Vợ chồng trẻ con và những câu chuyện cười ra nước mắt
Kết hôn khi tuổi đời 18-20, cuộc sống vợ chồng đối với họ như một cuộc dạo chơi, chưa biết lo nghĩ về tương lai, không có hành trang chuẩn bị trước… và những câu chuyện dở khóc, dở cười từ đây mà ra.
Vợ chồng Nhất-Hạnh được cả xóm gọi là “ vợ chồng cóc nhái”. (Ảnh minh họa).
Đến hẹn lại… cãi nhau
Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 9h tối là hàng xóm cạnh nhà anh Huyên (Bắc Ninh) được phen “đau tai, nhức óc” vì tiếng cãi nhau của cặp đôi 19 tuổi Nhất- Hạnh, con của anh Huyên. Cưới nhau ở cái độ tuổi bạn bè còn đang “mài đũng quần” trong trường THPT, lại suốt ngày cãi nhau chí chóe tranh từng miếng ăn nên vợ chồng này được cả xóm gọi là “vợ chồng cóc nhái”.
Châm cho mình điếu thuốc, anh Huyên buồn buồn kể, Nhất là con trai lớn của anh, anh và vợ ly hôn khi Nhất đang học lớp 6. “19 tuổi, nó dẫn về nhà một cô bé và bảo tôi làm đám cưới. Tôi sốc thật sự, bởi con trai mình nghề nghiệp không có, tính tình vẫn ham chơi, giờ lấy vợ thì chắc dẫn nhau đi ăn xin”, anh Huyên kể.
Con trai đòi cưới vợ khi tuổi đời còn quá trẻ, lại chưa có đủ hành trang cần có của một cuộc hôn nhân nên anh Huyên kiên quyết không đồng ý. Không được bố gật đầu, Nhất quay ra làm áp lực với bố và họ hàng. Cậu dọa sẽ bỏ đi bụi, dùng ma túy nếu mọi người cứ quyết “chia cắt” tình yêu của cậu.
“Dọa không được, nó quay ra khóc lóc, đi từng nhà bác, cô năn nỉ, thề bồi rằng lấy vợ vào sẽ chí thú làm ăn, không phá phách nữa. “Nước chảy đá mòn”, thấy nếu không cho nó cưới vợ, nó cứ trượt mãi trong sự hư hỏng cũng không được nên tôi đành muối mặt đem trầu cau đi hỏi vợ cho con.
Nhà cô bé kia cũng muốn gả vì con bé cũng thuộc dạng nghịch ngợm. Đám cưới của chúng nó diễn ra chóng vánh, giường cưới còn chưa kịp mua, ảnh cưới chụp vội chụp vàng. Ngay trong đám cưới mà hai vợ chồng nó còn chí chóe cãi nhau, xưng hô mày-tao loạn cả lên”, anh Huyên cho biết.
“Vợ em nó ngang lắm, chồng nói gì dù đúng cũng phải cãi cho sướng miệng. Đã vậy lại còn lười, đi làm về 7-8h tối rồi mà cứ nằm ềnh ra để chồng một mình lo cơm nước. Bảo “nó” nhặt cho mớ rau “nó” cũng càu nhàu. Ăn thì toàn tranh miếng ngon. Em không “chửi” nó thì để nó “ngồi” lên đầu lên cổ em à”, Nhất kể xấu vợ.
Ngồi bên cạnh, Hạnh đưa tay véo chồng một cái rồi cũng không chịu thua: “Ngày em đi đẻ, anh ấy hùng hồn điện thoại tuyên bố với mẹ em rằng, mẹ cứ ở nhà, con lo được. Khi nào con gọi thì mẹ lên đón cháu về. Thế là lái xe đưa vợ đi đẻ. Đến nơi vợ thì ngồi chờ đau, chồng thì cứ tí lại “có bỉm của vợ chưa, có tã của con chưa?”.
Quần áo của con em cẩn thận giặt rồi dùng nước xả vải đàng hoàng. Thế mà bác sĩ lại bảo về lấy quần áo khác chứ dùng nước xả vải thì không mặc cho con được. Chồng em mặt cứ đần ra. Hành động cuối cùng của anh ấy là rút điện thoại gọi mẹ đến. Đẻ xong thì anh ý chả đỡ đần được vợ, ngoài cái việc nhìn con và cười. À còn được việc nữa là “thủ tiêu” chân giò hầm, cháo chân giò hộ vợ”.
Cũng kết hôn ở tuổi đời còn quá trẻ, mới đây, câu chuyện của cô gái H.N. trên trang cá nhân của mình đã thu hút được nhiều người đọc.
Cô gái H.N. viết: “20 tuổi em lấy chồng, cái tuổi mà cả đám bạn đang còn học còn vui chơi, cái tuổi chưa phải lo nghĩ gì em đã bước chân lên xe hoa về chung một nhà với anh. Sống với nhau đến bây giờ cũng 4 năm rồi nhưng nhìn lại mới biết mình đã trải qua biết bao sóng gió, bao khó khăn. Và có những lúc cũng phải cố gồng mình để tỏ ra là một cô gái mạnh mẽ.
Video đang HOT
Từ nhỏ em đã được chiều chuộng như một nàng công chúa, nhưng từ khi lấy anh rồi chỉ có em tự chiều chuộng lấy bản thân mình. Hay có những lúc em than vãn với bạn thân rằng “Biết vậy không lấy chồng, lấy chồng tất cả mọi thứ đều thay đổi”.
Một cô gái có tính khí thất thường “sáng nắng chiều mưa” như em hễ đụng đến chuyện gì là cau mày khó chịu. Nhưng mỗi lúc em đang nổi cơn thịnh nộ thì anh lại chọn cách im lặng để em nói một mình đến phát điên. Em điên lên là bảo “ly hôn đi”. Bao nhiêu lần anh bảo viết đi anh ký, em liền viết, nhưng viết xong anh để đấy và vờ đi chỗ khác. Rồi lần khác em lại hét lên “Ly hôn, thà nuôi con một mình chứ không thể tiếp tục sống với anh”, em loay hoay viết đơn tiếp và anh lại giống như mọi lần. Hôm nay, em dọn tủ lôi ra một tá đơn ly hôn với đủ lý do, bất giác em bật cười.
Nghĩ lại, mọi người nói lấy chồng sớm thiệt thòi đủ thứ nhưng cái gì cũng có 2 mặt được và mất. Đôi khi nhìn bạn bè đến giờ nó vẫn đang độc thân làm những điều mình thích, đi những nơi họ muốn đi, lúc ấy em thấy chạnh lòng và bảo “kể ra chưa lấy chồng bây giờ lại đang vi vu cùng bọn nó”.
Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn. (Ảnh minh họa).
Trao đổi với PV, cô gái H.N. (SN 1994) chủ nhân của trên cho biết, khi cô học năm thứ 2 cao đẳng thì bỏ học lấy chồng và đấy cũng là lựa chọn của cô. Hỏi về đống đơn ly hôn cất trong tủ H.N. kể rằng, thi thoảng vợ chồng cô cãi nhau to nên cô tức giận viết đơn ly hôn. Nhưng viết xong cũng để trên bàn chứ không ai nói với ai câu nào. Chồng cô nhiều lần nhìn đơn cô viết còn cười, trêu đùa. Mỗi lần như thế mọi giận dỗi lại được xóa bỏ và những tờ đơn nằm im lìm trong một góc tủ.
Theo H.N., chồng cô là người tâm lý, hay cho vợ đi chơi, đi du lịch. Đối với bạn bè của vợ thì cực thoải mái, dù bạn trai hay bạn gái đến chơi là chồng cô trông con cho cô đi chơi với bạn. Nhiều lần cô cũng thắc mắc nhưng chồng cô chỉ nói “anh tin em”. H.N. bảo, đến bây giờ cô cảm thấy hài lòng với quyết định của mình.
Còn cặp đôi Nhất- Hạnh, có con, chồng lại không chịu đi làm kiếm tiền trang trải, Hạnh không ít lần chạy về nhà mẹ để khóc lóc. Vậy là hai bên thông gia trở thành “ngân hàng không đáy” của đôi vợ chồng trẻ. Từ mua bỉm cho con đến sinh hoạt phí của “gia đình cóc nhái” đều phải dựa hết vào chu cấp.
Nhìn đôi vợ chồng trẻ chí chóe, anh Huyên trầm giọng: “Chí thú làm ăn được đến khi con Hạnh sinh con thì thằng Nhất “dở chứng”, nó bỏ việc ở công ty về mở quán điện tử. Khách “cày” suốt đêm rồi đánh cãi nhau sứt đầu mẻ trán bao nhiêu lần, hàng xóm họ phản ứng nên chính quyền bắt đóng cửa. Thế là đầu tư gần trăm triệu cuối cùng phải bán thanh lý với giá rẻ bèo. Thằng Nhất từ đây lại về kiếp lông nhông. Con Hạnh vì vướng con nhỏ nên cũng không đi làm được. Thế là vợ chồng chúng tôi phải “gánh” cả cái gia đình nhỏ của tụi nó nữa”.
Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, theo thống kê, tuổi lấy chồng của con gái thời nay muộn hơn ngày xưa tới 4-5 tuổi. Nỗi khổ của con gái lấy chồng sớm vẫn được người ta nhắc tới trong từng câu ca lời hát như: “Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn”.
Vị chuyên gia phân tích, con gái lấy chồng sớm có 3 thiệt thòi cơ bản sau: Thứ nhất, lẽ ra ở tuổi đang học hành để có một nghề nghiệp để chăm sóc cho bản thân và lo cho tương lai sau này. Việc không được học hành, sẽ dẫn tới những khiếm khuyết về tri thức và đánh mất sự hồn nhiên của tuổi trẻ.
Thứ hai, lấy chồng sớm sẽ dẫn tới việc hạn hẹp về kỹ năng giao tiếp. Thông thường, sau khi cưới, người phụ nữ sẽ lui về lo chuyện bếp núc, nội trợ, chăm con cái… Từ đó, họ không có điều kiện tiếp xúc nhiều với bạn bè, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Từ đó, dẫn tới việc hạn chế trong kỹ năng giao tiếp, ứng xử và đây là một thiệt thời rất lớn.
Thứ ba, lấy chồng là quyết định hệ trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Lấy chồng sớm là nhận lấy một trách nhiệm lớn lao, có phần khó khăn. Thời điểm này, người phụ nữ còn non trẻ về nhiều mặt, ví dụ như: Họ chưa hiểu gì về đàn ông, bởi họ chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với nam giới. Khi không hiểu nhiều về người bạn đời, lựa chọn nóng vội có thể dẫn tới những sai lầm. Nhiều người lấy chồng sớm có cuộc sống tình dục hòa hợp, nhưng có thể về mặt tâm hồn, cảm xúc, lý tưởng họ chưa thực sự hiểu nhau.
Theo Người Đưa Tin
Mẹ, con và những câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ
Đêm hôm ấy, chuyến xe rời quê để ra Hà Nội lúc 11h đêm. Nhà xe, như thường lệ để sẵn ở mỗi đầu giường một cái bánh. Vừa lên xe, con gái tôi liền bóc cái bánh ăn ngay, ăn hết cái bánh của mình rồi vẫn kêu thèm, kêu đói...
Con tôi vốn lười ăn, vậy nên tôi như thường lệ thấy con đòi ăn là mừng. Nhưng mỗi giường chỉ có một chiếc bánh, tôi lại nghĩ con lên xe tầm giờ ấy sẽ ngủ nên sơ suất không mang theo bánh trái dọc đường. Tôi nhìn lại mấy chiếc giường ở sau không có người nằm và quyết định với lấy một chiếc bánh ở giường sau đưa cho con. Nhưng con không ăn, con cầm lấy chiếc bánh và dứt khoát đứng dậy trả về chỗ cũ. Thấy vậy, tôi liền hỏi:
- Con vừa bảo con đói và thèm mà sao lại không ăn?
- Vì đó là phần của người khác mẹ ạ. Phần của ai thì người ấy ăn chứ
- Nhưng giường đó không có người, con có thể ăn nó
- Không, mẹ ạ. Con đã ăn phần của con rồi. Nếu con ăn, người khác không có phần sẽ đói thì sao?
Câu hỏi của con dĩ nhiên khiến tôi thấy xấu hổ. Tôi vốn là vì thương con nên không nghĩ sâu xa. Bởi cái bánh dù không có chủ nhân, con hoàn toàn có thể ăn cho đỡ thèm nhưng con đã không làm vậy.
Tôi, nói thật trước mặt con chưa bao giờ nhận mình sai vì tôi nghĩ con hãy còn rất nhỏ, không biết bắt lý lẽ. Nhưng lần này tôi nghĩ nên nhận sai một cách thẳng thắn, ít nhất để con biết rằng con đã đúng:
- Ừ, con nói đúng, dù đói cũng không nên lấy phần của người khác. Mẹ sai rồi!
Một lần khác, trong lúc cần tiền mua một vài thứ lặt vặt, tôi thấy ví tiền của chồng đặt trên bàn liền mở ra định mượn một ít. Thế nhưng chiếc ví ngoài một số giấy tờ ra chẳng còn gì khác. Tôi đặt cái ví xuống và nói với chồng: "Cái ví của bố vô dụng rồi". Lúc đó con gái tôi đang ngồi tô chữ liền ngước mặt lên bảo:
- Mẹ, mẹ không được nói bố vô dụng
- Mẹ không nói bố vô dụng, là mẹ bảo cái ví thôi
- Mẹ cũng không được bảo cái ví vô dụng. Không được nói ai vô dụng cả.
- Thế mẹ hỏi con, cái ví để làm gì?
- Để đựng tiền ạ
- Vậy mà trong ví không có tiền thì có phải vô dụng không?
- Không có tiền rồi bố nhận lương sẽ lại có đầy tiền. Mẹ mau xin lỗi cái ví đi.
- Ừ, mẹ xin lỗi cái ví.
Tôi thực ra vốn chỉ buột miệng mà nói câu nói đó, lúc nói thực chất không hề nghĩ ngợi gì nhiều, nhưng con gái tôi một lần nữa lại nhắc cho tôi nhớ rằng: Không có cái gì là vô dụng cả, chỉ là mình chưa dùng đến, hoặc thời điểm đó mình không cần đến. Cái gì sinh ra cũng có chức năng riêng của nó, mình không cần nhưng người khác cần. Có thể lúc này không cần nhưng lúc khác cần. Không có gì là vô dụng, không có gì là thứ đáng vứt đi.
Một người đàn bà ngoài ba mươi như tôi, lần đầu tiên làm một việc tưởng như rất buồn cười nhưng lại không hề cảm thấy buồn cười, ấy là xin lỗi một cái ví.
Đó là hai mẩu chuyện nhỏ, hai bài học con gái đã nhắc nhở tôi, nó giúp tôi nhận ra con trẻ bây giờ sâu sắc hơn người lớn chúng ta vẫn tưởng.
Con gái tôi tết nay mới tròn năm tuổi, ấy thế nhưng lúc nào cũng hành xử như một bà cụ non khó tính và nghiêm khắc. Nếu bố mở tủ lấy đồ mà quên đóng cửa, con sẽ đóng lại và nhắc nhở bố ngay. Nếu tôi ra khỏi phòng mà không tắt điện sẽ bị con phê bình. Lên giường rồi mà còn loay hoay tìm điện thoại con sẽ cáu "Đi ngủ rồi mẹ còn tìm điện thoại làm gì thế?". Bố mẹ lỡ bóc bánh kẹo mà để vỏ trên bàn chưa vứt con sẽ hỏi "Đây là cái thùng rác của bố/ mẹ đấy à?".
Thực ra đó là những điều tôi đã cố gắng dạy con. Rằng, ra khỏi phòng thì nhớ tắt điện để tiết kiệm, ăn gì phải để rác đúng nơi, đã lên giường đi ngủ thì không được xem điện thoại...
Dạy con nhưng nhiều khi tôi lại không để ý để làm đúng như những gì mình đã dạy. Dạy con xong tôi lại cho phép mình xuề xòa và cuối cùng lại bị chính con nhắc nhở. Chợt nhận ra một điều chưa bao giờ sai: Cha mẹ là tấm gương lớn nhất của con mình. Nếu cha mẹ nói được mà không làm được thì dạy con những điều hay lẽ phải cũng trở thành vô nghĩa.
Bạn bè tôi trong những cuộc gặp gỡ thường than vãn rằng trẻ con bây giờ nó khôn sớm quá, rằng dạy con là một công việc không hề đơn giản, thậm chí nhiều ông bố bà mẹ đuối lý khi tranh luận với con trẻ. Thực ra thì chúng ta, những người làm cha làm mẹ cũng không nên tạo áp lực quá nhiều cho bản thân trong việc dạy con.
Dạy con cũng chính là quá trình phụ huynh nhìn nhận lại bản thân và tự giáo dục, hoàn thiện chính mình. Cha mẹ không phải bao giờ cũng đúng nhưng nhiều người rất khó khăn trong việc nhận lỗi trước mặt con. Chúng ta sinh con rồi chúng ta mới trở thành mẹ thành cha, tức là tuổi làm cha làm mẹ của chúng ta cũng chỉ bằng số tuổi của con mà thôi. Biết nhận ra những sai lầm, những thiếu sót dù rất nhỏ cũng sẽ là kinh nghiệm, là bài học giúp chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ tốt hơn.
Theo Dân Trí
Bị nhân tình của chồng thách thức, vợ đánh ghen bằng cách "có mà như không" Đúng là chị có đau khổ, nhưng đã quyết định đánh ghen bằng một cách khác, có đấy mà như không đấy! "Chào chị! Em xin tự giới thiệu, em là Mai, người mà hiện tại anh Phong đang yêu! Em nghĩ nói với chị chuyện này là hơi đường đột, nhưng chị cũng nên biết sớm để còn chuẩn bị một số...