Vợ chồng trẻ “độ” nhà di động trên chiếc xe Mercedes, dân nghiệp dư vẫn tự làm từ A-Z với chi phí “hạt dẻ” bất ngờ
Bên trong chiếc xe Mercedes Sprinter giống như một ngôi nhà thu nhỏ đích thực với bếp, bàn ăn, khu vệ sinh, tắm rửa, phòng ngủ, chỗ để đồ.
Để thoả mãn niềm đam mê xê dịch, vợ chồng anh Sơn (35 tuổi) và chị Thảo (33 tuổi) đã quyết định cải tạo chiếc xe Mercedes Sprinter thành nhà di động. Anh chị hiện cũng đang điều hành 1 kênh YouTube được lấy tên từ 2 người con: bé Kem (7 tuổi) và bé Kay (5 tuổi).
Ý tưởng làm nhà di động được 2 vợ chồng ấp ủ từ lâu. Ngày còn bé, anh Sơn hay xem những bộ phim của Mỹ và rất ngưỡng mộ cuộc sống tự to tự tại, có nhiều trải nghiệm thú vị trên chiếc xe nhà di động, hay còn gọi là RV hoặc Motorhome. Thêm vào đó, dịch bệnh khiến các con phải ở trong 4 bức tường lâu ngày, cũng khó có thể đi du lịch 1 cách an toàn. Vậy nên anh chị đã bắt tay vào làm nhà di động để sau những ngày học tập vất vả, vào cuối tuần, các bé có thể đi khám phá thiên nhiên, con người cũng như phong tục tập quán ở nhiều nơi trên đất nước.
Quá trình tự cải tạo chiếc xe
Chiếc xe được cải tạo lại giống như 1 ngôi nhà thu nhỏ đích thực, gồm có bếp, bàn ăn, khu vệ sinh, tắm rửa, phòng ngủ, chỗ để đồ. Xe được thiết kế với 2 tông màu chính là màu trắng và màu ghi, phần mặt bàn được nhấn thêm màu nâu 1 để vừa giữ sạch sẽ khi nấu nướng hoặc ăn uống, vừa tạo điểm nhấn cho chiếc xe.
Phần bếp được bố trí ở phía lái gần cửa sổ và được trang bị thêm 1 chiếc quạt thông gió để khi nấu nướng không bị ám mùi. Ngoài ra còn có 1 tủ lạnh chạy nguồn 12V, dung tích 50l giúp bảo quản thức ăn. Anh chị sử dụng bếp ga du lịch để tiện việc mang ra ngoài nấu nướng khi cần.
Phần bếp cũng đóng vai trò như 1 cái bàn nếu như cần đặt laptop lên và làm việc. Vì diện tích sử dụng chỉ vỏn vẹn có 6m2 thôi nên điều quan trọng là phải thiết kế làm sao cho các đồ vật trong xe có nhiều công dụng nhất.
Khu vực bếp nấu
Đối diện với bếp sẽ là bồn rửa tay cũng như để rửa rau củ hoa quả. Ở dưới bồn rửa đựng 1 bình nước 110l để cung cấp nước cho cả xe. Việc để bồn rửa và bồn chứa nước ở bên phụ gần cửa ra vào giúp anh chị tiện bố trí đường nước dẫn tới vòi xịt cũng như vòi hoa sen ở đằng sau. Đường điện được bố trí phía đối diện và tách biệt với đường nước.
Ngay cạnh khu vực bếp, anh Sơn bố trí 1 bộ sofa kèm chiếc bàn thông minh để vừa làm chỗ ăn uống vừa là chỗ tiếp khách. Chiếc sofa này khi cần có thể biến đổi thành 1 cái giường 1 người lớn có thể nằm vừa.
Ngay cạnh lối vào là bồn rửa
Nội thất đa năng và có nhiều khoang chứa đồ
Một chiếc bàn có thể mở ra – gấp vào khá tiện dụng
Phần giường cũng đủ chỗ cho 3 mẹ con nằm ngủ thoải mái và khi cần cũng có thể tháo ra làm thành 1 cái ghế sofa to, phục vụ việc tiếp khách đối với 1 nhóm đông người. Dưới 2 giường có 2 khoang để đồ rất lớn giúp đựng chăn ga gối khi trở thành sofa, 1 ngăn còn lại đựng các thiết bị cắm trại như lều, xẻng, lều thay đồ di động…
Đây là chiếc xe thứ 2 anh Sơn – chị Thảo cải tạo. Chiếc lần trước được làm cách đây 1 năm thì anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân anh chị không có kiến thức về thi công gỗ, cũng không có kiến thức về cơ khí cũng như hệ thống điện nước vì trái ngành trái nghề. Tuy nhiên do có sự giúp đỡ của bố anh – 1 thợ cắt đá granite nên cũng có thể áp dụng vào việc cắt gỗ và được thành quả như hiện tại.
Về thiết kế, hệ thống điện nước… vợ chồng anh chị đều tìm hiểu trên mạng rồi áp dụng vào chiếc xe của mình, cứ vừa làm vừa sửa cuối cùng cũng ra thành phẩm. Sau 2 lần cải tạo xe giờ anh chị đã khá thành thạo, cụ thể là thời gian làm xe lần này nhanh hơn lần trước tới 4 ngày.
Dưới giường là khoang để đồ
Khu vực giường ngủ đủ chỗ cho 3 mẹ con
Chiếc bàn vừa để ăn uống, vừa để tiếp khách
Cả gia đình đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với chiếc xe này. Trong chuyến đi về biển Tiên Trang – Thanh Hóa, anh chị đánh xe ra sát bờ biển đỗ lại để ngủ qua đêm, sáng hôm sau dậy thì phát hiện ra xe bị lún cát, không thể nào đánh đi chỗ khác được. Nhưng cũng rất may có người dân ở đó ra đẩy xe giúp nên cuối cùng cũng thoát được. Nhờ vậy gia đình quen được rất nhiều người dân địa phương ở đó và khám phá được văn hóa ở miền biển như thế nào, đồng thời đi sâu hơn vào cuộc sống của người dân. Kỷ niệm tắm suối ở bản Tả Van Sa Pa cũng rất đáng nhớ. Các bé được tắm suối với các bạn dân tộc ở trên đó và làm quen được với rất nhiều bạn trên Sa Pa.
Đậu xe ở nơi có cảnh đẹp để nghỉ lại và dựng lều
Do tự cải tạo nên chi phí làm chiếc motorhome này cũng rẻ hơn so với nhờ các xưởng làm. Anh chị mua rất nhiều đồ và dùng hỏng cũng rất nhiều gỗ nhưng tính tổng lại cũng chỉ khoảng gần 300 triệu, bao gồm tiền mua xe, hoán cải và tiền sửa chữa lặt vặt.
Căn nhà di động này được hoán cải từ xe tải van, lúc xe di chuyển thì cả nhà phải ngồi trên khoang lái, đằng sau chở hàng và khi nào đến điểm cắm trại thì cả nhà mới xuống sinh hoạt ở khoang hàng được. Ngoài ra, anh Sơn cũng lưu ý lúc thiết kế phải lên phương án tháo đồ đạc ra 1 cách tiện lợi và nhanh nhất, như vậy khi đi đăng kiểm mới không gặp khó khăn.
Cả nhà đã đi đến rất nhiều nơi trên chiếc xe này
Các bé được hoà mình với thiên nhiên
Nguồn: NVCC, YouTube KemKay Channel
Không biết gì về nghề mộc, người đàn ông này đã biến xe buýt cũ thành motorhome với nội thất ốp gỗ tuyệt đẹp và sân thượng cực chill
Độ xe buýt thành motorhome không phải chuyện mới, nhưng rất ít sản phẩm "handmade" sử dụng gỗ cho toàn bộ nội thất như Clint Lewing.
Clint Lewing là chủ sở hữu của chiếc xe buýt MCI 1977. Theo video từ FLORB trên YouTube, anh đã mua chiếc xe buýt cũ với giá khoảng 8.500 USD. Vốn là xe buýt cho thuê tư nhân, xe có rất nhiều cửa sổ cùng cốp để đồ rộng rãi bên dưới, một nguyên liệu tuyệt vời để độ motorhome.
Độ xe buýt thành motorhome ốp gỗ cực kỳ ấn tượng.
Trong video, Lewing chia sẻ rằng, anh không phải thợ mộc chuyên nghiệp. Nhưng bạn sẽ không thể tin được điều đó khi nhìn thấy những gì anh đã làm với trần, sàn và phần lớn nội thất. Hầu hết từ gỗ, do tự tay anh xẻ, đục đẽo và hoàn thiện.
Trong không gian sinh hoạt chính, Lewing tự tạo các họa tiết vân gỗ bằng bộ kit cho dân DIY, sau đó xếp đặt bằng sơn epoxy màu một cách nghệ thuật. Vào trong motorhome, bạn sẽ có cảm giác như bước vào một không gian triển lãm hơn là một căn hộ di động.
Không chỉ mang tính nghệ thuật, chiếc motorhome này còn hợp thời với TV màn hình phẳng 55 inch độ phân giải cao. Một bộ loa sống động cùng hai amply. Chiếc xe buýt cũ này có đủ năng lượng để tiệc tùng trong nhiều tháng, nếu chủ nhân muốn. Xe còn được trang bị máy phát điện và máy biến tần.
Không gian TV trong motorhome
Điều đó khá ấn tượng khi không có tấm pin mặt trời nào trên nóc xe. Một chiếc thang gần phía đuôi xe để đi lên nóc. Lại thêm một nét độc đáo nữa: "Sân thượng" này là một sàn gỗ gần như dài bằng toàn bộ nóc. Đó là không gian ngoài trời tuyệt vời để nướng hoặc tận hưởng ánh nắng mặt trời.
Lewing không tiết lộ chi phí độ chiếc xe buýt cũ này, nhưng có nói rằng phải mất 3 năm để hoàn thành, và coi đó là khoản đầu tư. Nếu nói "thời gian là tiền bạc" thì chiếc motorhome xinh đẹp này chính là vô giá.
Loạt gia đình Việt 'xây' nhà di động: người chi tiền tỷ, người chỉ tốn 20 triệu vẫn đủ vi vu Hành trình vi vu du lịch đó đây của các gia đình Việt bằng ngôi nhà di động luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Vợ chồng Việt chỉ tốn 20 triệu để có nhà di động "phượt" khắp 63 tỉnh, thành Với khoảng 20 triệu đồng và 10 ngày miệt mài thực hiện, anh Tưởng đã biến chiếc ô...