Vợ mất, bệnh nhân COVID-19 hồi phục kỳ diệu nhờ quyết tâm phải sống vì 3 đứa con nhỏ
Đã có hàng trăm ngàn bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nhưng con số ấy không thể diễn tả hết sự nỗ lực, cố gắng của từng người bệnh nặng trong hành trình trở về với sự sống.
Lá phổi trên phim CT 1 ngày trước, chỉ một chút phổi lành màu đen, bên phải, nhưng đã khá hơn trước – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trong khoa bệnh COVID-19 nặng, nếu một bệnh nhân có tình hình cải thiện, cả khoa truyền tin nhau ngay, mừng cho bệnh nhân và cũng là nguồn động viên cho mình.
Từ hôm vào, ngày nào tôi cũng tìm xem có ca nào khá lên không để kể cho mọi người nghe, nhưng ca bệnh hôm nay tôi kể lại là một bất ngờ.
Bất ngờ vì ngay khi nhận buồng, mọi người đã bảo, ca này nặng đấy nhé, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da.
Bệnh nhân này nói nôm na đã bị con COVID-19 ăn thủng phổi, nếu trong mấy ngày tới anh có nặng lên thì cũng không thở máy được, vì đang tràn khí màng phổi mà. Như vậy khả năng tử vong gần như chắc chắn.
“Bác cứu cháu với, cháu còn 3 con nhỏ”
Video đang HOT
Tôi khám bệnh, anh ngước đầu lên nhìn tôi khẩn khoản: “Bác cứu cháu với, cháu còn 3 con nhỏ, vợ cháu vừa mất rồi”. Tôi bảo: “Được rồi, phải thật yên tâm nằm thở đi, không lo nghĩ linh tinh”.
Nhưng thật lòng tôi thấy anh khó qua khỏi. Xét nghiệm thì thấy các chỉ số của bão cytokine đang hoành hành dữ dội. Hai lá phổi viêm trắng xóa, thở vào đâu? Chúng tôi phải dùng tối đa oxy hỗ trợ: thở oxy dòng cao HFNC 60 lít/phút, rồi lại chụp thêm ra ngoài một cái mask oxy 15 lít phút.
Oxy phun ào ào như thác lũ nhưng phổi viêm nặng như thế, có ngấm được vào máu đâu. Anh rất đói oxy, người rất mệt và khó chịu, nhưng ngoan ngoãn nằm sấp suốt ngày, hổn hển hớp từng ngụm oxy, cố giành sự sống để về với con.
Đến bữa, anh cố gắng ăn để lấy sức. Tôi nhấc vội mask oxy ra bón cho anh một thìa cháo, anh há miệng nhận, rồi tôi lại chụp ngay cái mask oxy xuống. Phải dùng từ đớp mới lột tả được cái hành động ăn khẩn trương như thế nào, ăn và thở.
Và đặc biệt, anh là một người rất có nghị lực, biết chịu đựng, không hoảng loạn, than vãn, kêu ca. Cảm giác khó thở là trải nghiệm kinh khủng nhất, ít ai giữ được bình tĩnh. Nhưng càng la lối, càng kêu ca thì càng thở gấp, phổi càng tổn thương nặng lên.
Nhiều bác sĩ trẻ ở xa không hình dung được tình trạng bệnh nhân nên hiến kế tập thở, tập thiền cho bệnh nhân, nhưng nếu một lần chứng kiến người bệnh ánh mắt lo âu, thở hổn hển, mồ hôi vã ra ướt đầm người, các bạn ấy sẽ nghĩ khác, cũng như cái hiến kế cho bệnh nhân COVID-19 uống sinh tố ấy. Không sai, nhưng không thực tế.
Và thật bất ngờ, anh đã sống. Sáng nào tôi vào cũng thấy anh nằm sấp, hai vòi phun oxy kêu phè phè, đầu đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn không chết, mà anh từ từ khỏe lên. SpO2 tăng dần, tăng dần. Chúng tôi giảm dần liều oxy. Tôi xoa đầu anh: “Giỏi lắm, sắp về với con rồi”.
Anh ngước nhìn lên: “Bác cố cứu cháu nhé”. Tôi ừ đại: “Yên tâm đi”. Nhưng thật ra tôi nghĩ bụng, anh ấy đang tự cứu mình rất tốt, mấy người cùng đợt hay kêu ca thì “đi” hết rồi.
Sáng nay thấy liều oxy đã giảm khá nhiều, tôi bảo anh: “Bây giờ bác bỏ cái máy này đi nhé. Cháu tập thở giảm dần oxy đi thì mới về với con được”. Các bạn nên biết, người khó thở sợ bị cắt mất nguồn oxy lắm. Nhưng ánh mắt anh ánh lên vẻ quyết tâm: “Vâng”.
Tôi ngưng máy oxy dòng cao, anh chỉ còn thở oxy qua mặt nạ. Mười lăm phút trôi qua, oxy máu vẫn không giảm mấy, anh vẫn thở đều, không phải gắng sức. Thành công rồi. Tôi xoa đầu anh, cháu giỏi lắm, sắp về với con rồi. Anh mỉm cười rạng rỡ, tay nắm vòi phun oxy không dùng đến giơ lên, như minh chứng cho quyết tâm sống của mình.
Buổi chiều, theo chỉ đạo của trưởng khoa, chúng tôi đẩy anh đi chụp cắt lớp CT phổi. Nhìn phổi của anh đông đặc gần hết, chỉ còn một chút phổi lành, thế mà anh cai oxy dòng cao được. Thật là kỳ diệu. Lòng quyết tâm của người làm cha đã làm nên điều kỳ diệu này chăng?
Ca bệnh này tôi xin phép bệnh nhân đàng hoàng và chụp ảnh rõ đôi mắt. Một bức ảnh có đôi mắt là bức ảnh có linh hồn.
BS Quan Thế Dân là bác sĩ hồi sức cấp cứu, đã nghỉ hưu và tình nguyện tham gia chống dịch cùng đoàn Đại học Y Hà Nội. Ông đang tham gia chống dịch ở phía Nam.
Quảng Bình: Kết nối yêu thương tiếp sức cho bệnh nhân mắc COVID-19
Ngày 2/9, nhằm động viên tinh thần và đồng hành với ngành Y tế địa phương, các bệnh nhân mắc COVID-19 và các cấp hội phụ nữ tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã trao tặng các phần quà ý nghĩa tiếp sức cho các bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
Bà Diệp Thị Minh Quyết (thứ hai phía bên trái), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng 600 suất quà tại 3 khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng 600 suất quà với tổng trị giá 60 triệu đồng tại 3 khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, gồm: Bệnh viện Y dược Cổ truyền tỉnh, trường Cao đẳng Luật Miền Trung và Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới. Ngoài ra, Hội cũng đã cấp phát tờ hướng dẫn kỹ thuật hít thở, vận động cho người bệnh để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm áp lực điều trị cho lực lượng y tế tại các khu vực, cơ sở y tế liên quan.
Tại các nơi đến thăm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình Diệp Thị Minh Quyết bày tỏ sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc tới các bệnh nhân COVID-19 và gia đình. Đồng thời mong rằng, cùng với sự hỗ trợ chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sỹ, các bệnh nhân sẽ luôn giữ vững tinh thần lạc quan, ăn uống, sinh hoạt và tích cực tập luyện, vận động theo hướng dẫn của ngành Y tế; chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn cách ly điều trị, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuân thủ đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Thông qua đó, các bệnh nhân hãy vững tin vào sự lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền, đơn vị trong cuộc chiến chống "giặc" COVID-19; hãy cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn để chiến thắng đại dịch.
Cùng ngày, đoàn lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cũng đã đến thăm, tặng quà các bếp ăn tự nguyện do Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở triển khai thực hiện trên hai địa bàn có số lượng các ca F0, F1 lớn của tỉnh là thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch.
Trong thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đồng hành, "chia lửa" với các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bằng các hoạt động, phong trào, việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa như tổ chức kết nối, kêu gọi, tiếp nhận ủng hộ của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; nấu các suất ăn ấm nóng nghĩa tình trong mùa dịch để tiếp sức cho các lực lượng y tế, bộ đội, công an, dân quân, thanh niên...làm nhiệm vụ tại các cơ sở y tế, tổ, chốt kiểm soát, phòng, chống dịch cũng như gửi các suất ăn, phần quà đến các F0, F1 đang thực hiện các biện pháp phòng dịch trên địa bàn tỉnh.
Những suất ăn ấm nóng nghĩa tình được các hội viên phụ nữ Quảng Bình chuẩn bị cẩn thẩn, sạch sẽ và đảm bảo dinh dưỡng gửi tới các khu cách ly, các bệnh nhân COVID và các tổ, chốt kiểm soát dịch. Ảnh: TTXVN phát
Những phần quà tuy không lớn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp với nhân dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn, nhất là với các bệnh nhân COVID-19. Qua đó góp phần cùng với chính quyền các cấp trong tỉnh và cả nước sớm kiểm soát và đầy lùi đại dịch.
Tính đến ngày 2/9, Quảng Bình đã có 667 trường hợp mắc COVID-19; trong đó đã có 79 trường hợp điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 588 trường hợp vẫn còn đang điều trị cách ly. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.600 trường hợp công dân đang thực hiện cách ly y tế tập trung và gần 8.730 trường hợp cách ly tại nhà. Với sự cố gắng, quyết tâm nhanh chóng khoanh vùng, kiểm soát vùng dịch, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, số ca F0 trong cộng đồng đến nay đã có chiều hướng giảm, F0 đang được bóc tách ra khỏi cộng đồng, công tác phòng, chống dịch của tỉnh Quảng Bình đang rốt ráo triển khai đúng hướng và mang lại những tín hiệu khả quan.
Nhiều trường đại học hỗ trợ điều trị, tư vấn cho người dân trong mùa dịch Với chuyên môn, chuyên ngành đào tạo của mình, nhiều trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình hỗ trợ chăm sóc cho F0 đang điều trị, theo dõi tại nhà, tư vấn tâm lý cho người dân để cùng vượt qua khó khăn của đại dịch. Điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng. Ảnh minh họa:...