Vợ uất nghẹn khi chồng không chịu kiêng “yêu” ngày đầu năm
Con sóng ngầm luôn trực trào trong lòng Luyến ngày một nhiều. Và có lẽ, chỉ đợi hết đợt Tết này, nó sẽ bị bung ra như ngọn núi lửa phun trào nham thạch…
Sau bữa cơm tất niên cuối năm, Luyến thỏ thẻ với chồng: “ Anh ơi, từ mai là phải kiêng (kiêng quan hệ) đấy. Em thấy người ta bảo, đầu năm mà làm “chuyện đó” là đen lắm. Thế nên vợ chồng mình cố gắng “nhịn” đến ngoài Rằm anh nhé“.
Nghe vợ nói, Hùng giãy nảy lên: “ Cái gì cơ, vợ chồng mình mới cưới được gần một tháng, mà giời phải kiêng đến hơn nửa tháng thì chịu sao nổi“.
“ Không chịu được thì cũng phải cố thôi anh ạ. Các cụ đã bảo “có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà“, Luyến thuyết phục chồng.
“ Nhưng tại sao phải kiêng đến tận hết Rằm, chỉ kiêng mấy ngày đầu năm là được mà. Chứ thế kia thì ai chịu nổi”, Hùng nói giọng như năn nỉ vợ.
Nhìn khuôn mặt tội nghiệp của chồng nhưng Luyến vẫn quả quyết: “ Thôi, mất công kiêng thì kiêng luôn. Không đến lúc xảy ra chuyện gì xấu lại hối hận không kịp“.
Vợ chồng lục đục vì chuyện kiêng “yêu” ngày đầu năm. Ảnh minh họa
Sau câu nói của vợ, Hùng sầm mặt đứng dậy. Trước khi ra đến cửa, Hùng ngoái lại nhìn Luyến: “ Tùy em thôi. Nếu em đã thích thế thì anh cũng chiều. Anh không muốn tranh cãi nữa vì có làm “chuyện đó” mà em không hợp tác thì có cũng như không. Đêm nay anh có hẹn với đám bạn, em cứ ngủ trước đi, không cần chờ anh”.
Nói rồi, Hùng lấy áo phóng đi một mạch trước sự ngỡ ngàng xen lẫn sự tủi thân của Luyến. Vậy là Tết đầu tiên sau khi lấy chồng, Luyến phải đón giao thừa trong sự cô đơn.
Từ đó đến nay, ban ngày, trước mặt mọi người, Hùng vẫn tỏ ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra nhưng đêm đến, anh đều quay lưng về phía vợ. Dù Luyến đã xuống nước làm hòa nhưng Hùng cũng không động lòng. Kể cả Luyến có vòng tay ôm sau lưng, Hùng cũng hẩy tay ra một cách rất dứt khoát.
Video đang HOT
Điều đó làm cho Luyến cảm thấy vô cùng uất ức, khó chịu. Cô đã làm gì sai. Tất cả những điều cô làm cũng chỉ vì muốn tốt cho tương lai của hai vợ chồng nhưng vì sự ích kỷ của bản thân, chồng cô lại nỡ đối xử với cô như vậy.
Càng nghĩ, Luyến càng uất nghẹn nhưng cô cố nhịn cho êm cửa êm nhà vì đang ở quê ăn Tết với bố mẹ chồng. Tuy nhiên, con sóng ngầm luôn trực trào trong lòng cô ngày một nhiều. Và có lẽ, chỉ đợi hết đợt Tết này, nó sẽ bị bung ra như ngọn núi lửa phun trào nham thạch…
Hiện nay, có nhiều ý kiến trái ngược về chuyện vợ chồng có nên ân ái trong những ngày đầu năm hay không. Có ý kiến cho rằng, đầu năm mới, nếu hai vợ chồng quan hệ thì cả năm “chuyện ấy” sẽ thăng hoa. Tuy nhiên, cũng có người phản đối cho rằng làm “chuyện đó” đầu năm sẽ gặp rất nhiều đen đủi. Nếu có sinh con thì con cái sẽ ốm yếu, khuyết tật và ảnh hưởng đến sức khỏe đôi bên.
Theo chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh (Hà Nội), quan niệm kiêng chuyện ân ái vợ chồng vào năm mới vì sợ “đen” hoàn toàn là do truyền miệng. Trên thực tế chưa có cơ sở nào để khẳng định việc này.
Có chăng, việc kiêng giao hợp trong những ngày đầu năm nhằm đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết. Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung (Phụ trách Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội), đa số đấng mày râu trong dịp Tết đều ngập tràn trong rượu bia của các buổi tiệc tùng.
Do đó, nếu không cẩn thận, khi giao hợp vợ chồng có thể gặp một số rủi ro như: Đột quỵ, cảm lạnh, ốm, dễ làm tổn thương đối tác, quan hệ đốt cháy giai đoạn và quá mạnh bạo, quan hệ không an toàn… Bên cạnh đó, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) cũng khuyên rằng, đàn ông không nên “yêu” khi vừa uống nhiều rượu để tránh bị thượng mã phong.
Vì vậy, theo các chuyên gia, nếu muốn hâm nóng tình cảm trong những ngày đầu năm, các cặp vợ chồng nên chuẩn bị sức khỏe và tình thần thật tốt trước khi nhập cuộc để có một cuộc “yêu” hoàn hảo nhất.
Mai Khôi
Theo giadinh.net.vn
Tôi sẽ về nhà đón giao thừa và gọi hai tiếng 'mẹ ơi!'
Năm tôi lên sáu tuổi, mẹ mất vì tai nạn. Bố tôi ở vậy đến năm tôi vào cấp hai thì tái giá. Những người hàng xóm xì xào chọc ghẹo, tôi đi học bạn bè cũng cười cợt chỉ trỏ nói tôi sắp có mẹ kế.
Lũ bạn ác mồm còn đọc đi đọc lại câu vè "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng" mỗi khi tôi đi ngang qua. Tuổi thơ non dại có biết đâu là sai, là đúng, chỉ thấy người đời trêu cợt rồi lo sợ.
Cô Hải, mẹ kế của tôi, là công nhân cùng làm việc ở mỏ than với bố, đã có một đời chồng nhưng chồng bỏ đi theo người khác khi chưa có con cái gì. Trước đó cũng vài lần cô đến nhà chơi, khi ấy tôi hồn nhiên chào đón vì cô rất tình cảm và hiền lành, lần nào đến cũng mang cho tôi sách truyện. Nhưng từ khi biết cô ấy sẽ thành mẹ kế của mình, tôi thay đổi hoàn toàn thái độ. Hễ cô đến là tôi vùng vằng, bỏ cơm, trốn vào góc nhà ngồi một mình, có khi còn khóc vì nhớ mẹ.
Bố tôi buồn khi tôi tỏ ra khó chịu với cô, có lần bố đã vung tay định đánh khi tôi hất văng món quà cô mang đến, nhưng cô ngăn lại. Dù tôi tỏ ra thù địch như vậy nhưng bố và cô vẫn đến với nhau sau bữa tiệc nhỏ là mấy mâm cơm mời bà con làng xóm. Hôm ấy, tôi đi bộ mấy cây số về nhà bà ngoại, vừa đi vừa khóc nức nở.
Tôi bị ám ảnh và sợ hãi trước những lời trêu ghẹo ác ý xung quanh đến nỗi luôn tỏ ra lạnh nhạt và xa cách với mẹ kế. Ảnh minh họa.
Cuộc sống chung sau đó chẳng hề giống hàng xóm gièm pha. Tôi vẫn gọi cô Hải là cô và thường nói trống không dù bố bắt tôi gọi cô là mẹ. Dù tôi lạnh nhạt thế nào, cô vẫn ân cần với tôi hết mực, cả những lúc bố không ở nhà cũng vậy. Cô hỏi bố về những món ăn tôi thích, mua cho tôi những cuốn truyện mà tôi mơ ước, may cho tôi những bộ quần áo mới rất đẹp. Nhưng cô biết tôi không thích nhận gì của cô nên luôn đưa cho bố làm như đó là quà bố tặng tôi.
Nhưng tôi vẫn tỏ ra xa cách với cô, một phần vì tôi cảm thấy có lỗi với mẹ, tôi rất sợ mẹ buồn và tủi thân khi biết tôi gọi người khác là mẹ, vui vẻ thân thiết với người khác trong khi mẹ phải lìa xa tôi từ khi tôi còn quá nhỏ. Tôi nhớ có lần bố mua cho cô chiếc áo rất đẹp, tôi lén lấy kéo cắt khi không có ai ở nhà. Tối đó về cô thấy và khóc một mình, nhưng về sau khi bố hỏi sao không mặc, cô bảo cô đã tặng em gái.
Cô biết tôi mê đọc sách nhưng không chịu mở lòng với cô nên những gì muốn chỉ dạy tôi, cô đều nhờ sách. Năm tôi học lớp tám, cô nhờ bố đưa cho tôi cuốn sách nói về chuyện dậy thì. Cả chuyện giới tính, tình yêu tuổi mới lớn, cô cũng chỉ dạy tôi qua những cuốn báo tuổi học trò cô nhờ người cầm từ thành phố về cho tôi. Nhờ đó, tôi không bỡ ngỡ trước chu kỳ đầu tiên, không quá hoang mang khi thấy mình "rung rinh" trước những cái chạm tay của cậu bạn cùng lớp.
Cô luôn nấu những món tôi thích, may cho tôi quần áo đẹp, mua sách truyện cho tôi, nhưng đổi lại tôi luôn tỏ ra thờ ơ hoặc khó chịu. Ảnh minh họa
Tôi vào cấp ba, đi học trường chuyên của huyện, hai tuần mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần tôi về, cô vui ra mặt dù tôi kiệm lời hết sức. Cô làm ruốc thịt, ruốc cá, muối vừng, mua bánh kẹo cho tôi mang theo từng bịch lớn nhỏ. Cô tự mình dắt chiếc xe đạp của tôi ra chỗ sửa xe nhờ người ta cân vành, chỉnh phanh lại cho chắc chắn. Mỗi lần tôi đi, ánh mắt cô nhìn theo vừa buồn vừa hụt hẫng, nhưng tôi tỏ ra thờ ơ như không thấy và nhủ thầm "Chẳng phải con cái ruột thịt thì có gì mà buồn? Chỉ là diễn cho bố thấy thôi".
Tôi thi đậu đại học cũng là lúc bố bị tai nạn lao động trong mỏ than. Tai nạn không chết người nhưng bố không thể làm việc nặng như trước nữa. Đồng lương hưu sớm còm cõi của bố chẳng thể nào lo cho tôi hết bốn năm đại học. Tôi khóc vì thương bố, cũng vì thương mình. Tôi quyết định bỏ học, đi làm công nhân ở xưởng làm đế giày gần nhà, vừa để tự nuôi mình vừa phụ giúp bố.
Lần đầu tiên tôi thấy cô giận dữ và phản ứng với quyết định của tôi. Cô bảo tôi không được phép bỏ học. Chuyện chăm sóc bố và tiền học của tôi, cô sẽ lo được. Tôi vẫn nhất quyết không đồng ý vì không muốn "mang ơn" mẹ ghẻ. Cô khóc, nói nếu tôi thực sự thương bố mẹ mình thì phải học cho giỏi để sau này sống mở mày mở mặt, không vất vả như bố mẹ.
Cô làm việc nhiều năm ở mỏ than, công việc cực nhọc ngay cả đối với đàn ông, cũng vì muốn lo cho tôi học hành đến nơi đến chốn. Ảnh minh họa
Vào đại học, tôi làm thêm đủ mọi việc, từ phát tờ rơi, phụ rửa bát quán cơm đến bán shop quần áo, dạy gia sư. Dần dần tôi tự lo được cả tiền sinh hoạt và học phí cho mình, nhưng đều đặn mỗi tháng cô vẫn gửi tiền lên cho tôi dù tôi bảo không cần gửi nữa. Cô vừa chăm bố tôi vừa đi làm ở mỏ than nên già rất nhanh, tóc bạc nhiều dù chưa tới tuổi 50.
Có lần cô gọi cho tôi, nghe giọng biết tôi ốm, cô bắt xe lên thành phố thăm tôi. Nhìn dáng gầy gầy của cô tất tả xách theo nào bánh đa, ruốc, muối vừng, tôi bất giác thấy cay khóe mắt. Trong thâm tâm tôi biết mình ích kỷ với cô, nhưng tôi vẫn chưa từng mở lòng gọi cô bằng tiếng "mẹ".
Mấy hôm trước, bố gọi cho tôi hỏi hôm nào về nghỉ tết. Giữa chừng, bố bỗng hỏi tôi: "Con có biết vì sao bố và cô Hải không sinh thêm con không?". Tôi giật mình vì chưa từng nghĩ tới điều này. Bố bảo, ngày ấy lấy nhau khá lâu mà hai người vẫn không thể có con. Đi khám mới biết bố tôi bị suy giảm chất lượng tinh trùng, cần theo phác đồ điều trị khá lâu dài và tốn kém. Bố tôi muốn làm để cô Hải được làm mẹ nhưng cô ngăn lại. Cô bảo, kinh tế gia đình đang khó khăn, hơn nữa cô sợ sinh thêm con tôi sẽ càng chống đối. Cô sợ tôi bị ảnh hưởng đến tinh thần và tính cách sau này.
Tôi tự nhủ tết này sẽ về ôm mẹ và gọi mẹ bằng hai tiếng "Mẹ ơi" bấy lâu nay chưa dám nói. Ảnh minh họa
Bố còn bảo, mỗi năm lúc giao thừa tôi đều bỏ đi chơi cùng lũ bạn trong xóm, chưa một lần ở nhà đón giao thừa cùng bố và cô. Cô không nói ra nhưng lần nào đến giao thừa cũng ngóng ra cổng xem tôi có về không. Tôi nghe từng lời của bố mà nước mắt chan chứa. Tự nhủ lòng, tết này nhất định con sẽ về xin mẹ tha thứ, để được mẹ ôm vào lòng và gọi mẹ bằng hai tiếng "Mẹ ơi!" con còn nợ suốt những tháng năm qua.
Theo phunuonline.com.vn
"Mẹ ơi, xuân này con không về": tết bỗng chốc thu bé lại bằng nỗi nhớ nhà quay quắt Tết đến Xuân về là dịp mà cả gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau, cùng nhau vui vẻ bên bữa cơm tất niên, đón giao thừa. Thế nhưng, vẫn có những người con đi làm xa quê lại chẳng thể về cùng gia đình kịp đón Tết. Tết là dịp để các thành viên trong gia đình cùng nhau trò chuyện,...