Vơi chén quan hà nhớ Dương Quan xưa
Cùng thời, cùng xếp ngang hàng với những Thi tiên Lý Bạch, Thi thánh Đỗ Phủ… ít người Việt biết đến Thi Phật Vương Duy, nổi tiếng vì những áng thơ tinh tế trang nhã đẫm chất thiền cũng như sự tinh thông Phật học của ông.
Tôi cũng chỉ lõm bõm đâu đó vài câu chữ gần 1.400 năm tuổi vì thấy hợp cảnh hợp tình khi lơ ngơ đọc chứ không thuộc bài nào.
Một đoạn thành xưa, khúc cuối miền viễn tây Vạn Lý Trường Thành, chỉ với bùn và cỏ vẫn tồn tại trong sa mạc khắc nghiệt.
Chẳng hiểu sao buổi chiều Gobi mịt mờ ngày lang thang hành lang Tây Hạ nghe bác tài taxi giới thiệu điểm đến ngoài cung đường thống nhất từ đầu là thành Dương Quan (Trung Quốc), tôi chợt nhớ, gật đầu cái rụp. Dù thiệt tình là chỉ láng máng hai câu thơ chợt bật ra, cùng thuyết phục cậu người Pháp đi chung đang nằng nặc đòi về. Chắc cũng cám cảnh lang bạt mấy tháng trời một mình nhớ cố hương, bạn bè… anh chàng đồng ý móc ví sau khi nghe tôi hoa tay múa chân 5 phút để “dịch” – “Xin vơi một chén quan hà. Dương Quan chốn ấy, ai là cố nhân” (1). Và thành Đôn Hoàng đêm đó, không chỉ một chén cạn mà cả một đống chai lọ.
Ngẩn ngơ chốn thành xưa Dương Quan
Chúng tôi đến Dương Quan nắng chiều nhuộm hoang hoải miền sa mạc bình thường đã vàng cát vàng đất. Nằm cách Đôn Hoàng 70km phía tây nam, pháo đài biên ải Dương Quan được xây dựng những năm 120 Tr.CN thời Hán Vũ Đế, dù có tài liệu cho rằng cổ xưa hơn. Cùng Ngọc Môn Quan cả hai là cửa ngõ phía tây quan trọng nhất đất Trung Nguyên vì biên giới thời đó dừng ở đây. Qua khỏi Dương Quan là xứ Tân Cương hiểm trở hoang vu. Đó là lý do Vương Duy đã làm áng thơ Vị Thành Khúc nổi tiếng tiễn bạn thân đi nhậm chức miền biên ải cách xa nghìn trùng.
Rất dễ nhìn thấy Dương Quan từ xa do pháo đài nằm ở vị trí chiến lược trên dãy Alkin Snoro nhô lên giữa sa mạc.
Rất dễ nhìn thấy Dương Quan từ xa do pháo đài nằm ở vị trí chiến lược trên dãy Alkin Snoro nhô lên giữa sa mạc. Ải Dương Quan đông đúc tấp nập từ khi thành điểm dừng trên Con đường tơ lụa, cùng với chính sách giãn dân của các hoàng đế Trung Hoa. Hành trình Tây Du thỉnh kinh của cao tăng Huyền Trang từng ngang qua, ghi lại trong Đại Đường Tây Vức ký.
Thời còn hùng tuấn giữ vai trò chiến địa quan trọng, người xưa đã xây tường thành nối Dương Quan với Ngọc Môn Quan. Được cho là khúc cuối của Vạn Lý Trường Thành, phần xưa cổ nhất nhì ở miền biên viễn dài 64km này chỉ làm từ cỏ và bùn vẫn tồn tại nhiều mẩu sau hơn 2.000 năm giữa sa mạc khắc nghiệt quả là kỳ tích của người xưa. Ngày đó, cứ chừng 5km có một tháp canh sừng sững. Giờ chìm trong cát bụi. Chỉ duy nhất chiếc tháp hoang phế trên ngọn Dun Dun có thể nhìn thấy từ Dương Quan bây giờ.
Tháp canh xưa trên sườn Dun Dun mang lại chút hương xưa cho Dương Quan.
Video đang HOT
Dâu bể thời gian, chiến chinh khốc liệt miền biên ải, thành Dương Quan bị tấn công, tàn phá những năm 900. Sự mở rộng biên giới, những cung đường thương mại mới… thành xưa chìm vào quên lãng. Chỉ tồn tại trong những áng thơ xưa, điển tích cũ… và giờ là sự ngẩn ngơ tiếc của khách du khi đập vào mắt là cái thành mới keng và sáng choang.
Duyên phai còn một chút này làm ghi
Tôi và anh chàng Pháp quyết định không mua vé tham quan, sau khi liếc qua những kiến trúc ximăng giả đất, giả gỗ cứng ngắc của cái nguỵ thành mới xây. Chỉ khi lùi ra xa, khi sắc tân kỳ đã nhạt, cũng là lúc may mắn bắt gặp chút duyên cũ thành xưa. Bởi sự mờ sắc nét mới, vì những dấu xưa cũ còn lưu, như tháp canh cổ đổ nát trên sườn Dun Dun, cùng những vỡ hư hoang phế… Cả không khí bàng bạc gió cát sa mạc quấn quíu đám cỏ cằn khô, vần vũ rồi bốc lên bên thành.
Đêm Đôn Hoàng rực rỡ sắc màu, cứ nhớ về miền hoang lạnh biên ải.
Mô phỏng xưa, thành Dương Quan mới nằm bên chân Dun Dun. Ba dãy tường thành vuông chằn chặn với bức tường tự nhiên thứ tư là dãy núi. Những chòi canh nhô cao nhấn nhá làm mềm sự khô cứng khung hình dù mục đích ngày xưa không phải vậy. Những chiến cụ cổ như xe công thành, giàn bắn đá, thang tre, thang dây… rải rác đó đây cố tạo không khí cũ, cũng khá hợp. Màu bùn đất ăn ý với hậu cảnh gần là dãy núi cằn khô với tháp canh xưa đổ gãy, phần phật trên tường thành những cờ đuôi nheo xanh đỏ chấm phá thêm cho sắc hơi đơn điệu. Toàn cảnh là sa mạc chiều hoang hoải dưới cao xanh vời vợi. Văng vẳng nhỏ to tiếng nhạc ai oán nỉ non trong tiếng hú của những cơn gió chiều muộn bắt đầu buôn buốt. May sao chút duyên phai đã cứu rỗi buổi chiều lặn lội sa mạc tìm về miền ký ức ngày xưa cũ.
Chia tay khi mặt trời đã lưng chừng, lờ mờ trong gió bụi chiều sa mạc, để lại sau lưng Dương Quan vắng vẻ cô độc. Đêm Đôn Hoàng rộn rã đèn màu, đông đúc chát chao khách kẻ chợ, cứ hoài nhớ buổi chiều biên ải hoang vu dù Dương Quan giờ đâu còn thâm u cùng cốc. Mai này xa ngái đường đời, có còn ai “vơi chén quan hà” cùng ta chăng?
Theo Thái Hoãn ( Thế Giới Tiếp Thị)
Non nước hữu tình ở mặt hồ lớn thứ tư của Trung Quốc
Thái Hồ nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, là một trong 4 hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Ba hồ còn lại là hồ Bà Dương, hồ Động Đình, hồ Hô Luân.
Tản bộ bên bờ Thái Hồ là trải nghiệm thú vị đối với bất cứ du khách nào khi đến thăm thành phố Vô Tích. Đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Trung Quốc, thu hút hàng triệu khách mỗi năm. Ảnh: Xcitefun.
Thái Hồ có diện tích bề mặt khoảng 2.250 km2, là hồ nước ngọt lớn thứ tư của Trung Quốc, sau hồ Bà Dương: 4.400 km2, hồ Động Đình: 2.820 km2, hồ Hô Luân: 2.339 km2. Ảnh: Xcitefun.
Thái Hồ là nơi tập hợp của 90 hòn đảo lớn nhỏ. Một số "đảo" nhỏ chỉ cỡ vài bước chân, một số lại khá lớn, diện tích khoảng vài km2. Ảnh: Qpic.
Hầu hết điểm ngắm cảnh đẹp của Thái Hồ đều nằm ở phía nam tỉnh Giang Tô, trên địa phận ba thành phố là Tô Châu, Vô Tích và Thường Châu. Ảnh: Shenghuo.
Đặc biệt, du khách sẽ có tầm nhìn bao quát Thái Hồ khi đứng ngắm từ chùa Long Quang bên trong công viên Tích Huệ ở phía tây của Vô Tích. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt, lặng ngắm thành phố Vô Tích thanh bình với những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp, in mình bên mặt nước Thái Hồ yên ả. Ảnh: Tourismofmost.
Một điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Thái Hồ là Đại Phật Linh Sơn, nơi có tượng Phật cao hơn 88 m. Đây là điểm đến linh thiêng và được coi như viên minh châu của Thái Hồ. Du khách đến đây thường ôm chân Phật để cầu mong bình an. Ảnh: Zhiyu Wang.
Vẻ đẹp quyến rũ, bình yên của Thái Hồ làm say lòng bao du khách. Ảnh: Net4info.
Cảnh sắc như chốn thiên bồng của Thái Hồ từng làm tốn giấy mực của bao văn nhân mặc khách, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài "Vịnh Thái Hồ": "Tây Hồ không sánh được với Thái Hồ đẹp/Thái Hồ so với Tây Hồ còn rộng hơn nhiều/Thuyền đánh cá đi lại dưới nắng sớm/ Dâu lúa đầy đồng, hoa đầy núi". Ảnh: Tourismofmost.
Một góc công viên Tích Huệ. Ảnh: Arafen.
Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn một ngày nắng đẹp, ngồi tựa mạn thuyền du ngoạn quanh hồ, ngắm cảnh sắc mây trời, thả hồn vào không khí trầm mặc, yên bình, tạm quên đi cuộc sống hối hả ngoài kia, sau đó trở về và thưởng thức những đặc sản trứ danh Thái Hồ. Ảnh: shanghaihighlights.
Ẩm thực Thái Hồ nổi tiếng với đặc sản "Thái Hồ tam bạch" gồm cá bạc, tôm chân trắng, cá trắng đầu nhỏ. Ảnh: Phreddie/Picssr.
Những tảng đá vôi độc đáo chỉ có ở Thái Hồ được dùng làm vật liệu trang trí trong các khu vườn Trung Quốc truyền thống, đặc biệt là các lâm viên ở Tô Châu. Ảnh: Kawika Guillermo.
Một điểm đến không thể bỏ qua khi đến thăm Thái Hồ là phim trường Vô Tích, xây dựng từ năm 1987. Phim trường được chia thành nhiều khu vực với những phố, thành trì, cung điện, nhà dân, chùa chiền phỏng theo các triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh... Ảnh: Zhiyu Wang.
Đây là nơi dùng để quay các bộ phim cổ trang nổi tiếng như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ,... Ảnh: Zhiyu Wang.
Minh Hải
Theo Zing
Những địa danh in dấu chân anh hùng xạ điêu Quách Tĩnh Đảo Đào Hoa, núi Hoa Sơn, hồ Động Đình là những địa danh nổi tiếng của Trung Quốc, cũng là nơi in dấu chân của nhân vật anh hùng "Nhất tiễn song điêu" Quách Tĩnh. Theo tác phẩm "Anh hùng xạ điêu" của Kim Dung, Quách Tĩnh được mẹ là Lý Bình sinh ra và lớn lên ở thảo nguyên Mông Cổ. Mông...