Vỡ đập thủy điện Đak Rông 3: Lộ bêtông trộn đất và gỗ mục
Như đã đưa tin, công trình thủy điện Đak Rông 3 trên sông Đak Rông (Quảng Trị) đã bị vỡ đập chỉ sau 15 ngày nghiệm thu, phát điện.
Khảo sát tại hiện trường của phóng viên Lao Động trong 2 ngày 13 và 14/10 cho thấy những dấu hiệu nghiêm trọng của tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo trước con nước “rất hỗn” của dòng sông Đak Rông.
Một phần của đập thủy điện bị cuốn trôi, nhưng chủ đầu tư vẫn nói “vỡ phần đang thi công dở dang”.
Sắt nhỏ đất trong bêtông…
Theo chủ đầu tư là Cty CP thủy điện Trường Sơn (trụ sở tại TP.Đồng Hới – Quảng Bình) thì sự cố vỡ đập dâng thủy điện Đak Rông 3 xảy ra lúc 7h sáng 7/10 “do mưa lớn trên thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn” vị trí vỡ ở thượng lưu vai trái đập dâng với chiều dài đập bị cuốn trôi là 20m, chiều cao 6m.
Tại hiện trường, những khối bêtông khổng lồ vỡ ra từ thân đập bị trôi xuống hạ lưu nơi xa nhất chừng vài trăm mét. Bên ngoài những khối bêtông này lòi ra lưa thưa những que sắt, loại lớn nhất có phi 16, những que sắt này không có dấu bị kéo đứt, gãy mà đa số vẫn còn nguyên vẹn. Điều này cho thấy, sắt được kết cấu cho từng khối bêtông riêng rẽ, chúng không được hàn hoặc tổ chức kết cấu cho toàn bộ thân đập.
Video đang HOT
Tại những nơi bêtông bị bể ra, bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất nhiều tạp chất gồm đất, gỗ, củi…, một số nơi có thể dùng tay bẻ bêtông vẫn rời ra từng cục. Ngay dưới chân thân đập, nơi chỉ chịu áp lực nước xối từ trên cao xuống, bêtông cũng bị xói trôi nhiều đoạn, lòi ra những que sắt nhỏ.
Còn ngay tại vị trí đáy đập, nơi phần nổi của đập vừa bị cuốn trôi hôm 7.10, cũng chỉ thấy lòi lên những que sắt loại nhỏ. Một người thợ xây dựng, chuyên nhận làm nhà ở cho cư dân ở địa phương nói: “Tôi không phải kỹ sư, nhưng nhìn vào kết cấu sắt trong các khối bêtông và nơi đáy đập, tôi nghĩ sắt như vậy vừa ít, vừa quá nhỏ, không đủ để giữ hàng trăm tấn bêtông thế này”.
Phải kiểm định chất lượng thân đập
Rất may là sự cố chỉ mới xảy ra trên chiều dài 20m của toàn bộ con đập dài 200m (có chiều cao từ 22 – 24m), lưu lượng nước tại thời điểm vỡ đập đã là 4.000m3/giây. Vấn đề đặt ra là, tại thời điểm xảy ra trôi đập, lượng mưa ở thượng nguồn sông Đak Rông vẫn còn nhỏ (dưới 150mm). Trả lời PV Lao Động chiều 13.10, ông Nguyễn Thanh Hải – TGĐ Cty CP thủy điện Trường Sơn -nói: “vị trí vỡ đập tại nơi đang thi công dở dang”. Nếu điều này là sự thật, thì Hội đồng Nghiệm thu thuộc Tập đoàn Điện lực VN đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi quyết định cấp phép hòa lưới điện quốc gia một công trình “đang thi công dở dang”.
Vấn đề đặt ra lúc này chưa phải là việc phải khẩn trương đưa NM vận hành hoạt động trở lại như báo cáo của chủ đầu tư. Từ sự đổ nát của 20m đập thủy điện Đak Rông 3 và sự cố ở một số công trình thủy điện khác trong khu vực, đang dấy lên sự lo ngại rất có cơ sở rằng chất lượng các công trình thủy điện “rất có vấn đề” từ khảo sát, thiết kế, thẩm định cho đến thi công.
Phải tiến hành lấy mẫu giám định từ những khối bêtông vừa trôi ra từ thân đập để làm cơ sở kiểm định, giám định chất lượng toàn bộ thân đập. “Mùa mưa lũ, nước trên sông Đak Rông còn dữ dằn gấp cả chục lần như hôm 7/10, nước về như hôm đó mà đã vỡ đập rồi thì mai mốt “mưa thiệt” đập ni chịu chi nổi” – lời cảnh báo của một già làng ở xã Tà Long – nơi có đập thủy điện Đak Rông 3, cần được đưa vào hồ sơ thẩm định lại của dự án thủy điện này.
Thủy điện Đak Rông 3 có tổng mức đầu tư 210 tỉ đồng. Thiết kế: Cty CP tư vấn xây dựng điện Thái Bình Dương (TPHCM). Thi công: Cty CP Tân Hoàn Cầu (Quảng Bình). Giám sát: Cty CP tư vấn điện Quảng Bình.
Theo Dantri
Ém nhẹm thông tin vỡ đập thủy điện
Trước những thông tin trái chiều, mù mờ về sự cố vỡ đập thủy điện Đakrông 3 (xã Tà Long, H.Đakrông, Quảng Trị), sáng 13.10, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan chức năng đã có chuyến kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty CP thủy điện Trường Sơn - chủ đầu tư (CĐT) Nhà máy thủy điện Đakrông 3...
Công trình thủy điện Đakrông 3 được xây dựng từ tháng 8.2010, gồm 2 tổ máy phát, công suất lắp đặt 4 MW/tổ máy. Nhà máy vừa đóng điện, hòa vào điện lưới quốc gia từ cuối tháng 9.2012.
Sau nhiều ngày trì hoãn, ém nhẹm thông tin, cuối cùng lãnh đạo Công ty CP thủy điện Trường Sơn mới đưa ra báo cáo rằng vào khoảng 7 giờ ngày 7.10, 2 khoang tràn (ngang 20 m, cao 6 m) bên trên của đập chính nhà máy đã bị vỡ. Nguyên nhân tạm thời (theo CĐT) là do công trình đang trong quá trình thi công hoàn thiện, kết hợp với việc tích nước lòng hồ để thử tải tổ máy và mưa lũ lớn làm cho đập chắn của công trình thủy điện Đakrông 3 bị vỡ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỉ đồng. Tại hiện trường, đến sáng 13.10, những mảng bê tông nứt toác nằm ngổn ngang, nước vẫn chảy xối xả từ phía trên xuống dưới thân đập rồi đổ về hạ lưu. Chưa có dấu hiệu nào của việc sửa chữa, khắc phục...
Bà Hồ Thị Hoa, Phó chủ tịch xã Tà Long, cho biết dù chưa hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng nhưng nhà máy đã tích nước lòng hồ nên một số diện tích lúa, sắn chưa thu hoạch của 13 hộ dân tổ 5 (thôn Pa Hy) bị ngập. Sau khi đập vỡ, hàng chục tấn sắn và một số hoa màu bên sông của dân bị cuốn trôi. Cùng cảnh ngộ, tại xã Đakrông (hạ lưu của Nhà máy thủy điện Đakrông 3), nước đã cuốn trôi hàng chục tấn lương thực, hoa màu vừa thu hoạch của người dân...
Bức xúc trước cách hành xử của CĐT, ngay trong buổi làm việc, ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông gay gắt nói: "Sự cố xảy ra rồi các anh không báo cáo với huyện mà còn nói dối. Tôi đi kiểm tra các anh không cho vào, sau đó cả Bí thư Huyện ủy đến các anh cũng cho bảo vệ ra xua đi nên chúng tôi chỉ có thể nắm tình hình từ bên ngoài. Tôi không hiểu các anh giấu để làm gì? Chưa hết, các anh chưa đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa thống nhất với chính quyền huyện, xã thì các anh lấy cớ gì để thông báo ngăn dòng rồi xảy ra sự cố...?".
Vị trí vỡ đập thủy điện Đakrông 3 (ảnh chụp sáng 13.10) - Ảnh: Hoài Đức
Nêu ý kiến về phương án tháo gỡ, ông Trần Anh Tuấn, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị nói: "Việc đền bù và đưa dân ở vùng thượng lưu của đập ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của nhà máy là ưu tiên số một nên CĐT phải khẩn trương cùng với huyện, xã kiểm kê, áp giá và thực hiện ngay... Riêng người dân ở phía hạ lưu thuộc 2 xã Đakrông và Tà Long bị thiệt hại lương thực, hoa màu do sự cố vỡ đập thì phía CĐT cũng phải có thỏa thuận. Tiếp theo, nhà máy phải rà soát lại quy trình vận hành hồ đập đã đúng chưa, song song với đó phải lập phương án để đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão ngay trong năm 2012 này".
Theo TNO
Công khai phương án sơ tán dân nếu vỡ đập thủy điện Ngày 2.10, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5, có chuyến thị sát đập Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) và kiểm tra việc xây dựng phương án di dời, sơ tán dân trong vùng động đất. Sau chuyến thị sát, ông Nhơn có buổi làm việc với UBND H.Bắc Trà My, Bộ Chỉ huy quân sự...