Vòng luẩn quẩn trong việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội
Sau khi đi một vòng, cuối cùng Thành phố Hà Nội lại quay về phương án xét tuyển giáo viên hợp đồng theo Nghị định 161.
Thành phố Hà Nội chốt phương án tuyển dụng giáo viên hợp đồng không ai ngờ đến
Những ngày tháng 5/2020, nắng như đổ lửa cũng không bằng ngọn lửa trong lòng những giáo viên hợp đồng tại Hà Nội. Cô giáo Quỳnh Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn miệt mà đi dạy…không lương, để hoàn tất công tác chủ nhiệm trong năm học này trước khi bị loại khỏi ngành giáo dục.
Tuy nhiên với công văn mới nhất của Bộ Nội vụ cánh cửa đặc cách của giáo viên hợp đồng Hà Nội càng hẹp hơn.Tình cảnh của cô Phương cũng là tình cảnh chung của hàng nghìn giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội – những con người mòn mỏi đợi đặc cách mặc dù việc này đã được chỉ đạo lên, chỉ đạo xuống gần 1 năm nay.
Cụ thể, trả lời công văn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Nội vụ cho biết: Việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ không yêu cầu phải thực hiện theo quy trình tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định số 161.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tuyển dụng, việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện phương án xét tuyển theo Nghị định 161 là thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân Thành phố theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cuối cùng vòng luẩn quẩn của vụ giáo viên hợp đồng Hà Nội lại quay về thời điểm ban đầu.
Bộ Nội vụ để mở phương án tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 161 (Ảnh:V.N)
Còn nhớ, trước đây Thành phố Hà Nội đã phải có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ tháo gỡ những vướng mắc trong việc xét đặc cách giáo viên hợp đồng theo Nghị định 161.
Vướng mắc nằm ở điều kiện thứ 4: Giáo viên ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, giảng dạy trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Đại diện của Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Với điều kiện này không có bất cứ ai trong tổng số gần 3000 giáo viên hợp đồng đủ tiêu chuẩn để được đặc cách.
Để khắc phục những vướng mắc này, Bộ Nội vụ đã ban hành công văn 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước với những tiêu chí, điều kiện rõ ràng, cụ thể.
Công văn 5378 của Bộ Nội vụ cũng là cơ sở để nhiều địa phương tiến hành xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm, hợp lòng dư luận, nức lòng giáo viên. Trên cơ sở công văn 5378 thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát xong các đối tượng giáo viên hợp đồng lâu năm đủ điều kiện đặc cách và còn hứa chắc nịch: Sẽ giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng lâu năm trước quý I/2020.
Video đang HOT
Giáo viên hợp đồng Sóc Sơn tiếp tục viết đơn kêu cứu (Ảnh:V.N)
Thế nhưng với bước ngoặt không thể ngờ của Sở Nội vụ Hà Nội và Bộ Nội vụ thì mọi chuyện lại quay trở về vòng luẩn quẩn ban đầu.
Phương án đề xuất của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng như sau:
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết sẽ xây dựng kế hoạch xét tuyển theo quy định của Nghị định số 161/2018 của Chính phủ trên cơ sở số giáo viên hợp đồng đã được rà soát.
Cụ thể, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch xét tuyển, công bố công khai các chỉ tiêu giáo viên còn thiếu. Giáo viên hợp đồng trong danh sách được đăng ký vào chỉ tiêu theo nguyện vọng, nộp phiếu đăng ký xét tuyển tại Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã. Sở Nội vụ tổng hợp, công bố kết quả đăng ký xét tuyển.
Trên cơ sở đăng ký lần đầu, Thành phố cho phép giáo viên dự tuyển được điều chỉnh nguyện vọng trong toàn Thành phố. Bước này được thực hiện 2 lần với mục đích giảm thiểu sự cạnh tranh.
Trên cơ sở số giáo viên hợp đồng đã điều chỉnh nguyện vọng 2 lần, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã sẽ chốt danh sách đăng ký xét tuyển, thành lập Hội đồng xét tuyển và tổ chức sát hạch theo quy định.
Các trường hợp giáo viên hợp đồng không đăng ký dự tuyển hoặc không trúng tuyển do sát hạch không đạt yêu cầu sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động và tham gia và các kỳ tuyển dụng tiếp theo của Thành phố.
Quá thất vọng và hụt hẫng, một giáo viên hợp đồng tại Hà Nội phải thốt lên:
“Thành phố đá quả bóng rất giỏi. Nếu đứng trong cương vị người ngoài thì đây quả thực là một trận cầu hấp dẫn còn chúng tôi đã khóc cạn nước mắt”.
“Chúng tôi đã từng tin tưởng vào lời hứa của lãnh đạo Thành phố”
Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến (Sơn Tây) viện dẫn câu chuyện về lời hứa của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu:
“Sinh thời có một mẩu chuyện về Bác mà tôi thấy rất cảm động. Đó là câu chuyện về việc giữ lời hứa (chữ Tín).
Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!”.
Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói: “Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu”. Nói xong, Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác.
Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé.
Bác nói: “Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ Tín”.Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt.
Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.”
Câu chuyện này như nhắc nhở về chữ Tín đặc biệt là giữ chữ Tín trên cương vị một người lãnh đạo, một người cán bộ vì nhân dân.
Tại sao thầy Tiến lại kể câu chuyện về chữ Tín? Bởi vì hơn 1 năm nay, nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đã chấp nhận đi dạy lương thấp, không đóng bảo hiểm, đi dạy không lương…vì tin tưởng vào lời hứa của các Sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã từng cam kết: Sẽ giải quyết xong vấn đến giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội trước qúy I/2020 và vẫn sẽ thực hiện lời hứa của Chủ tịch thành phố trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ cách đây 20 năm, bao gồm cả chế độ bảo hiểm. Hà Nội cũng đã dành ra 3.000 chỉ tiêu biên chế để xử lý những tồn đọng này.
Sau nhiều lần trì hoãn, Hà Nội vẫn không tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng mặc dù Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã tiến hành xét tuyển đặc cách đối tượng này.
Có thể tới đây, gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội sẽ được xét đặc cách hoặc không. Thế nhưng mãi về sau khi nhắc về những ngày tháng 5, tháng 6 lịch sử của năm 2019, 2020 họ vẫn sẽ kể về câu chuyện lời hứa.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm (Sóc Sơn) tâm sự: “Chúng tôi hoàn toàn thất vọng về phương án Sở Nội vụ Hà Nội trình Bộ Nội vụ vì đây không phải là xét tuyển đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Bộ nội vụ.
Thứ nhất, theo chỉ đạo của Trung ương là phải xét tuyển đặc cách xong mới thi tuyển theo 161. Thứ hai, theo công văn Bộ nội vụ trả lời HN, bộ đã nói rất rõ ràng là không cần theo nghị định 161. Chúng tôi đã từng tin tưởng vào lời hứa của lãnh đạo Thành phố.
Vì vậy chúng tôi vẫn đang chờ một quyết định hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân”.
Hà Nội xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng như thế nào?
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội (UBND TP) vừa có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ về việc xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng. Theo văn bản này, UBNDTP Hà Nội xây dựng kế hoạch tuyển dụng rất chi tiết.
Công văn gửi Bộ Nội vụ của UBNDTP Hà Nội cho biết tổng số hồ sơ của GVHĐ toàn thành phố đã ra soát, thu nộp là 2.028 hồ sơ. Trong đó mầm non là 842 hồ sơ, Tiểu học 380 hồ sơ, THCS 806 hồ sơ. Số hồ sơ này được phân loại thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất có 1.514 GVHĐ, hồ sơ hoàn toàn phù hợp với các tiêu chỉ của công văn 5378 của Bộ Nội vụ về xét tuyển dụng đặc cách GVHĐ (mầm non 729 hồ sơ, Tiểu học 207 hồ sơ và THCS là 568 hồ sơ).
Nhóm thứ hai có 241 GVHĐ nhưng thời gian hợp đồng 9 tháng/năm học có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, không ký hợp đồng 3 tháng hè do ngân sách địa phương không đảm bảo (Tiểu học 104, THCS 137).
Nhóm thứ 3 có 273 GVHĐ, những giáo viên này đều thuộc hai đơn vị là Sơn Tây 67 giáo viên, Ba Vì 206 giáo viên, có thời gian hợp đồng liên tục, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ trước 31/12/2015, nhưng đã chấm dứt hợp đồng khi kết thúc năm học vào tháng 5/2019, tháng 9/2019 (Mầm non 103, Tiểu học 69 và THCS 101).
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, năm học 2019-2020 toàn thành phố còn 5.136 biên chế giáo viên (khối mầm non là 1.938, Tiểu học là 1.644, THCS là 1.554), số lượng chỉ tiêu này cao hơn 2 lần để thực hiện việc tuyển dụng giáo viên đang hợp đồng lao động đã được thống kê và thu nộp hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Các trường học của 30 quận, huyện, thị xã sẽ đăng ký và công khai toàn bộ các chỉ tiêu giáo viên hiện còn thiếu só với biên chế viên chức giáo viên được giao của năm 2020.
Các GVHĐ có thể đăng ký vào chỉ tiêu bất kỳ phù hợp với yêu cầu về trình độ và nguyện vọng của cá nhân, không nhát thiết phải tại nơi đăng ký hợp đồng.
Về phương án tuyển dụng, UBNDTP Hà Nội cho biết, trên cơ sở số lượng giáo viên hợp đồng đã rà soát cụ thể, thành phố xây dựng kế hoạch xét tuyển theo Nghị định 161 của Chính phủ cho các trường hợp GVHĐ trên.
Quy trình thực hiện gồm: UBNDTP ban hành kế hoạch xét tuyển, công bố công khai 5.136 chỉ tiêu giáo viên còn thiếu, cụ thể, chi tiết tới từng môn, từng trường trên toàn thành phố; trong đó giao:
UBND quận, huyện, thị xã tiếp nhận phiếu đăng ký xét tuyển đối với giáo viên nêu trên để thực hiện tuyển dụng. Các giáo viên trong danh sách nêu trên được đăng ký chỉ tiêu phù hợp theo nguyện vọng.
Sở Nội vụ tổng hợp công bố kết quả đăng ký xét tuyển (những chỉ tiêu chưa có người đăng ký, nơi có người đăng ký thấp hơn chỉ tiêu, nơi có người đăng ký cao hơn chỉ tiêu).
Trên cơ sở hiện trạng đăng ký lần đầu, UBND TP cho phép giáo viên dự tuyển được điều chuyển nguyện vọng trong toàn thành phố (bước này dự kiến làm hai lần để mục đích giảm thiểu sự cạnh tranh).
UBND quận, huyện, thị xã chốt danh sách đăng ý xét tuyển (trên cơ sở các GVHĐ đã được điều chỉnh nguyện vọng 2 lần).
Như vậy, sẽ xẩy ra các trường hợp như: Có chỉ tiêu sẽ có nhiều người đăng ký; có chỉ tiêu có 1 người đăng ký và sẽ có chỉ tiêu không có người đăng ký dự tuyển.
Tại nơi có nhiều người đăng ký vào 1 chỉ tiêu thì các thí sinh phải chấp nhận cạnh tranh trong sát hạch (vì đã được điều chỉnh nguyện vọng 2 lần).
UBND quận, huyện, thị xã thành lập hội đồng xét tuyển và tổ chức sát hạch theo quy định. Nội dung hình thức sát hạch theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp GVHĐ nêu trên không đăng ký dự tuyển hoặc không trúng tuyển do sát hạch không đạt yêu cầu sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động và đượ tham gia dự tuyển tại các kỳ tuyển dụng sau của thành phố theo quy định tại Nghị định 161 của chính phủ.
Như vậy, với phương án này của Hà Nội, chỉ những nơi có số GVHĐ đăng ký xét tuyển vượt quá chỉ tiêu cho phép mới phải sát hạch theo Nghị định 161. Còn lại nếu có chỉ tiêu và số lượng GVHĐ đăng ký đủ hoặc ít hơn chỉ tiêu thì GVHĐ sẽ được tuyển dụng đặc cách.
Hà Đông có 21 giáo viên hợp đồng được đặc cách, vẫn thiếu 600 viên chức giáo dục Đó là thông tin được ông Vũ Ngọc Phụng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết tại cuôc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ngày 11/2, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức giao ban báo chí. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Hà Đông (Hà Nội) đã thông tin...