Vợ đòi quyền bình đẳng khiến chồng đâm đơn ly hôn
Tôi phân chia tất cả mọi trách nhiệm trong gia đình thành hai phần, tôi chỉ gánh một nửa còn lại anh một nửa. Sự nóng nảy, kích động đó đã khiến tôi có những lời lẽ, hành động làm anh bị tổn thương…
Bố mẹ tôi là người có tư tưởng tiến bộ nên sau khi sinh được hai con gái, họ không có ý định sinh tiếp để có con trai như những gia đình khác. Dù gia đình nội ngoại nhiều lần khuyên họ nên cố gắng có người nối dõi, chứ con gái lớn lên đều trở thành “con nhà người ta” hết.
Ban đầu, mẹ tôi cũng có chút nao núng do sự tác động của người thân qua lớn. Nhưng rồi chính bố tôi là người luôn động viên mẹ nên gạt đi tất cả tư tưởng cổ hủ, bất bình đẳng nam nữ ấy. Nhờ đó mà từ nhỏ đến lớn, hai chị em tôi đều được nuôi dạy trong môi trường rất bình đẳng. Bố mẹ luôn tạo mọi điều kiện để dạy dỗ, đầu tư cho con gái học hành đầy đủ chẳng kém gì so với con trai nhà người khác. Thậm chí khi chị gái tôi học xong đại học có ước mơ ra nước ngoài du học tiếp, bố mẹ rất ủng hộ. Dù khó khăn về kinh tế, bố mẹ cũng tìm mọi cách để vay mượn đầu tư cho chị tôi đi du học.
Phần tôi bằng lòng với công việc ổn định ở một công ty liên doanh sau khi tốt nghiệp đại học. Tại đây, tôi đã gặp và yêu anh. Đám cưới hạnh phúc của chúng tôi đã diễn ra sau đó. Sau khi kết hôn, tôi mang tư tưởng bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực mà bấy lâu nay mình thụ hưởng từ bố mẹ vào cuộc sống hôn nhân của mình. Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp vợ chồng tôi sống hạnh phúc và cuộc hôn nhân của chúng tôi theo đó sẽ tiến bộ hơn. Tôi có ước mơ trở thành người phụ nữ thành công trong sự nghiệp lẫn cả gia đình. Bởi vậy tôi thường đặt cho mình những điểm mốc cho các mục tiêu cần phấn đấu. Ví dụ năm nay phải học thêm một khóa chuyên ngành ngoại ngữ, sang năm phải cố gắng thi đỗ cao học, hay phải sinh con thứ hai… Là người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán nên tôi thực hiện được những dự định của mình đúng với kế hoạch đề ra. Thấy vợ vất vả với những mục tiêu ấy, chồng tôi nhiều lần bảo:
- Anh thấy em không nên ham hố quá, công việc thành công như thế cũng ổn rồi, để thời gian lo cho gia đình.
Lần nào nghe anh nói vậy, tôi đều lớn tiếng đòi quyền bình đẳng trong sự nghiệp đối với chồng:
- Sự nghiệp của em cũng giống anh thôi, sao anh có quyền học lên còn em thì phải dừng lại?
- Anh không cấm em phấn đấu nhưng em cần phải biết cái đích cuối cùng của người phụ nữ là gì? Chẳng phải là giữ lửa cho tổ ấm gia đình hay sao.
- Gia đình có hạnh phúc hay không cần cả em và anh chung tay xây dựng chứ một mình em làm sao nổi.
Bao giờ cuộc tranh luận của chúng tôi cũng kết thúc bằng kiểu lý luận đó của tôi. Dần dần anh không còn muốn tham gia hay góp ý gì đến chuyện phấn đấu sự nghiệp của tôi nữa. Mỗi lần tôi đề ra một mục tiêu nào đó anh đều nhất trí ủng hộ, bảo chỉ cần tôi sắp xếp, phân bổ được thời gian và công việc gia đình hợp lý thì thích phấn đấu kiểu gì cũng được. Tôi đã nghĩ mình sẽ trở thành người phụ nữ thành công khi có người chồng luôn tạo điều kiện cho vợ sự bình đẳng trên mọi phương diện.
Cuộc sống hôn nhân của tôi tạm ổn cho đến ngày anh được đề bạt lên vị trí phó giám đốc. Công việc của anh bận rộn hơn trước, thường xuyên đi công tác dài ngày. Điều đó có nghĩa, anh không thể san sẻ việc gia đình với tôi giống như trước đây. Tôi quay cuồng giữa công việc gia đình và cơ quan. Thấy vậy, anh bàn tôi nên thuê giúp việc. Thời gian đầu, mọi việc có vẻ ổn hơn khi giúp việc gánh bớt việc nhà cho tôi. Sau đó, tôi nhận ra giúp việc chỉ giúp tôi giải quyết một phần công việc trong gia đình chứ không thể thay thế vai trò của tôi. Do đó, mọi chuyện học hành của con cái, giải quyết các vấn đề khúc mắc của chúng ở trường, ở nhà, lo cho chúng khi ốm đau, đối nội đối ngoại trong gia đình vẫn đổ dồn lên vai tôi. Những việc đó lấy đi của tôi rất nhiều thời gian lẫn công sức.
Video đang HOT
Và khi mọi thứ trở nên quá tải, tôi bắt đầu cảm thấy mình thiệt thòi đủ thứ. Rõ ràng vợ chồng chúng tôi luôn bình đẳng trên mọi phương diện, vậy tại sao chỉ mình tôi phải ở thế là người hi sinh đầu tiên?
Ví dụ mỗi khi có phải đi công tác đâu đó, anh thoải mái xách va li lên đường, không cần lo lắng chuyện ở nhà ra sao. Trong khi đó lần nào đi công tác, tôi cũng phải lên kế hoạch, sắp xếp công việc gia đình để con cái học hành, công việc nhà không bị xáo trộn. Thậm chí có những chuyến công tác, tôi vừa phải chịu áp lực công việc, vừa phải lo lắng giải quyết những chuyện xảy ra ở gia đình khi tôi vắng nhà. Càng ngày tôi càng cảm thấy kiệt quệ, thấy mọi cái đều bất công đối với mình.
Tôi bắt đầu chống lại sự bình đẳng ấy bằng việc bắt chồng phải hi sinh giống mình. Mỗi lần con ốm, tôi không hoãn đi công tác như trước nữa mà yêu cầu anh nghỉ việc để ở nhà trông con. Thỉnh thoảng, tôi cũng cho phép mình được tụ tập với bạn bè giống như chồng dù việc nhà còn bừa bộn. Lần nào sự vắng mặt của tôi cũng tạo ra các sự cố ngoài mong muốn như: Khách bên chồng đến chơi không ai tiếp, con cái phải nghỉ học thêm các lớp năng khiếu vì bố mẹ đều bận không có ai đưa đón… là tôi đều đổ lỗi và nặng lời chỉ trích chồng. Khi anh bảo, những việc đó là nhiệm vụ của một người vợ phải quán xuyến, tôi liền đưa các quy định của luật bình đẳng giới ra để “chiến đấu” với anh. Tôi nói rằng vợ chồng đều có quyền giống nhau, vì vậy không có lý do gì lúc nào cũng chỉ có tôi là người phải làm điều đó mà không phải là anh. Các vấn đề của con cái, anh và tôi đều phải trách nhiệm bằng nhau. Vấn đề đối nội, đối ngoại cũng tương tự, anh không có quyền đòi hỏi tôi phải làm thế này, thế nọ trong khi bản thân mình không làm gì.
Mặc cho anh lấy lí do vì điều kiện công việc không thể thực hiện được những việc đó chứ không phải cố tình đùn đẩy hết cho vợ, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Từ đó, tôi phân chia tất cả mọi trách nhiệm trong gia đình thành hai phần, tôi chỉ gánh một nửa còn lại anh một nửa.
Những việc anh không làm được thì bỏ chứ tôi nhất định không chịu làm thay giống như trước. Nếu anh không làm tròn nhiệm vụ và để nó ảnh hưởng đến con cái, gia đình là tôi gay gắt chỉ trích anh. Dần dần, tôi biến mình thành một phụ nữ nóng nảy, lúc nào cũng trong trạng thái bị kích động bởi sự bê trễ của anh trong các phần việc đối với con cái, gia đình.
Sự nóng nảy, kích động đó đã khiến tôi có những lời lẽ, hành động làm anh bị tổn thương. Nhưng tôi không nhận ra điều đó, cho đến ngày sự tổn thương trong anh quá nặng, sức chịu đựng đã đến giới hạn cuối, anh làm đơn ly hôn. Đến lúc này, tôi mới nhận ra sai lầm của mình nhưng đã quá muộn màng, anh nói không một chút luyến tiếc và ân hận trước việc chấm dứt cuộc hôn nhân này. Và điều làm tôi đau khổ nhất chính là cái cách đấu tranh để đòi quyền bình đẳng với chồng trong cuộc sống hôn nhân của tôi đã đẩy chồng tìm đến sự an ủi, chia sẻ ở một người phụ nữ khác…
Theo Bestie
Chị em đòi bình đẳng, sao cứ coi việc trả tiền là của đàn ông?
Đâu đâu cũng đang hừng hực đấu tranh cho cái gọi là "nam nữ bình quyền". Nhưng liệu phụ nữ đã thực sự ý thức bình quyền?
ảnh minh họa
Bọn anh là mấy gã đàn ông sinh ra sau lũy tre làng, uống nước giếng khơi, hay xơi thịt chó nên có dính tý "đất lề quê thói" và tư tưởng gia trưởng. Mà kể cả cái đám thanh niên được hít khói thành thị, ở nhà cao tầng thì chúng cũng vẫn sẽ nghĩ giống như tụi anh thôi rằng, đàn ông đương nhiên làm chủ gia đình và làm chủ cả... xã hội.
Điều này hẳn làm phụ nữ các em không chấp nhận, cho nên thấy khắp nơi từ ti vi, báo đài, mạng xã hội cho đến các diễn đàn, hội thảo, đâu đâu cũng đang hừng hực đấu tranh cho cái gọi là "nam nữ bình quyền". Nhưng liệu phụ nữ đã thực sự ý thức bình quyền?
Các em hô vang khẩu hiệu bình quyền nhưng khi móc hầu bao trả tiền, nhiều em đương nhiên coi đó là việc của nam giới. Anh nào sòng phẳng kiểu Tây mà hô xe (share) với pháo thì chắc không sống nổi với các em. Trừ những gã "kém tắm" thì khỏi bàn, còn đàn ông chân chính tụi anh luôn coi việc mời cơm, rút ví là chuyện của mình đấy chứ.
Bọn anh cũng luôn coi việc trao hoa, tặng quà trong những dịp "Va lung tung", "Ráng sinh" hay "Kỷ niệm ngày lọ ngày chai" là trách nhiệm cao cả. Mặc dù bọn anh râu hùm hàm én thế thôi, nhưng cũng muốn được phụ nữ thi thoảng trả tiền cho một bữa ăn nho nhỏ gọi là quan tâm quý mến. Bọn anh cũng muốn được nhận những món quà từ bà xã trong các dịp như một sự ghi nhận và thể hiện tình yêu, chứ đâu phải chỉ nam giới mới cần cảm ơn người kết hôn và sinh con cho họ! Như thế mới là bình quyền!
Các em muốn bình đẳng, nhưng nhiều em gái luôn quan tâm sao cho kiếm được một anh giàu sang để nuôi gia đình hay chu cấp người tình, túm lại là tự biến mình trở thành "cây trồng", "vật nuôi" hơn là tự phấn đấu và khẳng định.
Ơ, các em muốn bình đẳng mấy vụ làm việc nhà, chăm sóc con cái thì sao không sòng phẳng với bọn anh ở cả vụ "làm kinh tế", "nuôi trồng" này chứ? Bọn anh cũng cố gắng lắm đấy, nhưng nói thật, một người thành đạt, vạn người bình dân, các em cứ lấy chuẩn "đại gia" ra mà so làm bọn anh thấy chạnh lòng.
Bọn anh chê cơm không ngon, nhà không sạch thì bị mang tiếng gia trưởng, nhưng các em chê chồng bất tài không kiếm được nhiều tiền, không mua được kim cương, "hơ mét", "eo vì", "gu chì", thì lại chẳng sao, chả mang tiếng gì sất. Thế mà bảo bình quyền!?
Này nhé, các em đầy tự tin của người phụ nữ hiện đại, thì cũng nên thi thoảng "hảo hán" bỏ chút quỹ đen ra chi những khoản này khoản nọ của gia đình, thay vì cất biến ở đâu đó trong sổ tiết kiệm hay tự lén mang đi đầu tư nhà cửa, đất đai và cười cười rất duyên bảo chồng tiếp tục "chuyển khoản".
Trong khi quỹ đen của các em phần nhiều là do tụi anh gây dựng, các em lại không hề thoải mái vui tươi cho bọn anh một quỹ đen ngược lại, thế mà gọi là... bình đẳng. Các em vin vào lý thuyết là để ngăn ngừa bọn anh có "xiền" nuôi bồ nhí!
Nhưng công bằng xét riêng góc độ tài chính nhé, bọn anh có "nuôi bồ nhí" cũng không tốn bằng các em "nuôi đồ hiệu", "nuôi thẩm mỹ viện", hay nuôi cả những lô đất nằm im đắp chiếu, nuôi những khoản tự ý đầu tư một đi không trở lại do kinh nghiệm chinh chiến không cao đâu. Còn bọn anh vì sĩ diện đàn ông nên cấm dám than thở câu nào, dù trong lòng vô cùng... buốt ruột!
Ừ, bình đẳng nam nữ trong công việc là đúng. Nhưng quả thật nhiều em nhân viên nữ đẩy các sếp anh ở thế khó xử. Các em chân ướt chân ráo bước vào công ty với lời hứa lúc phỏng vấn tuyển dụng sang sảng như lời thề...Hypocrat. Ấy vậy mà chưa đầy nửa năm đã đám cưới, bụng bầu, rồi vin vào thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu để đi muộn, về sớm, lượn như đèn cù trong giờ làm, mà đa phần chả phải vì bận việc nhà mà bận chuyện dây cà dây muống. Thế thì hỏi thủ trưởng nào còn muốn tuyển dụng hay giao việc, giao quyền, muốn quy hoạch cán bộ nữ đây?
Rất hiểu cái khó khăn vất vả của phụ nữ, nhưng tụi anh đang hồ nghi rằng, liệu có phải tất cả các em đều thực sự muốn phấn đấu bình quyền trong công việc, hay cũng có những người luôn sẵn sàng "buông tay súng" rồi đổ riệt tất cả là tại thiên chức mà thôi?
Nếu muốn bình đẳng giới, phải hỏi lại các em đã thực sự yêu quý chính giới của mình chưa? Nếu luật cấm lựa chọn giới tính thai nhi không ra đời thì có bao nhiêu người mẹ vẫn muốn bỏ đứa con trong bụng khi biết là con gái. Có những người vợ còn buồn nẫu hơn cả chồng khi sinh gái mới khổ. Có những chị bụm miệng cười chê nhà khác không có con trai, lên cả "phây" bình luận rất to. Vậy rõ là trước khi nam giới coi thường chị em, thì chính phụ nữ đã tự biến con gái mình hay con gái người khác thành công dân hạng hai mất rồi, lấy gì mà phái nữ cùng tiến lên mà đòi bình đẳng giới?
Phụ nữ các em cũng đã thực sự biết cảm thông cho những người cùng phái chưa? Mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu, chị dâu em chồng hơn thua chan chát, gớm, ở nhà là bọn anh cứ im tịt cho lành.
Nơi công sở, khi ai đó lỡ lầm hay gặp chuyện thị phi, phụ nữ xung quanh sẽ lên án, dè bỉu, bàn tán nhiều hơn là vị tha, chia sẻ. Nếu đổi ngược người đó là nam giới, có khi các em lại dễ cảm thông hơn với một câu chép miệng, "Ừ thì đàn ông mà..."
Khi phụ nữ thành đạt và được nhiều nam nhi mến mộ, lập tức những đồng nghiệp nữ hay phụ nữ khác thay vì tự hào và cố súy thì "Gato" nhỏ to rằng, "Chắc là có quan chức, đại gia nâng đỡ chứ mặt đó thì làm được gì", hay"Trông thế thôi, chứ gia đình chán chết, kiếm tiền cho lắm vào..."
Rồi lại nói đến chuyện ngoại tình, có những người phụ nữ luôn bảo rằng cần mỗi tình yêu, nhưng lại mưu toan đủ điều chỉ trực phá hoại hạnh phúc của một người cùng giới khác. Ngược lại, người phụ nữ trong nhà chỉ chăm chăm đi đánh ghen người thứ ba là "giựt chồng bà" mà không nghĩ ngược lại rằng "chồng bà" tán con nhà người ta trước, hay các bà chưa để ý chăm chút bản thân cho tươi mới, cho chồng còn cảm hứng mặn mà yêu đương... Tóm lại, có nhiều trường hợp, chính phụ nữ gây tổn thương cho phụ nữ trước khi đàn ông làm khổ họ!
Các em ơi, xét trong chuyện tình cảm, các em cũng nên công bằng nhé. Nếu đã là bình đẳng giới thì chuyện yêu đương cũng vậy. Khi duyên hết tình tan, sao bỗng dưng đàn ông tụi anh lại bị lên án là những kẻ "lợi dụng".
Yêu là cùng trao cùng nhận, cùng tận hưởng cảm xúc tâm hồn và cảm giác thể xác. Vậy mà các em cứ tự thoái thác cái sự bình quyền ấy, rồi lại kêu rất to là các em đã "cho", đã "dâng hiến", rồi đàn ông chỉ biết "nhận" và "lợi dụng" là sao đây hả giời? Chắc vì đàn ông là phái mạnh nên bất luận thế nào cùng bị coi là phũ, là bạc, như kiểu xe máy và xe đạp lỡ tông nhau thì có nói gì xe máy cũng vẫn sai lè lè vậy.
Các em ạ, có điều khó nói này mà tụi anh đây cũng xin nhỏ to vài câu cho hết nhẽ. Nếu các em thực sự tự tin và muốn bình quyền, hãy cởi mở hơn trong chuyện gối chăn. Các em luôn muốn hỏi rằng mình có hấp dẫn không, có làm bọn anh ngây ngất không, trong khi bản thân lại im thin thít như thịt nấu đông khi bọn anh cần hỏi điều ngược lại, rồi bẩu vì truyền thống văn hóa Á Đông nó thế.
Đàn ông bọn anh vỗ ngực kinh nghiệm thế thôi chứ nói thật, cũng chả biết đằng nào mà lần đâu. Nên cứ muốn các em nêu cao tinh thần bình đẳng nam nữ mà chỉ bảo vài câu cho bọn anh nhờ, rằng cần phải làm gì để các em "zui", và làm thế nào để các em "zui" hơn nữa?
Rõ khổ, cái sự mãn nguyện của đàn ông bọn anh khá đơn giản như là một câu chuyện, trong khi với các em thực sự là một pho tiểu thuyết. Không chấp cái loại đàn ông chỉ biết mình, tụi anh rất muốn ga lăng xăng vụ này để thể hiện tình yêu và khả năng đấy nhá.
Bọn anh cũng muốn được nhận, cũng muốn đôi lúc được... thụ động yêu đương, nên trong trường hợp này các em càng đòi bình quyền bao nhiêu thì đàn ông văn minh càng hoan hô nhiệt liệt bấy nhiêu đấy, các em thân yêu ạ!
Tụi anh biết Liên hợp quốc đã có Hiến chương quy định rõ cái gọi là bình đẳng giới, nên điều này không cần phải bàn lại nữa rồi. Dù vẫn còn chút ích kỉ và tham lam, nhưng đàn ông bọn anh đủ hiểu rằng, bình đẳng nam nữ là điều tất yếu phải đến trong xã hội văn minh, rằng những người phụ nữ thời hiện đại như các em thật đáng khâm phục, luôn phấn đấu để "giỏi việc nước, đảm việc nhà, đậm đà nhan sắc, vững chắc yêu thương".
Thế nên, tràng giang đại hải từ nãy đến giờ cũng là để gửi đến phụ nữ các em một thông điệp: Thế giới này chỉ có bình quyền thực sự, khi một nửa thế giới thực sự muốn bình quyền. Luôn cần và yêu thương phụ nữ, thế nên tụi anh sẽ luôn ủng hộ, trước khi các em suy ngẫm thật kĩ và tự trả lời cho mình câu hỏi: Phụ nữ đã thực sự ý thức bình quyền?
Theo PLO
Đừng chỉ cứ khăng khăng đòi bình đẳng Tôi không thích cái gọi là "bình đẳng giới" mà ngày nay nhiều phụ nữ lớn tiếng kêu gọi, đòi hỏi ở người chồng, người cha trong gia đình. Có lẽ do là một phụ nữ ít đòi hỏi, nên tôi rất xúc động mỗi khi được chồng chăm sóc như vậy. (Ảnh minh họa) Từ gia đình bố mẹ tôi cho tới...