Vo gạo, rửa mặt, rửa rau bằng nửa chậu nước
(Dân trí) – “Nhiều khi có nửa chậu nước mà dùng vào bao nhiêu việc: vo gạo, rửa mặt rồi mới rửa rau” – bao năm nay, mấy trăm hộ dân vùng biển xã Hoà Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn phải sống trong cảnh dè sẻn nước sạch như thế.
Hoà Lộc là một xã ven biển của huyện Hậu Lộc, bao quanh là nước biển và con sông Lạch Trường. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua hơn 600 hộ dân của các thôn: Hoà Ngư, Hoà Hải và Hoà Phú phải sống trong tình cảnh thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt.
Người dân nơi đây hằng ngày đang mong chờ nước sạch
Bao năm qua, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân nơi đây là mua từ nơi khác và một phần là nước sông Lạch Trường. Ngoài ra người dân tận dụng mọi vật dụng để hứng nước mưa, gia đình nào có điều kiện thì xây bể chứa nước mưa nhưng cũng chỉ trụ được trong mùa mưa, đến mùa khô lại lâm cảnh thiếu nước triền miên.
Để tự khắc phục, nhiều gia đình đầu tư khoan giếng song có những giếng khoan sâu hơn 100m mà nguồn nước vẫn bị nhiễm mặn. Nước từ giếng khoan bơm lên còn có màu gạch cua, mùi khó chịu, dùng giặt giũ cũng không ổn chứ chưa nói để ăn uống.
Anh Nguyễn Tài Phú ở thôn Hoà Ngư, xã Hoà Lộc dẫn chúng tôi ra khu chứa nước sinh hoạt của gia đình anh, la liệt những bình lọ chứa nước, chiếc giếng khoan đầu tư hơn 2 triệu đồng đành bỏ không vì nước không dùng được, chưa có tiền xây bể chứa nước mưa. Anh Phú cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi dùng hết khoảng 100 lít nước với giá 5.000đ/can 20 lít. Hàng ngày còn phải có một người chuyên lo chuyện nước nôi, nước hiếm phải dùng tiết kiệm rất khổ sở”.
Video đang HOT
Nước giếng khoan màu gạch cua và có đủ loại “sinh vật lạ” bơi lội.
Trước đây người dân thường ra sông Lạch Trường gánh nước về dùng, nhưng giờ đây nước sông đã bị ô nhiễm nên không ai dám dùng. Thiếu nước sạch, người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên thường mắc nhiều bệnh ngoài da và đường tiêu hoá.
Chị Trịnh Thị Tuất chia sẻ: “Nhiều khi có nửa chậu nước mà dùng vào bao nhiêu thứ như: vo gạo, rửa mặt rồi mới đến rửa rau. Không biết đến bao giờ dân chúng tôi mới có được nguồn nước sạch sinh hoạt”.
Ông Mai Danh Mạc, Chủ tịch UBND xã Hoà Lộc, cho biết: “Thiếu nguồn nước sạch trong sinh hoạt của người dân nên cũng hạn chế đến sự phát triển kinh tế của địa phương, người dân thiếu nước từ bao đời nay nhưng chính quyền địa phương cũng bất lực vì nguồn kinh phí để đầu tư hệ thống nước sạch rất lớn, ngân sách xã không thể lo nổi. Đã nhiều lần chúng tôi cũng đề xuất lên huyện nhưng chưa được. Cũng đã có công trình nước sạch về địa phương nhưng do công suất nhỏ nên mới chỉ phục vụ cho cảng cá Hoà Lộc”.
Duy Tuyên
Dai dẳng cơn khát nước sạch
(Dân trí) - Người dân biển huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đang sống thiếu nước sạch trầm trọng. Nước uống, nước sinh hoạt và nước ngọt đi biển đều phải mua với giá cắt cổ. Nhiều thuyền đánh cá phải nằm bờ vì tiền nước uống mang theo quá cao so với tiền cá bán được.
Hứng nước mưa, mua nước máy
Huyện Quỳnh Lưu có gần nửa số xã chạy dọc bờ biển. Phần lớn người dân vật lộn sống bằng nghề biển. Bao nhiêu năm nay, họ không thể dùng nguồn nước ngầm tại chỗ vì bị nhiễm mặn. Thiếu nước ngọt, người dân biển phải trông chờ vào nước trời và mua nước máy.
Người dân nơi đây phải tính toán dùng nước như đong gạo nấu cơm. Nhà chị Nguyễn Thị Tâm, xóm 7, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) phải xây bể ngầm lớn để chứa nước mưa. Nhà có 5 người nên phải tằn tiện từng giọt nước. Chị bảo: "Không xây bể thì chỉ có cách uống... nước biển. Nhà nào cũng thế".
Khi nước mưa hết, người dân phải gồng mình mua nước máy với giá cắt cổ, 120.000 đồng chỉ mua được 2-3m3 nước. Đối với người dân đi biển, việc mua nước ngọt còn khiến họ xót xa hơn nhiều khi một thuyền đi biển dài ngày phải mua 20 thùng nước ngọt với giá 20.000 đồng/thùng (thùng 10 lít). Nhiều chủ thuyền ở Sơn Hải đành để thuyền nằm bờ, chờ ngày mưa kiếm ít nước mới có thể ra khơi.
Tháng 11/2007, nước sạch về với bà con xã Sơn Hải, nhưng chỉ dùng được khoảng 2m3 thì mất hẳn. Theo đó, đường ống dẫn nước từ nhà máy bị hư hỏng, đắp chiếu, bỏ hoang, vòi nước gỉ sét....
Vòi nước máy của các hộ dân nơi đây chỉ làm cho đẹp, chứ chẳng có lấy một giọt nước...(Ảnh: MT)
Bà Trần Thị Linh, xóm 6, xã Sơn Hải cho biết: "Cứ mỗi lần có nước sạch chảy về xã, bà con mang xô, chậu ra hứng, lúc đầu nước chảy vàng đục, sau đó nước trong cũng chỉ nhỏ giọt.... Hầu hết những gia đình lắp đường ống dùng nước sạch đều trong tình trạng vòi nước hư hỏng, bể nước khô cạn".
Bao giờ có nước sạch?
Dự án đưa nước sạch về xã Sơn Hải và nhiều xã khác của huyện Quỳnh Lưu đã được thi công nhưng chưa hoạt động vì chưa bàn giao hoặc chưa thanh toán tiền nước thử vòi. Do đó, hàng ngàn hộ dân ở đây vẫn chỉ trông chờ vào hoạt động quá tải của Nhà máy nước sạch Cầu Giát.
UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt nâng công suất nhà máy nước Cầu Giát lên 10.000m3/ngày đêm (hiện nay là 2.000 m3/ngày đêm) nhưng huyện Quỳnh Lưu không triển khai được vì thiếu vốn.
Giải quyết vấn đề này, huyện Quỳnh Lưu quyết định chuyển giao Nhà máy nước Cầu Giát cho Công ty cổ phần cấp thoát nước và vệ sinh môi trường Nghệ An với cam kết sẽ sớm triển khai dự án và cung cấp đủ nước cho người dân. Tuy nhiên, không biết đến bao giờ nhà máy đi vào hoạt động? Hàng ngàn người dân của huyện Quỳnh Lưu vẫn tiếp tục sống với cơn "khát" nước sạch...
Hoàng Anh - Minh Thông