Với ‘Shazam!’, Vũ trụ siêu anh hùng DC tiếp tục tìm thấy hy vọng
Mới ra mắt với thành tích không quá cao, nhưngsiêu anh hùng Shazam thực tế đang giúp cho DCEU lấy lại thêm niềm tin nơi người hâm mộ.
Trailer bộ phim ‘Shazam!’ Tác phẩm siêu anh hùng duy nhất của DCEU trong năm 2019.
53,4 triệu USD là thành tích ra mắt tại quê hương Bắc Mỹ của Shazam! trong cuối tuần qua. Cộng thêm 3,3 triệu USD từ các suất chiếu sớm hồi trung tuần tháng 3, bộ phim duy nhất đến từ DCEU trong năm nay thực tế còn chưa cán mốc 60 triệu USD nội địa sau ngày chủ nhật.
Bất chấp sự khen ngợi từ giới phê bình, thành tích ra mắt ấy của Shazam! chỉ sánh ngang nhiều tác phẩm siêu anh hùng thuộc dạng trung bình, khá như Green Lantern (53 triệu USD, 2011), The Wolverine (53 triệu USD, 2013), hay Ant-Man (58 triệu USD, 2015).
Nếu chỉ tính các tác phẩm siêu anh hùng dựa trên truyện tranh DC và Marvel, Shazam! thực tế có doanh thu ra mắt kém nhất tại Bắc Mỹ kể từ sau “thảm họa” mang tên Fantastic Four (25 triệu USD, 2015).
Niềm vui dành cho Warner Bros. và DC.
Bí quyết giúp Shazam! giành chiến thắng và chẳng ai có thể phàn nàn về thành tích phòng vé lúc này của bộ phim nằm ở việc các nhà sản xuất chỉ phải bỏ ra 90 triệu USD để thực hiện tác phẩm.
Hồi tháng 12, trước khi cán mốc doanh thu toàn cầu 1 tỷ USD, Aquaman (2018) từng khiến một bộ phận giới quan sát cảm thấy thất vọng với thành tích ra mắt 72 triệu USD tại quê hương Bắc Mỹ. Con số đó kém xa Wonder Woman (103,5 triệu USD, 2017) hay Man of Steel (128 triệu USD, 2013).
Nhưng “đế vương Atlantis” (Jason Momoa) lại nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các phòng vé quốc tế, cũng như hưởng lợi từ kỳ nghỉ lễ Giáng sinh kéo dài, và đã kết thúc toàn bộ quá trình trình chiếu với 1,1 tỷ USD.
Shazam! có kinh phí sản xuất khiêm tốn nếu so sánh trong thể loại phim siêu anh hùng. Điểm bất lợi duy nhất nằm ở chỗ bộ phim chỉ có khoảng hơn 2 tuần để tối đa doanh thu.
Nếu nhìn vào nhóm tác phẩm ra mắt thấp ở đầu bài viết, Ant-Man của Marvel Studios rốt cuộc thu tới 519 triệu USD, còn The Wolverine gây ngạc nhiên lớn với 412 triệu USD. Cả hai đều giúp nhà sản xuất đếm lãi bởi chỉ tiêu tốn 130 triệu USD để sản xuất.
Shazam! đã nhìn vào những trường hợp đó và giảm kinh phí xuống mức còn 90 triệu USD. Điều này có thể khiến một vài phân cảnh hành động trong phim kém hoành tráng, hoặc hiệu ứng kỹ xảo không được như mong muốn.
Một thị trường quan trọng là Trung Quốc thì không tỏ ra mặn mà với Shazam! Sau khi thu 15,9 triệu USD trong hôm khởi chiếu, bộ phim kết thúc kỳ nghỉ cuối tuần tại quốc gia tỷ dân chỉ với 31 triệu USD. Siêu anh hùng hài hước do Zachary Levi thể hiện có lẽ chỉ có thể kiếm khoảng 50 triệu USD từ nơi đây.
Nhưng “giá thành rẻ” giúp Shazam! của đạo diễn David F. Sandberg cũng chẳng cần phải quá lo lắng vì kết quả tại Trung Quốc. Đây chắc chắn sẽ là một thương vụ thắng lợi nữa dành cho DC và Warner Bros.
Tương lai xán lạn chờ đợi DCEU
Với Shazam!, Vũ trụ siêu anh hùng DC đã có ba tác phẩm solo liên tiếp thắng lợi, sau Wonder Woman và Aquaman. Đội ngũ sản xuất dường như đã nhận ra sai lầm của họ trong quá khứ, rồi phần nào đó “học theo” Marvel Studios và MCU.
Trước khi The Avengers (2012) bùng nổ, không phải tác phẩm nào của MCU cũng thành công trong quãng thời gian thể loại siêu anh hùng còn chưa đạt tới mức thống trị như lúc này. Như trường hợp của The Incredible Hulk (2008) hoặc Iron Man 2 (2010) đều gây thất vọng cho khán giả, còn Captain America: The First Avenger (2011) thì có doanh thu không quá lớn với 371 triệu USD.
Ngược lại, DCEU tỏ ra quá nóng ruột khi tung ra luôn những siêu anh hùng hạng A như Batman (Ben Affleck) và Superman (Henry Cavill). Các phim như Man of Steel (2013), Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) hay Suicide Squad (2016) thực tế có doanh thu tốt, nhưng bản thân chất lượng tác phẩm lại gây tranh cãi cực lớn.
Khán giả mong chờ Shazam 2 bởi đó là lúc Dwayne “The Rock” Johnson chính thức gia nhập DCEU.
Và vũ trụ điện ảnh như sụp đổ khi Justice League (2017) vừa có doanh thu kém cỏi, vừa có chất lượng tệ hại, dù đây là tác phẩm quy tụ những siêu anh hùng đình đám bậc nhất của truyện tranh DC.
Nếu như không có Wonder Woman, Aquaman, cùng với Shazam lúc này, DCEU có lẽ đã bị tái khởi động, hoặc thực sự đâm đầu vào ngõ cụt. Cả ba nhân vật đều không quá phổ biến đối với công chúng trước giờ phim ra rạp. Nhưng họ rốt cuộc trở thành trụ cột cho toàn bộ vũ trụ điện ảnh, thay vì Batman, Superman, hay Joker.
Đó cũng là điều đã giúp MCU trở nên thành công. Họ xuất phát với những siêu anh hùng thiếu tính đại chúng như Iron Man, Captain America hay Thor. Song, sau khoảng 10 năm, cả thế giới đều đã quen mặt với nhóm Avengers.
Giờ thì Shazam! chỉ còn lại một thị trường lớn duy nhất chưa ra rạp là Nhật Bản (19/4). Các nhà sản xuất đã có thể bắt đầu triển khai kế hoạch phần tiếp theo. Trên thực tế, họ còn lựa chọn diễn viên cho Black Adam – kẻ thù truyền kiếp của Shazam – trước cả Zachary Levi.
Đó là Dwayne “The Rock” Johnson – ngôi sao cơ bắp và là “cỗ máy kiếm tiền” hiệu quả bậc nhất lúc này tại Hollywood. Tới thời điểm Shazam 2 ra rạp, DCEU chắc chắn còn lớn mạnh hơn lúc này, và người hâm mộ DC có quyền tin rằng vũ trụ điện ảnh mà mình yêu mến sẽ chẳng còn thua kém MCU là bao.
Theo zing.vn
"Mặn mà" là thế, nhưng "Shazam" liệu có phù hợp với trẻ em dưới 13 tuổi?
Bên cạnh sự hài hước, "Shazam" còn tồn đọng nhiều vấn đề "khó nói" khác có thể ảnh hưởng đến trẻ em.
Từ xưa đến nay, truyện tranh luôn là một trong những biểu tượng gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Nhưng theo thời gian, DC hay Marvel dần biến chúng thành những câu chuyện tăm tối, hướng tới đối tượng độc giả lớn tuổi hơn. Bằng chứng là một số nhân vật bước ra từ trang sách như Deadpool hay Wolverine đều bị giới hạn độ tuổi vì mức độ bạo lực.
Trailer 2 "Shazam!"
Về phần Shazam! ( Siêu Anh Hùng Shazam) thì đây là bộ phim được dán nhãn C13 (Dành cho khán giả trên 13 tuổi). Lý do đến từ việc anh chàng sở hữu tính cách "lầy lội" của một cậu bé trong thân xác người lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những lý do về ngoại hình và mảng miếng hài hước thì bộ phim vẫn còn nhiều tình tiết nhạy cảm khiến cho việc tiếp cận với trẻ em phải thật cần trọng.
(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.)
1. Hạn chế bạo lực để được dán nhãn C13
Phim đang "gồng mình" để có nhãn C13.
Thành thật mà nói, Shazam! dường như đang cố gồng mình để có được cái mác C13 bằng cách hạn chế tối đa những cảnh hành động khốc liệt giữa siêu anh hùng và tên phản diện. Thậm chí, một vài cảnh tai nạn xe hay đi xuyên qua tường cũng không để lại "một chút máu" nào. Cảnh máu ấn tượng nhất của người hùng này là lúc bị Tiến sĩ Sivana (Mark Strong) đấm vào mặt.
"Shazam!" đã hạn chế bạo lực và đổ máu tối đa.
Nhưng ngoài những cảnh hành động trên, tác phẩm của nhà DC vẫn có những có màu sắc đen tối và hơi hướm kinh hoàng. Chắc hẳn ai cũng còn nhớ cảnh mở đầu trong Shazam là một vụ tai nạn kinh hoàng và gây khiếp sợ không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn là người lớn. Và từ đây, bộ phim còn mở ra nhiều yếu tố đáng sợ đằng sau.
2. Tạo hình và tội ác của 7 Deadly Sins quá đáng sợ
Một điểm đáng chú ý có thể kể đến chính là 7 Deadly Sins (7 Mối Tội Đầu) - kẻ thù lớn nhất của Shazam (Zachary Levi). Tượng trưng cho những tội lỗi mà con người dễ mắc phải trong cuộc sống nên tất nhiên, ngoại hình của chúng chẳng mấy tốt đẹp gì. Đối với người lớn, việc tiếp cận với tạo hình xấu xí và ghê rợn như vậy còn rất sợ hãi huống gì là với trẻ nhỏ.
Một nhân vật có thể đem ra so sánh để nhìn rõ sự khách quan trong tình huống này là Venom. Ngoại hình lưỡi dài, mắt lồi và có thể nuốt chửng bất kỳ ai là đặc điểm đáng sợ của nhân vật nhưng vẫn chưa là gì nếu so với 7 Deadly Sins.
Tạo hình Venom còn không đáng sợ bằng 7 Deadly Sins.
Chưa dừng lại ở đó, những cảnh quay có sự xuất hiện của nhóm ác nhân kia thậm chí còn là vấn đề phải được bàn cãi. Chúng xuất hiện trong một phòng họp đầy người rồi thẳng tay tàn sát, cắn xé hay ném các nạn nhân ra ngoài cửa sổ. Tiếng than khóc, cầu cứu và van xin khắp nơi mà không có một lời hồi đáp. Đồng ý là những cảnh quay không hề có máu văng tung tóe, nhưng hãy nhìn vào bản chất của sự việc để thấy được mức độ nghiêm trọng.
Đáng sợ hơn, hai trong số những nạn nhân của vụ tấn công kia là "đấng sinh thành" và người anh ruột của chính Tiến sĩ Sivana. Tuy nhiên, chính gã cũng là người mong muốn cha và anh trai mình chết đi chỉ vì thù hận trong quá khứ. Không một chút hối hận, không một chút thương tâm đối với những người đã từng nuôi dưỡng mình. Thử hỏi, liệu có quá mạo hiểm khi để những đứa trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành xem qua những nội dung như thế?
Để Sivana lấy mạng cha và anh ruột hơi quá đáng đối với trẻ em?
3. Để trẻ em vào câu lạc bộ có phù hợp độ tuổi của bộ phim?
Ngay cả trong những mảng hài hước của Shazam cũng có vấn đề. Một vài phân cảnh đúng là rất thích hợp cho trẻ em nhưng cũng có nhiều chi tiết lẽ ra không nên xuất hiện, nhất là khi đối tượng tuổi teen có thể đến rạp xem. Đó là việc Billy Batson(Asther Angel) dùng vẻ ngoài cao lớn sau khi biến đổi thành Shazam của mình để đến câu lạc bộ
Bộ phim đã không quay những gì diễn ra bên trong đó, nhưng việc để một đứa trẻ bước vào là điều không nên. Một cảnh quay hài hước làm nên thương hiệu của bộ phim nữa là Billy (lúc này dưới hình dáng của Shazam) và Freddy (Jack Dylan Grazer) bước vào cửa hàng tiện lợi. Sau cảnh hào hiệp ra tay dọn dẹp 2 tên cướp thì hai người cùng nhau bước ra với vài chai bia, nhấp một ngụm và ngay lập tức phun ra.
Cảnh 2 nhân vật mua bia cũng không phù hợp với trẻ em.
Cuối cùng, vấn đề về ngôn ngữ qua cách thoại của các nhân vật phải được lưu ý. Là một bộ bộ phim mang nhãn C13, Shazam được quyền sử dụng một số từ "nhạy cảm" để truyền tải nội dung. Tuy nhiên, ngay tại những cảnh cuối phim, những nhân vật phụ đã dùng những từ ngữ có phần quá lố mặc dù có thể được chuyển đổi sao cho nhẹ nhàng và hợp lý hơn.
Tạm kết
Biết rằng Shazam! muốn đề cao sự hài hước và hướng tới yếu tố gia đình để phụ huynh và con cái đều có thể đi xem cùng nhau nhưng cách đạo diễn David F. Sandberg thể hiện chưa thật sự phụ hợp với trẻ em. Thay vì C13, bộ phim nên được dán nhãn C16 (Dành cho khán giả trên 16 tuổi) thì hợp lí hơn.
Theo trí thức trẻ
Giải mã after-credit của "Shazam": Xuất hiện phản diện siêu ngộ nghĩnh và bá đạo Một bộ phim siêu anh hùng như "Shazam" chắc chắn không thể thiếu món "đặc sản" after-credit cho những ai kiên nhẫn ngồi chờ chữ chạy rồi. Không chịu thua kém các bộ phim siêu anh hùng khác, Shazam! ( Siêu Anh Hùng Shazam) cũng "tậu" hẳn 2 after-credit cho "bằng chị bằng em". Nếu là fan DC với tinh thần kiên nhẫn...