Vợ chủ động gần gũi mà tôi mất hết cảm xúc
Hôm trước vợ chủ động gần gũi, ôm tôi trong lúc ngủ, thực sự tôi không có cảm xúc, quay lưng sang một bên và ngủ tiếp.
Ảnh minh họa
Sau khi đọc bài: “Tôi thấy nhục nhã khi chồng ghẻ lạnh” tôi nghĩ hoàn cảnh gia đình chị ấy khá giống với tôi hiện tại. Tôi 28 tuổi, vợ 24 tuổi, lấy nhau được 5 năm, có một bé gái 3 tuổi. Công việc chính của tôi là chế biến đồ ăn sẵn cho mẹ bán ở chợ, vợ phụ giúp mẹ chồng bán hàng. Thời gian hai vợ chồng làm việc mỗi ngày khoảng 3 tiếng nên có rất nhiều lúc rảnh. Thu nhập của cả gia đình ở mức khá nên chẳng bao giờ phải lo nghĩ về chuyện cơm áo gạo tiền. Bố bỏ mẹ con tôi theo vợ hai khi tôi 13 tuổi, tôi lại là con duy nhất nên hiện tại gia đình chỉ có 4 người, cùng sống trong căn nhà mới xây dựng 2 năm trước đứng tên vợ chồng tôi; căn nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi.
Tôi hiền lành, ngoại hình ưa nhìn, trầm lặng, thích đọc sách, yêu thể thao, không nghiện bia rưụ, thuốc lá, cờ bạc, game, không ngại việc nhà, chung thủy một vợ một chồng. Vợ tôi là người ngoan ngoãn, lễ phép, chịu khó, thẳng thẳn, tốt bụng, yêu động vật, ngoại hình cao ráo, xinh gái, yêu và lấy tôi cũng là mối tình đầu. Vì từng trải qua cảnh gia đình ly tán nên tôi rất trân trọng cuộc sống gia đình, luôn cố gắng làm mọi người vui vẻ thoải mái. Hai năm đầu cuộc sống hôn nhân của chúng tôi như những thước phim ngôn tình, luôn tràn ngập tiếng cười, quấn quýt nhau suốt ngày. Mọi việc nội trợ trong gia đình vợ tôi đều làm cẩn thận và chu đáo, tình cảm mẹ chồng nàng dâu khi đó còn tốt hơn cả mẹ con ruột.
Mọi thứ thay đổi từ khi vợ có em bé, bị ốm nghén, đi lại khó khăn, tôi làm hết việc nhà cho vợ, rồi đến lúc đẻ xong vợ lại bị tắc sữa với thủy đậu nên việc chăm con tôi cũng làm nốt. Mẹ tôi đi bán hàng cả ngày không giúp được gì ngoài tài chính, với lại mẹ nuôi dạy cháu theo lối truyền thống, còn vợ chồng tôi hay đọc sách nuôi dạy con nên chọn theo phương pháp hiện đại, vì vậy mà tôi cũng không muốn nhờ bà chăm cháu. Khi vợ tôi sau sinh em bé khoảng 5 tháng, sức khỏe ổn định thì lại đi bán hàng phụ giúp mẹ chồng, đến giờ về nhà cơm nước, còn tôi ở nhà trông con. Từ đây tính cách vợ thay đổi, không còn hứng thú với việc nhà như trước, mọi việc đều làm một cách qua loa, chú trọng tốc độ mà không chú trọng chất lượng, vừa nấu cơm vừa xem điện thoại nên hôm thì sống hôm thì cháy, rửa bát để lại xoong nồi, phơi quần áo để lại cả đống đồ con, dọn nhà tầng một để lại tầng 2, bắt đầu phân chia việc nhà. Tôi cũng theo quan điểm việc nhà là việc chung nên vui vẻ phân chia, mong muốn giảm số lượng công việc cho vợ để vợ chú trọng vào chất lượng.
Mọi việc không đi theo chiều hướng tích cực mà tôi nghĩ, càng ngày càng thấy cô ấy cẩu thả và lười hơn, việc duy nhất khiến cô ấy chăm chỉ là ngồi ôm cái điện thoại. Gần một năm nay vợ chồng không còn ngủ cùng nhau vào một giờ bởi đặc thù công việc tôi dậy sớm từ 3h sáng, thường ngủ vào 10h tối, còn cô ấy thích chơi điện thoại đến 12h tối, cũng vì thế mà đời sống chăn gối chúng tôi đi xuống, từ tuần 3,4 lần đến một tháng một lần, mấy tháng gần đây tôi mất cảm xúc hẳn. Nhiều lần tôi thấy tác hại của điện thoại nên yêu cầu vợ không sử dụng sau 10h tối, được vài bữa rồi cô ấy cứ đợi tôi ngủ say là thức dậy dùng, tôi chẳng còn cách nào khác.
Khi con gái được 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi tôi có cho cháu đi nhà trẻ vài lần nhưng cứ đi học được vài ngày lại ốm cả tháng mặc dù cháu đi học ngoan, không quấy khóc. Tôi chuyển 2 trường rồi mà cũng thế nên giờ con vẫn ở nhà. Con được dạy tự lập từ nhỏ nên 2 tuổi đã biết tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự về phòng riêng ngủ một mình, lúc nào cũng tươi cười hoạt bát. Dạy con là cả một quá trình dài mà vợ tôi không còn kiên trì như trước, bắt đầu nuông chiều, tạo ra những thói quen xấu cho con, cứ chăm chăm vào cái điện thoại để con nhỏ thích chơi gì thì chơi làm gì thì làm. Bánh kẹo, sữa vợ cứ để ở bàn thích ăn lúc nào là ăn, ăn xong rác để đâu cũng được, thấy con đi vệ sinh cũng không nhắc nhở nó xả nước, bút màu tô vẽ khắp tường nhà, đồ chơi vất lung tung, chơi xong không chịu dọn. Vợ tôi ngủ muộn sáng cũng dậy muộn nên con dậy sớm sang phòng gọi mẹ mà mẹ vẫn ngủ, thế là con lại nằm ngủ cùng luôn, lâu dần nó cũng không còn thích ngủ riêng nữa. Nhà cửa một thời gian dài bừa bộn, cơm canh chẳng ngon nên mẹ chồng hay trách móc, vì thế tình cảm mẹ chồng nàng dâu cũng càng ngày càng đi xuống.
Vài tháng gần đây tôi tìm được công việc yêu thích nên đang tập trung để phát triển sự nghiệp, không còn thời gian rảnh rỗi để làm việc nhà cùng vợ nữa, chỉ những hôm nào cô ấy ốm đau, hay đến ngày chu kỳ tôi mới thay vợ làm việc nhà. Tôi giờ chỉ chăm sóc con thôi, vì công việc của tôi trên máy tính nên vẫn có thể vừa làm vừa trông cháu được. Sau nhiều ngày tháng như vậy, tôi góp ý vài lần nhưng mỗi lần nói là mỗi lần cô ấy giận hờn, tôi cũng chán chẳng buồn nói nữa, giờ đây cảm xúc đã cạn kiệt.
Một lần tôi từ chối vợ, hôm sau cô ấy nhận ra điều gì đó và chủ động hỏi: “Dạo này anh bị làm sao, hay anh có ai ở bên ngoài”? Tôi trả lời: “Chẳng có ai cả, chỉ là anh không còn cảm xúc”. Cô ấy khóc, trách tôi đối xử tệ bạc, cô ấy còn yêu tôi quá nhiều. Hôm nay cô ấy đã xin về nhà mẹ đẻ chơi một tuần với con gái. Có phải cuộc hôn nhân của tôi đã đến hồi kết? Liệu tôi có thể làm gì để cứu vãn, có cách nào để cảm xúc quay lại. Xin chuyên gia và mọi người tư vấn giúp.
Thụy
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Video đang HOT
Thụy thân mến!
Qua những dòng chia sẻ, tôi cảm nhận được những bức xúc và cả những bế tắc của bạn khi muốn giữ gìn mái ấm gia đình mình. Với người từng trải qua cảnh gia đình ly tán như bạn, tôi tin rằng bạn sẽ luôn cố gắng đem lại những điều tốt nhất có thể để hạnh phúc không chỉ cho bạn mà còn cho cả những thành viên khác trong nhà. Đầu tiên, chúng ta phải thống nhất với nhau trước một quan điểm: việc vợ bạn xin về nhà mẹ đẻ chơi một tuần hoàn toàn không có nghĩa rằng cuộc hôn nhân này đã đến hồi kết. Việc ngăn vợ không về nhà mẹ đẻ hay cố gắng kéo cô ấy về nhà chỉ mang tính chất tạm thời, không thể giải quyết vấn đề một cách toàn diện.
Theo quan điểm chuyên môn của tôi, bạn nên chú tâm vào vợ và mối quan hệ hiện tại của vợ chồng, hơn là chỉ nhìn vào những hành động bên ngoài của cô ấy. Hơn nữa trước đây vợ bạn luôn là người chịu khó, cẩn thận và chu đáo, bạn từng rất yêu cô ấy về sự lễ phép, chịu khó, trong việc nuôi dạy con thì vợ bạn cũng kiên trì lúc ban đầu, vậy phải có nguyên do gì đó đã xảy ra khiến cô ấy thay đổi nhiều đến vậy. Có thể trong thời gian vợ bạn mang bầu, sinh con, bạn bận bịu với việc chăm vợ, chăm con, phụ nấu hàng nên vô tình bỏ qua nguyên nhân này chăng? Việc tìm hiểu này không nhằm mục đích gì khác ngoài việc bạn có thể hiểu để có cách chia sẻ với vợ phù hợp, tìm lại tiếng nói chung từng có.
Bên cạnh đó, xin được chúc mừng bạn đã tìm được công việc yêu thích. Bất cứ ai một khi tìm ra được thứ mình thực sự muốn làm sẽ có hứng thú và động cơ để tập trung dành thời gian cho nó rồi phát triển. Tôi nghĩ bạn hoàn toàn hiểu được điều này, vì vậy tôi có đề xuất như sau về người vợ của bạn: Bạn có thể giúp đỡ vợ tìm ra công việc mà cô ấy yêu thích, như cách bạn đã làm. Điều này sẽ giúp cô ấy có hứng thú và mục tiêu phấn đấu hơn trong cuộc sống, thay vì làm mọi thứ qua loa, hời hợt như hiện tại. Đây cũng là cách để vợ chồng cùng đồng hành bên nhau, xây dựng những điều mới mẻ. Tuy khác biệt về công việc và thời gian có thể ảnh hưởng đến vợ chồng, nhưng tôi tin cả hai sẽ tìm ra phương thức hòa hợp.
Ai khi lập gia đình cũng đều muốn vợ chồng hòa hợp, hỗ trợ nhau, cùng vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Hy vọng những chia sẻ trên của tôi sẽ giúp bạn tìm ra cho mình một lời giải hài hòa và dễ chịu nhất. Chúc bạn và vợ sẽ tìm được bình an trong gia đình.
Theo vnexpress.net
Không cam chịu vận đen của "canh bạc" hôn nhân
Hồi mới cưới "bám" theo chồng đi nhâu mà 10h đêm giục chồng về, anh ấy ném luôn ly rưụ xuống đất vỡ tan. Nhưng sau đó chị đã nghĩ ra một chiêu thức đủ khả năng "hô biến" anh thành ông chồng thích về nhà "quấn" vợ, chăm con.
Phụ nữ có người vừa bước chân vào hôn nhân đã nghĩ mình lấy nhầm chồng. Người ôm mặt mà khóc vì sự "trở mặt" của người đàn ông lộ ra quá sớm. Anh chàng người yêu ga lăng, tâm lý và chiều chuộng ngày nào bỗng biến thành anh chồng vô tâm, ham chơi và cục súc, thế rồi những người phụ nữ chỉ biết đấm ngực than thân, trách phận "đàn ông rặt một lũ tồi".
Thế nhưng hãy nghe câu chuyện thực tế này, người vợ đã lật ngược tình thế biến một anh chồng ném ly rưụ khi vợ muốn về nhà vào lúc 10h đêm thành người đàn ông coi gia đình là số 1, chăm chỉ nấu ăn, tận tâm với con cái và yêu chiều vợ.
Ảnh minh họa
Người phụ nữ ấy xin được giấu danh tính của mình vì "sợ" bị chồng phát hiện ra anh chồng đã bị chị "giáo dục" một cách cố ý mà không hề hay biết. Nói thì vui thế thôi, nhưng chuyện nhà mình chị xin giữ riêng, chỉ chia sẻ kinh nghiệm để chị em có thể tham khảo và có thể phần nào cải thiện được cuộc hôn nhân đang bế tắc của chính mình.
Chị cho biết dù chồng chị không phải hư hỏng gì trong những điều "phạm" với chị em, nhưng cũng là một người đàn ông được gắn mác là chồng vô tâm và đầy những khuyết điểm.
Chị kể hồi mới cưới nhau, chồng chị là người đàn ông ham nhậu nhẹt, thích tụ tập bạn bè nói những điều vô bổ, không có ý chí tiến thủ, bị động, khô khan, không biết cách thể hiện tình cảm. Khi chị đang mang bầu bé đầu tiên, chị có ngồi cùng chồng trong 1 cuộc nhậu. Đến 10h đêm chị thổ lộ muốn về nhà thì anh chồng hùng hổ ném cái ly rưụ xuống đất vỡ choang. Chị sốc lên sốc xuống, người đàn ông chị yêu và chọn đây ư? Chị lủi thủi đi bộ ra đường tối đen để tìm bắt taxi về. Giữa quê chồng ngơ ngác, ôm cái bụng bầu, không điện thoại, nước mắt lã chã chị nghĩ: "Cuộc hôn nhân của mình chẳng lẽ kết thúc sớm thế này sao?".
Sau hôm đó, chồng chị hết hơi men thì làm lành với vợ. Tuy nhiên, anh tỉnh thì chị cũng tỉnh vì nhận ra, bước chân vào hôn nhân là đi qua những cảm xúc tình yêu ngọt ngào ban đầu, là đến lúc đối diện với cả những cung bậc cảm xúc khác, cả cay đắng và tuyệt vọng. Thế nhưng, chị chẳng ôm mặt ngồi khóc, cũng chẳng hờn trách đòi ly hôn. Con đang lớn lên trong bụng chị và hôn nhân thực sự không phải là canh bạc.
Chị nghĩ: "Có lẽ mình đã sai ở đâu đó". Vì thế chị bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về "bộ môn" hôn nhân mà trước khi bước chân vào chị đã không hề tìm hiểu về nó. Chị đọc sách, nghiên cứu trên mạng về tâm lý đàn ông, những nỗi thất vọng của hôn nhân và cách ứng biến để có được điều mình muốn, thứ phụ nữ muốn ở người bạn đời của mình.
Ảnh minh họa
Chị bắt đầu hiểu ra bộ não đàn ông cũng không khác gì đứa trẻ là mấy, dù các anh có to xác hơn. Đàn ông không thích phụ nữ lải nhải, nói nhiều việc cùng một lúc. Đàn ông cũng không thích dạy bảo, ngăn cấm, bởi như thế anh ấy càng muốn khám phá nó.
Sau đó biết tính chồng ham nhậu, chị không bao giờ hờn trách, cũng chẳng chờ đợi chồng về nữa. Có lúc chị mang con đi chơi trước 2, 3 ngày; có lúc tắt điện đi ngủ... không chào đón, không chờ đợi. Cũng có lúc chị "mách" với bố mẹ chồng, có lúc vô tình để lộ người bạn chí cốt trong hội nhậu của anh nói xấu mình. Thế rồi, dần dần đi nhậu về anh có cảm giác bị vợ con bỏ rơi, bị bố mẹ mắng, bị bạn chơi xỏ... và dần dần không còn hứng thú nhậu nhẹt nữa. Sau này nếu có phải xã giao ngồi nhậu anh sẽ tìm cớ và về sớm.
Chồng chị vốn là người không có ý chí tiến thủ, cũng ít đọc sách, không ham học hỏi và thường bằng lòng với hiện tại. Lợi dụng thuật toán của facebook, chị kiếm cớ mượn facebook của anh dùng và bảo facebook của mình bị lỗi. Chị tìm hiểu thì thấy hiện lên newfeed toàn những clip hài, cãi nhau, đánh ghen... do "người chủ" của nó ưa đọc tin tức giật gân giải trí. Chị liền "lén" like những trang như nhân quả nghiệp báo, sống tĩnh tâm, phật giáo, những trang về du lịch, ẩm thực, sức khỏe, nuôi dạy con. Thậm chí chị còn kết bạn với những người làm kinh doanh, sống đẹp, viết những thứ hay ho, tích cực.
Và sau đó facebook đã "giáo dục" chồng chị một cách tự nhiên. Nào là: quả báo ngoại tình, đàn ông phải sống có lý tưởng, cách để vận hành doanh nghiệp, phải dành thời gian cho con, đứa trẻ sẽ không thể thành công nếu thiếu tình cha, cách chơi với con, gia đình là quan trọng nhất, yêu vợ không bao giờ là đủ... Cứ thế, anh càng đọc nhiều, like nhiều 1 nội dung nào thì nội dung đó sẽ hiện lên facebook của anh nhiều hơn và ngấm vào anh lúc nào không hay.
Dù ít ưu điểm nhưng chị "bám" ngay vào một ưu điểm của chồng: Yêu con và muốn nuôi dạy con cái đàng hoàng, tử tế. Chị dành nhiều thời gian nói chuyện với chồng về vấn đề: muốn dạy được con, bố mẹ phải làm gương. Rằng anh không thể quát con hãy đọc sách đi trong khi bố thì ngồi xem ti vi, hay điện thoại. Anh hãy cầm 1 cuốn sách đọc, khi đó các con sẽ tự giác lấy sách ra mà không cần bố mẹ phải nói.
Cũng từ ưu điểm này, chị phát triển thành các quy tắc trong gia đình, xoay quanh cái "trục" là các con: anh không được bạo lực với vợ (còn gì là hình ảnh người bố nếu đánh mẹ, con sẽ coi thường bố), phải biết nói lời yêu thương nhau, phải thể hiện tình cảm trước mặt các con (ôm, thơm má) để xây dựng niềm tin về hạnh phúc gia đình cho các con, đi đâu mấy giờ về là anh phải đúng hẹn (để giáo dục các con biết giữ lời hứa...). Và như thế quả là lợi thế đủ đường, nó tác động tích cực đến các con chị và cho chính chị được thứ chị muốn "nhờ" vào con. Nhưng khi ban đầu anh làm vì con, sau nó thấm vào anh đến mức anh hành động như chuyện đương nhiên phải thế.
Ảnh minh họa
Chồng chị chưa có ý chí tiến thủ, còn vô trách nhiệm, còn nóng giận, cáu kỉnh. Chị áp dụng quy tắc "5 phút trước khi đi ngủ". Chị hay hát ru con bằng những lời ru tự sáng tác: Tất cả sẽ là bố mẹ, khen ngợi bố tuyệt vời, yêu thương các con... và đương nhiên chồng chị nghe được. Anh hiểu được vợ chồng là một từ không thể tách rời cũng như từ bố mẹ. Anh hiểu được điều quan trọng của 2 chữ gia đình, anh biết các con quan trọng như thế nào...
Khi chồng chị vào bếp chị cũng quấn quýt khen: "May mà số mình lấy được người chồng tử tế. Số mình đỏ quá".
Còn đây là kết quả:
- Vì người ta thường thích hành động theo những gì mà người khác đánh giá, khen ngợi nên chồng chị không còn hứng thú nhậu nhẹt nữa, thích về nhà chăm con, chăm vợ.
- Anh chồng lười nhác bỗng thích nấu cơm cho vợ ăn. Những lúc đó chồng chị lại mắng yêu: "Không có thằng này á, mấy mẹ con em chết đói".
- Chồng chị không bao giờ dám giơ tay lên với vợ ngay cả khi tức giận.
Ảnh minh họa
- Chồng chị cũng lục hết mấy tủ sách chọn ra những quyển mình thích và bảo: "Ơ, em có nhiều sách hay thế nhỉ?", mà không hề hay biết là nước cờ này chị đã tính cả rồi.
- Chồng chị cũng ít cáu kỉnh, tức giận, anh cười nhiều hơn, trẻ hơn và đáng yêu hơn nhiều vì là người chồng, người cha tốt. Gia đình không khí đầm ấm, yên vui.
Chị cười bảo: "Tôi nhận thấy hôn nhân đúng là một cuốn tiểu thuyết mà 2 nhân vật chính bắt đầu tự viết nên nội dung cho mình (tôi không nghĩ là 2 nhân vật chính chết từ trang đầu tiên đâu). Và tôi luôn nghĩ, không thể bị động đợi chồng thay đổi, chuyển biến theo ý mình được. Điều này giống như kiểu bạn thích được gặt lúa nhưng bạn lại không gieo 1 hạt mầm nào cả vậy. Đời sống hôn nhân là một nghệ thuật mà người phụ nữ phải là một nghệ sĩ".
Vì thế phụ nữ ạ, nếu có người đàn bà 10 năm "ủ mưu" chờ "con thi đại học xong" để đập lá đơn ly hôn thì cũng có người vợ sẵn sàng mất 10 năm để khéo léo "dẫn" chồng đi theo con đường mình muốn và tô hồng cho cuộc hôn nhân của mình một cách chủ động. Dù mất thời gian và hơi nhọc công nhưng cũng đáng phải không chị em. Phần phía sau chỉ cần tiếp tục duy trì và hưởng thành quả thôi. Như thế chẳng phải lo chọn chồng mới có sai lầm nữa hay không, lo con mình thiệt thòi hay không hoặc đôi lúc phải lùng bùng trong quá khứ vì những nỗi ân hận này kia.
Dù chẳng ai nói mạnh được kết quả sẽ 100% như ý, nhưng cứ thử dốc lòng 1 lần, kết quả có thế nào thì cũng không bao giờ phải nói 2 chữ "nuối tiếc" hay "giá như". Phá đi xây mới thì dễ nhưng sửa đi làm mới thì tiết kiệm và ít "bụi bặm" nhất phải không?
Theo Helino
Ngoại tình tìm cách gửi vợ vào trại tâm thần rồi cưới bồ, đúng lúc hôn lễ thì vợ điên lái siêu xe tới tặng quà Vậy nhưng sau khi mẹ mất, Tùng chăm vợ được nửa năm thì gửi cô vào trại thương điên cho nhẹ gánh rồi thênh thang tổ chức đám cưới với người phụ nữ trẻ đẹp khác. Sau 3 năm lấy nhau, tuy vợ chồng Tùng với Huệ đều cố gắng nhưng kinh tế vẫn không khấm khá lên được là mấy. Về sau...