‘Vợ tôi thờ ơ với chồng, quyết bám trụ nhà mẹ đẻ’
Chúng tôi cưới nhau đã được 3 năm nhưng số ngày cô ấy ở nhà mẹ đẻ còn nhiều hơn cả số ngày ở với gia đình chồng.
Tính tình cô ấy trở nên cáu gắt, sai tôi hết cái này cái nọ rồi thì không hài lòng, chê bai đủ thứ. (Ảnh minh họa)
Cô ấy là con gái đầu trong một gia đình có 4 chị em gái, gia cảnh cũng thuộc diện khá giả, từ bé đến lớn ngoài việc học ra hầu như cô ấy không phải đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì.
Chúng tôi quen nhau trong một tiệc cưới của bạn học cùng đại học với cô ấy mà chú rể là cậu họ tôi. Lúc đầu tôi rất thích tính cách ngây thơ hồn nhiên của cô ấy, cách cô ấy cười nói chuyện với mọi người thể hiện cô ấy là một người hướng ngoại, hòa đồng và lúc nào cũng vui vẻ.
Lúc yêu nhau, mặc dù thỉnh thoảng chúng tôi cũng có cãi cọ vì sự vô tâm thờ ơ của cô ấy nhưng nhìn chung không có gì quá đáng, tôi cảm thấy ở bên một người phụ nữ như vậy không có gì bất ổn cả.
Thế là chúng tôi cưới nhau sau 1 năm quen biết. 2 tháng đầu tân hôn, chúng tôi suốt ngày quấn quít, đi làm về là chỉ muốn ở trong phòng với nhau. Thậm chí khi bị chỉ định đi công tác lâu ngày là tôi cuống cuồng tìm người để đổi. Nhưng đến khi cô ấy bắt đầu mang bầu, mọi chuyện bỗng nhiên thay đổi.
Cô ấy thiếu hẳn hứng thú với tình dục. Thường xuyên từ chối tôi, tôi cũng nghĩ 3 tháng đầu thì phải giữ gìn nên không dám đòi hỏi gì. Nhưng những tháng tiếp theo, dù tôi có ám chỉ hay gợi ý gì đi chăng nữa, cô ấy cũng tỏ ra không biết hoặc than thở mệt mỏi rồi lăn ra ngủ. Tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi nằm xuống bên cạnh.
Video đang HOT
7 tháng sau kết hôn, cô ấy bỗng dưng nói với tôi rằng muốn về nhà mẹ đẻ dưỡng thai. Tôi nghĩ cũng được, dù sao thì ở bên này còn bố mẹ chồng, cô ấy có muốn tự do ăn uống hay làm biếng cũng không được. Nhà mẹ vợ tôi cách nhà chúng tôi hơn 50km nên tôi chở vợ về bên đó. Tôi chỉ nghĩ cô ấy đi vài tuần hay hơn tháng rồi về. Ai ngờ, cô ấy ở luôn cho đến khi sinh.
Những ngày đó, tôi rất nhớ vợ. Tôi thường xuyên gọi cho cô ấy nhưng cảm thấy như thế không đủ. Tháng đầu, cứ cuối tuần là tôi lại về bên ngoại thăm cô ấy, cũng mua cho cô ấy vài thứ bổ dưỡng, biếu cả bố mẹ vợ tôi mấy túi quà. Nhưng rồi tôi cũng thấy ái ngại khi đi thăm vợ như thế này nên dần thưa thớt. Có khi cả tháng mới đến một lần.
Tôi gợi ý cô ấy về nhà mấy ngày nhưng cô ấy luôn lấy lý do để từ chối, khi thì bảo sợ tôi “nổi hứng” mà cô ấy không chiều được thì thấy ngại, khi lại lấy lý do mẹ vợ tôi bị đau chân phải ở lại chăm sóc, em gái đang bận thi phải ở lại giúp ôn tập…
Khi tôi nghi ngờ cô ấy có người nào đó ở bên đấy. Thế là cô ấy kêu ầm lên là tôi ghen tuông vô lý, tôi nghi ngờ nhân cách của cô ấy… Chuyện này kinh động đến cả mẹ vợ tôi làm bà cũng gọi điện mắng tôi vớ vẩn.
Tôi xin lỗi cô ấy, rồi lại ngon ngọt dỗ dành cô ấy về bên này nhưng cô ấy kiên quyết không về. Mẹ tôi bảo cô ấy trốn việc làm dâu, sợ ở bên này hầu bố mẹ chồng nên về bên đó để các em chăm. Tôi chỉ biết nói tốt vài câu về cô ấy với mẹ để mẹ tôi đừng thành kiến gì nhiều.
Sắp đến ngày sinh, vì bệnh viện nơi cô ấy đăng ký đẻ ở gần nhà chồng nên cô ấy mới “miễn cưỡng” về ở với tôi vài hôm. Tôi biết vợ mệt trong những ngày này nên cố hết sức chăm bẵm, nhưng tính tình cô ấy trở nên cáu gắt, sai tôi hết cái này cái nọ rồi thì không hài lòng, chê bai đủ thứ. Thỉnh thoảng quá đáng quá thì tôi cũng nói lại vài câu, thế là cô ấy nước mắt ngắn nước mắt dài kể lể tôi đối xử tệ bạc. Vợ đang mang thai nặng nhọc mà không chiều được chút. Mẹ tôi nhiều lần chứng kiến cảnh đó nên lôi tôi vào trong phòng mắng cho một trận, bảo tôi chiều vợ một cách hèn.
Đến ngày sinh, vừa ở bệnh viện về là vợ tôi đòi vào nhà ngoại. Nói rằng vào đấy ở cữ cho tiện. Tuy cô ấy không nói thẳng ra, nhưng tôi biết cô ấy chê mẹ tôi vụng về, sợ không chăm lo cho cô ấy trong thời gian này tốt. Nhưng mẹ tôi cũng chẳng nhường nhịn, bà bắt ở lại cho bà bế cháu vài hôm. Vì tôi là trưởng, đây lại là cháu nội đầu tiên của bà nên bà giữ riết. Ngoài lúc bú ra, hầu như bà bế suốt. Thế là xảy ra chuyện. Cô ấy chê mẹ tôi không hiểu khoa học, trẻ con là phải đặt nằm nhiều sau mới không bén hơi. Bà lại thấy trời lạnh mà cứ để cháu nằm một chỗ thì thương, cứ đòi ôm. Buổi tối, mẹ tôi cũng đòi ngủ với con dâu để tiện bề chăm sóc cháu, đuổi tôi ra chỗ khác. Còn cô ấy lại ậm ạch rằng có mẹ chồng nằm bên cạnh, cô ấy không ngủ được.
Bà đẻ quan trọng nhất nên tôi khuyên mẹ tôi để không gian riêng tư cho cô ấy. Vừa hết tháng ở cữ, cô ấy lập tức đón taxi chở cả hai mẹ con vào trong nhà ngoại. Mẹ tôi bực mình lắm nhưng chỉ nói vài câu rồi thôi. Còn tôi lại phải sống trong cảnh đi đi về về giữa hai nơi. Vừa nhớ vợ vừa nhớ con.
Muốn nói chuyện với cô ấy để tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân nhưng lần nào cô ấy cũng bảo, anh đa nghi, anh hay nghĩ ngợi lung tung (Ảnh minh họa)
Đến khi con được gần 10 tháng, cô ấy cho con về ở nhà với ông bà nội hơn tháng. Những ngày ấy, vợ tôi cứ như thể ăn thuốc nổ. Những lần đi làm về thấy con khóc là lớn tiếng trách móc không biết trông cháu mà cứ đòi cho cháu về ở cùng. Hay chỉ cần thấy ông bà nội có động tác gì mạnh bạo một chút là hầm hầm giằng lấy con. Rồi bóng gió nói với tôi bà nội xếch nách con hay ông nội cứ dúi đầu vào ngực để nựng cháu mạnh quá, tóc rơi đầy vào miệng con.
Thế là sau hơn 1 tháng ở nhà nội, cô ấy lại cắp con về nhà ngoại. Ở lỳ cho đến khi con biết đi, rồi biết nói…
Cuộc sống của hai vợ chồng tôi cũng lạnh nhạt dần. Những lần ngủ lại ở nhà mẹ vợ, tôi chỉ dám thân mật nhẹ nhàng với cô ấy, khi thì sợ mẹ vợ nghe thấy, khi lại lo lắng tiếng động khiến con dậy. Thực sự thì không được tận hứng bao giờ. Nhưng cô ấy dường như chẳng quan tâm đến điều đó, như thể một người bị lãnh cảm, thực hiện nghĩa vụ làm vợ với tôi cho xong chuyện. Những ngày còn lại trong tuần tôi vẫn phải nằm một mình. Nghĩ mình lấy vợ mà cứ như không. Mặc dù chẳng cãi cọ to tiếng bao giờ, nhưng hai vợ chồng cứ hai người hai nơi.
Tình cảnh này khiến tôi rất chán nản, muốn nói chuyện với cô ấy để tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân nhưng lần nào cô ấy cũng bảo, anh đa nghi, anh hay nghĩ ngợi lung tung, rồi thì cô ấy cho rằng ở trong đó bà ngoại chăm sóc cháu thì cô ấy yên tâm đi làm hơn chứ chẳng có ý gì cả nên tôi đừng có suy nghĩ nhiều nữa.
Vậy rốt cuộc cô ấy đang vướng mắc điều gì? Cô ấy sẵn sàng bỏ bê tôi nhưng chỉ cần nghe ngóng được tôi đi nhậu nhẹt với bạn bè là lại gọi điện nói tôi thấy thiếu vắng nên đi tìm của lạ, chỉ trích tôi lăng nhăng… Lần đầu tôi còn thanh minh, những lần sau thì tôi mặc kệ.
Nhiều khi tôi tự hỏi, sao cô ấy không hiểu rằng mình đã đi lấy chồng, đâu mới là nhà của cô ấy chứ? Cô ấy suốt ngày ở bên nhà bố mẹ đẻ, không sợ họ hàng đánh giá gì sao? Có khi lại nghĩ gia đình nhà chồng khắt khe, mẹ chồng khó hầu nên cô ấy mới phải trốn tránh như vậy?
Theo Afamily
Váy cưới
Ngày mẹ sinh em trời mưa rất to, mưa mùa đông lạnh và dài lê thê. Chị nhớ mãi con đường lầy lội dẫn đến bệnh viện huyện. Tan học chị ba chân bốn cẳng chạy đến đấy, vì quá háo hức được trông thấy em nên dọc đường cứ ngã bì bõm. Chị nhớ cả nhớ đôi mắt ngơ ngác của em, nhớ bàn tay yếu ớt khẽ chạm vào má chị.
Hôm đó nhà cả nhà mình im lặng lắm, em cũng lặng im, đến khóc em còn chẳng buồn khóc, chỉ mình chị nói cười "mẹ ơi em bé giống con nhỉ? bố ơi đặt tên em là gì?". Bố gượng cười xoa đầu chị, mắt buồn mênh mang, mắt mẹ thì đỏ hoe. Chị đến ôm cổ mẹ thỏ thẻ "mẹ ơi mẹ đẻ đau lắm à", mẹ nước mắt vòng quanh.
Từ ngày có em, đi đâu, gặp ai chị cũng khoe. Một hôm đang nhảy dây ở nhà thằng Tũn, chị lao vào đánh nhau với nó bởi nó dám nói em bị đao. Lúc đấy chị không tài nào hiểu bị đao là bị gì, càng không thấu hết nỗi xót xa khi ai đó nói em mình bị đao, nhưng chị biết đao là một cái gì đó rất ghê gớm, và em không đáng bị gọi như thế. Thằng Tũn bị chị cào xước cánh tay, mẹ nó lôi cả hai đứa sang nhà mình, chửi từ ngoài ngõ chửi vào. Bố chạy ra hỏi chuyện, chị nức nở "thằng Tũn nói em Vy nhà mình bị đao, bố ơi đao là gì hở bố". Mẹ thằng Tũn nghe nói thế thì lí nhí xin lỗi rồi xách tai nó kéo về.
Sau vụ đấy, bố mẹ nói với chị rằng em không giống những đứa trẻ khác, em sinh ra đã mang bệnh nên chị phải thương em, bảo vệ em. Cứ nghĩ đến chuyện em không bình thường như mọi người, thậm chí có thể không biết nhảy dây, không đến trường, chị thấy mất mát và hụt hẫng. Nỗi hụt hẫng ấy nhiều năm sau chị vẫn cảm nhận rõ rệt, như lúc bé tí, ta giật mình tỉnh dậy giữa đêm rồi không còn thấy mẹ mình nằm bên cạnh, gọi mãi, khóc thét mãi, chỉ có bóng đêm bao trùm.
Chuỗi ngày sau đó đối với cả nhà mình thật khó khăn. Em ngày một quấy khóc, người em yếu như sợi bún, mỗi lần có bệnh dịch xuất hiện, hầu như không bệnh nào bỏ quên em. Tuổi thơ của em gắn liền với bệnh viện, thuốc thang, với những đêm mẹ thức trắng dỗ dành, những buổi chiều đi học về chị rơm rớm nhìn em nằm thở mệt nhọc trên giường bệnh. Gần 2 tuổi em mới chập chững biết đi, lên 3 em bập bẹ nói được. Đó là cả một kỳ tích.
Em cười nhiều nhất vào những chiều chị đèo em trên xe đạp, đi thơ thẩn khắp thị trấn. Hai chị em thường ra đến đường ray tàu, hái một giỏ đầy hoa xuyến chi rồi rẽ về trung tâm thương mại, nơi có một tiệm váy cưới to đùng. Mình cứ mải mê ngắm những chiếc váy lộng lẫy đến nỗi thuộc lòng cả vị trí và màu sắc của chúng. Chị thích nhất cái váy trắng treo thứ năm từ ngoài vào, còn em, cái nào em cũng mê. Chị hứa sau này có tiền sẽ mua tặng em thật nhiều váy cưới. Em há hốc mồm nhìn chị rồi cứ cười ngây ngô. Nụ cười hồn nhiên, khờ khạo vì suốt đời không nhìn thấu nhân gian, nụ cười màu nắng nhưng có cả màu tủi thân. Chị vẫn không cắt nghĩa được sắc màu tủi thân ấy bởi chưa bao giờ em nhận ra thiệt thòi của chính mình sao em biết buồn, biết tủi thân?
Có lần ngồi chơi với thằng Út, em sẩy tay đổ nước sôi lên bàn chân nó. Mẹ chạy vào mắng em té tát, mẹ đánh em rõ đau. Chị xót quá quát lại mẹ. Rồi ba mẹ con cùng khóc, mẹ, chị, thằng Út khóc ầm nhà, càng khóc càng thấy đau. Em thì vẫn cười ngơ ngác. Ngày lên xe hoa, chị mặc váy cưới thật đẹp, em vẫn nụ cười không tắt, bàn tay nhỏ của em hết mân mê lớp vải lộng lẫy đến vỗ nhẹ lên hai má chị, em bi bô "đẹp quá, đẹp quá". Sao em không giận chị chưa từng mua váy cưới cho em, không giận mẹ sinh em ra gần 20 tuổi đầu mà vẫn nhỏ bé, yếu ớt, không tài nào mặc vừa bộ váy cưới, sao em không hỏi xem còn tuổi đời nào cho em, còn váy cô dâu nào cho em, còn tương lai nào cho em? Sao em mãi cười ngây ngô như thế? Để chị về nhà chồng còn mang hoài nỗi tủi thân.
Theo VNE
Bạn hay là hạn? Ngày mới cưới mình đã gặp trận cãi vã cũng vì khoản nợ của bạn anh làm lỡ hết cả việc lớn của mình. Anh ta hẹn lần hẹn lữa, rồi kêu hồi này làm ăn khó nên khi nào có mới trả được. Khi đó em đã đành ngậm bồ hòn làm ngọt, em không vui vì tính em đã hứa ngày...