Vợ chồng trẻ
Cuối quý, công ty chị tổ chức văn nghệ; sơ kết sáu tháng cũng văn nghệ. Tổng kết cuối năm càng tưng bừng, có hẳn một cuộc thi mà đích thân các sếp ngồi ghế giám khảo.
Ngày mới cưới, mỗi lần anh đưa chị về nhà chơi, chị luôn tíu tít kể mình đơn ca được giải nhất hoặc đóng vai chính trong vở kịch này kia. Anh tôi tự hào lắm, sợ ba má cổ hủ, anh tận tình giải thích thêm là vì sếp thích văn nghệ văn gừng cho nên nhân viên nào tham gia tích cực thường được ưu ái tiền lương tiền thưởng. Nói đâu xa, chị dâu mới làm việc được hai năm mà đã được thưởng chuyến du lịch xuyên Việt. Sếp rất tâm lý, cho cả chồng đi cùng mà chỉ phải đóng thêm một khoản tiền tượng trưng.
Có thai, chị tíu tít khoe có cái bụng bốn tháng mà vẫn gọn gàng lên sân khấu, chẳng ai biết là bà bầu. Má tôi nhăn mặt, người ta theo nghề diễn thì lên sân khấu là chuyện thường, còn mình sao không trau giồi nghề nghiệp mà lại thích lên sân khấu? Hơn nữa, thai con so thì phải giữ gìn. Anh chị cười, nói má lạc hậu quá.
Em bé được sáu tháng, đi làm vài ngày, chị khoe “đang cho con bú, chưa lấy lại vóc dáng mà mọi người đã mời đóng kịch, vai chính”. Má tôi bực lắm, má nói má giữ cháu cho con dâu đi làm chứ không phải cho ba cái chuyện tào lao. Chị cười, nói má đúng là người của thời xưa cũ, bây giờ người ta có nhiều cách để tiến thân mà văn nghệ là cách dễ nổi nhất.
Video đang HOT
Má tôi tuyên bố không giữ cháu giùm nữa, để xem con dâu có xong nổi việc chính hay không, nói gì tới văn nghệ văn gừng. Anh tôi vốn cưng vợ nên đứng về phe chị. Được vài tuần, vợ chồng anh chị vừa đi làm vừa chăm sóc đứa con mấy tháng tuổi nên mọi việc rối mù, anh chị cãi nhau liên miên; đến nỗi việc tập văn nghệ vốn được anh ủng hộ, mà giờ chính anh phải quát lên: “Làm mẹ kiểu gì mà chỉ đàn đúm là giỏi”. Chị khóc lóc, trách móc…
Cãi cọ là bệnh mãn tính, đã xuất hiện rồi thì sẽ thành thói quen và người ta luôn cố tìm lý do cho thói quen đó. Những lý do càng lúc càng làm tổn thương nhau đến tận cùng. Anh chua chát hỏi, có phải với em, con nhỏ là một sự vướng bận? Chị đáp trả, ngay cả chồng cũng là nỗi vướng bận. Anh tôi giáng cho chị một cái tát, rồi đùng đùng bế con đi thuê phòng khách sạn (vì mấy lần theo phe vợ, chê trách ba má tôi lạc hậu, nên bây giờ mà bế con về nhà thì quê). Còn chị, vừa khóc vừa tìm ba má tôi để trút uất ức.
Ba tôi ra khách sạn mắng anh một trận về tội đánh vợ, rồi đón cháu nội về nhà. Má tôi thì tỉ tê khuyên con dâu, đàn bà đã có con thì hoàn thành công việc chuyên môn đã là giỏi, những hoạt động khác phải biết dừng lại đúng lúc. Chị tuyên bố, nếu chồng đủ sức nuôi thì chị nghỉ hẳn ở nhà chăm con. Tuyên bố thách thức đó khiến anh tôi nổi xung… Thế là lại cãi nhau.
Mệt quá, ba má tôi không nói nữa, chỉ lặng lẽ chăm sóc cháu nội mỗi khi anh lỉnh kỉnh túi xách đem con về gửi. Rồi công ty của chị có sếp mới, sếp này không thích văn nghệ, nên việc hát hò cũng thôi dần. Khả năng văn nghệ của chị không còn là lợi thế, công việc chính thì chị chỉ có bằng trung cấp, mà công ty lại đang thông báo tuyển nhân viên mới có trình độ đại học. Đến lúc này, chị bắt đầu biết sợ.
Bao lần chê ba má tôi lạc hậu nên giờ chị xấu hổ, không dám nói thẳng. Bóng gió gần xa, chị than thở không đủ thời gian ôn thi, hết công việc nhà rồi thì con nhỏ nay ho, mai sổ mũi, bữa kia sốt, rồi thì vì nhà ngoại ở xa quá cho nên không nhờ giữ cháu giùm được… Rồi chị nói, mai này may mắn mà thi đậu đại học thì không biết làm sao để vừa đi làm, vừa chăm sóc chồng con, vừa đi học…
Ba má tôi thở phào vì cuối cùng chị cũng nhận ra điều gì là quan trọng và cần thiết hơn cho tương lai. Xem ra, con dâu đã trưởng thành hơn rồi.
Theo VNE
Thói hoang của vợ
Sau gần 10 năm sống chung, tôi phát hiện (có lẽ là một phát hiện quá trễ) rằng vợ chồng thường cãi nhau những lúc nhà hết tiền.
Tôi cũng từng nghĩ đơn giản rằng, sao vợ "xấu tính" thế nhỉ, lúc tiền bạc rủng rỉnh thì cứ nở miệng cười, chồng có chút lỗi gì cũng xuề xòa cho qua. Thế nhưng khi nhà hết tiền, vợ "soi" chồng rất kỹ, rồi dễ nổi nóng, hay gây sự. Vợ thực sự "yêu" tiền đến thế sao?
Tôi đã từng chết mê chết mệt nàng - vợ tôi bây giờ - bởi tính phóng khoáng. Ngày mới ra trường, vợ từ chối việc ở một công ty tư nhân có lương cao để đi làm tự do với thu nhập bấp bênh chỉ vì được thỏa sức sáng tạo. Vợ cũng từng dốc hết tiền để giúp đỡ những người không thân thiết lúc họ khó khăn. Tôi đã từng nghĩ, mình rất hợp với bà xã, vì ai cũng thoáng, nhất là về tiền bạc. Cả hai chỉ cần sống bằng cảm xúc tươi đẹp, đồng điệu với nhau trong từng ý tưởng sáng tạo. Vậy là đủ!
Nhưng sau đám cưới, mọi chuyện dần khác. Sinh hai đứa con, vợ ở nhà chăm con và cộng tác với một số công ty thiết kế mỹ thuật. Tôi vẫn làm tự do với công việc thiết kế nội thất. Thu nhập không tăng, nhưng nhu cầu chi tiêu lại đội lên. Vợ chồng tôi vẫn giữ thói quen chi tiêu thoải mái. Đã thế, tôi còn động viên vợ: "Kệ, cứ xài, mình còn sức, còn kiếm được tiền, quan trọng là có sức khỏe". Nhưng sự đời không đơn giản như vậy. Hầu bao của gia đình liên tục bị thâm hụt. Tần suất cáu kỉnh của vợ ngày càng dày hơn. Ban đầu là "bao giờ nhà mình có khoản tiền mới?", sau đó là "sao mãi mà anh không mang tiền về cho em?", sau nữa là "anh chi tiêu cái quái gì mà chẳng đưa được đồng bạc nào về cho vợ con vậy?".
Những lần gặp trắc trở trong công việc, tôi đi tiêu sầu bằng rượu bia, về đến nhà, lại muốn quay ngoắt ra đường trở lại vì vợ đón bằng câu "không lo kiếm tiền mà cứ đi nhậu hoài là sao?". Hình ảnh phóng khoáng, cá tính, sâu sắc về vợ như mất hết. Gặp vợ, hầu như tôi chỉ còn đối diện nỗi lo về tiền.
Tĩnh tâm ngồi lại, tôi nghiệm ra cách chi tiêu kiểu "nghệ sĩ" của hai vợ chồng là không ổn. Vợ tôi vẫn có thể là một người phụ nữ cá tính, luôn nở nụ cười duyên dáng và kiêu kỳ nếu không vướng bận chăm sóc hai đứa con thơ và ti tỉ mối lo liên quan đến tiền. Có những hôm, đang làm việc mà vợ léo nhéo nhắn tin: "Anh ơi, điện lực họ gửi thông báo cắt điện vì quá hạn đóng tiền", "chiều nay anh cố gắng đưa về một ít tiền để đóng học phí cho con nha", "người giúp việc xin ứng lương để đi khám bệnh, anh xoay được không"... Những tin nhắn kiểu ấy khiến tôi chẳng thể tập trung làm việc.
Tâm lý coi thường tiền bạc, cách chi tiêu bạt mạng của vợ chồng tôi đã thực sự đẩy gia đình vào thế "giật gấu vá vai". Tình cảm vợ chồng cũng biến thiên theo số tiền trong túi, càng thiếu tiền càng dễ "cắn" nhau. Thực ra, tôi cũng đã từng đặt mình vào vị trí của vợ, và thấu hiểu được tại sao một người dễ thương lại trở nên dễ cáu bẳn như vậy. Nhưng nói đi cũng cần nói lại, trong gia đình, vợ là người "tay hòm chìa khóa". Hơn một lần tôi đã nhắc khéo vợ về việc chi tiêu, nhưng đều bị chặn họng: "anh làm chẳng được bao nhiều tiền, gia đình có rất nhiều khoản để chi mà anh còn về hạch sách vợ".
Xem ra, việc thay đổi thói quen tiêu hoang của vợ chồng chúng tôi không đơn giản chút nào.
Theo VNE
Đàn ông có vợ ngủ chay bao lâu? Giới khoa học không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng, khả năng nhịn yêu của phái mạnh kém hơn hẳn phụ nữ. Khi ông xã chuẩn bị lên đường đi công tác dài ngày người vợ văn minh sẽ dặn dò chồng nhiều điều, trong đấy đính kèm "nếu có quá giang ở đâu đó thì đừng quên mặc áo mưa". Có người...