Vỡ đập thủy điện Lào kết hợp triều cường khiến lũ ở ĐBSCL lên nhanh
Mực nước ở ĐBSCL đang lên, nhiều cánh đồng lúa, hoa màu của người dân ở ngoài đê bao đã bị thiệt hại. Các cơ quan chức năng luôn theo dõi sát diễn biến để có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là sau sự cố vỡ đập thuỷ điện ở Lào.
Nước lên nhanh, gây thiệt hại ở ngoài đê
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, nhiều cánh đồng giáp biên giới với Campuchia thuộc các xã như Vĩnh Tế, Vĩnh Ngươn (TP.Châu Đốc), Vĩnh Hội Đông, Phú Hội (huyện An Phú), An Phú, Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) và các xã thuộc thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang đều đã ngập sâu trong nước.
Ông Lê Văn Xíu ngụ ở xã An Phú (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nói về con nước đang lên
Theo đó, hàng chục ha lúa, rau màu của người dân trồng ngoài đê bao đã bị chìm. “Nước lên nhanh làm hơn 4.000 m2 dưa leo của gia đình tôi bị mất trắng. Mặc dù trước đó, gia đình tôi đã cố công đắp bờ đê cao ngăn nước tràn vào ruộng dưa nhưng giờ đây không thể cầm cự được nữa” – anh Nguyễn Văn Dợt (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) cho biết.
Trong khi đó, những hộ dân chuyên sống bằng nghề thả lưới, giăng câu, đặt đú…thì tất bật cho những công đoạn cuối cùng để bắt đầu cuộc mưu sinh mới trong mùa nước.
Ông Lê Văn Xíu ngụ ở xã An Phú (huyện Tịnh Biên) cho biết, mực nước dưới kênh Vĩnh Tế đã tăng cao. “Các cánh đồng thuộc khu vực giáp biên giới với Campuchia cũng đã lênh láng nước, có nơi đã ngập sâu. Gia đình tôi và nhiều hộ dân đang chuẩn bị xuống đồng đặt đú bắt cá”- ông Xíu nói.
Hiện gia đình ông Xíu phải mướn người may vá lưới và sắm thêm mớ dụng cụ làm đú để đặt hứng cá linh đầu mùa. Theo ông Xíu, nghề đánh bắt thuỷ sản mùa lũ chỉ có vài tháng nên phải tranh thủ. Tuy cực nhưng mỗi năm cũng kiếm được một ít vốn.
Video đang HOT
Nước dâng lên tại một số căn nhà dân ven sông Châu Đốc (An Giang)
Cũng như ông Xíu, ông Nguyễn Văn Tòng, ngụ xã Phước Hưng (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, ông đang hy vọng bội thu với nghề đặt lọp cá linh trong mùa lũ này.
Tại Đồng Tháp, vài ngày qua, mực nước lũ tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự lên nhanh, đe dọa nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu của người dân ở khu vực bãi bồi, cạnh mé sông.
Trước tình trạng trên, người dân buộc phải thu hoạch sớm nhiều diện tích hoa màu chưa đến ngày thu hoạch để chạy nước. Đối với một số diện tích gò cao còn lại, người dân túc trực canh mực nước, nếu tiếp tục dâng cao thì cũng sẽ thu hoạch sớm.
Theo dõi sát để ứng phó kịp thời
Ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, ngành chức năng đã dự báo lũ đầu mùa năm nay về sớm hơn từ 7-10 ngày và cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 30 – 50cm. Theo đó, lãnh đạo sở đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh.
Người dân An Giang chuẩn bị phương tiện đánh bắt cá (Ảnh: Ngọc Minh)
“Chúng tôi khuyến cáo người dân nên thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng ngoài đê bao. Ngoai ra, tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê bao, cống, các điểm xung yếu để kịp thời xử lý. Đối với vùng đê bao thì thường xuyên theo dõi, vận hành cống sao cho điều tiết nước một cách hợp lý nhất” – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang nói.
Còn ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thì cho hay, nếu nước từ vụ vỡ đập ở Lào về tới địa phương thì cũng chỉ dâng lên từ 4-5cm thôi. Với sự chuẩn bị chu đáo trong công tác ứng phó với lũ được đưa ra trước đó sẽ không có ảnh hưởng gì lớn.
“Tuy nhiên, địa phương sẽ cử lực lượng trực, theo dõi diễn biến mực nước thường xuyên. Về các cống đập của địa phương trong điều kiện mưa lũ bình thường vẫn không có vấn đề gì. Tôi chỉ lo ngạy, ở thời điểm đỉnh lũ, cộng thêm việc vỡ đập, triều cường và có mưa bão lớn thôi” – ông Công nói.
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới.
Do ảnh hưởng dòng chảy từ thượng nguồn và thuỷ triều đang lên, dự báo, đến ngày 31.7, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 2,90m (dưới báo động 1 là 0,6m); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,5 (dưới báo động 1 là 0,5m), sau đó còn tiếp tục lên chậm.
Khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước lên chậm. Khu vực hạ lưu sông Cửu Long, đỉnh triều cao nhất ngày sẽ lên nhanh.
Theo Danviet
Xe cứu trợ vỡ đập ở Lào rơi xuống sông, 1 người chết
Một người thiệt mạng và 2 người khác bị thương sau khi chiếc xe tải lao xuống sông hôm qua 29/7 trong khi vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập ở tỉnh Attapeu của Lào.
Xe tải chở hàng cứu trợ ở Lào rơi xuống sông. (Ảnh: Nation)
Theo báo Nation, chiếc xe tải chở hàng cứu trợ trên đã lao xuống một con sông ở tỉnh Savannakhet, cách tỉnh Attapeu khoảng 80km. Đội cứu hộ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và dùng dây thừng để tiếp cận chiếc xe từ trên cầu.
Những người bị thương đã được vận chuyển bằng cáng lên trên. Theo lời các nạn nhân này, họ đều là người Lào đến từ Pakse ở tỉnh Champasak và mang hàng cứu trợ nhận được từ giới chức nước ngoài tới cho những người dân ở tỉnh Attapeu bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do vỡ đập.
Một trong các nạn nhân cho biết, khi chiếc xe rẽ đường thì hệ thống phanh bị hỏng khiến nó mất kiểm soát, lao vào thành cầu và rơi xuống sông.
Một đập phụ của dự án thủy điện Xe-Pain Xe-Namnoy bị vỡ tối 23/7 sau nhiều ngày mưa lớn. Sự cố vỡ đập khiến 0,5 tỷ m3 nước xả xuống vùng hạ lưu, khiến ít nhất 7 ngôi làng bị ngập.
Hiện có nhiều thông tin nhiễu loạn về số người thiệt mạng, mất tích song giới chức Lào cho rằng, số người thiệt mạng và mất tích khoảng hơn 100 người. Trong khi đó, giới chức Lào với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế tiếp tục tiếp tế, hỗ trợ cho hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập.
Minh Phương
Theo Dantri/Nation
Vụ vỡ đập ở Lào: Vẫn còn hơn 1000 người mất tích Theo thông báo mới nhất của huyện Sanamxay, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hơn 1000 người mất tích sau sự cố vỡ đập kinh hoàng ngày 23/7 tại tỉnh Attapeu (Lào). Cảnh tượng tan hoang ở Lào sau sự cố vỡ đập này 23/7 - Ảnh: SGGP Theo thông tin từ một quan chức của tỉnh Attapeu cho biết, cho...