Vô rừng trồng thứ cây “lạ” ra chùm quả đỏ dưới gốc, dân đổi đời
Hơn chục năm trước, vùng núi ở bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải ( tỉnh Yên Bái) chưa ai biết trồng thảo quả dưới tán rừng thì ông Hờ A Nhà tình cờ được người dân xã Nậm Xay, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mách cho cách trồng loại cây “lạ” này.
Thấy vậy, ông Nhà đã sang xã Nậm Xay tìm hiểu thực tế, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Đến nay, cây thảo quả trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao không riêng gia đình ông Nhà mà cho cả nhiều hộ trong bản.
Ông Hờ A Nhà thu hoạch thảo quả.
Ông Hờ A Nhà nhớ lại: “Cách đây hơn chục năm, đời sống của nhân dân trong bản rất khó khăn, giống thảo quả đắt đỏ và mình cũng không có nhiều tiền nên chỉ mua được một ít quả tươi về ươm gây giống rồi phát triển dần dần. Do đó, diện tích thảo quả dù khá rộng nhưng sản lượng quả thu hoạch hàng năm chẳng được mấy vì các khóm cho ra quả không đồng đều”.
Thực tế cho thấy, là người đầu tiên trồng thảo quả ở bản Tu San, ông Nhà đã gặp không ít khó khăn vì phải tự mày mò học hỏi kinh nghiệm trồng thảo quả, kỹ thuật ươm giống thảo quả, cách trồng, chăm sóc cây thảo quả… Nhưng với bản tính cần cù, ham học hỏi, dần dần ông Nhà đã làm chủ kỹ thuật trồng thảo quả và phát triển cây thảo quả thành cây mũi nhọn kinh tế.
Video đang HOT
Hiện, ông Nhà có khoảng 2 ha thảo quả với hơn 3.000 khóm. Vài năm trước, bình quân mỗi vụ cho thu trên tấn quả khô, mang về cho gia đình hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, sản lượng giảm do cây thảo quả mới phục hồi lại sau mấy đợt rét có băng tuyết.
Theo ông Nhà, trồng thảo quả không vất vả lắm, chăm sóc đơn giản bởi thảo quả là cây sống dưới tán rừng. Bởi thế, trồng thảo quả nhất thiết phải bảo vệ rừng, vì không có rừng đất sẽ khô, ánh nắng chiếu trực tiếp quá nhiều vào cây thảo quả làm cho thảo quả héo hoa nhanh, không đậu quả.
Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình mình, ông còn vận động, hướng dẫn nhiều hộ cùng phát triển cây thảo quả-một loại cây dược liệu quý này. Đến nay, 99% số hộ ở bản Tu San đều trồng thảo quả; trong đó, trên 30 hộ có diện tích trồng thảo quả khá nhiều như hộ ông Cứ Páo Sùng, Chang Páo Lồng…
Nhờ nhạy bén, chăm chỉ lao động, gần chục năm nay, cây thảo quả đã giúp gia đình ông Hờ A Nhà tăng thêm thu nhập, có điều kiện nuôi con cái ăn học, làm nhà khang trang, mua sắm tiện nghi hiện đại nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Nhưng vui hơn là, ông Hờ A Nhà đã tạo nền móng để nhiều hộ khác tích cực bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế từ trồng thảo quả.
Theo A Mua (Báo Yên Bái)
Vùng heo hút, dân khá giả nhờ loài cây ra quả từng chùm dưới gốc
Là loại cây dược liệu, gia vị dễ trồng, giá trị kinh tế cao, những năm qua, thảo quả góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giáp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 173ha thảo quả, tập trung ở các xã biên giới như: Trung Chải, Nậm Ban, Hua Bum và một số bản của xã Nậm Hàng...".
Người dân bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải kiểm tra chất lượng thảo quả.
Ông Giáp cho hay, là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã thường xuyên chỉ đạo người dân chăm sóc diện tích cây thảo quả đã trồng, đồng thời trồng bổ sung diện tích bị chết. Cùng với đó, tuyên tuyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không tự ý mở rộng diện tích thảo quả, tuân thủ định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương".
Trung Chải là một trong những xã có diện tích trồng thảo quả lớn của huyện Nậm Nhùn, hiện nay toàn xã có 33,7ha thảo quả. Những năm trở lại đây, thảo quả đang trở thành cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao, thay thế những loại cây trồng cho năng suất thấp của địa phương. Nhờ đó, những bản làng vùng biên kinh tế từng bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người của xã Trung Chải đạt 16 triệu đồng/năm.
Thảo quả là cây dược liệu, gia vị dễ trồng, phù hợp trồng dưới tán rừng, ít sâu bệnh, dễ thu hái. Kỹ thuật trồng, công đoạn chăm sóc khá đơn giản, từ 3 - 4 năm có thể thu hoạch. Hàng năm, người dân chỉ phát cỏ 3 - 4 lần, tỉa lá già để kích thích ra quả, năm thứ ba cây bắt đầu ra hoa, kết quả.
Những năm trở lại đây, người dân bản Nậm Sảo 2 chuyển hướng làm kinh tế từ trồng cây thảo quả và mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Được biết, bản Nậm Sảo 2 có 42 hộ thì có 32 hộ trồng thảo quả với diện tích 10ha.
Theo chân trưởng bản Nậm Sảo 2 vượt qua những đoạn đường rừng hiểm trở, cheo leo, chúng tôi mới tới được nương thảo quả. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những nương thảo quả xanh bạt ngàn, từng chùm quả to, màu đỏ trông thật đẹp mắt. Từ khi bén rễ trên vùng đất biên giới xa xôi này, thảo quả ngày một sinh trưởng, phát triển tốt, giúp người từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Là một trong số những hộ đầu tiên hưởng ứng trồng cây thảo quả, anh Giàng A Tủa - bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải cho biết : "Năm 2005, tôi mua giống thảo quả về trồng thử nghiệm trong rừng.
Nhận thấy cây thảo quả phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, cho giá trị kinh tế cao, giá thành ổn định nên tôi quyết định mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi trồng hơn 1ha cây thảo quả dưới tán rừng, thu nhập từ bán thảo quả khô kinh tế gia đình đã ổn định hơn, có của ăn của để, lo cho con học hành ".
Thảo quả có nhiều công dụng: tốt cho tim mạch, bổ máu, phòng ngừa ung thư; chữa các loại bệnh như: trị tiêu chảy, chữa sốt rét, đau dạ dày; làm gia vị trong chế biến các món ăn, ngoài ra được dùng làm hương liệu thực phẩm, hương liệu cho ngành mỹ phẩm. Nhờ vậy, thảo quả được rất nhiều người ưa chuộng, mỗi năm bản Nậm Sảo 2 thu hoạch hàng tấn thảo quả được thương lái đến tận nhà thu mua với giá cao.
Cây thảo quả đang dần khẳng định hiệu quả, từng bước đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và đang được ví như cây đẩy lùi đói nghèo cho bà con các xã biên giới của huyện Nậm Nhùn.
Theo Phương Thanh (Báo Lai Châu)
Yên Bái: Tấp nập khai hoang ruộng bậc thang để "hút" khách du lịch Ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ lâu đã trở thành "thương hiệu" của tỉnh Yên Bái. Từ bàn tay, khối óc đồng bào dân tộc Mông nơi đây, những vạt đồi hoang đã trở thành di sản, những tác phẩm nghệ thuật, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn phát triển tiềm năng du lịch. Nhắc đến Yên Bái,...