“Vỡ trận” dịch tả lợn châu Phi : Cục Thú y đang “giấu” thông tin?
Cho đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra nhiều địa phương với số lượng lợn chết và phải tiêu hủy tăng lên chóng mặt.
Tuy nhiên, đến ngày hôm nay 10/5, trên trang thông tin chính thức của Cục Thú y vẫn im lìm, không hề có một dòng thông tin về diễn biến của dịch, cũng như hướng dẫn cách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho người dân.
Như vậy, sau Đồng Nai đến lượt Bình Phước là tỉnh thứ 2 ở khu vực miền Nam xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, dịch đã quét qua hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Trung, tại mỗi nơi dịch đi qua, thường phải tiêu hủy cả đàn lợn của các hộ dân.
Website chính thức của Cục Thú y hoàn toàn không có một thông tin gì về dịch tả lợn châu Phi.
Thiếu kịch bản phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Theo một báo cáo mới nhất, tính đến ngày 18/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.152 xã của 131 huyện, 24 tỉnh, thành phố với 396.946 con lợn bị nhiễm bệnh. Có thể thấy, đây là “đại dịch” của ngành chăn nuôi lợn chưa từng có xảy ra tại nước ta.
Tuy nhiên, ngay trong chiều nay, khi truy cập vào website của Cục Thú y, mọi thông tin về dịch tả lợn đều không có. Bản tin cập nhật về dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi đã “biến mất” trên website này từ lâu. Trước đây, bản tin này được duy trì nhằm thông báo tình hình về các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, song không hiểu vì sao, kể từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, bản tin này đã không còn.
Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y đã đề ra 2 tình huống, đó là: Dịch phát hiện quy mô hẹp và Dịch bệnh được phát hiện trên diện rộng. Trong đó, nếu dịch được phát hiện ở quy mô nhỏ hẹp (tạm quy ước từ 01 đến 03 hộ chăn nuôi, trại chăn nuôi gia đình trong từ 01 – 03 thôn, làng, ấp của 01 đơn vị hành chính là cấp xã), ngay sau khi phát hiện bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều phải lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm (PTN) của Cục Thú y để xét nghiệm. Việc xét nghiệm được thực hiện tại ít nhất 02 PTN để bảo đảm tính chính xác, khách quan và có sự kiểm tra chéo.
Đối với tình huống thứ 2: Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với hộ bị dịch trong cùng một đơn vị cấp xã, đàn lợn các hộ chăn nuôi, trang trại còn lại trong cùng xã, nhóm xã, nhóm huyện và toàn tỉnh nếu có biểu hiện hiện triệu chứng điển hình của DTLCP có thể tiến hành các biện pháp tiêu hủy ngay không cần xét nghiệm.
Người dân ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh phải tự xoay xở đưa lợn bị dịch tả đi tiêu hủy.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV trên thực tế, cả 2 kịch bản trên đều đã không được thực hiện, với lý do được ngành thú y đưa ra là… thiếu người. Đơn cử như tại Bắc Ninh, hiện dịch đã lây lan ra khắp nơi, nhiều xã gần như bị xóa sổ đàn lợn, số lợn chết tiêu hủy không kịp. Ông Phạm Công Quyện – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình cho hay: Do dịch xảy ra tại nhiều nơi, đàn lợn lại đông và lực lượng thú y mới có sự thay đổi, bị cắt giảm, sát nhập nên việc xử lý dịch bệnh ở địa phương còn nhiều thiếu sót và chưa hoàn thiện. “Hiện, chúng tôi đã nắm bắt được tình hình và sẽ chấn chỉnh lại để đảm bảo công tác phòng, dập dịch, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi hiệu quả hơn” – ông Quyện nói.
Trong khi đó, theo thông tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại Bắc Giang, người dân còn phải viết thư… cầu cứu Chủ tịch UBND tỉnh, vì lợn chết đầy sân không có người đến đưa đi tiêu hủy theo quy định.
Chia sẻ với PV NNVN qua điện thoại, giọng ông Lương Hồng Sơn, thú y viên xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đầy tâm trạng. “Trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, số lượng lợn chết buộc phải tiêu hủy quá nhiều, một mình thú y viên không thể làm xuể. Tôi phải thay mặt UBND xã, đứng ra thuê máy múc đào hố tiêu hủy, thuê xe chở lợn, mướn người bốc vác và 10 nhân công phun thuốc tiêu độc khử trùng liên tục trong 10 ngày… Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa có kinh phí để chi trả, cho nên vô tình tôi trở thành con nợ”.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày tiêu hủy gia súc mắc bệnh sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng (trường hợp là ngày nghỉ, lễ tết sẽ được hỗ trợ gấp đôi). Thế nhưng, đến nay, sau khi đã tiêu hủy gần 100 tấn lợn, ông Sơn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào. Đó là chưa kể sau khi tỉnh Bắc Giang “khai tử” hệ thống cán bộ thú y cấp xã, thôn (để thành lập Trung tâm dịch vụ – Kỹ thuật nông nghiệp huyện), thú y viên phụ trách xã không còn được hưởng phụ cấp chức vụ như các công chức khác.
Lợn chết đầy sân tại một hỗ chăn nuôi ở Việt Yên, nhưng không được đưa đi tiêu hủy. Ảnh: NNVN.
Hỗn loạn thông tin…
Chính vì thiếu thông tin chính thức từ ngành chức năng là Cục Thú y, mà đến nay công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi gần như rơi vào mớ hỗn loạn, các địa phương đang triển khai công tác phòng và chống dịch rất bị động. Ông Nguyễn Đăng Cường, nông dân xuất sắc tỉnh Bắc Ninh ở huyện Thuận Thành cho biết: “Nhà tôi vừa phải tự chôn 70 con lợn nái và 300 con lợn bột, trong đó chỉ có 1 tấn được thú y đến ghi nhận; còn lại đành chịu, vì tôi cứ tưởng bệnh này… chữa được”.
Còn ông L.V.Đ, cũng ở Bắc Ninh cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là khi lợn chết, buộc phải tiêu hủy không tìm được… chỗ chôn. Nhà tôi có gần 100 con lợn bệnh phải chích điện chết để tiêu hủy, đáng lẽ sẽ có lực lượng thú y đến hướng dẫn và có xe chuyên dụng chở lợn đi tiêu hủ, nhưng họ chỉ đến ghi… số cân để sau này hỗ trợ, còn lại để người dân tự xoay xở mang lợn đi tiêu hủy”.
Theo ông Đ., khi tôi chở lợn đến giữa cánh đồng được thôn chỉ, chẳng có hố nào được đào sẵn cả, lúc sau người dân phản ánh, thì thôn lại chỉ mang lợn lên bãi rác để tập hợp ở đó. “Bệnh này lây lan nhanh trong đàn lợn, đáng lẽ lợn bệnh sau khi chết phải đưa đi tiêu hủy ngay, có đào hố chôn sẵn, đằng này có khi để lợn chết chình ình mấy ngày mới chôn khác nào rắc dịch đi các nơi khác”- ông Đ. nói.
Một vấn đề nữa là, khác với dịch cúm gia cầm, việc tiêu hủy dễ dàng hơn khi mỗi con gà chỉ có trọng lượng dưới 3kg, trong khi con lợn nặng tới cả 100-250kg, việc vận chuyển chôn lấp càng khó khăn hơn. Song tại các địa phương, đáng lẽ cần huy động các lực lượng khác cùng vào cuộc tiêu hủy nhanh, kịp thời cho người dân, thì lại phó mặc cho thú ý tự xử lý.
Mặc dù theo thống kê, đến nay đã có gần 400.000 con lợn nhiễm bệnh dịch tả châu Phi, song dư luận đang nghi ngờ số liệu này, bởi trên thực tế, tại các thôn, xã có dịch, gần như toàn bộ đàn lợn tại địa bàn đó nhiễm bệnh và phải tiêu hủy. Tại mỗi nơi dịch đi qua, người nông dân đều rất hoang mang, lo lắng, và để lại cảnh tượng tiêu điều chưa từng có tại các chuồng nuôi lợn.
Câu hỏi về toàn bộ diễn biến của dịch tả lợn châu Phi lần này đang đợi ngành thú y trả lời. Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Theo Danviet
Bắc Ninh: Lợn chết la liệt vì dịch tả, thú y thiếu người tiêu hủy
Theo phản ánh của bà con ở thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), hiện số lượng lợn ở thôn bị dịch tả lợn châu Phi chết đang tăng chóng mặt nhưng do lực lượng thú y rất ít, nên xử lý không xuể dẫn đến tình trạng có nơi xảy ra lợn chết rồi, vẫn chưa được đưa đi tiêu hủy kịp thời.
CLIP: Lợn dịch chết 2 ngày mới thấy mặt thu y
Đến thôn Hương Triện vào những ngày này đâu đâu cũng thấy vôi rắc trắng xóa, tiếng lợn bị chích điện chết để đưa đi tiêu hủy kêu ầm ĩ khắp nơi. Trên đoạn đường vào thôn, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp các xe kéo lợn đi tiêu hủy.
Ông Bùi Thế Quế - Trưởng thôn Hương Triện cho hay: "Thời điểm này lợn dịch ở thôn đang chết nhiều nên các cán bộ thú y xã, huyện phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm cũng không xuể".
Con lợn có trọng lượng hơn 100kg của ông Bạch chết từ đêm hôm trước nhưng sang ngày hôm sau mới được lực lượng thu y xã đưa đi tiêu hủy.
"Do lực lượng mỏng, số lượng lợn chết nhiều nên việc xử lý không xuể, có hộ báo lợn chết từ ngày hôm trước nhưng sang đến hôm sau mới có người đến đưa đi tiêu hủy", ông Quế nói.
Điển hình như hộ của gia đình ông Vũ Đình Bạch nuôi hơn 10 con lợn, trong đó có 1 con bị phát hiện ốm chết từ đêm hôm trước (đêm 17.4) và vợ chồng ông Bạch đã nhiều lần gọi điện báo lên xã nhưng mãi đến gần trưa ngày hôm sau (18.4) mới có cán bộ thú y đến kiểm tra.
"Tôi gọi điện nhiều lần nhưng cán bộ thú y xã bảo gia đình phải tự kéo điện chích chết hết các con còn lại mới được đem đi tiêu hủy khiến chúng tôi rất bức xúc. Của đau, con xót vợ chồng tôi không xuống tay được nên đành phải nhờ hàng xóm sang xử lý giúp, song mãi chiều cùng ngày thu y mới sắp xếp xuống đưa đi tiêu hủy được", ông Bạch kể.
Ông Bạch nhờ hàng xóm chích điện các con lợn còn lại của gia đình để đem đi tiêu hủy.
Cùng hoàn cảnh với gia đình ông Bạch, gia đình ông Vũ Đình Khương ở Hương Triện còn phải tự mua vật dụng, thuốc, vôi khử trùng và thuê người mất chi phí gần 1 triệu đồng để tiêu hủy con lợn nái hơn 200kg của mình tại vườn nhà. "Do nuôi ít nên xã bảo gia đình tự tiêu hủy nên chúng tôi đành phải chủ động xử lý thôi", ông Khương cho hay.
Chiều ngày 18.4, lợn dịch nhà ông Bạch mới được cán bộ thú y đến nghiệm thu và đưa đi tiêu hủy.
Do thiếu xe chở nên thú y xã phải thuê cả xe máy kéo lợn dịch đưa ra đồng tiêu hủy.
Lợn được đưa ra bãi rác của thôn để đợi đào hố chôn tiêu hủy.
Ông Vũ Đình Khương chỉ nơi ông thuê người chôn 1 con lợn bị chết dịch của gia đình ngày 17.4.
Do công tác tiêu hủy, xử lý dịch bệnh có vấn đề nên nhiều hộ dân ở đây rất lo lắng và bức xúc, nhiều hộ đã phải chủ động mua thêm vôi bột, thuốc về phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và các khu vực quanh trang trại.
Theo Danviet
Bộ NNPTNT đề nghị Ban Tuyên giáo TƯ xử lý tin sai về dịch tả lợn châu Phi Hôm nay, ngay 11.3.2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục có văn bản số 1697/BNN-VP đề nghị ban Tuyên giáo Trung ương vào cuộc chỉ đạo thông tin, tuyên truyền về bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Trong văn bản, Bộ NNPTNT nêu rõ, thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, việc đưa thông tin về...