Vợ chồng thợ cắt tóc giàu lòng thiện nguyện
Chồng làm thợ cắt tóc. Vợ bán nước giải khát ở ven đường. Công việc mưu sinh vất vả nhưng ông Hồ Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Hồng (ở ấp 3, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) vẫn dành thời gian sáng sớm mỗi ngày để tự tay nấu khoảng 100 phần cơm chay từ thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Thạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng (đeo kiếng) chuẩn bị các phần cơm chay từ thiện cho người nghèo. Ảnh: Đ.Tùng
Suốt 3 năm nay, cứ 4 giờ 30 sáng (từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần), bà Hồng lại thức dậy sớm để nấu cơm và chế biến các món ăn chay cho kịp giờ giao những hộp cơm từ thiện nóng hổi đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn.
* Tự nguyện làm việc thiện
Hầu hết các thực phẩm được bà Hồng sơ chế từ tối hôm trước, sáng ra, bà nấu lại cho nóng. Tuy là các món chay nhưng bà chế biến thành các món ăn phong phú, thực đơn thường xuyên thay đổi nên trông rất bắt mắt, hấp dẫn.
Đồng hành với bà Hồng suốt 3 năm nay trong công việc từ thiện này là chồng bà, ông Dũng, dù mưa hay nắng, cứ đúng 7 giờ, ông Dũng mang các phần cơm do bà Hồng chuẩn bị sẵn đi phát miễn phí cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong xã hoặc người nghèo đi khám bệnh, châm cứu tại điện thờ Phật Mẫu.
Nói về việc làm từ thiện của mình, bà Hồng tâm sự: “Các con của tôi đã lớn, đã tự lo cho bản thân được. Hiện giờ 2 vợ chồng tôi làm ăn, buôn bán chủ yếu tự lo cho bản thân nên tôi muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa, giúp đỡ, chia sẻ với mọi người bằng chính khả năng của mình”.
Ông Dũng bộc bạch, trung bình mỗi ngày tiền cắt tóc của ông được 200 ngàn đồng. Ông dùng tiền đó mua thêm rau, củ để nấu cơm từ thiện. Còn thu nhập của bà Hồng từ tiền bán quán nước nhỏ ven đường thì phụ mua gia vị.
Việc làm của vợ chồng bà Hồng đã nhận được sự động viên tích cực từ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Thạnh. Hội đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm gạo, gia vị để nấu ăn hằng ngày.
Ngoài ra, thấy việc làm của vợ chồng bà Hồng ý nghĩa nên ngày càng có nhiều tiểu thương ở chợ Phú Thạnh ủng hộ nguồn thực phẩm tươi ngon để cùng chung sức với ông bà nấu những bữa ăn chay từ thiện. “Mấy chị bán rau, đậu ở chợ Phú Thạnh, hầu như ngày nào cũng có người đem cho vài bó rau, đậu hũ để chúng tôi nấu ăn. Bếp cơm từ thiện này tuy 2 vợ chồng tôi đứng nấu và phát miễn phí nhưng lại có sự chung tay của nhiều người lắm, do đó, số lượng suất cơm từ thiện tăng dần lên từ vài chục hộp nay đã được cả trăm hộp” – ông Dũng cho biết.
Video đang HOT
* Góp sức chia sẻ với người nghèo khó
Dù phải thức khuya (để sơ chế thực phẩm) hoặc dậy sớm (để nấu ăn) nhưng vợ chồng bà Hồng, ông Dũng vẫn luôn vui vẻ khi thấy những người nghèo, những bệnh nhân ăn những phần cơm nóng hổi do mình chuẩn bị. Chia sẻ phần nào khó khăn với người bệnh, đó là động lực giúp cho ông bà duy trì hoạt động của bếp ăn từ thiện suốt nhiều năm qua.
Ông Hồ Văn Dũng chở cơm phát miễn phí cho những người khó khăn trên địa bàn xã
Chính từ ý nghĩa và hiệu quả thiết thực của bếp ăn từ thiện mà số mạnh thường quân ủng hộ ngày càng tăng. Từ những tiểu thương trong chợ đến hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã và cả những người hàng xóm của gia đình bà Hồng, ông Dũng cũng nhiệt tình hưởng ứng.
Cụ thể như bà Trần Thị Giang là hàng xóm của vợ chồng ông Dũng, dù đã ở tuổi 81 nhưng 3 năm nay bà thường xuyên qua phụ bếp cơm từ thiện. Từ những khâu chế biến thức ăn đến xếp cơm vào giỏ, bà đều có mặt giúp đỡ.
“Tôi lớn tuổi rồi, thường hay ngủ dậy sớm nên ngày nào khỏe là qua phụ chị Hồng nấu cơm từ thiện. Gia đình tôi thuộc diện khó khăn và luôn được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương quan tâm, giúp đỡ. Do đó, tôi muốn giúp chút công sức cho bếp ăn từ thiện xem như đang trả ơn lại cho đời” – bà Giang chia sẻ.
Để nấu những món ăn chay ngon, bà Hồng cùng những người phụ nữ trong xóm chuẩn bị sơ chế từ buổi tối hôm trước, hôm sau chế biến lại cho nóng. Ngoài ra, món ăn mỗi ngày đều đuợc thay đổi liên tục tùy theo nguyên liệu, giúp người nghèo có thể ăn ngon, ăn hết mỗi phần.
Ông Phan Văn Nhân (ngụ xã Phú Thạnh) cho hay, phần lớn những người đi khám bệnh, bốc thuốc Nam ở điện thờ Phật Mẫu đều bị bệnh mãn tính, có hoàn cảnh khó khăn nên khi nhận được phần cơm sáng của vợ chồng ông Dũng, bà Hồng rất kịp thời, giúp họ vừa ăn no vừa ấm lòng.
Bà Bùi Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Thạnh cho rằng, bếp cơm từ thiện của vợ chồng ông Hồ Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Hồng nhiều năm qua đã thể hiện tấm lòng vì cộng đồng, sự nhiệt tình của gia đình ông bà với công tác từ thiện xã hội.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Thạnh đã vận động được thêm 75kg gạo và các gia vị cho bếp từ thiện của vợ chồng ông Dũng. Để bếp ăn từ thiện này có thể duy trì và hoạt động ổn định lâu dài, trong thời gian tới, vợ chồng ông Dũng rất cần sự hỗ trợ từ những mạnh thường quân, những người giàu lòng nhân ái tiếp tục ủng hộ để cùng chung tay chia sẻ khó khăn với người nghèo tại địa phương.
Tháng 7-2019, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), mô hình bếp cơm từ thiện của vợ chồng ông Hồ Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Hồng đã được tôn vinh là một trong những điểm sáng tiêu biểu của tinh thần “tương thân tương ái”, hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Đăng Tùng
Theo Đongnai
Dân vận khéo thì sẽ thành công
Suy ngẫm thật kỹ từng ý của Người, chúng ta sẽ nhận ra đó là cẩm nang vô cùng quý báu, đặc biệt đối với cán bộ làm công tác dân vận
Tác phẩm báo chí có tựa đề "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z, đăng trên Báo Sự thật ngày 15-10-1949, là tuyệt phẩm cực kỳ quý giá trong kho tàng tư liệu của báo chí cách mạng Việt Nam.
Cụ thể hóa việc vận động
Nhớ dịp tác phẩm "Dân vận" tròn 50 tuổi (15.10.1949 - 15.10.1999), Đảng ta đã có chủ trương cho cả hệ thống chính trị quán triệt, học tập trở lại bài báo nổi tiếng này để thêm một lần nữa mọi người nhận thức rõ hơn về quan điểm, tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của Người.
Qua học tập, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, giữa chính quyền với nhân dân, tình quân dân vốn đã gắn bó thì nay càng khăng khít, bền chặt hơn bao giờ hết.
Quán triệt sâu sắc quan điểm dân vận của Người, Đảng ta đã cụ thể hóa việc vận động quần chúng theo hướng "lấy dân làm gốc", tập trung nghiên cứu những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, đáp ứng những nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của nhân dân, lấy đó làm cơ sở để xây dựng, ban hành các quyết sách sát với yêu cầu phát triển của đất nước và thỏa nguyện ý Đảng - lòng dân.
Theo đó, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được tiến hành thực chất hơn, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm cho "lời Bác - ý Đảng - lòng dân" luôn là một thể thống nhất. Từ đó, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thường xuyên được phát huy mạnh mẽ.
Cac ca nhan đien hinh dan van kheo giai đoan 2011-2015 tại TP HCM được khen thưởng Ảnh: Hoang Trieu
Suốt 70 năm đồng hành với lịch sử cách mạng Việt Nam, bài báo "Dân vận" của Bác Hồ đã ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến các phong trào thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân ta qua các giai đoạn lịch sử, tác động hết sức to lớn cả trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc đến các cuộc chiến tranh vệ quốc sau này và cả trong thời bình hiện nay. Trải qua năm tháng, bài báo "Dân vận" vẫn nguyên giá trị dù đã đi qua hoàn cảnh khốc liệt, gian nan, đầy mất mát hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cuộc chiến đấu vệ quốc; đi qua bao gian khổ, thử thách của thời kỳ bị các thế lực đế quốc bao vây cấm vận kinh tế, bị kẻ thù thâm độc tiến hành âm mưu chiến lược "diễn biến hòa bình" bạo loạn lật đổ, thời gian gần đây lại thêm vấn đề "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cũng hết sức phức tạp, khó lường.
Sáu thành tố
Bài báo "Dân vận" được Người viết trong bối cảnh ta giành được chính quyền về tay nhân dân chỉ mới 4 năm, đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp, thù trong giặc ngoài cấu kết với nhau chống phá nhà nước Việt Nam non trẻ. Do vậy, bài báo còn có ý nghĩa cảnh tỉnh cho một số cán bộ đang say sưa với chiến thắng, xao lãng nghĩa vụ với nhân dân, mất cảnh giác với kẻ thù.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở những người phụ trách dân vận khi thực thi nhiệm vụ phải có phong cách "óc nghĩ - mắt trông - tai nghe - chân đi - miệng nói - tay làm". Sáu thành tố này hợp lại và làm thật tốt, chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm về mối quan hệ tốt hơn với nhân dân. Bởi vậy, nếu không làm hoặc làm không đủ các thành tố ấy thì không bao giờ được xem là dân vận khéo!
Suy ngẫm thật kỹ từng câu, từng ý của Người, chúng ta sẽ nhận ra đó chính là cẩm nang vô cùng quý báu dành cho tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Bởi dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, như Bác Hồ căn dặn.
Trở thành việc thường xuyên
Hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục học tập và làm theo quan điểm, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và điều này đã trở thành việc thường xuyên của cả nước.
Việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại phải như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa chỉ đạo mới đây, là học Bác không phải học thuộc lòng, không phải nói trôi chảy cho hay mà phải ngấm vào trong tim, trong óc, trong máu của mình; truyền cho được tình cảm đó vào trong nhân dân, biến thành những việc làm cụ thể, sinh động có lợi cho nước, cho dân, theo đúng lời dạy của Bác.
MAI LỊCH
Theo Nguoilaodong
Cá chết trôi dạt gần 4km bờ biển Hà Tĩnh Khoảng 2 tấn cá trích, cá nóc bị chết trôi dạt vào bờ biển Lộc Hà, Hà Tĩnh đang được cơ quan chức năng lấy mẫu để tìm nguyên nhân. Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn cho biết, tại địa phương này có hiện tượng cá chết dạt vào bờ trải dài khoảng 4km. Cá chết trôi dạt bờ...