Vợ liên tục đòi hỏi chuyện ấy sau khi biết tôi phản bội
Tôi cưới được gần 15 năm, có một cháu trai. Vợ chồng tôi rất ít quan hệ, những lần có là do tôi chủ động và cô ấy mặc kệ, tôi thích làm gì thì làm, không cảm xúc.
Cách đây một năm, vợ chồng tôi có cú sốc về công việc khiến tình cảm giảm sút, không tìm được tiếng nói chung. Trong chuyện ấy, nhiều khi vợ bảo tôi nên làm cái này cái kia để có cảm hứng hơn nhưng tôi chỉ làm cho có lệ rồi lại theo cách mình muốn.
Nói chung, đúng vào khoảng thời gian đen tối của hôn nhân thì tôi gặp người phụ nữ khác. Cô ấy không trẻ, thậm chí nhan sắc và cơ thể không bằng vợ tôi. Tôi và cô ấy xuất phát điểm chỉ là tâm sự nhân tình thế thái, rồi hẹn hò. Trong một phút yếu lòng, không muốn làm cô ấy thất vọng, chúng tôi đã quan hệ với nhau. Từ đó, chúng tôi không dứt ra được. Tôi cũng không hiểu tại sao như thế, cả 2 đều biết đó là sai, không hề muốn ảnh hưởng đến gia đình, tôi vẫn yêu vợ và không muốn thay đổi gì. Tôi cảm thấy mình yêu cả hai. Tuy nhiên, có một điều lạ là bản thân không hề muốn sở hữu bồ, chỉ muốn sở hữu vợ. Tôi vẫn ghen tuông phát điên mỗi khi có đồng nghiệp gọi điện hoặc nhắn tin cho vợ dù vợ không có tình ý gì.
Rồi chuyện vỡ lở, vợ biết chuyện và đòi ly hôn, đuổi tôi ra khỏi nhà. Vợ khóc rất nhiều, sau một tuần chúng tôi đã có buổi nói chuyện, tôi xin vợ tha thứ và muốn hàn gắn gia đình. Tôi thấy mình còn yêu vợ rất nhiều, có lẽ tôi ngoại tình vì ham muốn và thấy mình bị vợ bỏ rơi thôi. Sau một tuần, vợ tôi thành người khác, không hề khóc lóc hay hờn giận, chủ động ôm hôn tôi và nói không muốn mất tôi. Tôi thực sự trút được gánh nặng. Đêm làm lành đó, chúng tôi đã gần gũi lại với nhau, sau đó vợ âm thầm khóc. Từ lần đó, mỗi ngày vợ đều muốn làm chuyện ấy, như biến thành người khác, có ngày đòi hỏi tôi 3-4 lần, cứ nhìn thấy tôi là vợ ham muốn.
Chuyện đã 3 tháng và tôi cảm thấy sức khỏe mình giảm sút nhiều, luôn cố gắng đáp ứng mỗi khi vợ muốn, lo lắng vợ sẽ bỏ nếu tôi không làm tròn bổn phận người chồng. Thi thoảng, trong lúc gần gũi, vợ lại hỏi tôi về người tình khiến tôi mất hết cảm giác. Còn nếu không làm vợ thỏa mãn thì vợ khóc và tôi thấy mình rất tệ hại.
Tôi muốn hỏi chuyên gia, vợ tôi có phải đang bị bệnh không và tôi cần làm gì để giúp, song hành cùng vợ? Tôi rất thương vợ và thấy mình tồi tệ. Tôi lo lắng nếu không thể đáp ứng được nhu cầu thì vợ sẽ có người đàn ông khác. Gần đây tôi không biết vợ nghĩ gì, muốn gì, có thật sự tha thứ cho tôi và ở bên tôi hay không? Xin cho tôi lời khuyên.
Video đang HOT
Nguyên
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào bạn thân mến!
Sau khi đọc những chia sẻ của bạn, tôi thấy mừng khi bạn nhìn nhận ra những mâu thuẫn tồn tại trong cuộc hôn nhân và quyết định tìm đến sự hỗ trợ từ bên ngoài sau 3 tháng liên tục chìm trong sự bế tắc. Không phải ai cũng có thể chia sẻ những vấn đề riêng tư của gia đình mình với người ngoài, việc bạn gửi bức thư đến tòa soạn thể hiện việc bạn thực sự có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, với tư cách là một người chồng, người cha.
Theo quan điểm chuyên môn, tôi nhận thấy một vấn đề tồn tại ngay từ đầu giữa hai vợ chồng, đó chính là phương thức đánh giá chất lượng mối quan hệ và cách các bạn biểu lộ tình cảm cho đối phương. Vợ chồng bạn đều đang có những lo âu, ám ảnh về việc phải đáp ứng được nhu cầu về tình dục của đối phương, vô tình đặt những giây phút gần gũi thân mật này thành tiêu chuẩn để đánh giá về mối quan hệ, bỏ qua những yếu tố khác như: sự cởi mở giữa hai bên, sự thấu hiểu, đồng cảm…
Với người vợ, dường như việc phát hiện bạn có mối quan hệ với phụ nữ khác đã khiến cô ấy đặt câu hỏi về lý do tại sao và đặt ra giả định rằng do bản thân không thể làm cho chồng thỏa mãn. Điều này lý giải cho việc cô ấy luôn muốn gần gũi bạn và khi không đạt được mức hài lòng như mong muốn, vợ bạn sẽ có xu hướng lo sợ và so sánh bản thân với người tình của chồng. Bên cạnh đó, bạn cũng luôn muốn bù đắp hết mức cho vợ, nhưng điều này khiến bạn có suy nghĩ dù thế nào cũng luôn phải đáp ứng tốt cho vợ như một cách để làm tròn bổn phận của người chồng. Như vậy, vợ chồng bạn, mỗi người đều mang trong mình những tâm sự riêng không nói ra khiến áp lực đè nặng lên vai cả hai người ngày càng trở nên nặng nề.
Do đó, để loại bỏ những lo âu của hai vợ chồng cũng như để bạn lấy lại niềm tin của vợ, tôi khuyến nghị một số phương pháp như sau cho hai bạn:
Lên kế hoạch sinh hoạt vợ chồng một cách hợp lý: Việc này đòi hỏi sự thành thật và cởi mở từ bạn để có thể bước đầu thuyết phục vợ. Hãy từ chối lời yêu cầu của vợ bằng cách chia sẻ chân thật về tình trạng sức khỏe của bạn, hỏi thăm về sức khỏe của cô ấy và khẳng định rằng việc bạn từ chối không đồng nghĩa với việc tình cảm của bạn dành cho cô ấy giảm sút. Sau đó đề xuất việc hai vợ chồng cùng lên lịch sinh hoạt chăn gối và tập thể dục một cách lành mạnh. Hai bạn hoàn toàn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn về điều này.
Vợ chồng cùng tìm đến chuyên gia về tâm lý để được nhận hỗ trợ, thúc đẩy cải thiện chất lượng mối quan hệ. Đây là cách thức an toàn, hiệu quả để giúp hai bạn cởi mở và hiểu thêm về những suy nghĩ, khúc mắc của đối phương thay vì chỉ phỏng đoán về nhau như hiện tại. Hai bạn sẽ nhận được hỗ trợ để có riêng cho mình những phương thức giao tiếp, chăm sóc cho nhau mang lại kết quả tích cực.
Trên hết, điều quan trọng nhất có thể quyết định chất lượng mối quan hệ của hai bạn chính là sự chân thành. Hai bạn có thể cho nhau thời gian, tìm các phương thức khác nhau để cải thiện mối quan hệ, nhưng nếu sự chân thành không được chuyển tải qua từng hành động của bạn với vợ, sẽ rất khó khăn để khiến cô ấy tin tưởng và có được cảm giác yên tâm, an toàn khi ở bên bạn. Vì vậy, tôi thật lòng mong bạn sẽ là người luôn kiên nhẫn ở bên vợ, cởi mở một cách thành thật để dần có lại được niềm tin của vợ, từ đó xóa tan đi những lo âu của riêng bạn. Chúc hai bạn luôn đồng hành và cùng nhau tìm được hạnh phúc.
Theo vnexpress.net
Có nên cưới vợ và làm nhà trong cùng một năm
Thầy bảo một năm không thể làm 2 việc lớn cùng lúc, nếu cố tình cưới thì mọi vận hạn sẽ rơi hết vào người vợ.
Tôi sinh năm 1985, quen bạn trai sinh năm 1982. Anh đã ly hôn và nuôi con trai. Anh tốt tính, mọi cái đều tốt, không có gì phải phàn nàn, 2 gia đình đều ủng hộ, chúng tôi đã định cuối năm nay cưới. Hôm trước mẹ anh đến chùa nhờ thầy xem ngày tốt để định ngày cưới xin, không ngờ lại nảy sinh vấn đề. Sư thầy nói năm nay không cưới được vì anh vừa xây nhà xong, nhà của chính anh, không mượn tuổi người khác. Thầy bảo 2020 cũng không được cưới vì là năm kim lâu của tôi, cùng với 2 tuổi chúng tôi tứ hành xung nên càng phải kiêng, chỉ được cưới vào năm 2021.
Giờ tôi nhiều tuổi, gia đình sẽ không cho chờ đợi quá lâu như thế, còn anh từng đổ vỡ một lần do chọn nhầm vợ nên giờ gia đình cần phải cẩn thận để tránh đổ vỡ. Mẹ anh rất quý tôi, chính bà là người xúc tác mai mối để chúng tôi quen nhau. Vấn đề là giờ xảy ra những lời thầy nói nên mẹ anh lo sợ và nhất quyết bảo 2021 mới được cưới. Anh muốn tôi đưa ra phương án để tốt nhất cho cả hai. Theo mọi người, tôi nên làm gì? Xin chân thành cảm ơn.
Ngọc
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Đầu tiên, cho phép tôi gửi lời chúc mừng hạnh phúc tới hai bạn. Hôn nhân luôn là sự kiện trọng đại, bước ngoặt cuộc đời, vì thế ai cũng muốn mọi thứ được diễn ra thật viên mãn, suôn sẻ, đặc biệt với một gia đình đã từng trải qua những biến cố về hôn nhân như nhà chồng sắp cưới của bạn. Việc mẹ chồng bạn quan tâm tới các yếu tố tâm linh cũng bắt nguồn từ sự cẩn trọng, mong muốn mọi sự sau này đều tốt lành.
Theo phong tục tập quán của người dân Việt, một đôi trai gái chính thức nên duyên vợ chồng khi nhà trai bắt đầu đến đón dâu và cô dâu cùng chú rể đến trước bàn thờ gia tiên, khấu đầu làm lễ, tự khấn niệm xin tổ tiên chấp nhận kể từ nay nên vợ chồng, sau đó về nhà chồng làm lễ ra mắt tổ tiên nhà chồng. Lễ cưới sau đó là hình thức thông báo sự việc với anh em họ, bạn bè xung quanh. Vì vậy, nếu bạn và chồng đang đi tìm một phương án tốt nhất để thuận ý của hai bên gia đình, tôi xin đề xuất ý kiến như sau:
Nếu hai bạn đều chắc chắn sẽ về một nhà thì hoàn toàn có thể đăng ký kết hôn trước, sau đó khi đến thời điểm hai gia đình cảm thấy phù hợp có thể tổ chức các nghi lễ đầy đủ để chính thức xin phép tổ tiên hai nhà. Bên cạnh đó, nếu bạn mong muốn được tổ chức đám cưới sớm hơn, bạn có thể cùng mẹ chồng tương lai đi hỏi ý kiến sư thầy để tham khảo thêm các phương thức làm lễ hóa giải những ảnh hưởng tiêu cực của tuổi kim lâu. Theo phong tục dân gian của nước ta, có một số cách hóa giải hạn kim lâu ví dụ như lệ "xin dâu hai lần" hiện được các gia đình sử dụng khá nhiều.
Trên hết, tôi luôn mong rằng mọi quyết định hai bạn đưa ra sẽ đều là kết quả của những cuộc trò chuyện thẳng thắn và sau khi hai bên tìm được tiếng nói chung. Nếu vợ chồng cùng đồng lòng, tôi tin hai bạn có thể cùng nhau thuyết phục gia đình để đi đến kết quả như ý. Chúc hai bạn sẽ đưa ra được quyết định sáng suốt, kịp thời và phù hợp với mong muốn của đôi bên.
Theo vnexpress.net
Tại sao phải nhẫn? Bạn đang phóng xe trên đường, đến một ngã tư. Một chiếc xe khác cũng phóng nhanh về phía bạn, sát sạt bạn, theo chiều vuông góc với bạn. Chắc chắn sẽ có một người phải dừng lại để người còn lại phóng vọt qua mình. Bạn có chắc chắn, người dừng lại đó sẽ là bạn? Trong cái khoảnh khắc ngắn bằng...