“Với hành xử của Trung Quốc, một điều nhịn chẳng có… một điều lành!”
‘Người Việt Nam hay có câu “ một điều nhịn chín điều lành”. Nhưng tôi vẫn nói với mọi người là với cách hành xử của Trung Quốc, thì “một điều nhịn” cũng chẳng có nổi một điều lành chứ đừng có mong “chín điều lành”".
Giáo sư Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội – trao đổi với phóng viên về việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.
Các tàu của Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam
Trung Quốc đang bất chấp dư luận quốc tế
Thưa Giáo sư, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, Giáo sư nói gì về thái độ hung hăng của Trung Quốc khi dùng tàu cỡ lớn, phun vòi rồng, đâm thẳng vào Cảnh sát biển Việt Nam khi lực lượng này đang làm nhiệm vụ?
Tôi vừa nghiên cứu lịch sử nhưng đặc biệt quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo suy nghĩ của tôi, hành động đưa giàn khoan ra tác nghiệp theo cái nghĩa trên “ao nhà” của Trung Quốc về tính chất không khác biệt mấy so với việc Trung Quốc đem tàu thuyền ra xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Sự vi phạm chủ quyền liên miên của Trung Quốc, không chỉ riêng Việt Nam mà trong con mắt bạn bè quốc tế và dư luận thế giới đều không thể chấp nhận được.
Tôi thấy rằng, Trung Quốc đang bất chấp thế giới và thách thức dư luận. Trước hết, khi lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam ra khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để thực thi nhiệm vụ, các tàu thuyền Trung Quốc có máy bay yểm trợ và có cả tàu quân sự ngang nhiên đâm thẳng vào tàu của Việt Nam. Có thể nói, người dân Việt Nam và thế giới không ai kìm được sự phẫn nộ, bởi đó là cách hành hành xử rất thiếu văn hóa.
Với cách hành xử như vậy, Trung Quốc sẽ mất rất lớn về thể diện của một quốc gia luôn hô hào yêu chuộng hòa bình và trở thành cường quốc trên thế giới… Tôi cho rằng kiểu hành xử của Trung Quốc như vậy là tiểu nhân.
Mục đích của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là gì, thưa Giáo sư?
Chúng ta không khó để nhìn ra điều đó. Mục đích của Trung Quốc trong việc mang giàn khoan neo đậu tại vùng biển Việt Nam là thể hiện từng bước mưu đồ bá chủ biển Đông. Đồng thời qua vụ việc này, Trung Quốc cũng muốn đưa ra phép thử xem phản ứng của quốc tế thế nào, thái độ của Việt Nam ra làm sao – Một kiểu làm “rất Trung Quốc” – “Nhất cử lưỡng tiện”. Tôi nghĩ rằng, nếu Việt Nam phản ứng không đủ mạnh trước hành vi sai trái của Trung Quốc thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành các bước leo thang khác trong tương lai.
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, trước đây từng tuyên bố có một phần lợi ích quốc gia ở biển Đông. Giáo sư có nghĩ đến việc cả thế giới sẽ đoàn kết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc?
Tôi nghĩ rằng, các nước trên thế giới họ tôn trọng luật pháp quốc tế thì họ sẽ thấy hành động của Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Trước hết vì luật pháp quốc tế, vì lẽ phải, vì sự công bằng thì họ mới có thái độ phản ứng mạnh mẽ các hành động hung hăng của Trung Quốc như hiện nay.
Vấn đề nữa, nếu các nước trên thế giới và Việt Nam không đấu tranh đến cùng với hành động bá chủ biển Đông của Trung Quốc thì quyền lợi trên biển Đông của các nước trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Bởi vì đây là một vùng biển mà ít nhiều các nước đều có quan hệ quyền lợi vì đó là một luồng giao thông cực kỳ quan trọng của tuyến hàng hải thế giới…
Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông và tất nhiên họ sẽ có kiểu thôn tính của họ. Thí dụ như nước lớn thì họ né ra và chỉ hung hăng với các nước nhỏ; Trung Quốc họ vẫn thế. Nhưng dù sao chăng nữa, việc Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng hải. Tôi nghĩ rằng các nước họ sẽ có những thái độ ở mức độ khác nhau và những biểu hiện khác nhau đối với Trung Quốc.
Video đang HOT
Chân lý thuộc về Việt Nam
Mặc dù ở hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng Giáo sư nhìn nhận thế nào sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và vụ việc đưa giàn khoan chiếm đóng trái phép trên biển Việt Nam hiện nay của Trung Quốc?
Trước đây năm 1974, quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng chính quyền Sài Gòn lúc đó đang cai quản. Và chính quyền Sài Gòn thời điểm đó đã làm những việc có thể trong phạm vi của họ; tức là dùng các biện pháp quân sự để đối đầu với Trung Quốc, nhưng cuối cùng chúng ta đã thấy, phần thắng về mặt quân sự thuộc phía Trung Quốc. Sau đó họ đã chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và tiến hành xây cái gọi là các căn cứ.
Đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam thể hiện mưu đồ bá chủ biển Đông của Trung Quốc.
Nhưng Chính phủ Việt Nam cũng chưa bao giờ thừa nhận điều này và chúng ta vẫn đang kiên trì đấu tranh, khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; nhưng xử lý như thế nào cũng phải có một quá trình lâu dài.
Để so sánh giữa 2 sự việc thì đều là phạm vi chủ quyền, một phần lãnh thổ của Việt Nam mà Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm. Kia là đảo nổi có sẵn, Trung Quốc chiếm đóng trái phép, còn việc họ kéo giàn khoan ra phần thềm lục địa Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của mình để khai thác cũng không có gì khác. Tức là họ cũng ngang nhiên xâm lược chứ không phải làm trộm. Gần trăm tàu cỡ lớn rồi bao nhiêu máy bay yểm trợ như vậy cũng là một cách xâm phạm chủ quyền theo cái cách là đem lại lợi ích cho bản thân mình.
Theo tôi thì đây chính là lúc chúng ta phải kiên quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ lãnh thổ của mình. Nếu chỉ giải quyết theo kiểu trả đũa, “nó” mang tàu đâm mình, mình lại quay ra đâm “nó”, theo tôi đó chỉ là tính chất giải pháp tình thế. Phải nghĩ chuyện căn cơ hơn, lâu dài hơn, chiến lược hơn. Phải tính chuyện không còn nghi nghờ gì nữa, sớm muộn Trung Quốc sẽ thực hiện một cách dai dẳng và rất hung hăng ý đồ độc chiếm biển Đông.
Do đó mình phải có một chiến lược đối phó, không phải cứ nhường nhịn là xong! Ở đây tôi nghĩ Chính phủ đã nghĩ đến chuyện này.
Tôi cũng nghĩ Trung Quốc rất sợ vụ việc vừa rồi được quốc tế hóa rộng rãi. Đấy chính là điểm yếu của họ. Điểm yếu tiếp theo là chân lý. Chân lý không thuộc về họ nên họ đang rất lúng túng; mình nên đẩy mạnh thế mạnh chân lý thuộc về mình.
Khi Việt Nam và cả thế giới lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ về hành động xâm lược Việt Nam của Trung Quốc thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn im tiếng, Giáo sư lý giải thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng họ chăm chú theo dõi đấy. Họ đang theo dõi động thái của Chính phủ Việt Nam và mức độ động thái của các cường quốc như Nga, Mỹ, Ấn Độ… Họ cũng sẽ có những quyết định tiếp theo, phụ thuộc rất nhiều vào những thái độ này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki: “Việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu Việt Nam là cách hành xử nguy hiểm, mang tính hăm dọa”.
Thưa Giáo sư, qua sự kiện này, mối quan hệ Việt – Trung bị ảnh hưởng ở mức độ nào?
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không phải là quan hệ một chiều. Việt Nam cần phải có cách ứng xử của một nước với tư thế có chủ quyền, tương xứng với với vị thế của một dân tộc được thế giới kính nể.
Vừa rồi chúng ta kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ – một sự kiện lịch sử mà cả thế giới phải nghiêng mình kính nể. Lúc này mình cần phải ứng xử thế nào cho đúng với vị thế của một dân tộc anh hùng. Cho nên, nếu nói đến ảnh hưởng thì sẽ theo nghĩa Trung Quốc sẽ có phản ứng kiểu trả đũa, sẽ xấu đi theo một nghĩa nào đó. Nhưng bù lại, hình ảnh của Việt Nam sẽ có thay đổi trong mắt bạn bè quốc tế nếu như chúng ta có cách xử lý đàng hoàng, đĩnh đạc, theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Người Việt Nam hay có câu “một điều nhịn chín điều lành”. Nhưng tôi vẫn nói với mọi người là với cách hành xử của Trung Quốc, thì “một điều nhịn” cũng chẳng có nổi một điều lành chứ đừng có mong “chín điều lành”. Chúng ta không kiên quyết thì hôm nay họ mang giàn khoan 981, ngày mai có thể sẽ là giàn khoan 98… khác.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Dân Trí
Biển Đông: Căn bệnh "ung thư bành trướng" của Trung Quốc
Trung Quốc đặt cược vào nước cờ mở màn này quá lớn nhưng không có yếu tố bất ngờ nào ở đây cả.
Bây giờ hoặc không bao giờ!
Có thể nói muốn Biển Đông thành "ao nhà" không chỉ là âm mưu mà đã trở thành chiến lược "chiếm trọn Biển Đông" của Bắc Kinh. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này Trung Quốc đương nhiên phải chuẩn bị, kế hoạch tổ chức thực hiện, thời gian, biện pháp...và cho đến thời điểm này, Trung Quốc đã chính thức công khai triển khai thực hiện chiến lược lấn chiếm Biển Đông.
Có lẽ chúng ta không cần phải nói hành động đưa giàn khoan nước sâu HD 981 định vị vào thềm lục địa Việt Nam sâu trong vùng EEZ của Việt Nam 80 hải lý khoan thăm dò là như thế nào, đúng hay sai, vì cả thế giới đều biết và đã lên tiếng. Điều chúng ta cần là phải nói nõ mưu mô, chiến thuật đằng sau hành động này là gì và cách thế ứng xử văn minh của chúng ta theo luật pháp quốc tế và Luật biển Việt Nam.
Thứ nhất, tại sao Trung Quốc không khẳng định chủ quyền bằng các cách trước đây như dùng bạo lực cấm tàu cá Việt Nam, xua tàu cá của họ vào EEZ của Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò thái độ Việt Nam hoặc "rao bán" các lô dầu khí của Việt Nam?
Thực ra những hành động trên chỉ cố gắng nhằm "biến khu vực không tranh chấp thành khu vực có tranh chấp", là hành động tạo cớ "chuẩn bị chiến trường" mà thôi, còn việc đưa giàn khoan vào trong thềm lục địa Việt Nam định vị, khoan thăm dò đã có tính chất khác: Với là giàn khoan tỷ USD này, Trung Quốc đưa vào đây không phải để khoan, khai thác ở độ sâu trên ngàn mét như các chuyên gia đã chỉ ra mà vì mục đích tranh chấp chủ quyền.
Dùng giàn khoan nước sâu HD 981 là nước cờ đầu tiên mở màn chiến lược chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc và có thể nói Trung Quốc đã đặt cược quá lớn vào nước cờ đầu này. Cũng như tàu sân bay, giàn khoan HD 981 có giá trị hàng tỷ USD được "bảo kê" bởi sức mạnh của Trung Quốc. Đánh chìm nó cũng như đánh chìm tàu sân bay có nghĩa là đụng chạm đến sức mạnh, danh dự của quốc gia sở hữu chúng.
Trung Quốc đã đặt cược lớn như vậy ngay từ đầu cuộc chơi với hy vọng hão huyền tạo ấn tượng choáng ngợp sẽ dọa được lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam. Về bản chất, vẫn là cách chơi biển người, lấy đông dọa ít như năm 1979 tại biên giới phía Bắc Việt Nam.
Thứ hai là thời điểm mở màn triển khai chiến lược chiếm trọn Biển Đông.
Trong năm 2013, Biển Đông của Việt Nam tương đối lặng sóng do Trung Quốc không khuấy động. Tuy thế, Việt Nam chưa bao giờ nhầm tưởng về sự êm dịu trong khoảng thời gian vừa qua với Trung Quốc trên Biển Đông, bởi đó chỉ là khoảng thời gian để Trung Quốc chuẩn bị lực lượng, tăng cường sức mạnh quân sự sau khi diễn đủ trò với Nhật Bản trên biển Hoa Đông nhằm che đậy hướng tấn công chủ yếu.
Có bao nhiêu sức mạnh, năng lực Trung Quốc đều dồn về Nam Hải cả đấy thôi. Vấn đề là khi xét về thời gian chuẩn bị cho chiến trường Biển Đông thì thời gian không ủng hộ cho Trung Quốc.
Trung Quốc thừa biết Việt Nam không ngồi yên trong thời gian qua, nếu đến hết năm 2016 thì Trung Quốc rất khó để chiếm trọn Biển Đông nếu như không muốn nói là không thể vì khả năng phòng thủ của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới và sự thay đổi địa chính trị qua các bước đi của Nhật Bản và Mỹ ở Tây TBD sẽ tạo ra một lực lượng mạnh khó đối phó.
Có thể nói thời điểm và sử dụng lực lượng để mở màn triển khai chiến lược chiếm Biển Đông của Trung Quốc là rất âm hiểm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc (kéo giàn khoan HD 981 ra Biển Đông trong EEZ của Việt Nam) là một cái tát vào Obama, Mỹ. Xin lỗi, Trung Quốc chưa đến mức rồ dại lấy Việt Nam ra để nắn gân Mỹ, Mỹ là gì của Việt Nam? Trung Quốc lợi dụng căng thẳng ở Ukraine để ra tay hay chuyển sự chú ý của dư luận trong nước về sự bất ổn chính trị, ly khai khủng bố ra bên ngoài...có thể, nhưng chỉ là kết hợp.
"Bây giờ hoặc không bao giờ" trên Biển Đông với Trung Quốc là tư tưởng chỉ đạo cho một hành động mà thành bại mang tính thời cơ rất cao, nhưng, thời cơ đúng lúc hay chưa lại do con người phán đoán và quyết định. Vì thế để có quyết định "kéo pháo ra" như trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì ngoài việc biết ta ra phải biết rõ đối phương, hiểu rõ kẻ đối địch.
Với cú ra đòn lần này của Trung Quốc, thực chất họ chỉ biết rõ chính họ, tự cho mình là mạnh mà không hiểu được một điều cơ bản rằng Việt Nam cũng có những quyết định tương tự quyết định "kéo pháo ra" như trong trận Điện Biên Phủ.
>> Cận cảnh tàu Trung Quốc ngang ngược đâm vào mạn tàu Việt
Việt Nam trước đòn mở màn của Trung Quốc
Hành động của Việt Nam trước việc HD 981 của Trung Quốc vào EEZ Việt Nam đã được dự đoán trước và không bị bất ngờ. Ngay lập tức hành động ngang ngược phi pháp này đã được tố cáo lên toàn thế giới, đồng báo Việt Nam trong nước và nước ngoài đã nắm bắt đầy đủ thông tin, sức mạnh dân tộc đã và đang được kết nối bởi Hoàng Sa và Trường Sa.
Người ta đã thấy rõ các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam tuy ít nhưng vẫn bình tĩnh, kiên quyết, thực hiện quyền chủ quyền quốc gia trước một lực lượng cậy đông, hung hãn, bất chấp công pháp quốc tế.
Hơn 80 tàu lớn các loại bao gồm cả tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc đang hùng hổ phô trương sức mạnh, lăm lăm vũ khí trên tay (vũ khí trên tàu không che bạt)...chẳng làm cho lực lượng Kiểm Ngư, Cảnh sát biển Việt Nam bất ngờ hay nao núng. Đây là gì, nếu như không phải là bản lĩnh của Việt Nam?
Dùng tàu lớn húc tàu nhỏ! Trung Quốc đã tạo ra tiền lệ và không biết rằng hành động ngược lại còn nguy hiểm gấp bội.
Không bị bất ngờ bởi lẽ Việt Nam chưa bao giờ mất cảnh giác trước các động thái của Trung Quốc, dù diễn ra tại biển Hoa Đông hay Bãi Cạn, cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam kiên cường ứng phó bảo vệ chủ quyền tổ quốc theo đúng công pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, chúng ta đàng hoàng dõng dạc thông báo trước toàn thế giới rằng " Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền" và nói rõ sự nhún nhường theo cách thế ứng xử của thế giới văn minh trước hành vi hung hãn của kẻ cướp rằng "sức chịu đựng của Việt Nam là có giới hạn".
Trung Quốc đặt cược vào nước cờ mở màn này quá lớn nhưng không có yếu tố bất ngờ nào ở đây cả. Trong trường hợp này, sau lưng Việt Nam đã là đất liền, trong tay Việt Nam có thừa chính nghĩa, cách thế ứng xử của Việt Nam đàng hoàng, bản lĩnh phù hợp với công pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam thì cái mà Trung Quốc đặt cược đó không lớn. Chẳng phải Pháp và đặc biệt là Mỹ...đã từng đặt cược theo cách đó mà ngay cả Trung Quốc cũng can ngăn Việt Nam nên bỏ cuộc vì "đụng đến Mỹ chết lây sang Trung Quốc" đó sao?
Bành trướng, bá quyền nước lớn giống như căn bệnh ung thư mà Trung Quốc mắc phải từ lâu. Mọi hành động đã và đang diễn ra tại Biển Đông, dù có mưu mô thâm hiểm đến mấy, hành động hung hăng ngang ngược đến mấy thì chỉ là biểu hiện phát tiết của căn bệnh mà thôi.
Theo Báo Đất Việt
Đây là hành động đã tính toán kỹ lưỡng và nham hiểm của Trung Quốc Cùng với phân tích: "Hành động mới đây trên Biển Đông là câu trả lời rõ ràng, chắc chắn sẽ khiến nhiều người còn đang mơ hồ về cách đi của Trung Quốc tỉnh ngộ", TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh: Chúng ta cần phải có những ứng xử cần thiết để ngăn cản bước đi...