Vợ sau khi cưới khác hẳn lúc yêu nhau
Thuở yêu nhau tôi thấy vợ cái gì cũng tốt, lúc cưới về thì khác hẳn. Vợ không nói chuyện với ai, chỉ biết mình tôi thôi. Tôi đi nhậu thì gọi về, chán nản nên tôi ghét.
Một hôm tôi giận, đòi đuổi ra khỏi nhà. Thế là cô ta đi đến nay khoảng 5 tháng rồi trong khi có thai đã 9 tháng. Theo chuyên gia, tôi phải làm gì.(Ninh)
Ảnh: decaytv.com
Video đang HOT
Trả lời:
Tâm lý người ta là một thế giới riêng. Người có khả năng khám phá và vun bồi thì tâm lý sẽ phát triển, nếu không nó sẽ biến đổi tự phát không theo hướng chủ nhân. Bộ óc của con người có cảm xúc, tình cảm, ý chí và tư tưởng độc lập. Không ai có thể can thiệp một cách trực tiếp mà chỉ có thể cung cấp thông tin giúp cho cảm xúc phát triển lên thành tình cảm, tình cảm lên thành lý trí và lý trí lên thành tư tưởng. Nếu không làm được như thế thì cảm xúc sẽ bị mất đi dẫn đến mất tình cảm.
“Lúc đầu mới quen, vợ cái gì cũng tốt”, tức cô ấy là người tốt trước khi lấy bạn. Nếu cô ấy không tốt thì có thể do bạn đánh giá sai. Phần này bạn nghĩ thế nào? Bạn cần phải xem lại đánh giá này của bạn để xem có nhầm lẫn tính cách của vợ trước khi cưới không. Sự loại trừ về đánh giá này rất quan trọng cho bước tiếp theo, vì tâm lý là một quá trình chứ không thể đột ngột diễn biến như “đến lúc cưới xong, về nhà thì khác hẳn”.
Nếu bạn quả quyết “lúc đầu mới quen, vợ cái gì cũng tốt” là chính xác thì phải xem lại bạn đã có những cách ứng xử thế nào để cho tâm lý của cô ấy đột ngột thay đổi. Tâm lý đột ngột thay đổi tức là phải có hiện tượng nào đó tác động ở bên trong hoặc bên ngoài. Nếu bạn không làm gì “gây sốc” cho vợ thì có thể do nội tâm của cô ấy có những biến đổi.
Người phụ nữ khi có chồng cũng có thể xuất hiện tâm lý bất thường, nhất là khi họ mang bầu. Biết được nội tâm của vợ thì phải biết điều chỉnh tâm lý của mình để tác động lại vợ như người thầy dạy học trò đánh đàn và phải uốn nắn từng nốt nhạc. Thầy không làm việc này mà để cho trò tự chơi đàn sẽ dẫn đến tự phát mà sau này khó có thể học lại được. Người ta thường nói dạy đánh đàn thì dạy người chưa hề biết sẽ dễ hơn người đã tự học.
Bạn đã không khéo léo kéo vợ mình vào cuộc sống khi cô ấy mới về làm dâu, vi phạm câu ngạn ngữ “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Vì thế, bạn phải lãnh hậu quả “vợ không nói chuyện với ai, chỉ biết mỗi mình bạn”. Từ thực tế này, bạn lại tiếp tục sai lầm khi đi nhậu đã không “xin phép” vợ, nên mới bị vợ “kêu về”. Đã không khéo thì phải sửa chữa nhưng bạn chủ quan “riết rồi tôi thấy chán nản và đâm ra tôi ghét”. Từ sai lầm này dẫn đến sai lầm tiếp theo “một hôm tôi giận, đòi đuổi đi khỏi nhà”. Cuối cùng thì bạn “mất vợ”.
Bây giờ, bạn hãy xin lỗi cô ấy để kéo cô ấy về với cuộc sống vợ chồng, chịu khó tâm sự để hiểu tâm trạng cô ấy, vì lúc này có thể ảnh hưởng đến con của bạn đấy.
Chúc cứu vãn hạnh phúc.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM
Theo VNE