Vỡ đập thủy điện Đakrông 3: Không thể đổ lỗi cho thiên tai!
Chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vỡ đập Đakrông 3, nhưng các chuyên gia đều cho rằng, cần xem xét kỹ nguyên nhân gây vỡ đập chứ không thể đổ lỗi ngay cho thiên tai. Cùng đó là nỗi lo về sự an toàn của hàng loạt thủy điện khác.
Phía chủ đầu tư xây dựng đập thủy điện Đakrông 3 cho rằng nguyên nhân gây vỡ đập là do thiên tai bất thường. Chủ đầu tư lý giải công trình thi công chưa xong, mưa lũ bất thường đã khiến tường chắn không đủ lực dẫn đến vỡ đập. Tuy nhiên theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cần phải xem lại thiết kế của Đakrông 3. Về nguyên tắc, các công trình thủy điện khi xây dựng đều phải tính toán tới yếu tố thủy văn, chế độ dòng chảy…
Hơn nữa, theo đúng quy trình, trước khi tích nước phải có kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá công trình đã đảm bảo yêu cầu tích nước phát điện. Bởi phía trên thượng lưu của Đakrông 3 có tới 3 – 4 bậc thang thủy điện khác đang vận hành, thậm chí có hồ đang xả lũ. GS. Hồng nhận định, thủy điện Đakrông 3 đã tích nước không đúng thời điểm. Thông thường, các đập không được phép tích nước trong mùa lũ bởi có thể xảy ra nguy cơ lũ tràn, vỡ đập. Đakrông 3 tích nước đúng thời điểm giữa tháng 9, tức là cao điểm mùa lũ ở miền Trung. Các đập ở miền Bắc thường tích nước vào cuối tháng 10, còn miền Trung thường vào cuối tháng 11, khi đã vào cuối mùa lũ.
Đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ là cảnh báo đối với sự an toàn của hệ thống thủy điện miền Trung. (Ảnh: Lao động)
Video đang HOT
Cùng quan điểm, kỹ sư cao cấp Hoàng Xuân Hồng- Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Đập lớn Việt Nam) – cho rằng, với sựcố tại Đakrông 3, cần phải lập Hội đồng khoa học xác minh lại có yếu tố thiên tai bất thường hay không. Ngay cả trong trường hợp có yếu tố thiên tai bất thường, chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm bởi trong khâu thiết kế đã không tính toán hết những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Khi xây dựng đập, ngay trong thiết kế, hệ số an toàn với lũ thường rất lớn. Sự cố chỉ xảy ra khi tính toán không đúng.
Sau những rắc rối ở Sông Tranh 2, sự cố vỡ đập Đakrông 3 (Quảng Trị) đang khiến dư luận cũng như các nhà khoa học lo lắng về độ an toàn của hệ thống thủy điện. TS. Đào Trọng Tứ – nguyên Phó Tổng thư kí Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam – cũng nhận xét, trường hợp của thủy điện Đakrông 3, sự cố vỡ đập chỉ sau 15 ngày hòa lưới điện quốc gia là điều không thể chấp nhận. TS. Tứ lo ngại, Đakrông 3 sẽ là tín hiệu đầu tiên cảnh báo nguy cơ mất an toàn từ những thủy điện nhỏ. Trong khi đó, hiện cả nước có gần 300 đập vừa và nhỏ, gần 1.000 đập thủy lợi. Nếu gặp thời tiết bất lợi, mưa lũ kéo dài sẽ rất nguy hiểm.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thiệt hại từ sự cố vỡ đập Đakrông 3 tuy chưa lớn nhưng rõ ràng đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự trả giá cho những quyết tâm phát triển thủy điện ồ ạt, bằng mọi giá ở các địa phương.
Theo Dantri
Vỡ đập thủy điện: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm
Việc thẩm định chất lượng và nghiệm thu công trình thủy điện Đakrông 3 đều do chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm.
Ngày 15/10, UBND huyện Đakrông - Quảng Trị đã có báo cáo chính thức về thiệt hại do vỡ đập vai trái công trình thủy điện Đakrông 3. Theo đó, ngoài thiệt hại về sắn người dân xã Tà Long đã thu hoạch, còn gần 1 ha sắn, 0,5 ha hoa màu và 0,2 ha chuối của người dân xã Đakrông cũng bị ngập.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, khẳng định sự cố tuy gây thiệt hại không lớn nhưng rất nguy hiểm và khiến người dân bất an, đặc biệt là nhiều học sinh hằng ngày đều phải đi qua con sông này để đến trường. "Ngày 13/10, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư) đã chấp nhận đền bù cho người dân rồi, nếu giờ nói ngược lại thì chứng tỏ họ trốn tránh trách nhiệm" - ông Hùng nói.
Đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ trong mùa mưa bão khiến người dân lo lắng
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định: "Việc vỡ đập thủy điện gây thiệt hại cho người dân thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường bởi nếu không vội vàng tích nước thì làm sao xảy ra sự cố".
Ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Điện năng Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, khẳng định đã nhận được văn bản đề ngày 5/9/2011 từ phía chủ đầu tư thông báo sẽ tích nước vào ngày 12/9/2011 để vận hành thử tổ máy số 1 nhưng họ không triển khai. Đến năm nay họ gửi thông báo tích nước nhưng chúng tôi chưa thể đi kiểm tra vì công trình chưa hoàn thành thi công, việc quyết định tích nước hay không là quyền của họ" - ông Dũng lý giải.
Cũng theo ông Dũng, đây là công trình thủy điện cấp 3 (có công suất từ 3-30 MW) nên không thuộc danh mục buộc cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận bảo đảm chịu lực mà chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm. Vấn đề nghiệm thu chất lượng công trình, bản thiết kế kỹ thuật đều do chủ đầu tư thực hiện, ký duyệt. Chính quyền địa phương chỉ được chủ đầu tư báo cáo về bản thiết kế tổng quát để xem xét có phù hợp với quy hoạch thủy điện hay không.
Còn sau khi hoàn thành và công trình được nghiệm thu, trong vòng 30 ngày, chủ đầu tư mới báo cáo cho Sở Công Thương để theo dõi, đôn đốc việc kiểm tra độ an toàn hồ đập theo định kỳ. Vì vậy, chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến an toàn công trình.
Theo 24h
Vỡ đập thủy điện Đakrông 3, thiệt hại hàng chục tỉ đồng Sau nhiều ngày trì hoãn, đến sáng 13.10, trong buổi làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo Công ty thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đakrông 3) mới xác nhận việc vỡ đập thủy điệnĐakrông 3 (xã Tà Long, H.Đakrông, Quảng Trị) là có thật. Cụ thể, khoảng 7 giờ ngày 7.10,...