Vợ và 3 con chỉ kịp từ biệt chồng mất vì Covid-19 qua điện thoại
“Tôi cảm ơn anh ấy vì đã làm người chồng tuyệt vời nhất, khiến tôi cảm thấy được trân trọng và yêu thương mỗi ngày”, Lewinger nhớ lại lời từ biệt ít phút trước khi chồng qua đời.
Giống như nhiều gia đình trên khắp nước Mỹ hiện nay, Maura Lewinger (sống ở New York) phải nói lời từ biệt với chồng qua FaceTime. Joe (42 tuổi) – chồng Lewinger – qua đời vào cuối tuần trước do nhiễm Covid-19.
Do lệnh phong tỏa, tự cách ly xã hội giữa đại dịch, Lewinger không được ở bên Joe trong những ngày cuối đời.
“Đôi khi tôi thấy như anh ấy chỉ đang làm việc”, cô nói với CNN.
Joe không có bệnh lý nền và bắt đầu với triệu chứng nhẹ của Covid-19, bao gồm sốt. Ngày 17/3, anh sốt cao và gặp vấn đề về hô hấp.
Những ngày cuối đời của Joe, Lewinger nói rằng cô gần như FaceTime 24/7 với chồng để động viên, trấn tĩnh và cố gắng không để anh cảm thấy cô đơn.
Khi bác sĩ thông báo hơi thở của Joe ngày càng yếu và phải dùng 3 loại thuốc huyết áp khác nhau, Lewinger xin được nói chuyện với Joe qua màn hình điện thoại.
“Khi trông thấy chồng, tôi cầu xin anh ấy đừng rời xa chúng tôi và nói rằng chúng tôi rất cần anh ấy”, Lewinger nhớ lại.
Gia đình hạnh phúc của Lewinger trước khi chồng cô qua đời vì nhiễm Covid-19. Ảnh: Maura Lewinger.
Khi các bác sĩ cho biết họ sẽ làm mọi cách để cứu sống Joe, Lewinger nghe đi nghe lại bài hát đám cưới của hai người và nhìn chằm chằm vào khoảng sân sau.
Nhưng sau đó, bác sĩ gọi lại với một tin buồn: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng e rằng anh ấy không còn nhiều thời gian”.
Lewinger nhờ bác sĩ cho FaceTime với chồng một lần cuối.
“Tôi cảm ơn anh ấy vì đã trở thành người chồng tuyệt vời nhất, khiến tôi cảm thấy được trân trọng và yêu thương mỗi ngày”, Lewinger nhớ lại lời từ biệt chồng.
Bác sĩ sau đó thông báo mạch của Joe đã biến mất.
“Tôi mở bài hát đám cưới của chúng tôi cho anh ấy nghe. Và rồi anh ấy ra đi”, Lewinger nói.
Trước khi qua đời, Joe là trợ lý hiệu trưởng và huấn luyện viên đội bóng rổ tại một trường trung học ở Long Island, New York trong 20 năm.
“Anh ấy luôn chăm chú lắng nghe, bất kể bạn đang nói về điều gì”, Lewinger kể.
Khi còn sống, Joe từng viết những bức thư tình và để vào hộp cơm trưa của vợ. Đó không chỉ là lời “chúc một ngày tuyệt vời”, mà còn cho biết bà xã quan trọng với anh thế nào. Đôi khi, nội dung được viết trong thư là kế hoạch của họ cho ngày hôm sau hoặc cuối tuần.
“Anh ấy luôn chăm sóc tôi, pha cà phê và giúp tôi mọi điều”, Lewinger nói.
Joe ra đi bỏ lại vợ và 3 người con. Sau cái chết của chồng, Lewinger nhấn mạnh với mọi người tầm quan trọng của việc ở nhà và tuân thủ việc cách ly xã hội.
“Dù buồn chán, cô đơn hay bất kể điều gì khác, bạn và người thân phải ở trong nhà”, cô nói.
Thiên Nhi
Covid-19 làm khổ dân Ấn Độ: 'Đang sống đàng hoàng phải ra đường ăn xin'
Lệnh phong tỏa đang ảnh hưởng nặng nề đến các công dân nghèo ở Ấn Độ, khi họ không thể đi làm và cũng không thể về quê, "mắc kẹt" trên đường phố.
Hơn 10 năm trời, Begum Jan sống trên đường phố Kolkata, Ấn Độ. Người phụ nữ 62 tuổi ngồi xe lăn làm thêm công việc giúp việc nhà, nhờ cậy vào những tài xế xích lô và người qua đường cho bà thêm đồ ăn mỗi ngày.
Nhưng tuần trước bà mất việc do bệnh lao và không còn chỗ ở, những người giúp đỡ bà không còn công việc và không thể đến giúp do lệnh phong tỏa.
Lao động di cư cố gắng về nhà trên một chiếc xe tải đông đúc. (Ảnh: Reuters)
Con trai bà, Raja Khan, cùng 3 đứa con cũng phải sống trên đường phố sau khi công việc khuân vác trên các chuyến tàu hỏa không còn. Kể từ khi lệnh phong tỏa được tuyên bố, Khan đẩy mẹ trên xe lăn đi tới 25 dặm (hơn 40 km) một ngày để kiếm đồ ăn cho bà và các con.
"Tàu không chạy nên tôi không có việc. Tôi cần làm việc hàng ngày để nuôi gia đình, lần đầu tiên trong đời tôi phải đi ăn xin. Thật xấu hổ."
Manoranjan Ghosh, trước kia làm việc và ngủ tại một quán trà ven đường ở Kolkata, giờ cũng mất việc và cả chỗ ở.
Anh ngủ tạm trong một chỗ trống ở ga tàu và vẫn ăn mặc "chỉnh tề" nhất có thể mỗi buổi sáng, nhưng cuộc sống đang ngày càng khó khăn hơn. "Tôi mua thức ăn và sử dụng hết tiền tiết kiệm trong 2-3 ngày đầu phong tỏa. Rồi tôi bán điện thoại cho một người bán rau để cầm cự thêm ít ngày. Nhưng giờ tôi không còn tiền nữa.
Tôi đã làm việc tốt và sống đàng hoàng. Đột nhiên tôi trở thành vô gia cư và phải đi ăn xin."
Video: Người Ấn Độ chen chúc ở bến xe về quê sau lệnh phong tỏa
Phần lớn các ý kiến chỉ trích lệnh phong tỏa 21 ngày của chính phủ Ấn Độ là quá đột ngột - người dân chỉ có 4 tiếng sau thông báo và hàng triệu người không còn thời gian để về quê khi các phương tiện giao thông và hoạt động kinh doanh ngừng lại.
Một lượng lớn những người lao động di cư gấp rút lên đường về, gây ra khung cảnh tắc nghẽn ở các bến xe, điều có thể làm tăng nguy cơ lây lan Covid-19. Nhiều người không có xe quyết định đi bộ hàng trăm km.
Cơ quan chức năng nhanh chóng ngừng tình trạng này bằng cách đóng cửa các biên giới bang, khiến hàng nghìn người mắc kẹt.
Nhà kinh tế học người Ấn Độ Jayoti Ghosh mô tả việc phong tỏa là thảm họa.
Một lao động nhà máy dệt Ấn Độ sau khi nhà máy đóng cửa. (Ảnh: Reuters)
Ghosh cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực được báo cáo gần đây trên khắp Ấn Độ sẽ trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn trong hai tuần tới. Theo chuyên gia, ngay cả khi phong tỏa là cần thiết, cần sắp xếp trước một tuần để mọi người có thể về nhà an toàn.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang cung cấp một số gói cứu trợ. Bang Maharashtra công bố khoản cứu trợ 5,9 triệu USD, Kerala sẽ chi 2,7 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng và Uttar Pradesh sẽ gửi viện trợ tài chính 1.000 rupee (13,09 USD)/người/tháng cho 3,5 triệu lao động làm việc theo ngày.
Nhưng vì không có nhiều thông tin về sự di chuyển của người dân và nơi sống tạm thời của họ, có những lo ngại rằng các gói cứu trợ sẽ bỏ sót hàng triệu người.
PHƯƠNG ANH
Cả nước phong tỏa vẫn cố đi bộ gặp bạn gái rồi mất tích Chàng trai 16 tuổi đã mất tích hơn một tuần sau khi quyết tâm đi bộ 450 km để gặp người yêu. Cảnh sát đã mở cuộc tìm kiếm Owen Harding (16 tuổi) sau khi thiếu niên này rời khỏi nhà ở Saltdean (East Sussex, Anh) vào ngày 26/3 và hiện vẫn chưa có tin tức gì. Mẹ của Owen, bà Stella Harding,...