Với luật mới, 5 năm tới, Hà Nội giảm 1 triệu người nhập cư
“Với phương án hạn chế nhập cư trong luật, mỗi năm, Hà Nội sẽ giảm được ít nhất vài trăm nghìn người nhập khẩu vào thành phố. Như vậy, trong vòng khoảng 4-5 năm có thể giảm được 1 triệu người nhập cư” – Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phân tích.
Trao đổi với báo chí ngay sau khi luật Thủ đô được Quốc hội biểu quyết thông qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có nhiều chia sẻ. Ông khẳng định đây là tin vui đối với mọi người quan tâm, yêu quí thủ đô cũng như các công dân của Thủ đô nhưng cũng là một áp lực gia tăng về tinh thần, trách nhiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ xây dựng Thủ đô tương xứng với tình cảm và kỳ vọng của người dân cả nước.
Luật Thủ đô cuối cùng đã được Quốc hội thông qua sau nhiều chặng “sóng gió”. Tuy nhiên, vẫn còn tới106 đại biểu chưa yên tâm lắm về quy định siết điều kiện nhập cư vào Hà Nội. Ông có chia sẻ với tâm tư các đại biểu này?
Tôi nghĩ các đại biểu QH chừng nào đó cũng phản ánh tình cảm và mong muốn chung của các tầng lớp nhân dân khác. Những người nào mong muốn có sự dễ dàng trong luật nhập cư thì cũng đều yêu quý và muốn chung tay góp sức xây dựng thủ đô.
Nhưng với góc độ quản lý 1 đô thị, chúng ta phải tìm được một lời giải tốt nhất và trong phương án đưa ra chưa phải đã phù hợp với mong muốn của một số người. Nhưng cần phải vì cái chung thôi.
Nhiều đại biểu còn băn khoăn vì lo chính sách siết nhập cư có thể dẫn đến những hệ lụy, tiêu cực, biến tướng nguy hại khác?
Nếu làm không tốt thì bất cứ chính sách gì cũng có thể bị lợi dụng. Kể cả giai đoạn trước đây, thời còn bao cấp khi mọi phải sống phụ thuộc vào hộ khẩu, tem phiếu, việc nhập cư cực kỳ khó nhưng ngay lúc đó cũng vẫn có tiêu cực. Tiêu cực phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm, tinh thần thực thi chính sách chứ không phải do quy định thế này hay thế khác.
Bí thư Hà Nội: “Người nhập cư phải đáp ứng điều kiện diện tích nhà ở trung bình của Hà Nội”.
Video đang HOT
Với nội dung quy định về việc quản lý dân cư như quy định trong luật, theo Bí thư, thời gian thực hiện bao lâu sẽ đem lại hiệu quả?
Tính toán dựa vào những số liệu báo cáo về tình hình sau khi mở rộng Hà Nội, với phương án hạn chế nhập cư như này, mỗi năm cũng sẽ giảm được ít nhất vài trăm nghìn người nhập khẩu vào thành phố, so với khi chưa có quy định này. Như vậy, trong vòng khoảng 4-5 năm có thể giảm được 1 triệu người nhập cư. Con số đó cũng lớn lắm chứ. Mà việc lo cho 1 triệu con người có nơi ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, lo đảm bảo an ninh trật tự… cũng là vấn đề lớn.
Trong luật vừa được thông qua có điều khoản cho phép HĐND được quyết định mức diện tích nhà ở với người đăng ký nhập cư. Thành phố đã dự trù mốc cụ thể nào?
Việc này phải qua điều tra dư luận xã hội để xem diện tích bình quân đầu người hiện tại của thành phố là bao nhiêu. Những người có điều kiện khả năng nhập cư phải đáp ứng được mức trung bình tối thiếu đó. Không thể để tình trạng như vừa qua, có những hộ gia đình nhà chỉ hơn 20m2 mà đồng ý xác nhận cho 30-40 người nhập hộ khẩu. Đây là việc làm đối phó quy định.
Mà việc quy định chặt chẽ về điều kiện nhập cư này cũng là để bảo đảm điều kiện sống cơ bản của những người sau nhập cư, để họ có thể sống được với những điều kiện sinh hoạt tối thiểu chứ không phải cho phép “vô tư” nhập cư xong rồi tự bươn chải với mọi vấn đề, có hay không có nơi học hành, chữa bệnh… cũng được.
Ngày 1/7 sang năm luật mới có hiệu lực thi hành. Ở cương vị Bí thư thành ủy Hà Nội, ông xác định việc gì sẽ làm đầu tiên?
Khi luật được thông qua, tôi đã nghĩ đến những việc cần phải làm chứ không phải say sưa với niềm vui là Quốc hội đã thông qua luật này. Trước khi có luật Thủ đô, người dân cả nước đã luôn luôn mong đợi và yêu cầu Hà Nội làm thật tốt mọi việc để xây dựng thủ đô xứng tầm với đất nước. Giờ có luật rồi, có thêm một số điều kiện thuận lợi mới, đòi hỏi cũng sẽ cao hơn nên suy nghĩ của tôi cũng như tập thể lãnh đạo Hà Nội là phải làm sao làm tốt hơn nhiệm vụ ấy. Việc quản lý quy hoạch đô thị phải làm tốt hơn, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự… cũng phải tốt hơn. Tóm lại là phải nâng cao chất lượng việc xây dựng thủ đô.
Ông sẽ chọn vấn đề gì làm khâu đột phá?
Tôi cho rằng khâu yếu nhất cần phải làm giờ chính là vấn đề kỷ cương xã hội. Hiện nay, dường như ở đâu cũng thấy tình trạng vi phạm trật tự kỷ cương, từ lĩnh vực xây dựng tới an ninh trật tự, lối sống nếp sống… Rất nhiều người chưa có ý thức đầy đủ xứng đáng là công dân thủ đô và hiện cũng đã có nhiều ý kiến phê bình về việc này.
Với tất cả những điều kiện thuận lợi đã được dành cho trong luật này, theo ông, diện mạo Thủ đô có thể thay đổi theo chiều hướng thế nào, trong bao lâu?
Luật Thủ đô không phải đem lại cho thành phố đôi đũa thần để có thể vung lên là sáng mai ra đã có thể thấy cảnh tượng thay đổi theo kiểu “Vừng ơi, mở cửa ra” mà việc gì cũng cần có quá trình.
Bản thân luật này cũng phải 3 năm mới đi tới sự thống nhất như hôm nay. Việc chuyển biến trong thực tế chắc cũng phải cần thời gian nhưng rõ ràng bỏ công sức ra làm luật này nghĩa là sẽ có những yếu tố tích cực hơn.
Trước đây Hà Nội cũng từng có nhiều cơ chế đặc thù về nhập cư cũng như tăng phạt trong lĩnh vực giao thông nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa rõ ràng. Luật Thủ đô với những cơ chế chưa hẳn là khác biệt, đột phá liệu có khả năng mang lại sự khác biệt?
Quy định về vấn đề nhập cư hay tăng phạt trong một số lĩnh vực trong luật Thủ đô này cũng chỉ là 1 yếu tố. Để xử lý các vấn đề cho triệt để thì chúng ta phải có giải pháp đồng bộ và tầm mức cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên nếu áp các quy định một cách đột ngột, đang từ trạng thái rất thoải mái sang thái cực khác ngay thì sẽ không đạt được sự đồng thuận của xã hội. Vậy nên chúng ta phải chấp nhận tiến từ từ thôi.
Bí thư có cam kết gì với cương vị người lãnh đạo cao nhất về tương lai của Thủ đô khi được trao thêm nhiều ưu ái như vậy?
Cam kết lớn nhất là đón nhận luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất để làm sao động viên được từng công dân Thủ đô cũng như người dân cả nước đều cùng góp sức góp phần để xây dựng Thủ đô thực sự văn minh hiện đại xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến.
Xin cảm ơn Bí thư!
Theo Dantri
Hà Nội được trao nhiều cơ chế đặc thù
Chiều qua (21-11), với tỉ lệ 75,70% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô. Đây là tiền đề để Thủ đô Hà Nội phát triển tương xứng với tầm vóc của mình trong tương lai.
Về biểu tượng của Thủ đô, có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc làm rõ hơn tiêu chí lựa chọn và cần tổ chức cuộc thi để lựa chọn. Ngoài Khuê Văn Các còn có thể lựa chọn hồ Gươm, Chùa Một Cột hoặc Cột cờ Hà Nội, thậm chí là sông Hồng, núi Tản Viên... làm biểu tượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, tất cả các hình ảnh này đều gắn với Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên Khuê Văn Các- công trình văn hoá lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, sẽ thể hiện được đồng thời truyền thống hiếu học của người Việt Nam và nền văn hiến lâu đời của đất nước. Nhiều năm qua hình ảnh Khuê Văn Các cũng đã được TP Hà Nội sử dụng và được nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế công nhận và trân trọng. Vì thế quy định trong Luật này Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Nội dung này có 77,31% ĐBQH nhấn nút thông qua.
Với vị trí và vai trò là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, nơi diễn ra các hoạt động quan trọng về đối nội và đối ngoại... nên đa số ý kiến các vị ĐBQH đều tán thành việc cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội. Theo đó về tài chính, ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư thì Thủ đô Hà Nội được phép huy động các nguồn lực tài chính khác để đầu tư, xây dựng và phát triển trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Về xử phạt vi phạm hành chính: Luật Thủ đô cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng. Tuy nhiên tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH không quy định về vấn đề cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật lần này. Các mức thu phí cụ thể sẽ được HĐND TP Hà Nội quy định trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính.
UBTVQH nhận thấy, để phát triển một Thủ đô văn minh, hiện đại thì quy hoạch là vấn đề đầu tiên và rất quan trọng. Quy hoạch vừa phải bảo đảm phù hợp thực tiễn đô thị Việt Nam, đồng thời đảm sự phát triển bền vững. Quy hoạch phải có sự quản lý khách quan, công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cũng như sự giám sát chặt chẽ của người dân. Tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH, Luật Thủ đô đã được chỉnh lý theo hướng nhấn mạnh tầm quan trọng, vị trí trung tâm, ổn định, lâu dài của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt Quy hoạch này. Trong một loạt các vấn đề liên quan đến quy hoạch Thủ đô, Luật đã làm rõ và quy định chặt chẽ hơn đối với loại cơ sở phải di chuyển toàn bộ khỏi nội thành, loại cơ sở bị cấm xây dựng mới, mở rộng quy mô; Bổ sung quy định thiết lập không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Hồng trong việc xây dựng... Nội dung quy hoạch phát triển Thủ đô nhận được sự đồng thuận cao, thông qua của tổng số 407 ĐBQH (tỉ lệ 81,73%). Từ 1-7-2013 tới đây, Luật Thủ đô sẽ chính thức có hiệu lực.
Kinh nghiệm cho sự phát triển các đô thị
Với việc Luật Thủ đô được thông qua, tôi nghĩ từ nay Thủ đô Hà Nội sẽ chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như có những quyết sách phù hợp để giải quyết những vấn đề "nóng" hiện nay như, thu hút vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, sử dụng nhân tài, môi trường... Hiện Hà Nội đang chịu nhiều áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng xã hội, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống sẽ giải tỏa được vấn đề này. Kết hợp với những biện pháp khác như đầu tư cho ngoại thành, phát triển vùng Thủ đô sẽ tạo được những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính những thực tiễn đó là kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển các đô thị khác trên cả nước.
(Chị Nguyễn Thu Phương, 22 tuổi, ở Hà Huy Tập, Gia Lâm, Hà Nội)
Để Thủ đô chủ động bứt phá
Hà Nội là Thủ đô của 90 triệu người dân Việt Nam, ai cũng đều có một tâm nguyện, làm sao để cho Thủ đô phát triển hơn nữa. Và Luật Thủ đô được Quốc hội biểu quyết thông qua là niềm phấn khởi không chỉ của người dân Thủ đô mà còn cho sự phát triển chung của đất nước. Mong muốn lâu nay của người dân đã thành hiện thực với một cơ chế pháp luật để Hà Nội phát triển tương xứng với vị thế là Thủ đô của quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng, tạo nên sự phát triển năng động, bền vững để Thủ đô chủ động bứt phá. Tôi mong rằng, khi đi vào cuộc sống Luật Thủ đô sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để luôn phù hợp với thực tiễn. Như thế, chắc chắn Thủ đô ngày một phát triển vượt bậc.
(Anh Nguyễn Bảo Hoàng, 34 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội)
Theo ANTD
Sau tin vui, nghĩ đến việc phải làm Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều qua, 21-11, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua. Đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ không...