Vỡ hụi gần 20 tỷ đồng
Xuất thân là người bán vé số nhưng chủ hụi Lương Thị Kim Lan dùng nhiều thủ đoạn như đưa tên giả vào danh sách đường dây hụi, hốt hụi của người khác mà không báo… để lừa đảo tiền hụi của hụi viên.
Vụ vỡ hụi chấn động
Cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 2013, cả huyện Tân Châu (Tây Ninh) xôn xao vì vụ vỡ hụi chấn động ở thị trấn Tân Châu. Bà Lương Thị Kim Lan (52 tuổi, thị trấn Tân Châu), chủ hụi của nhiều đường dây hụi với cả trăm người tham gia đột nhiên biến mất khiến các hụi viên hốt hoảng chạy khắp nơi tìm kiếm để đòi lại tiền hụi của mình.
Bà Lương Thị Kim Lan tại cơ quan điều tra
Theo cơ quan điều tra, khoảng 10 năm trước đây, vợ chồng bà Lương Thị Kim Lan đi bán vé số kiếm sống. Năm 2004, bà được con gái (có chồng người nước ngoài) gửi tiền về nên cuộc sống có khá hơn. Vào khoảng tháng 9/2010, lợi dụng mối quan hệ quen biết với một số người dân trên địa bàn huyện Tân Châu, bà Lan đã tổ chức chơi hụi do bà làm chủ.
Bà Lan tổ chức chơi dây hụi tháng và nửa tháng với số tiền từ 2 đến 20 triệu đồng/phần, người chơi đóng tiền cho bà Lan 1 hoặc 2 lần/tháng. Hụi viên khi hốt hụi thì đóng tiền hoa hồng cho bà Lan từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng tùy theo số tiền đóng vào mỗi đầu hụi ít hay nhiều. Mỗi dây hụi bà Lan mở sổ theo dõi nhưng các hụi viên đều không biết nhau, kể cả số lượng người chơi trong mỗi đường dây; ai đóng, ai hốt kỳ nào, bao nhiêu cũng không ai được biết, chỉ biết đóng tiền hụi khi bà Lan thông báo.
Trong thời gian đầu hoạt động, bà Lan làm ăn rất uy tín nên ngày càng có nhiều người tin tưởng, tham gia. Nhưng khi có nhiều người tham gia, bà Lan mở nhiều đường dây hụi và bắt đầu lấy tiền hụi tiêu xài cá nhân, lấy đầu này đắp đầu kia. Cho đến khi bà Lan mất khả năng chi trả cho hụi viên trong các đường dây của mình, bà đành bỏ trốn đi nơi khác để tránh mặt các hụi viên. Đến lúc này các hụi viên mới hoảng hốt đi tìm bà Lan đòi lại tiền của mình, thậm chí là ra cơ quan công an để tố cáo bà Lan lừa đảo.
Video đang HOT
Can tội lừa đảo
Theo quy định, hầu hết các tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi đều được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong vụ vỡ hụi này, ngày 31/3/2014, Công an tỉnh Tây Ninh đã kết luận điều tra là bà Lương Thị Kim Lan phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, khi thấy nhiều người đăng ký chơi hụi của mình, bà Lan mở thêm hụi ngày, thời gian chơi từ 35 đến 45 ngày. Theo thỏa thuận, khi đến kỳ khui hụi thì các hụi viên tập hợp lại để bỏ thăm xem người nào bỏ thăm có số tiền cao thì sẽ được hốt kỳ đó, bà Lan không cung cấp danh sách các hụi viên cũng như không thông báo cho hụi viên như thỏa thuận. Khi hụi viên có nhu cầu cần hốt hụi đến nhà bà Lan bỏ thăm chỉ thấy bà cùng với người nhà mà không thấy hụi viên khác. Đến kỳ đóng hụi bà cũng không nói rõ là ai bỏ thăm cao nhất hốt mà chỉ nói số tiền phải đóng là bao nhiêu thì hụi viên đóng bấy nhiêu. Nếu hụi viên có hỏi thì bà nói 1 cái tên giả cho hụi viên tin tưởng.
Trong quá trình làm chủ hụi, bà Lan không những không đưa vào sổ sách theo dõi hoạt động của các dây hụi mà bà còn dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo các hụi viên chiếm đoạt tài sản. Các dây hụi tháng và nửa tháng bà Lan tổ chức, bà đưa một số tên giả làm những người hụi viên vào dây hụi nhằm cho các hụi viên khác tin tưởng và tham gia chơi. Sau đó, bà Lan hốt những phần hụi của những tên giả đó, mỗi dây hụi bà giả tên từ 1 đến 12 người. Trong 19 dây dây hụi tháng và nửa tháng thì đã có 18 dây hụi bà Lan lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 2,9 tỷ đồng.
Các dây hụi 2 triệu đến 20 triệu đồng, bà Lan tự ý hốt các phần hụi của các hụi viên khác mà không cho họ biết. Trong 19 dây hụi, bà Lan hốt 23 phần hụi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng. Bằng các thủ đoạn như giả tên người chơi hụi, tự đăng, tự hốt, bà Lan đã chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng. Tổng cộng bà Lan đã chiếm đoạt bằng các thủ đoạn trên là hơn 4,1 tỷ đồng. Từ các chứng cứ này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tây kết luận bà Lương Thị Kim Lan phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài số tiền lừa đảo trên, bà Lan còn mất khả năng chi trả nhiều đường dây hụi do bà làm chủ và nhiều đường dây do người khác làm chủ mà bà tham gia chơi. Tổng cộng số tiền bà lừa đảo, mất khả năng chi trả… lên đến gần 20 tỷ đồng.
Tuyết Trân – Tùng Nguyên
Theo Dantri
Làm giả giấy tờ nhà, thế chấp chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng
Với thủ đoạn thuê người làm giả giấy tờ nhà, Vân đã đem thế chấp để chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng. Thấy kiếm tiền quá dễ, Vân tiếp tục thuê làm giả giấy tờ 1 căn nhà khác để thực hiện hành vi tương tự nhưng bị phát hiện trong lúc giao dịch.
Ngày 17/2, TAND TPHCM đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 10 năm tù về 2 tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với bị cáo Huỳnh Chiêu Vân (51 tuổi, ngụ TPHCM).
Theo bản án sơ thẩm, để có tiền tiêu xài cá nhân, Huỳnh Chiêu Vân thuê người làm giả giấy tờ căn nhà của mình ở số 104 Trịnh Hoài Đức, quận 5 dùng làm tài sản thế chấp vay tiền.
Tháng 4/2012, Vân có liên hệ với một người phụ nữ thuê làm giả bộ hồ sơ nhà với giá 70 triệu đồng. Sau khi nhận được giấy tờ nhà giả, ngày 16/4, Vân gặp Quách Thái Quang ở quận Bình Tân để hỏi vay số tiền 100 triệu đồng và thế chấp cho Quang bộ giấy tờ giả trên. Tin tưởng Vân là chủ căn nhà trên, Quang đồng ý.
Qua giới thiệu của Quang, Vân tiếp tục lừa lấy của ông D.M.X. ở quận 6 số tiền 100 triệu đồng nhưng do Quang đứng tên giấy mượn tiền nên lãi suất là 10% tháng.
Bị cáo Huỳnh Chiêu Vân (áo trắng, che mặt) tại tòa phúc thẩm
Khoảng 1 tuần sau, Vân lại tiếp tục hỏi Quang vay tiền. Lúc này, Quang giới thiệu ông N.V.C. ở quận Tân Phú cho Vân vay tiền. Ngày 26/4, ông C. đến nhà Vân, yêu cầu phải có thế chấp tài sản đảm bảo. Vân hỏi mượn lại ông Quang bộ giấy tờ nhà trên giao cho ông C. để vay tiền.
Nghĩ bộ giấy tờ trên là thật nên ông C. đồng ý cho Vân vay số tiền 300 triệu đồng nhưng phải làm thành hợp đồng đặt cọc mua bán căn nhà trên, trị giá 5 tỷ đồng, đặt cọc 400 triệu đồng.
Vân đồng ý làm hợp đồng giao dịch với ông C., số tiền ghi trong hợp đồng là 400 triệu đồng gồm 300 triệu do C. cho Vân vay, còn 100 triệu đồng là tiền Quang cho Vân vay trước đó được Quang yêu cầu đưa vào hợp đồng thay thế cho giấy vay tiền. C. đưa tiền cho vay Vân nhưng lấy 19,5 triệu đồng, gồm tiền dịch vụ là lãi suất 5 ngày.
Sau khi nhận tiền của ông C., Vân trả nợ cho ông X. số tiền 105 triệu đồng kết thúc việc vay tiền. Với số tiền còn lại, Vân tiếp tục dùng 70 triệu đồng để làm giả bộ giấy tờ căn nhà ở đường Lương Nhữ Học ở quận 5 nhằm tiếp tục lừa đảo.
Sau đó Vân liên hệ với Quang hỏi người cho vay tiền nhưng thực chất là thế chấp giấy tờ nhà giả để lừa đảo. Quang lại tiếp tục giới thiệu ông C. đến bàn bạc việc vay tiền. Xem bộ giấy tờ căn nhà trên, ông C. thấy có dấu hiệu làm giả, nghi ngờ Vân lừa đảo nên ông C. đã báo công an phường đến giải quyết. Kết quả giám định cho thấy, cả hai bộ hồ sơ nhà trên đều là giấy tờ giả.
Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Vân đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bằng thủ đoạn dùng giấy tờ nhà giả thế chấp, Vân đã lừa đảo của Quang 200 triệu đồng; chiếm đoạt của ông C. số tiền 280,5 triệu đồng, tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 480 triệu đồng. Đối với người phụ nữ làm giả giấy tờ nhà, Vân không biết tên tuổi, lai lịch.
Công Quang - Quốc Anh
Theo Dantri
Lừa xin việc, bỏ túi gần 10 tỷ đồng Ngày 14-2, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP dịch vụ sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc (Công ty NPS). Vũ Thị Hằng (ngoài cùng bên trái) tại cơ quan điều tra Cơ quan công an bước...