Vợ đi chơi với người tình cũ
Đã có gia đình nhưng cô ấy vô lo, luôn thích những cuộc gặp mặt, đi chơi tối ngày.
Chúng em yêu thương và lấy nhau mới một năm, chưa có con. Tưởng là có gia đình rồi, vợ em sẽ chăm chút việc nhà, lo cho gia đình nhưng không phải vậy. Cô ấy vẫn chơi chung nhóm bạn thân. Họ hay tổ chức đi đây đó, liên hoan sinh nhật. Thỉnh thoảng cũng có các cuộc gặp nhóm mời cả vợ, chồng thành viên, nên em đến dự. Chính vì vậy em biết trong nhóm có cả bạn trai cũ của cô ấy.
Trước đây em hỏi chuyện thì cô ấy bảo có yêu một người, thấy không hợp nhau thì thôi, anh kia cũng yêu người khác rồi. Khi em hỏi về quan hệ hiện nay khi họ chơi chung nhóm, cô ấy cho là em ghen tuông vô cớ. Rồi như để chọc tức em, cô ấy càng đi chơi với nhóm nhiều hơn. Đã có gia đình, nhưng cô ấy vô lo, luôn thích những cuộc gặp mặt, đi chơi, đi ăn, điện thoại suốt ngày như người son rỗi.
Em gợi ý vợ nên tham gia vào công việc làm ăn của gia đình lớn thì cô ấy bảo sẽ đi xin việc làm, chứ làm chung gia đình chồng đông người rất phức tạp. Em thấy cô ấy dù có yêu em, nhưng chẳng có ý thức lo toan cho gia đình, không ra một người vợ, góp ý thì cô ấy bảo em ghen tuông, muốn kiềm chế vợ. Em không rõ phải làm sao cho vợ có tinh thần trách nhiệm với gia đình. Chị có thể cho ý kiến được không, thưa chị?
Phạm Thanh Tiến (Q.3, TP.HCM)
Cô ấy yêu chồng mà mải chơi, chưa có ý thức của người vợ trưởng thành (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Gửi em Thanh Tiến,
Không rõ tình yêu của các em có thắm thiết và tìm hiểu kỹ không, mà nên vợ chồng rồi tình cảm vẫn còn lỏng lẻo quá. Điều quan trọng nhất mà chỉ thấy thoáng qua một câu trong thư em, đó là cô ấy có yêu chồng. Em cần nhận rõ hai việc: cô vợ yêu chồng nhưng quá vô lo, còn rong chơi, hay là còn vướng víu người tình cũ. Giải quyết được nhận định này sẽ giúp em yên tâm, không căn vặn quá nhiều về mối quan hệ cũ của cô ấy.
Cần phải có công việc làm và đường hướng tương lai nghề nghiệp rõ ràng cho vợ em, không nên kéo dài tình trạng để vợ rảnh rỗi, đi chơi quá mức. Đừng để cô ấy sa đà vào các cuộc vui kéo dài thành thói quen. Các em tổ chức cuộc sống chung sao cho đầm ấm, có sự riêng tư để vợ em vui thích khi ở bên chồng. Tránh tình trạng chồng lao vào làm ăn kiếm tiền, còn vợ thì rảnh rỗi, tiêu tiền. Vợ chồng cần có các cuộc đi chơi, đi ăn, đi thăm mọi người, đừng để tách riêng hẳn, chẳng ai biết sinh hoạt của ai ra sao.
Về mối quan hệ cũ, em chỉ nên hỏi cho biết thái độ của cô ấy thôi, khi biết không có gì nguy hiểm thì đừng tỏ ra khó chịu hay nghi ngờ. Cô ấy yêu chồng mà mải chơi, chưa có ý thức của người vợ trưởng thành. Em hãy dìu dắt vợ, hỏi han xem cô ấy định hướng công việc làm ăn, học hành ra sao, tính toán tương lai gia đình, con cái thế nào, rồi tạo điều kiện giúp vợ nhanh chóng ổn định mọi chuyện. Sự bận rộn và yêu cầu của thực tế đời sống cũng như công việc sẽ dần hình thành tinh thần trách nhiệm.
Nếu em chỉ tỏ ra khó chịu, kiểm soát và chỉ trích mối quan hệ của vợ hiện nay, sẽ dễ dẫn tới việc càng có khoảng cách. Cô ấy sẽ nghĩ chồng mình do ghen tuông nên hẹp hòi, ngăn cản. Nghĩ thế dễ dẫn tới chống đối nhau, mất hết tình cảm vợ chồng. Mới cưới cũng là thời kỳ em dễ tiếp cận với vợ nhất, đừng để quan hệ vợ chồng trở thành chống đối, đề phòng nhau. Tình thương yêu vợ của em, cách tổ chức cuộc sống phù hợp, thái độ cư xử đàng hoàng, nghiêm túc sẽ làm cô ấy phải suy nghĩ.
Chúc các em mau chóng hiểu nhau hơn và vượt qua giai đoạn đầu chung sống (giai đoạn mà các nhà tâm lý đánh giá là thời kỳ hai con người xa lạ đang vượt nhiều khó khăn để hòa hợp).
Theo VNE
Giả định mà như thật
"Không ngờ phỏng vấn xin việc lại khó đến thế. Có mấy câu hỏi bằng tiếng Anh nữa, trả lời không suôn sẻ tí nào. Phỏng vấn kiểu này chắc rớt quá" - cô gái bước ra khỏi phòng, mặt ỉu xìu nói với những ứng viên đang chờ đến lượt.
Tại buổi phỏng vấn xin việc giả định - Ảnh: Nguyễn Tập
Dù sao cũng may mắn cho cô vì đấy chỉ là buổi phỏng vấn xin việc giả định, một hoạt động mới của Ngày hội nguồn nhân lực trẻ tỉnh Bình Dương.
Hành lang Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên (tỉnh Bình Dương) sáng 26.10 trở nên chật chội bởi hơn 200 sinh viên làm ứng viên cho buổi phỏng vấn xin việc giả định. Gọi là giả định nhưng buổi phỏng vấn được chuẩn bị khá bài bản. Trước đó hơn 1 tháng, Tỉnh đoàn đã thông báo đến các trường ĐH trên địa bàn. Những sinh viên muốn tham dự đều phải gửi trước cho ban tổ chức lý lịch ứng viên (thông tin cá nhân, quá trình học tập, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc...). Chỉ sau đó không lâu, 250 ứng viên đã đăng ký. 9 chuyên gia nhân sự giỏi của những công ty lớn được mời đến. Chính họ sẽ phỏng vấn, "quay" ứng viên tận tình như thực tế, để rồi sau đó sẽ chỉ ra cặn kẽ từng ưu, nhược điểm của ứng viên.
"Hiện nay, rất nhiều chương trình, sách, báo hướng dẫn kỹ năng tìm việc nhưng đó chỉ là lý thuyết. Vì vậy, mục đích của ngày hôm nay nhằm tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được trải nghiệm thực tế về một buổi phỏng vấn xin việc thật sự", chị Trịnh Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương - cho biết.
Nhu cầu trải nghiệm không khí của một buổi phỏng vấn xin việc được thể hiện rất rõ tại đây. Ngay tại hành lang, một nhóm bạn ngồi túm tụm lại "ôn luyện", trao đổi cách phỏng vấn. Khi có người kết thúc cuộc phỏng vấn, vài người xúm lại hỏi han kinh nghiệm. Phòng phỏng vấn được đóng kín cửa để không làm phân tâm ứng viên...
Huỳnh Thúy Nhi, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, ứng cử vào bộ phận quản trị nhân sự, một vị trí cần sự năng động, tính tổ chức. Tuy nhiên, khi phỏng vấn viên đưa ra tình huống phải sắp xếp giữa công việc công ty và chuyện gia đình thì cô lại lúng túng. "Tôi khá tự tin khi tham dự vì trước đây tôi đã đọc nhiều về những kỹ năng trả lời phỏng vấn. Nhưng thực tế không đơn giản như mình nghĩ. Tôi thật sự học được nhiều điều qua buổi phỏng vấn giả định này", cô cho biết.
"Kỹ năng tìm việc hiệu quả" là vấn đề "cũ rích" nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Kỹ năng "lý thuyết" hiện nay không thiếu (qua internet, sách, báo, hội thảo...), nhưng những kỹ năng "thực hành" một buổi phỏng vấn thật sự lại không nhiều. Phỏng vấn viên Lê Quang Bảo, chuyên viên nhân sự tổng hợp Công ty TNHH Sapmiller Việt Nam, nhận xét: "Kỹ năng trình bày của sinh viên còn rất yếu. Diễn đạt chưa logic, không đi vào trọng tâm. Hy vọng những buổi thế này sẽ giúp các bạn nhận ra điểm mạnh, yếu của bản thân để phát huy".
Nên chăng, các trường đại học tổ chức định kỳ mô hình này như một hoạt động ngoại khóa cho sinh viên từ năm 2 trở lên để các bạn cập nhật được nhu cầu tuyển dụng, kỹ năng ứng đối và tâm lý tự tin, thoải mái cho hành trình tìm việc sau này.
Ngày hội nguồn nhân lực trẻ tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 26.10 với mục đích tạo cầu nối giữa sinh viên với các doanh nghiệp. Bên cạnh Hội thảo định hướng và phát triển nghề nghiệp và chương trình phỏng vấn giả định của các doanh nghiệp, ngày hội lần này còn tạo cho sinh viên có điều kiện gặp gỡ, đặt câu hỏi về chính sách, chế độ thu hút nguồn nhân lực với lãnh đạo tỉnh Bình Dương; tổ chức tham quan thực tế khu công nghiệp và các công ty...
Theo TNO