Vòng loại thứ 3 World Cup 2022: Tuyển Việt Nam cần thêm ‘chất thép’
Việc thầy trò HLV Park Hang- seo có lần đầu tiên lọt đến vòng loại cuối cùng một kỳ World Cup là câu chuyện lịch sử của bóng Việt Nam.
Để câu chuyện ấy kết thúc có hậu, ông thầy người Hàn Quốc cần xây dựng thêm chất thép cho đội tuyển Việt Nam nhằm đối chọi với những hòn đá tảng của châu Á.
Tuyển Việt Nam cần thêm “chất thép” để đối chọi với những đội bóng vượt trội hơn về mọi mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Nỗi lo quá tải
Những năm qua, HLV Park Hang- seo đã liên tiếp tạo nên những kỳ tích cho bóng đá Việt Nam. Dù vậy, với ông thầy đến từ xứ sở kim chi này, việc “gửi vàng cho người quen” luôn được ông ưu tiên. Đội hình tuyển Việt Nam chinh phục các giải đấu tuy có chiều sâu nhưng trên thực tế HLV Park Hang Seo vẫn lựa chọn những cá nhân quen thuộc để điền tên vào đội hình xuất phát.
Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 lần này, đội tuyển nằm ở bảng B với sự góp mặt của những đối thủ Nhật Bản, Oman, Saudi Arabia, Trung Quốc và Australia. Như đã nhận định, rõ ràng đây đều là những đội bóng hàng đầu châu Á nên mục tiêu của thầy trò HLV Park Hang- seo không ngoài việc cọ xát, tạo bàn đạp hướng đến World Cup 2026 khi châu Á có 8 suất dự vòng chung kết. Dẫu vậy, ở lần đầu tiên này, ít nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn mong Quang Hải và các đồng đội làm nên một điều gì đó gây bất ngờ.
Với những gì đã diễn ra ở những giải đấu đã qua, lần này, không ít người hâm mộ đội tuyển Việt Nam vẫn nhận định thầy Park sẽ chọn bộ khung quen thuộc để thi đấu với các đối thủ. Điều này cũng khiến nỗi lo quá tải càng hiện hữu. Những vấn đề mà các cầu thủ thi đấu ở vị trí hậu vệ của đội tuyển Việt Nam gặp phải là minh chứng rõ nhất cho điều này. Qua bao trận đấu, thầy Park vẫn đặt niềm tin vào bộ ba Quế Ngọc Hải, Tiến Dũng cùng Duy Mạnh, giao cho họ nhiệm vụ trấn giữ khung thành đội tuyển Việt Nam. Sau 3 trận đấu tại UAE ở vòng loại thứ 2 vừa qua, cả Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải đã rơi vào trạng thái quá tải khi trở về tập trung cùng CLB Viettel chinh phục giải đấu AFC Champions League trên đất Thái Lan. Ở những trận đấu trên đất chùa Vàng, Quế Ngọc Hải và Tiến Dũng đã bị căng cơ nên phong độ đi xuống rõ rệt. Điều này cũng đã khiến cho đại diện Việt Nam liên tiếp nhận các bàn thua trước các CLB của Thái Lan và Hàn Quốc. Đáng nói, cả Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải đều là trụ cột của đội bóng áo lính nhưng họ không thể thi đấu trọn số phút cho CLB.
Không riêng gì bộ đội “trung vệ thép” của tuyển Việt Nam, những người đá ở trên cũng có dấu hiệu quá tải khi liên tiếp cày ải từ giải này sang giải khác, kể đến như Trọng Hoàng, Tuấn Anh, Văn Toàn…
Rõ ràng, với việc quá đặt niềm tin vào bộ khung nhất định đôi khi sẽ là con dao hai lưỡi. Vấn đề bây giờ là HLV Park Hang- seo cần linh động thay đổi, tìm kiếm những gương mặt mới có thể gánh vác trọng trách để có thêm phương an thay thế, nhất là khi tuyển Việt Nam phải đụng độ những đội bóng mạnh, đẳng cấp hơn rất nhiều về mọi mặt.
Bài toán nan giải
Video đang HOT
Lý thuyết là vậy nhưng để tìm ra lời giải đáp thật không dễ với HLV Park Hang- seo cùng các cộng sự vào lúc này. Đá với những “ông lớn” châu Á đương nhiên chúng ta phải ưu tiên phòng ngự. Ở 10 trận đấu sắp tới, chắc hẳn thầy Park không thể duy trì sơ đồ với 3 hậu vệ như trước được nữa, thay vào đó là 4, thậm chí là 5 hậu vệ để dựng “lá chắn thép” trước khung thành đội tuyển Việt Nam trước khi tìm cơ hội phản công, ghi bàn. Thực tế, với đội tuyển Việt Nam bây giờ, việc tìm thêm “chất thép” là vô cùng khó. Chưa kể đến V-League 2021 đang tạm hoãn vô thời hạn khiến thầy Park mất đi cơ hội để săn tìm tài năng.
Trước đây, khi Đỗ Hùng Dũng chưa dính chấn thương nặng, cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội này luôn là ưu tiên hàng đầu của thầy Park ở khu vực trung tâm. Hùng Dũng đóng vai trò như con thoi, vừa điều phối bóng vừa tổ chức ngăn chặn đối thủ tấn công. Từ ngày Dũng “chíp” nghỉ dưỡng thương, thầy Park đã phải loay hoay tìm người “trám” vị trí. Có khi ông chọn Quang Hải, có khi chọn Tuấn Anh, Xuân Trường, Hoàng Đức. Dù mỗi cầu thủ có thế mạnh riêng song có thể nhận thấy, vai trò của Hùng Dũng chưa thể được các đồng đội khỏa lấp. Tuấn Anh, Xuân Trường có thể làm tốt việc cầm trịch trận đấu, phất những đường bóng dài lên phía trên song ở vai trò phòng ngự thì không thể qua được Hùng Dũng. Khi tuyển Việt Nam bước vào những trận cầu đòi hỏi sức lực để càn lướt với những đối thủ cao to, khỏe mạnh như Australia, Oman hay Saudi Arabia thì việc phải tìm thêm “chất thép” để củng cố hàng thủ là điều ban huấn luyện cần phải nghĩ đến đầu tiên, dù biết là khó.
Nói gì thì nói, với thầy Park, ông sẽ “liệu cơm để gắp mắm”, miễn sao cho tuyển Việt Nam có được bộ mặt mới, thi đấu quyết tâm và mạnh mẽ hơn. Hiện nay, khi V-League chưa thể quay trở lại cũng là cơ hội để thầy Park hội quân sớm nhằm có những tính toán phù hợp. Việt Nam sẽ đá trận đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á vào 2-9 trước đội chủ nhà Saudi Arabia. Để thi đấu trên đất khách, đương nhiên thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ di chuyển trước đó ít ngày nhằm làm quen thời tiết, sân bãi. Bởi vậy, trong tháng 8, ban huấn luyện nên tính đến việc cho các cầu thủ hội quân sớm. Việc gọi nhiều cầu thủ để đấu tập, thi triển chiến thuật rồi sàng lọc dần như cách mà thầy Park từng làm trước 3 trận đấu lịch sử trên đất UAE vừa qua là phương án nên được ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam tính tới.
Đối thủ đầu tiên của tuyển Việt Nam tại vòng loại ba mạnh cỡ nào?
Dự 5 trong 7 kỳ World Cup gần nhất, Saudi Arabia là đại diện hùng mạnh và ổn định bậc nhất của châu Á trong 20 năm qua.
Saudi Arabia sẽ là đối thủ đầu tiên của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 vào ngày 2/9 tới.
Bóng đá Việt Nam và Saudi Arabia vốn không có nhiều giao điểm. Lần gần nhất hai đội gặp gỡ là vòng loại World Cup 2002, nơi tuyển Việt Nam thua lần lượt 0-4 và 0-5 sau 2 trận. So với UAE, Qatar, Iraq hay Jordan, Saudi Arabia là đối thủ Tây Á tuyển Việt Nam ít đối đầu hơn cả.
Tuy nhiên, các học trò của HLV Park Hang-seo không cần chạm trán thường xuyên để mường tượng được sức mạnh của Saudi Arabia. Có điểm trước đối thủ này đã là thành công của tuyển Việt Nam.
Saudi Arabia dự 5 trong 7 kỳ World Cup gần nhất và có 3 lần đăng quang Asian Cup. Ảnh: AP.
Đẳng cấp "Chim ưng xanh"
Bóng đá châu Á có 2 thống kê phổ biến để định lượng sức mạnh của đội tuyển quốc gia là số lần dự World Cup và vô địch Asian Cup.
Từ năm 1994 đến nay, Saudi Arabia có 5 lần góp mặt ở sân chơi danh giá nhất thế giới, chỉ xếp sau Nhật Bản, Hàn Quốc ở châu Á. Không chỉ đá World Cup thường xuyên, Saudi Arabia còn vô địch Asian Cup 3 lần (6 lần đá chung kết). Ở đấu trường vùng vịnh, Saudi Arabia đá chung kết 10 lần, vô địch 3. Đại diện Tây Á hội đủ yếu tố của một đội mạnh: dự World Cup thường xuyên, vô địch khu vực và châu Á nhiều lần.
Toàn đội hình Saudi Arabia đang chơi bóng ở giải quốc nội. Nếu Iran, Iraq có cầu thủ thi đấu tại châu Âu, UAE nhập tịch cầu thủ còn Qatar gửi gắm lứa U23 đến các đội hạng trung ở những nền bóng đá ưu tú, Saudi Arabia có hướng đi khác biệt.
Mức đãi ngộ rất cao khi chơi cho các CLB quốc nội khiến cầu thủ Saudi Arabia dường như không có nhu cầu xuất ngoại.
Tuy nhiên, không cần cầu thủ chơi bóng ở châu Âu, Saudi Arabia vẫn rất mạnh. Ở vòng loại thứ hai, thầy trò HLV Herve Renard nằm ở bảng đấu khó với Uzbekistan (hạng 12 châu Á) và Palestine (hạng 18). Saudi Arabia thể hiện sức mạnh áp đảo với 6 chiến thắng và 2 trận hòa, giành 20/24 điểm tối đa. Dù hết mục tiêu ở trận cuối, nhưng Saudi Arabia vẫn nhấn chìm một Uzbekistan đang khát điểm tới 3 bàn không gỡ.
Ngôi sao lớn nhất của Saudi Arabia là HLV Renard. Chiến lược gia người Pháp từng bị CLB Nam Định sa thải ở những năm đầu sự nghiệp trước khi sang châu Phi và trở thành huyền thoại tại đây.
Ông là chiến lược gia đầu tiên vô địch châu Phi với 2 đội tuyển khác nhau (Zambia và Bờ Biển Ngà). Tại World Cup 2018, Renard giúp Morocco chơi ấn tượng ở vòng bảng khi thua sát nút Bồ Đào Nha và cầm hòa Tây Ban Nha bằng lối đá tấn công hoa mỹ, sòng phẳng. Đẳng cấp của HLV Renard giúp ông được Saudi Arabia trải thảm đỏ. 22 bàn sau 8 trận ở vòng loại thứ hai là minh chứng cho thấy "Chim ưng xanh" (biệt danh của Saudi Arabia) vẫn đang đi đúng hướng.
Saudi Arabia nhấn chìm Uzbekistan, Palestine ở vòng loại thứ hai. Thầy trò HLV Herve Renard đang có phong độ cao. Ảnh: AFC.
Dưới thời HLV Renard, Saudi Arabia ưu tiên sử dụng sơ đồ 4-2-3-1. Bộ đôi tiền vệ trung tâm Abdullelah Al-Malki và Abdullah Otayf giữ vai trò cầm nhịp. Bộ ba tấn công Fahad Al- Muwallad, Salem Al-Dawsari và Salman Al-Faraj đá phía sau, hỗ trợ trung phong cắm Firas Al-Birakan.
Đội bóng của Renard thường xuyên hoán đổi vị trí, nhân sự để đương đầu với từng đối thủ cụ thể. Tuy nhiên, cách chơi của Saudi Arabia được định hình từ năm 2019. Đội bóng áo xanh có lối chơi tương đối giống UAE khi chú trọng kiểm soát bóng, phá vỡ đội hình đối phương bằng những đường chuyền ngắn hoặc chọc khe để các mũi tấn công chạy chỗ vào khoảng trống.
Các tiền vệ Saudi Arabia ưa thích sử dụng các pha đấu tay đôi để đánh bại hậu vệ đối thủ, đặc biệt là hai cầu thủ đá cánh Al-Muwallad và Al-Dawsari. Cánh trái của Al-Dawsari là hướng tấn công chủ lực của Saudi Arabia suốt 8 trận vòng loại.
Cầu thủ đẳng cấp nhất của Saudi Arabia là Al-Faraj. Thủ quân 31 tuổi không chỉ có tốc độ, kỹ thuật mà còn sở hữu cái chân trái khéo léo, xâm nhập vùng cấm ấn tượng và dứt điểm thông minh. Al-Faraj chỉ ghi 7 bàn trong 10 năm khoác áo tuyển, nhưng 4 trong số đó được thực hiện dưới thời của HLV Renard. Chiến lược gia người Pháp đẩy Faraj chơi sát vòng cấm, biến anh thành cây săn bàn lợi hại.
Saudi Arabia cũng có điểm yếu. Do tự tin vào trình độ kỹ thuật, các hậu vệ của "Chim ưng xanh" thường có những đường chuyền mạo hiểm ở tuyến dưới. Saudi Arabia cũng không phải đội bóng có kỷ luật phòng ngự quá ấn tượng khi các cầu thủ thường xuyên dâng cao, để lộ khoảng trống tuyến giữa. Đây là cơ hội để tuyển Việt Nam khai thác.
HLV Herve Renard từng làm việc ở Việt Nam. Ông giúp Bờ Biển Ngà và Zambia vô địch AFCON, cùng Morocco chơi tấn công ấn tượng ở World Cup 2018.
Tham vọng của Saudi Arabia
Là quốc gia hùng mạnh bậc nhất Tây Á, Saudi Arabia liên tục đầu tư cho thể thao và mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực thông qua việc tài trợ hàng loạt dự án FIFA, xúc tiến thành lập liên đoàn bóng đá Tây Nam Á hay lên kế hoạch mở rộng quy mô FIFA World Cup Club lên 24 đội bằng khoản đầu tư trị giá 25 tỷ USD.
Việc UAE thâu tóm Manchester City hay Qatar thâu tóm Paris Saint-Germain thông qua quỹ đầu tư QSI càng khiến Saudi Arabia sốt ruột, mong muốn sử dụng bóng đá làm "quyền lực mềm" trong khu vực.
"Saudi Arabia có kế hoạch dài hạn mang tên 'Tầm nhìn 2030' với trọng tâm mới là giải trí và thể thao, cả hai lĩnh vực thu hút thành phần quan trọng là thanh niên. Sân bóng được coi là địa điểm thể hiện sự cởi mở xã hội, tựa như thỏi nam châm thu hút các tài năng trên khắp đất nước, đồng thời kéo theo các nguồn đầu tư tư nhân. Thể thao cũng là con đường đúng đắn để Saudi Arabia nâng cao hình ảnh đất nước", tờ Arab Gulf News phân tích.
Saudi Arabia mang đặc tính của một đội Tây Á điển hình: giàu tham vọng và chưa bao giờ thiếu tiền. Đội bóng có biệt danh "Đại bàng xanh" sử dụng 5 HLV trưởng trong 6 năm qua. Ngoại trừ HLV Youssef Anbar, 4 nhà cầm quân còn lại của Saudi Arabia đều đến từ Nam Mỹ hoặc châu Âu. Tên tuổi nhất là Bert van Marwijk, HLV từng đưa Hà Lan vào chung kết World Cup 2010.
4 năm trước, Saudi Arabia cũng nằm ở bảng đấu có Nhật Bản và Australia. Đội bóng của HLV Van Marwijk đã chơi xuất sắc khi vượt mặt Australia để chiếm vị trí nhì bảng, tương đương suất đá World Cup trực tiếp. Đó là lý do Saudi Arabia không lo sợ khi tái ngộ hai đối thủ này. "Dự World Cup là mục tiêu trong tầm tay của Saudi Arabia", trang Saudi Scoop nhấn mạnh.
Dù vậy, trong bài viết đánh giá về các đối thủ bảng B, tờ Arab News của Saudi Arabia dành cho tuyển Việt Nam sự tôn trọng. Cũng theo HLV Renard, không có đối thủ yếu ở vòng loại cuối cùng.
19 năm sau lần gặp gỡ gần nhất, cả hai đã có vị thế rất khác. Lần này, tuyển Việt Nam cũng có mặt ở vòng loại thứ ba cùng đối thủ. Và thầy trò ông Park sẽ không dễ dàng chấp nhận thất bại trước Saudi Arabia.
Tuyển Trung Quốc quyết đánh bại tuyển Việt Nam để hiện thực hóa tham vọng "trên trời"? Việc đạt 17 điểm sau 10 trận ở vòng loại cuối cùng World Cup là một mục tiêu rất khó đối với tuyển Trung Quốc. Trang Zhuanlan.zhihu.com (Trung Quốc) vừa có bài phân tích về cơ hội tiến vào vòng chung kết World Cup 2022 của đội tuyển nước nhà. Theo bài viết này, việc tuyển Trung Quốc hướng tới ngôi đầu bảng...