn với những gì dư luận vẫn nghĩ. Họ không những không phải là những người "bệnh hoạn" mà còn là những người nhờ tắm tiên, nhờ sống hoà mình vào thiên nhiên mà đã đầy lùi được bệnh tất.
Không ít những người đàn ông trước khi đến bãi tắm này mang trong mình những căn bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, huyết áp cao, nhiều người béo phì đã nhiều năm và dùng đủ mọi biện pháp ăn kiêng vẫn không thay đổi được tình hình. Tuy nhiên, bãi tắm này như một phép màu đã thay đổi cuộc sống của họ.
"Đó là lý do giải thích tại sao, dù mùa đông lạnh cắt da cắt thịt nhiệt độ Hà Nội chỉ còn 5 độ C bãi tắm này vẫn xôm tụ, ngày lễ, ngày Tết cũng không có gì ngoại lệ"- ông "giáo Bình" chia sẻ. Ở đây, những người đàn ông mình trần như nhộng, làn da đen nhẻm vì cháy nắng cùng nhau bơi, cùng nhau tập thể dục, có người ngồi thiền, luyện yoga, có người tập chạy dọc bãi sông. Hình như khi được hoà mình vào thiên nhiên, nhiều căn bệnh do thời đại và sinh hoạt tạo nên tan biến. "Khi tắm chuồng cũng là lúc chúng tôi được lắng nghe cơ thể mình"- một người phân tích và nói thêm rằng: "Vì thế việc tắm tiên mang lại rất nhiều lợi ích về cảm giác và tinh thần chứ không chỉ là thể chất".
Sau nhiều lần xuống với bãi tắm tiên này trở thành người bạn của các thành viên CLB, chính tôi đã được rủ xuống đây với lý do: "Nếu quan tâm tới bản thân và sức khoẻ của chính mình thì đây là một địa chỉ tuyệt vời. Hai tiếng mỗi ngày đều đặn trong vài tháng bạn sẽ thấy sức khoẻ của mình thay đổi rõ ràng theo chiều hướng tích cực"- nhiều thành viên khuyên tôi như thế.
Họ, trước đây cũng từng đi bơi ở những bể bơi bình dân có, cao cấp có, sang trọng cũng có trong thành phố nhưng rồi tất cả không thể chịu được cảnh bơi trong bể nước tù túng. Có một chi tiết lý thú nữa mà tôi tình cờ phát hiện, hầu hết các thành viên đến bơi ở đây đều đi xe đạp và đặc biệt tất cả đều là dân Hà Nội "gốc" chứ không chỉ có "mác" Hà Nội hay "hộ khẩu" Hà Nội.
Tôi nhớ, nhà văn Nguyễn Việt Hà, tác giả của tập tạp văn "Con trai phố cổ" có một bài viết rất hay nói về bọn con tra sinh ra và lớn lên phố cổ Hà Nội. Anh gọi họ là những "gã cao bồi". Ở bãi bồi ven sông này hình như cũng có những gã cao bồi mà tôi dám chắc thiếu họ Hà Nội sẽ mất đi nhiều lắm sự thi vị.
Năm nào cũng có "rái cá" chết đuối Điều duy nhất khiến tôi sợ khi đến bãi tắm này không phải là những người đàn ông mình trần, tất cả cùng nhau sinh hoạt trong không gian của họ như sống ở thời... nguyên thủy mà là việc năm nào ở bãi tắm này cũng có người chết đuối. Anh Lê Đức Long kể: "Những người đã xuống đây đều là những người bơi giỏi, có một số thành viên còn được gọi là rái cá sông Hồng nhưng vẫn có những tai nạn đáng tiếc". Nhìn con nước sông Hồng êm đềm, hiền hoà là vậy nhưng năm nào cũng có người mất mạng trong tay hà bá. Chính vì thế, dù bơi không quần áo nhưng nhiều người vẫn quả quyết, tốt nhất khi đã xuống sông là phải có chiếc phao để đề phòng bất chắc.
Theo Mạnh Duy
Triều Tiên cảnh báo về "cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện" Cảnh báo nhằm phản ứng cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 tới. Hãng KCNA Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Uỷ ban Tái thống nhất Hoà bình Triều Tiên (CPRK) ngày 15/1 cảnh báo, bất cứ cuộc tập trận quân sự nào cũng sẽ tương đương với lời tuyên bố "chiến...