“Vợ mày dễ cưng quá, bữa nào cho tao hôn một cái”
Hôn là cách biểu hiện tình cảm yêu thương. Tuy nhiên, hôn như thế nào cho đúng cách, đúng chỗ thì nụ hôn của người ấy mới mang lại “hiệu quả” thuyết phục. Trong thực tế cuộc sống cũng có không ít người đặt nụ hôn không đúng chỗ, gây nên những chuyện rắc rối. Còn hôn để trở thành nguyên nhân dẫn đến án mạng như câu chuyện sau đây, chắc không chỉ xảy ra ở Tam Bình.
Đòi “hôn” nên bị chém
Hồ Minh Thừa tại phiên tòa
Vào khoảng 17h ngày 26/5/2011, Hồ Minh Thừa (sinh ngày 18/4/1993, cư ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) điều khiển xe môtô đến quán ông Hồ Văn Phải (cư ngụ cùng ấp với Thừa). Đến nơi, Thừa gặp ông Năm Phải đang ngồi uống rượu với Nguyễn Chí Cường (sinh năm 1976, cư ngụ Phường Thới An, huyện Ô Môn, Thành phố Cần Thơ) là công nhân làm thuê của Công ty xây dựng và thương mại Long Nghĩa Phát đang san lấp mặt bằng cho công trình Đường 909, nơi Thừa đang sinh sống. Cùng ngồi nhậu còn có Hồ Văn Nhí, con ông Phải.
Thấy Thừa đến, Cường rủ cùng vào nhậu. Thừa ngồi uống được vài ly rượu thì Nhí nghỉ nhậu. Bàn nhậu chỉ còn lại Cường, ông Năm Phải và Thừa tiếp tục uống. Lúc đó, có Trương Hoài Nam (sinh năm 1988) bạn làm chung công trình với Cường đi vào quán, nhưng không tham gia uống rượu mà nằm ở võng kế bên, uống cà phê và xem tivi.
Trong lúc đang uống rượu, Cường hỏi Thừa: “Hôm bữa kêu xe ôm, con nhỏ mặc áo đỏ ở nhà mày là người ở hay vợ mày?”. Thừa trả lời: “Đó là vợ em”. Cường lại nói: “Vợ mày dễ cưng quá, bữa nào cho tao hôn một cái”. Thừa nói: “Tôi không thích giỡn như vậy”. Cường nói tiếp: “Anh em không à, không lẽ mày đánh tao?”. Thừa liền trả lời: “Tôi đánh thiệt đó chớ không có nói chơi đâu”.
Sau đó, do quá tức giận nên Thừa nghỉ uống rượu, định đi về nhà lấy dao quay lại chém Cường thì nhìn thấy ông Nguyễn Văn Dũng đang nằm võng xem tivi gần đó. Thừa đi đến và nói chuyện với ông Dũng: “Thằng Cường đòi hôn vợ con, con về lấy dao chém nó”. Nghe vậy, ông Dũng khuyên Thừa đi về, lúc này, có vợ Thừa là Lê Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 1994) đi đến quán để kêu Thừa về. Sau đó, Thừa cùng Nguyệt đi về, ông Dũng cũng đi theo và dẫn xe dùm Thừa.
Khi về đến nhà, Thừa vội ra nhà sau lấy 1 con dao (loại dao dùng để chặt rau mác trong nhà), Nguyệt can ngăn mãi nhưng không được. Lấy được dao, Thừa liền chạy đến quán ông Năm Phải. Đến nơi, Thừa thấy Cường đang ngồi đánh bài với ông Năm Phải và hai người khác. Thấy vậy, Thừa đi đến phía sau lưng của Cường. Thừa cầm dao bằng tay phải chém thẳng vào đầu của Cường hướng từ trên xuống.
Bị chém bất ngờ, theo phản xạ tự nhiên, Cường đưa tay lên đỡ lấy lưỡi dao nhưng đỡ không được nên bị trúng vào đầu. Sau đó, Nam nhảy vào ôm Thừa và nắm lấy lưỡi dao thì bị Thừa giật mạnh nên lưỡi dao trúng vào tay Nam chảy máu. Nam buông dao ra thì Thừa xông tới chém trúng lưng Cường. Những người đang ngồi đánh bài đứng lên cùng Nam ôm giữ lấy Thừa, Nam giật lấy con dao trên tay của Thừa đưa cho vợ chủ quán mang đi cất giấu ở phía sau quán. Sau đó, gia đình đến kéo Thừa về.
Riêng Cường được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Bình. Sau đó, chuyển đến Bệnh viện 121 Thành phố Cần Thơ để điều trị. Thừa đã bị bắt ngay sau đó.
Căn cứ giấy y chứng của Bệnh viện 121 Thành phố Cần Thơ chẩn đoán về thương tích của Nguyễn Chí Cường như sau: chấn động não, vết thương rách da đầu vùng thái dương (P), vết thương rách ngón (G) bàn tay (T). Theo biên bản giám định pháp y của Phòng pháp y – Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long kết luận thương tích của Nguyễn Chí Cường tỷ lệ thương tật chung: 04%.
Với hành vi trên, bị cáo Hồ Minh Thừa đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng “giết người” với tính chất côn đồ.
Ra tòa lĩnh án vì ghen
Tại phiên tòa, bị cáo Hồ Minh Thừa khai nhận hành vi của bị cáo đúng như nội dung cáo trạng đã truy tố, do tức giận từ việc người bị hại có lời nói đòi hôn vợ bị cáo. Do đó bị cáo tức giận, không kiềm chế được nên đã dùng dao chém nhiều cái nhằm mục đích giết người bị hại. Bị cáo thấy việc làm của mình là có tội và xin giảm nhẹ hình phạt.
Riêng người bị hại Nguyễn Chí Cường vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã làm đơn xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Và trong quá trình điều tra, người bị hại cũng đã làm đơn xin bãi nại cho bị cáo.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo nhận định của Hội đồng xét xử thì việc Cáo trạng truy tố bị cáo Hồ Minh Thừa về tội “Giết người”, với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt có tính chất côn đồ là chưa có cơ sở vững chắc. Bởi lẽ, người bị hại có lỗi trước, chứ không phải bị cáo chém người bị hại một cách vô cớ; thêm nữa bị cáo học vấn thấp, nhân thân tốt, chưa tiền án, tiền sự, thuộc thành phần nhân dân lao động. Vì vậy, đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết định khung tăng nặng.
Do đó, xét xử bị cáo Hồ Minh Thừa về tội: Giết người, theo khoản 2 Điều 93 của Bộ luật hình sự là thỏa đáng. Xét lời đề nghị của vị công tố về việc chuyển khung hình phạt xét xử đối với bị cáo là có căn cứ nên được chấp nhận.
Tính chất của vụ án rất nghiêm trọng, tính mạng sức khỏe của con người là bất khả xâm phạm, chính bị cáo đã dùng dao chém hai nhát nhằm giết chết người bị hại. Hành vi này phải bị xử lý theo pháp luật hình sự. Hành động phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, dù bị cáo được ông Nguyễn Văn Dũng khuyên răn và vợ bị cáo – Lê Thị Ánh Nguyệt – đưa bị cáo về đến nhà, song bị cáo với bản chất hung hăng đã không bỏ qua mà vào nhà sau lấy dao là loại hung khí nguy hiểm đi đến quán ông Năm Phải chém nhiều cái vào vùng trọng yếu nhằm mục đích giết chết người bị hại để thỏa mãn cơn tức giận.
May mắn là người bị hại dùng tay đỡ, cùng với sự cản ngăn của quần chúng nhân dân và được cứu chữa kịp thời nên việc người bị hại chỉ bị thương tích mà không chết là ngoài ý muốn của bị cáo; vì vậy, vẫn xét xử bị cáo về tội Giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Tuy nhiên, bản thân bị cáo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải; nhân thân tốt, thuộc thành phần nhân dân lao động, nhất thời pham tội, chưa tiền án, tiền sự; bị cáo chỉ mới bước qua tuổi thành niên, người bị hại có lời nói đùa không tế nhị, việc làm đó phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của bị cáo nên người bị hại cũng có một phần lỗi; bị cáo phạm tội trong trường hợp chưa đạt; bị cáo tác động để nhờ người thân khắc phục xong hậu quả về mặt vật chất cho người bị hại; phía người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Vì vậy, nên xem đây là các tình tiết để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt là có cơ sở, nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Do bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là có cơ sở. Với nhận định trên, Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm hình sự TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt bị cáo Hồ Minh Thừa 4 năm tù về tội giết người.
Sau khi phiên tòa kết thúc, chúng tôi tìm hiểu về nguyên nhân “vì quá ghen” mà dẫn đến con đường phạm tội của bị cáo thì được câu trả lời: “Bị cáo cưới vợ về chưa tròn ba tháng mà bị hại Cường đòi hôn, cũng vì quá yêu vợ nên bị cáo quá ghen nên mới chém người bị hại”.
Sau đó bị cáo lại tâm sự tiếp: “Sau khi chém người, bị cáo bị bắt giam, vợ bị cáo thì đang mang thai. Ngày tòa đưa vụ án ra xét xử, bị cáo mới được nhìn thấy mặt con lần đầu tiên. Hôm nay, con bị cáo cũng đã được 2 tháng 2 ngày tuổi rồi”. Nói đến đó, những giọt nước mắt của bị cáo, của người cha một lần nữa lại rơi. Trông thấy cảnh ấy, nhìn thấy họ quấn quýt bên nhau trong giây phút ngắn ngủi trước khi được các đồng chí công an dẫn giải về phòng tạm giam, chúng tôi cũng cảm thấy nao lòng.
Phiên tòa thấm đẫm nước mắt của cô vợ trẻ, nước mắt của cha mẹ, chị em của bị cáo… Bản án đã tuyên. Phiên tòa khép lại. Mọi người kéo nhau ra về và thầm tiếc cho những người đã không có cách xử sự khéo léo. Chỉ vì một lời nói thiếu tôn trọng, một phút không kiềm được sự nóng giận mà gây hậu quả là người thì bị thương tật, người thì vào tù để lại đứa con thơ còn quá nhỏ dại.
Theo Phunutoday
'Kỳ án' cô công nhân: Trẻ mất tích bí hiểm
Bị lừa tình, rơi vào vòng lao lý, cô công nhân nhà máy gạch còn có lá đơn tố cáo về việc đứa con đẻ rơi bị... mất tích đầy bí ẩn!
Trong lá đơn kiến nghị gửi Công an huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng do ông Lê Văn Lượng - bố đẻ của cô công nhân nhà máy gạch, địa chỉ thường trú: thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội viết đơn thay con kêu cứu về việc đứa con đẻ rơi của Lê Thị Lâm bị... mất tích đầy bí ẩn.
Ông Lê Văn Lượng - bố của Lâm.
Trong buổi làm việc với PV VietNamNet chiều ngày 29/6/2011, Trung tá Phạm Thắng - Đội trưởng Đội Trật tự xã hội, công an huyện Đông Anh và Đại uý Ngô Việt Tú, điều tra viên trực tiếp điều tra vụ việc, đã cung cấp diễn biến vụ việc theo nội dung hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, công an huyện Đông Anh không đề cập đến nội dung: vợ chồng Trần Văn Quang có đơn tố cáo hành vi "cưỡng đoạt tài sản" của các bị can liên quan đến vụ án hay không.
Đại uý Tú cho hay: đây là vụ án cưỡng đoạt tài sản của người khác có tổ chức, vì thế cơ quan điều tra tiến hành điều tra, ra các QĐ bắt giữ đối với các bị can cũng như đề nghị VKSND huyện Đông Anh ra QĐ khởi tố vụ án là có cơ sở, kể cả bị hại có đơn xin rút đơn tố cáo.
Vì lẽ đó, ngày 11/2/2011, Thượng tá Bùi Quang Đồng, thủ trưởng cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh ra QĐ số 73 khởi tố vụ án hình sự sau khi thấy có dấu hiệu cướp tài sản của người khác.
Cùng ngày, Công an huyện Đông Anh có công văn số 212 đề nghị VKSND huyện Đông Anh phê chuẩn lệnh bắt giam khẩn cấp đối với 5 trường hợp: Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1988, đang có thai 6,5 tháng, chị dâu của Lê Thị Lâm) Nguyễn Văn Tình Nguyễn Hữu Thắng (tức Thi) Nguyễn Anh Tuấn Nguyễn Tiến Đức.
Ngày 12/2/2011, VKSND huyện Đông Anh phê chuẩn lệnh bắt đối với các trường hợp này.
Theo hồ sơ vụ án do công an huyện Đông Anh cung cấp với báo chí: 16h10 phút ngày 14/02/2011, Lê Thị Lâm tự đến công an huyện Đông Anh đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội?
Vì vụ án phức tạp nên công an huyện Đông Anh ra QĐ giữ tạm giam Lê Thị Lâm 3 ngày theo QĐ số 145 ngày 14/02/2011 do Trung tá Trần Hải Quân - Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh ký.
Chiếc xe máy - "tang vật" của vụ án đã được trả lại từ lâu và vợ chồng Quang vẫn đi.
Tuy nhiên, cần nhắc lại: sự việc anh chị, em của Lê Thị Lâm cùng Lâm đến nhà Trần Văn Quang vào hồi 22h30 phút tối mồng 2 tết (ngày 04/2/2011) để dẫn đến câu chuyện Trần Văn Quang thừa nhận quan hệ và gây ra hậu quả cái thai trong bụng Lâm Quang đồng ý viết giấy bán xe và giao xe cho Lâm để Lâm lấy tiền nuôi con hoặc... phá bỏ thai (dù lúc này, Lâm đang mang thai đến tháng thứ 9!?).Ngày mồng 3 tết (tức ngày 5/02/2011), bố mẹ Lâm đã bắt các con mang xe, điện thoại đến trả cho vợ chồng Quang. Ngày 6/2, vợ của Quang, chị Nguyễn Thị Huyền, đã viết giấy đề nghị rút đơn gửi Công an huyện Đông Anh.
Nội dung lá đơn của chị Huyền viết: "Ngày 05/2/2011 tôi có đến cơ quan công an thị trấn Đông Anh trình báo việc viết giấy bán xe cho chị Lê Thị Lâm cùng giấy tờ, chìa khoá xe máy toàn quyền cho chị Lâm sử dụng cùng hai điện thoại.
Nhưng nay gia đình chị Lâm và chị Lâm đã mang tài sản là chiếc xe máy cùng 2 điện thoại trả lại gia đình tôi. Tôi đã nhận lại xe máy BKS 38P1 - 9416. Hiện tại, xe máy và điện thoại không bị xây xát và mất mát gì đúng như tài sản của chúng tôi lúc đầu. Còn việc chồng tôi và chị Lê Thị Lâm có quan hệ với nhau để xảy ra hậu quả, hai bên thoả thuận giải quyết với nhau.
Vậy tôi viết đơn này xin rút đơn trình bày. Từ bây giờ tôi không kiến nghị và không đề nghị gì với cơ quan pháp luật như đơn trước tôi đã viết tại cơ quan công an thị trấn Đông Anh".
Trần Văn Quang cũng có bản cam kết kèm theo lá đơn của vợ mình. Thế nhưng, Lê Thị Lâm vẫn tự đến đầu thú và nhận QĐ tạm giam 3 ngày.
Trớ trêu nhất, chiều ngày 15/02/2011, sau hơn chục tiếng đồng hồ bị bắt tạm giam, Lê Thị Lâm trở dạ. Cùng phòng tạm giam có Nguyễn Thị Hà - chị dâu của Lâm cũng đang mang thai tuần thứ 26, đã giúp em chồng sinh nở.
Trao đổi với PV, Hà cho biết: chị đã phải cởi áo của mình để quấn cho đứa bé.
Trả lời VietNamNet, đại uý Tú cho biết: công an huyện Đông Anh khi biết Lâm trở dạ đã gọi điện đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh để nhờ một kíp bác sỹ đến giúp Lâm sinh nở.
Bác sỹ Ngô Văn Huy - GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh xác nhận: công an huyện Đông Anh có gọi điện sang và bác sỹ Huy đã cho một kíp gồm 1 bác sỹ, 2 nữ hộ sinh. Tuy nhiên, khi kíp bác sỹ này đến phòng tạm giam thì chị Lâm đã đẻ xong. Kíp bác sỹ này đưa mẹ con sản phụ Lâm về bệnh viện huyện Đông Anh cho uống kháng sinh.
"Sáng 16/02/2011, các cán bộ của bệnh viện vẫn thăm khám cho mẹ con cô Lâm bình thường. Đến cuối giờ chiều cùng ngày thì không thấy mẹ con cô Lâm đâu nữa!" - bác sỹ Huy thông tin.
Trở lại câu chuyện của công an huyện Đông Anh. Thượng tá Thắng và Đại uý Tú cho biết: sau khi Lê Thị Lâm trở dạ và sinh con trong phòng tạm giam (chiều 15/02/2011), một ngày sau, 16/02/2011, cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh ra QĐ số 35 huỷ biện pháp ngăn chặn giam giữ đối với Lê Thị Lâm (do đang có thai) bằng biện pháp quản thúc tại nơi cư trú. Lúc này, chị Lâm đã đẻ rơi trong trại tạm giam và đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh.
Đối với Nguyễn Thị Hà, chị dâu của Lâm đang mang thai đến tuần thứ 26, Công an huyện Đông Anh cũng có công văn đề nghị VKS thay đổi biện pháp ngăn chặn từ giam giữ sang quản thúc tại nơi cư trú.
Ngày 17/02/2011, VKSND huyện Đông Anh ra QĐ số 33 cấm Hà ra khỏi nơi cư trú thay cho biện pháp giam giữ. Lúc này, Hà đã bị giam giữ 5 ngày (tính từ thời điểm bị bắt tạm giam ngày 12/02/2011).
Sự việc chưa dừng lại ở đó. Lá đơn do bố đẻ của Lâm viết ngày 23/6/2011 cho biết: chị Lâm ngày hôm sau (16/02/2011) tỉnh dậy không thấy đứa con đâu. Lo sợ bị công an bắt lại (?!), Lâm thuê xe taxi bỏ về nhà.
Đối với 5 trường hợp bị bắt tạm giam từ ngày 12/02/2011, trừ Nguyễn Thị Hà đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn, bốn đối tượng còn lại vẫn bị giam giữ từ đó đến nay.
Ngày 07/6/2011, cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh có công văn số 548 đề nghị VKS phê chuẩn khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Lê Văn Sơn, Lê Thị Hường và Nguyễn Hữu Đông (em ruột của Nguyễn Thị Hà). Cùng ngày, VKSND huyện Đông Anh phê chuẩn QĐ khởi tố bị can và ba trường hợp trên.
Đại uý Tú thông tin: hai đối tượng Đông và Sơn đang phát lệnh truy nã.
Như thế, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 9 đối tượng liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng cướp tài sản người khác có tổ chức đang dính vào vòng lao lý.
Về tình tiết đứa con bị mất tích, các cán bộ công an huyện Đông Anh chia sẻ: nếu có chuyện mất đứa con thì không thể đến tận thời điểm này (sau hơn 4 tháng) sản phụ mới... đi tìm!?
Và, đứa trẻ bị mất tích vẫn là ẩn số...
Theo VietNamNet
Bài 1: "Kỳ án" cô công nhân nhà máy gạch Câu chuyện bi đát của "cô công nhân lò gạch" vừa bị lừa tình còn khiến cả gia đình, người thân gần chục con người có nguy cơ... ngồi tù với tội danh "cướp đoạt tài sản người khác có tổ chức trong vụ án "đặc biệt nghiêm trọng"?! "Chuyện tình" của cô công nhân nhà máy gạch Khi lá đơn kêu cứu...