Vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2: Ai phải chịu trách nhiệm trước nhân dân?
Sau vụ vỡ đập trước, cấp có thẩm quyền cho phép chủ đầu tư xây dựng lạithủy điện Ia Krêl 2, giám sát lỏng lẻo đã “giúp” chủ đầu tư tiếp tục sai phạm.
Thủy điện hay thủy hại?
Dọc chiều dài suốt 10km từ đập thủy điện Ia krêl 2 cho đến Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 đã tạo thành một trận lũ quét rất mạnh, hàng trăm ha cây trồng chủ yếu là sắn, ngô, lúa nước và một số diện tích cao su tiểu điền của người dân đã bị cuốn trôi hoặc đổ rạp. Nhiều căn nhà chòi của người dân làm rẫy ở phía hạ nguồn cùng tài sản, lương thực, thực phẩm cũng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Nước lũ đổ về hạ nguồn suối Ia Krêl
Dự kiến, phải mất khoảng một tháng để thống kê đầy đủ những thiệt hại để buộc phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long đền bù. Trong khi chờ đợi, đời sống của người dân vùng bị thiệt hại sẽ rất khó khăn bởi nhiều hộ đã bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, cây trồng.
Ông Kpuih Pơn, ở làng Cho Đen, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, có đất rẫy nằm trong vùng thiệt hại cho biết, năm ngoái nước lũ do vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 đã cuốn trôi toàn bộ cây trồng và tài sản của gia đình ông. Năm nay, gia đình ông đang cố gắng làm ăn, khôi phục sản xuất thì thảm họa bom nước lại ập đến. Liên tiếp phải hứng chịu thiệt hại do những sai phạm của thủy điện gây ra, ông Kpuih Pơn bức xúc: “Lần thứ hai rồi chứ có phải lần đầu đâu. Nước nó cuồn cuộn, nó quét sạch nhà cửa, hoa màu. May mà chạy kịp chứ không thì chết trôi rồi. Họ làm như thế là hại dân, giết dân. Thủy hại chứ thủy điện gì nữa.”
Cũng lâm vào hoàn cảnh éo le vì thảm họa bom nước, ông Puih Ơng, ở làng Ó, xã Ia O, huyện Đức Cơ, làm rẫy ở phía hạ nguồn thủy điện Ia Krêl 2, sau hai lần may mắn thoát chết, kiến nghị: “Nên loại bỏ thủy điện để trả lại cuộc sống bình yên cho người dân chúng tôi.”
Video đang HOT
Chủ đầu tư cố tình làm sai?
Hiện trường vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tháng 6/2013
Vào tháng 6/2013 đập thủy điện Ia Krêl 2 đã bị vỡ lần thứ nhất. Sau đó gần nửa tháng, nguyên nhân gây vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 đã được đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai xác định là do trong quá trình thi công công trình các đơn vị đã không tuân thủ theo bản vẽ thiết kế. Theo bản vẽ thiết kế, toàn bộ phần mái của thân đập phía bên trong lòng hồ có một lớp xi măng chống thấm dày 20cm trên tổng chiều dài khoảng 250m nhưng các đơn vị thi công bỏ qua công đoạn này. Toàn thân đập đều được làm bằng đất và trồng cỏ. Qua đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị với UBND tỉnh xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Công nghiệp Thuỷ điện Bảo Long; tiếp tục cho xây dựng lại công trình với điều kiện là bỏ đập củ và phải làm mới hoàn toàn thân đập, bởi toàn bộ phần thân đập còn lại hiện nay đều bị rạn nứt sau khi sự cố xảy ra.
>> Vỡ đập thuỷ điện Ia Krêl 2 tạo lũ quét gây thiệt hại rất lớn>> Hình ảnh lũ dâng cuồn cuộn do vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2
Thế nhưng đầu mùa mưa vừa qua, mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho xây dựng lại đập nhưng chủ đầu tư đã lén lút cho thi công một đê quai ngay tại phần thân đập bị vỡ năm ngoái và cho tích nước trái phép. Sai phạm này được chủ đầu tư bao giải thích là do nóng vội.
Thế nhưng, đó chỉ là lời bao biện, bởi trong quá trình thi công khi chưa được phép, chủ đầu tư lại nối tiếp sai phạm của năm ngoái. Toàn bộ thân đập cũ và phần đê quai mới đều được làm hoàn toàn bằng đất, không hề có lớp xi măng chống thấm dày 20cm trên tổng chiều dài khoảng 250m trên toàn bộ phần mái của thân đập phía bên trong lòng hồ như thiết kế ban đầu.
Lời cảnh báo “bom nước” đã được VOV đưa ra ngay thời điểm phát hiện sai phạm của chủ đầu tư.
Giám đốc Sở nói mà không làm
Sau hơn một năm, cũng tại vị trí thân đập bị vỡ năm ngoái nhưng mức độ lớn hơn rất nhiều
Vào thời điểm phát hiện sai phạm của chủ đầu tư đầu mùa mưa vừa qua (giữa tháng 5), Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, ông Huỳnh Ngọc Tục cho biết, đã nắm được những sai phạm của chủ đầu tư và đã nhìn thấy nguy cơ vỡ đập lần thứ hai. Giám đốc Sở Công thương Gia Lai khẳng định đã đình chỉ thi công, sẽ tiến hành các biện pháp yêu cầu chủ đầu tư xả hết hết nước trong lòng hồ. Thế nhưng, những điều mà ông Huỳnh Ngọc Tục khẳng định đã cho kết quả ngược lại vào 8h30 ngày 1/8. Đập thủy điện Ia krêl 2 bị vỡ lần hai, lũ quét do vỡ đập đã gây thiệt hại nặng nề cho hạ nguồn. Rõ ràng, trách nhiệm của Sở Công thương tỉnh Gia Lai là không tránh khỏi trước những hậu quả của người dân.
Cần nhắc lại, năm ngoái, khi xảy ra vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần đầu, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cũng liên đới trách nhiệm vì công tác quản lý, giám sát.
Trông chờ vào sự quyết liệt của UBND tỉnh Gia Lai
Sau khi sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 xảy ra, đoàn công tác của tỉnh Gia Lai do ông Hoàng Công Lự – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường vụ vỡ đập để chỉ đạo các công tác liên quan. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Công Lự cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ về việc vỡ đập. Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai, huyện Đức Cơ và xã Ia Dom sẽ tiến hành ngay công tác thống kê thiệt hại để buộc phía chủ đầu tư phải đền bù. Cùng với đó Công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra để xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm dẫn đến sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần hai.
Khi mà cấp dưới nói nhưng không làm, những phát biểu quyết liệt của ông Hoàng Công Lự được nhiều người trông đợi sẽ trở thành hiện thực để lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Còn rất nhiều “bom nước” treo đầu dân
Cùng với vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, tại Tây Nguyên đã từng xảy ra nhiều vụ vỡ đập thủy điện, thủy lợi gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tải sản. Điển hình như vụ vỡ đập thủy lợi Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc mùa mưa năm ngoái đã khiến 6 người chết, 2 người mất tích. Cách đây chưa lâu, thủy điện Đạm Bôn ở tỉnh Lâm Đồng đã bị vỡ đường ống dẫn nước nhà máy, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản và hoa màu. Hay trước đó là vự vỡ đập thủy điện Đắc Mế tại tỉnh Kon Tum. Nếu không có sự cố vỡ đập thì không ai biết các con đập ấy được thi công tuỳ tiện như thế nào. Nói chung, các công trình này đều có những điều không tuân thủ quy trình nên mới dẫn đến sự cố.
Nước lũ cuồn cuộn đổ về hạ nguồn sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 lần hai
Sau những sự cố vỡ đập thủy điện, thủy lợi đã diễn ra tại Tây Nguyên trong thời gian qua, không ai dám đảm bảo sẽ không có những sự cố tiếp theo. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nêu ra những con số rất đáng báo động khi có khoảng 140 hồ thủy điện, thủy lợi ở Tây Nguyên không đảm bảo an toàn, có thể dẫn đễn vỡ đập. Còn tại tỉnh Gia Lai, mới đây, Sở Công thương cũng đã đưa ra những con số giật mình, khi kiểm tra 32 trong tổng số 40 công trình thủy điện đang vận hành trên địa bàn, thì phát hiện 14 công trình bị thấm nước qua thân đập, trong đó có cả các công trình thủy điện lớn như Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A và Sê San 4.
Với hàng loạt bom nước đang treo lơ lửng trên đầu đối với nương rẫy, hoa màu, nhà cửa vườn tược và cả tính mạng của người dân hạ lưu, với những diễn biến thất thường của thời tiết và với sự buông lỏng công tác quản lý an toàn các hồ đập, không ai có lường trước được, sẽ có bao nhiêu quả “bom nước” sẽ “phát nổ”, gây hại cho Tây Nguyên trong thời gian tới./.
Theo VOV News