Với 70 hồ nuôi cá tầm, 1 nông dân Lâm Đồng thu tiền tỷ mỗi năm
Với 1ha đất tại thôn 2, xã Rô Men (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) ông Huỳnh Ngọc Thu đã xây dựng 70 hồ nuôi cá tầm, sản lượng loài cá “quý tộc” này hàng năm lên đến hàng trăm tấn, mang lại doanh thu nhiều tỷ đồng. Mô hình nuôi cá tầm của ông Thu mở ra một hướng đi mới cho người dân tại địa phương.
Trở lại xã Rô Men, huyện Đam Rông đầu năm 2020, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã được giới thiệu đến trang trại nuôi các tầm khủng của ông Huỳnh Ngọc Thu với 70 hồ nuôi. Ông Thu cho biết, đến nay, nghề nuôi cá tầm đã theo ông gần chục năm với bao thăng trầm, lên xuống, được và mất…
Nghề nuôi cá tầm như đã vận vào với bản thân ông Thu.
“Cách đây khoảng 5 năm, tôi nuôi cá tầm ở hạ nguồn suối Nước Mát, vì thế mà khi lũ tràn về chỉ biết xót xa nhìn cá tầm trôi theo dòng nước xiết. Lần đó, tôi thiệt hại mất mấy tỷ bạc. Cái nghề nuôi cá tầm này như đã vận vào với thân tôi. Sau đợt lũ đó, mình tôi lặn lội lên thôn 2 xã Rô Men để tìm đất tiếp tục làm bể nuôi cá tầm…”, ông Thu chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Lần này ông Thu chọn địa điểm là thượng nguồn của suối Nước Mát, làm trang trại nuôi cá tầm dựa vào chân đồi. Nếu có xảy ra lũ lutj cũng không ảnh hưởng gì các bể nuôi cá tầm. Hơn nữa, khởi nghiệp nuôi cá tầm lần 2 nên ông làm hồ nuôi chắc ăn hơn. Những hồ nuôi cá tầm được đổ bê tông chắc chắn, hệ thống bể lọc, nước ra vào cũng được cải tiến…
Những bể nuôi cá tầm của ông Thu được đổ bê tông kiên cố cùng hệ thống ống nước ra vào liên tục.
Hiện nay, nước cung cấp cho trang trại nuôi cá tầm của ông Thu được lấy về từ suối Nước Mát qua hệ thống ống nhựa phi 220. Nguồn nước này có độ tinh khiết cao, nhiệt độ luôn trong ngưỡng từ 15-20 độ C, các ống nước chảy liên tục suốt ngày đêm để đảm bảo môi trường tốt nhất cho loài “cá quý tộc” này phát triển.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước cho cá tầm phát triển, ông Thu đã xây dựng hồ lọc, trường hợp mùa mưa, nước từ suối về hồ có bị đục thì hệ thống hồ lọc này sẽ phát huy tác dụng, không ảnh hưởng đến cá tầm nuôi trong trang trại.
Video đang HOT
Thức ăn cho cá tầm con là hỗn hợp cám được pha trộn với tỷ lệ phù hợp.
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm trang trại, anh Lê Sanh Nhân (35 tuổi, quản lý kỹ thuật nuôi cá tầm của ông Huỳnh Ngọc Thu) cho biết: “Trung bình, mỗi hồ bê tông rộng khoảng 100m2 và có thể nuôi khoảng 2.000 cá tầm thương phẩm loại 1,5-2kg và nuôi 1.500 cá tầm thương phẩm loại 5-10kg. Cá tầm nuôi sau 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 1,8 – 2kg/con. Thức ăn của cá tầm là cám công nghiệp dành cho cá tầm. Cho cá tầm ăn với 4 bữa ăn sáng, trưa, chiều, tối”.
Anh Nhân bắt một con cá tầm nặng khoảng 6kg cho phóng viên xem.
Là loại cá ưa nước sạch và nhiệt độ lạnh, vì vậy trong bể cá tầm tại trang trại luôn có những nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ nước. Trung bình, buổi sáng nước có nhiệt độ từ 15-16 độ C, buổi trưa sẽ có nhiệt độ khoảng 20 độ C. Việc tìm được địa điểm để nuôi cá tầm vừa có nhiệt độ thích hợp và sạch như Đam Rông là điều khá khó đối với những ai muốn đầu tư nuôi cá tầm.
Tuy nhiên, hiện nay giá bán cá tầm từ 180.000 – 200.000 thì anh Thu có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ 70 hồ cá tầm của mình.
Nhiệt kế được treo ở những hồ nuôi cá tầm để biết chính xác nhiệt độ trong hồ vào từng thời điểm khác nhau.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, địa phương có chủ trương, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào phát triển cá nước lạnh, trong đó có cá tầm trên địa bàn.
Tỉnh Lâm Đồng hiện đang có 25 đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh thương phẩm với tổng diện tích khoảng 380ha, tổng số vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhiều trang trại kiểu mẫu đã hình thành. Các mô hình như nuôi cá tầm tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP đạt năng suất, chất lượng cao.
Hiện nay, Lâm Đồng đang có nhiều chính sách hỗ trợ nghề nuôi cá nước lạnh. trong đó có nuôi cá tầm trên địa bàn.
Theo Danviet
Nuôi loài cá "tàu ngầm" ở lưng trời, thịt ngọt chắc bán giá cao
Dù được đồng nghiệp cảnh báo trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi "choáng" bởi tuyến đường lên thôn Séo Mý Tỷ của xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) lại khó khăn đến vậy.
Đó là tuyến đường với những đoạn dốc cao nối tiếp, quanh co, khúc khuỷu, đầy "ổ voi, ổ gà", đá hộc ngổn ngang trên mặt đường. Mưa phùn những ngày đông lây phây khiến nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ, chiếc Honda Wave "chiến mã" gài số 1 ì ạch mất hơn 2 tiếng cùng chúng tôi vượt quãng đường hơn 20 km từ trung tâm Sa Pa.
Hồ Séo Mý Tỷ hiện ra trước mắt chúng tôi hư ảo khi lớp sương mù chưa tan hết, nhìn phía bờ bên kia và cuối hồ chỉ thấy lờ mờ những bờ đất, hàng cây đứng lặng phắc. Hồ Séo Mý Tỷ nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, trong một thung lũng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, là hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam tính đến nay. Gần trưa, sương giá tan dần, mặt hồ hiện rõ vài chiếc bè chở du khách tham quan, khám phá và những khu nuôi cá lồng.
Khu vực nuôi cá tầm trên hồ nhân tạo thôn Séo Mý Tỷ.
Giám đốc Công ty Cổ phần Cá hồi - cá tầm Sa Pa, anh Nguyễn Văn Quyết đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ đợi sẵn trên đầu cầu dẫn ra lồng bè nuôi cá nước lạnh. Anh bảo lâu rồi nhà bè mới có khách ghé thăm, "với nhà báo thì đây là lần đầu tiên". Bên ấm trà nóng, anh Quyết bắt đầu câu chuyện với con cá có nguồn gốc từ trời Âu.
Anh Quyết vốn là kỹ sư điện, không hề liên quan đến thủy sản hoặc sản xuất nông nghiệp. Anh là người Thái Bình và việc gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh với anh là điều hết sức ngẫu nhiên. Những năm tháng làm việc tại một nhà máy thủy điện ở Sa Pa, anh rất quan tâm đến hoạt động nuôi cá nước lạnh ở vùng đất này và nhận thấy thôn Séo Mý Tỷ có khí hậu, môi trường lý tưởng để nuôi cá hồi, cá tầm nên anh bắt đầu nung nấu cho những ý tưởng.
Hồ thủy điện Séo Mý Tỷ có thể là một tiềm năng bởi xưa nay chưa ai nuôi cá trên mặt hồ lặng nước như thế. Các cơ sở nuôi cá tại Sa Pa và những nơi khác mà anh biết đều là các ao, bể xây bằng xi măng, nước ở dạng động vì được lưu thông liên tục. Lào Cai không phát triển mạnh nuôi cá lồng, cá bè nên anh đã đến Sơn La và Yên Bái tìm hiểu phương pháp nuôi cá trên lòng hồ.
Khi đã "hòm hòm" kỹ năng, kinh nghiệm, chuyển sang trạng thái chuẩn bị đầu tư thì vấn đề anh gặp là vốn. Nguồn vốn để đầu tư nuôi cá nước lạnh rất lớn, nếu hình thành khu nuôi cá khoảng 0,5 héc-ta cần tới hàng chục tỷ đồng. Giải pháp tốt nhất là thành lập công ty cổ phần để huy động vốn. Thật may là ý tưởng của anh được nhiều người ủng hộ nên vấn đề tài chính đã được giải quyết.
Rồi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu về kỹ thuật, quy trình nuôi cá nước lạnh trong bè trên mặt hồ nước lặng cũng qua đi, những đàn cá hồi, cá tầm có lẽ cũng hiểu được những lo lắng, cực nhọc của nhà đầu tư mà sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Trên lòng hồ, anh Quyết hồ hởi kể về trại cá. Anh cho biết trại nuôi cá nước lạnh của mình nằm trong số ít cơ sở nuôi cá tại địa phương tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP. Anh "bật mí": Việc nuôi cá nước lạnh trên lòng hồ "vất vả hơn cả nuôi con mọn". Thực tế là cá tầm, cá hồi "đỏng đảnh" như "công chúa"!
Bắt tay vào nuôi cá từ năm 2017, đến nay cá tầm Siberia (Liên bang Nga) - loài cá từng được ví như "tàu ngầm" của Công ty Cổ phần Cá hồi - cá tầm Sa Pa đã có trọng lượng trung bình từ 4,5 đến 5 kg/con, chất lượng cá được đánh giá là nổi trội, thịt thơm ngon, chắc hơn cá cùng loại nuôi tại các bể nuôi thông thường.
Tuy nhiên, anh Quyết hạn chế bán cá tầm ra thị trường vì muốn nuôi thêm 5 đến 6 năm nữa để thu hoạch trứng. "Trứng cá tầm Nga đang có giá trị kinh tế cao, giá bán khoảng 20 triệu đồng/kg", anh Quyết thủ thỉ.
Cá hồi vân có nguồn gốc Na Uy của công ty hiện cũng được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng tốt. Giá bán loại cá này của công ty trung bình ở mức 160 nghìn đồng/kg, luôn nhỉnh hơn cá hồi nuôi thông thường tại các bể nuôi. Lý giải điều này, anh Quyết cho biết, môi trường mặt nước lòng hồ có nhiều vi sinh vật là thức ăn tự nhiên của cá hồi vân, đó cũng là lý do tại sao thịt cá chắc, màu thịt vàng hơn.
Anh Giàng Thành Công, trú tại thôn Séo Mý Tỷ cho biết, bản thân làm công cho Công ty Cổ phần Cá hồi - cá tầm Sa Pa hơn 2 năm, chừng ấy thời gian đủ để anh hiểu cách chăm sóc cá sao cho tốt và làm thế nào để đàn cá thích ứng với nền nhiệt độ tăng, giảm vào những ngày hè hoặc những ngày đông khắc nghiệt...
Cuối ngày, mưa dần nặng hạt, chúng tôi chia tay Giám đốc Quyết và những người nuôi cá lồng trên mặt hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam trong bùi ngùi, xúc động. Tôi chợt nhớ đến một câu nói đại ý như "không có người đi đầu tiên thì làm gì có những con đường mới", anh Quyết và những cộng sự của mình đã hình thành nên một hướng đi mới sau khi nuôi thành công giống cá ưa nước động nơi mặt hồ tĩnh. Các anh còn chứng minh rằng mặt hồ chứa nguồn nước phục vụ sản xuất điện năng còn có thể phát triển thủy sản mà ở đây là các giống cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao.
Theo Kiều Thu (Báo Lào Cai)
Đổ xô tìm loại cây giống với sâm Ngọc Linh, cây lớn bán 70 triệu/kg Nhiều người ở Kon Tum, Đắk Lắk tìm đến Lâm Đồng săn lùng loại sâm giống với sâm Ngọc Linh về bán với giá cao. Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, hiện trên địa bàn có một số người từ các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk tới rủ rê nhiều người ở thôn 5, xã Rô Men vào rừng...