Vô gia cư sau lũ
Trong một đêm mưa lũ, 3 ngôi nhà ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ( Quảng Bình) bị san phẳng. Từ chỗ có nhà cửa, bỗng chốc họ trắng tay, lâm vào cảnh vô gia cư, phải “ăn nhờ ở đậu”.
Người thoát chết, nhà sập
Ngồi thơ thẩn bên ngôi nhà đã tốc hết mái, ngói, ván, rui, mèn ngổn ngang thành một đống đổ nát, xung quanh còn sót lại bộ khung cột và mấy tấm ván, chủ nhân của ngôi nhà là anh Võ Văn Hùng buồn bã kể lại: Khoảng 12h đêm 16/10 khi nước lũ đã lên nhanh. Anh cho vợ và con trai 3 tuổi về nhà bà ngoại trú ẩn. Anh tính sẽ cố dọn dẹp, cất đặt một số đồ đạc rồi về sau. Khi nước đã dâng tràn vào nhà gần 1m rồi nhưng anh vẫn đang ở trong đó.
“Đang gác mấy cái đồ lên giàn thì có gió mạnh thốc từng hồi, rồi nghe tiếng rắc rắc, tui chỉ vội lao ra khỏi nhà. Khi mới thoát ra đến cửa thì mái ngói đã sập nghe tiếng “rầm”. Nhanh mấy giây chứ không thì bỏ mạng rồi”, anh Hùng chưa hết bàng hoàng kể lại.
Anh Võ Văn Hùng buồn bã bên ngôi nhà đã sập chỉ còn trơ lại bộ “xương”
Cách nhà anh Hùng khoảng 300m là nhà hộ chị Nguyễn Thị Luân 37 tuổi. Ngồi trên đống đổ nát cùng với 2 đứa con nhỏ, chị kể: Khi nước đã ngập vào nhà gần 1m, chị cùng hai đứa con nhỏ, đứa 8 tuổi, đứa 3 tuổi đang ngồi trên giường thì nghe gió giật lên tục, lo lắng ngôi nhà sẽ không trụ nổi, chị vội vã một tay bế đứa nhỏ, tay kia dắt đứa lớn chạy ra khỏi nhà.
“Ba mẹ con vừa ra khỏi nhà được mấy bước thì nghe tiếng ầm, ngoảnh lại tui thấy một đống đổ nát. May mà ra kịp không thì…”., chị Luân kể lại mà vẫn còn run.
Lúc nhà sập, chồng chị vẫn còn đi bắt chuột chưa về. Chị gọi điện thoại báo nhà sập anh về ngay mà mưa gió nên mất sóng không liên lạc được. Hai giờ đồng hồ sau chồng mới về thì đã không còn nhà nữa.
Rời nhà chị Luân, chúng tôi tìm đến trường hợp của chị Ngô Thị Phương 45 tuổi. Chị cũng bị sập nhà trong đợt lũ này. Con đường đi ra ngôi nhà đã bị sập của chị nước vẫn còn đang ngập sâu.
Video đang HOT
Mẹ con chị Ngô Thị Phương bên ngôi nhà bị sập hoàn toàn vẫn còn chìm dưới nước
Chèo thuyền đưa chúng tôi ra tận vị trí của ngôi nhà bị sập khi nước còn quá đầu gối. Phải nhìn kĩ lắm tôi mới thấy ván, tre, ngói…đang bị chìm trong màn nước đục.
Tay bồng đứa con gái 8 tuổi, tay kia với xuống nước sâu vớt lên một cây tre như để chứng minh cho ngôi nhà bị sập là sự thật, chị kể, biết nhà ở ngoài bờ sông thấp nhất nên từ mới chiều tối, khi nước chưa vào làng thì nhà chị đã ngập hơn nửa mét nên chị cho con nhỏ ăn sớm rồi khóa cửa đi vô làng để ở nhờ nhà em trai là anh Ngô Văn Thiết.
“Sáng bữa sau ngủ dậy nước đã ngập sâu cả làng. Tui chống thuyền ra coi nhà bị ngập như răng thì hoảng hồn không thấy nhà mô nữa cả. Lúc đó tui chỉ biết ôm mặt khóc rồi ngồi ngẩn người không muốn chống thuyền về làng nữa”, chị buồn bã kể lại.
Ai cũng khốn khó
Gia đình anh Võ Văn Hùng thu nhập dựa vào 2 sào ruộng. Bình thường anh hay đi phụ hồ, làm thuê, làm mướn. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hằng, hàng ngày bán bánh mì ở chợ, kiếm ngày 30 – 40 ngàn nuôi chồng và con trai 3 tuổi.
Từ hôm sập nhà, vợ chồng và đứa con của anh phải về ở nhờ nhà bà ngoại. Mỗi ngày, dù ra nhìn ngôi nhà bị sập cũng chẳng để làm gì, nhưng anh vẫn cứ đi cà nhắc ra nhìn ngôi nhà bị sập, rồi lại buồn bã đi về.
Nhà chị Nguyễn Thị Luân cũng không khá hơn. Hai vợ chồng được ông bà nội cho ra riêng ngôi nhà nhỏ sau khi cưới nhau mấy tháng. Dù vợ chồng cố làm, bươn chải mấy cũng chỉ đủ ăn, nuôi hai đứa con nhỏ ăn, học.
Chị Nguyễn Thị Luân với chiếc bụng bầu sắp sinh và hai đứa con nhỏ trên đống đổ nát của ngôi nhà bị sập
Mấy ngày hôm nay, nhà sập, không có thức ăn, chồng chị đã chèo thuyền đi bắt chuột, bắt nhái về ăn.
Ngồi chống cằm trên đống đổ nát của ngôi nhà, chị Luân lo lắng: “Chỉ còn 3 tháng nữa là sinh rồi mà giờ nhà cửa không còn, không biết nằm mô mà ấp ổ đây.”
Hoàn cảnh đặc biệt nhất vẫn là trường hợp của chị Ngô Thị Phương. Chị Phương chồng mới chết hồi đầu năm, để lại cho chị 2 đứa con. Đứa lớn 10 tuổi, hiện đã bỏ học đi ở, trông con cho một gia đình ở Tp Đà Nẵng. Đứa nhỏ mới 3 tuổi đang đi học mẫu giáo.
Ngôi nhà của chị bị sập là một ngôi nhà nhỏ, lại dựng ngoài bờ sông, trên mảnh đất tập thể chứ chưa có đất hợp pháp. Chị lại bị tật về mắt nên làm việc, đi lại cũng không được nhanh nhẹn như những người bình thường.
Nhận số tiền 6 triệu đồng/ một hộ từ đại diện UBND huyện, những người dân mất nhà tuy có bớt được phần nào mất mát nhưng trên khuôn mặt họ dường như vẫn chưa thể tìm lại được niềm vui. Bởi để dựng lại một căn nhà như vậy mất rất nhiều tiền. Họ chưa biết nhìn vào đâu khi mà cái ăn hàng ngày vẫn còn phải chạy vạy…
Ông Dương Công Toản, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về 3 hộ dân bị sập nhà, chúng tôi đã có mặt để kiểm tra, thăm hỏi, động viên các gia đình và chúng tôi cũng đã hỗ trợ mỗi hộ 3 thùng mì tôm. Sắp tới chúng tôi sẽ trích quỹ của địa phương, hỗ trợ một hộ có nhà bị sập 3 triệu đồng.”
Theo VietNamNet
Hàng chục hộ dân trắng tay sau hỏa hoạn
Hỏa hoạn bùng phát khi nhiều hộ ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) khóa cửa đi biển. Gió thổi mạnh làm lửa cháy nhanh, hàng chục gia đình trắng tay sau nhiều năm tích cóp.
Chiều 3/10, hơn 100 cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn 501 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Trà Vinh, Bộ đội biên phòng đóng tại địa phương và lực lượng của Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tiếp tục giúp người dân ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) thu gom lại đống tro tàn sau vụ cháy gần 60 căn nhà.
Trên 260 người, trong đó có khoảng một phần ba là người già và trẻ em được trú tạm trong nhà văn hóa, UBND thị trấn, trụ sở Công an Định An và nhiều lều bạt dã chiến xung quanh các tuyến đường nội bộ trong khu tái định cư cạnh cảng cá. Hầu hết gia đình bị cháy toàn bộ tài sản nên cán bộ địa phương mang bếp, gạo và thức ăn nấu cơm phục vụ những người bị nạn.
Đến chiều ngày 3/10 lực lượng đến từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đóng tại Trà Vinh vẫn còn bám hiện trường giúp dân bị hỏa hoạn. Ảnh: Thiên Phước
Trao đổi với VnExpress.net, ông Hà Phong Vũ - Chủ tịch UBND thị trấn Định An - cho biết, trong số gần 60 gia đình gặp nạn có 40 căn nhà bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Đây là khu tái định cư tập trung rất nhiều hộ dân sau khi giải tỏa đất để xây dựng cảng cá ở khóm 4, thị trấn Định An. Người dân chủ yếu sống bằng nghề biển, hậu cần nghề cá và làm công nhân cho công ty chế biến thủy sản. Vì vậy lúc hỏa hoạn có nhiều người khóa cửa đi làm nên chạy về không kịp. Họ chỉ biết khóc ròng vì tài sản tích cóp hàng chục năm trời đã cháy ra tro.
Qua khảo sát, 5 dãy nhà bị ảnh hưởng hỏa hoạn sau khi lửa bùng phát từ căn hộ tre lá của ông Võ Văn Khởi. Chiều ngày 2/10, ông Khởi bị bệnh nhồi máu cơ tim nên vợ ông khóa cửa nhà đưa chồng lên TP Trà Vinh cấp cứu. Đến khoảng 15h30 thì căn nhà này phát hỏa. Gió lớn gây cháy lan sang những dãy nhà lân cận được cất liền vách với nhau. Theo nhận định ban đầu có khả năng nhà ông Khởi xảy ra chập điện phát hỏa.
Nhà của chị Phạm Thị Phượng nằm ở cuối dãy, rất xa nhà ông Khởi, lại cách một con đường nội bộ. Chị không ngờ tàn lửa bay theo gió tấp vào nhà gây cháy, thiệt hại hoàn toàn.
Cháy lớn ở cửa biển Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) gây hư hại gần 60 căn, trong đó có hơn 40 nhà bị cháy rụi. Ảnh: Thiên Phước
Bà Trần Thị Ga (Bí thư Chi bộ khóm 4) cho biết, có rất nhiều căn nhà được cất bằng tre lá nhưng gia chủ trang bị đầy đủ tivi, tủ lạnh... Đó là chưa kể tiền, vàng để trong nhà không kịp lấy ra vì lửa bùng cháy quá nhanh. Thiệt hại thấp nhất mỗi căn cũng khoảng 30 triệu đồng trở lên.
Chính vì tài sản quá lớn của hàng chuc hộ dân bị thiêu rụi cộng với khối tài sản hư hỏng của ngành điện lực, viễn thông nên đến chiều ngày 3/10 con số thiệt hại vẫn chưa được cơ quan chức năng ở Trà Vinh thống kê cụ thể mà chỉ ước khoảng 1,8 tỷ đồng. Nhờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ứng cứu nên lửa được khống chế kịp thời, không lan sang một trạm xăng dầu và công ty thủy sản trong khu vực.
Theo ông Hà Phong Vũ, trước mắt Tỉnh ủy - UBND tỉnh Trà Vinh hỗ trợ mỗi gia đình bị cháy 6 triệu đồng để mua quần áo, chăn mùng với những vật dụng sinh hoạt cần thiết. Còn huyện Trà Cú cũng tính đến phương án cất tạm nhà tre lá cho người dân tạm cư ở các khu đất quy hoạch công trình dân sinh.
Theo VNExpress
Sinh viên thi chạy trong trang phục...đồ lót Hàng ngàn sinh viên của trường ĐH bang Arizona (Mỹ) không ngần ngại trút bỏ quần áo ngoài để diện trang phục... đồ lót nhằm mục đích tham gia chương trình chạy từ thiện mang tên "Undie Runners 2011". Cuối tuần qua, ước tính có khoảng 20.000 SV của trường ĐH bang Arizona (ASU) hào hứng bước vào cuộc thi chạy thường niên...