Vợ chồng “thảo dân” trồng loài nấm Hoàng đế ăn cực ngon, bán rõ đắt
Ghé thăm trại nấm của chị Nguyễn Thị Hải, thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong một ngày nắng nóng đầu tháng 7, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với giống nấm mới mà chị Hải đang đưa vào trồng. Thoạt nhìn qua thì nó trông như những chiếc ô vươn lên từ mặt đất.
Chị Hải vui vẻ cho biết đây là giống nấm Hoàng đế, nấm này có tên gọi khác là nấm Milky, là loại nấm mới tại tỉnh Quảng Trị, chị cũng là người đầu tiên đưa vào trồng thử nghiệm và đã thành công.
Vốn tính chịu khó và có niềm đam mê nghiên cứu trồng các loại nấm làm thực phẩm sạch, cung cấp cho thị trường, gia đình chị là một trong những hộ trồng nấm với số lượng lớn trong vùng.
Năm 2004, chị Hải bắt đầu bén duyên với nghề trồng nấm. Ban đầu chỉ là một ô trại nhỏ sản xuất nấm sò, đến nay chị đã mở rộng khu trại nấm của gia đình lên 300 m2 và trồng thêm nhiều loại nấm khác như mộc nhĩ, linh chi, và gần đây là nấm Hoàng đế.
Chị Hải bên mô hình trồng nấm hoàng đế của gia đình.
Chị Hải cho biết, mỗi loại giống nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, chọn nguyên liệu và cách ủ nguồn nguyên liệu. Hiện nay mỗi năm gia đình chị trồng từ 40.000 – 50.000 bịch nấm sò, 5.000 bịch nấm mộc nhĩ, 6.000 bịch nấm linh chi, năm 2019 chị đưa vào trồng 2.000 bịch giống nấm hoàng đế.
Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với giống nấm hoàng đế, chị Hải cho biết, tuy gia đình có trại trồng nấm khá lớn trong vùng nhưng đến mùa nắng nóng thì việc sản suất nấm phải giảm số lượng, sản xuất cầm chừng, đôi khi phải tạm nghỉ do nắng nóng kéo dài nấm sò và nấm mộc nhĩ ít ra nên không mang lại hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, chị thấy nấm hoàng đế có dải nhiệt độ và độ ẩm tương đối rộng, có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu tại tỉnh Quảng Trị trong mùa nắng nóng. Chị mạnh dạn liên hệ với trại nấm ở tỉnh Thái Bình, tìm ra học hỏi kinh nghiệm trồng nấm hoàng đế. Với những kiến thức đã học hỏi được, hiện nay chị đã tự sản xuất phôi nấm và thực hiện trồng để cung cấp cho thị trường.
Video đang HOT
Chị Hải cho biết quy trình trồng nấm hoàng đế khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp. “Nguyên liệu chính để làm phôi nấm là mùn cưa, rơm rạ, bông hạt. Bịch nấm được đóng từ 1,2 đến 1,4 kg, cấy giống trong bịch ươm sợi từ 35 đến 40 ngày. Sau khi những sợi nấm đã ăn trắng bề mặt bịch, các bịch nấm sẽ được rạch bịch, tháo bao ni-long bên ngoài…”.
Theo chị Hải, tháo bao ni-long bịch nấm xong xếp bịch nấm vào khay hoặc luống và phủ kín bằng đất sét phơi khô. Kể từ ngày phủ đất khoảng 10 -15 ngày nấm Hoàng đế sẽ ra quả thể. Từ lúc nấm non nhú ra đến lúc thu hoạch kéo dài từ 5 – 10 ngày. Mỗi bịch nấm sẽ cho thu hoạch trong khoảng 2 – 2,5 tháng…
Chị Hải cũng cho biết thêm việc chăm sóc nấm Hoàng đế không quá khó. Trong quá trình trồng không cần phải bón thêm phân hay dùng thuốc hóa học. Quá trình nuôi nấm cần tránh gió lùa và ánh sáng trực tiếp, khi tưới nước thì tưới dạng phun sương, ngày 2 lần, tưới ướt bề mặt. Chị luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày.
Nấm Hoàng đế có kích thước rất lớn, chiều cao tối đa có thể lên đến 20 cm. Thông thường 1 bịch nấm từ 1,2 – 1,4 kg sẽ cho ra thu hoạch khoảng 0,7 – 1 kg nấm tươi. Khi thu hoạch nấm Hoàng đế phải lấy hết chân nấm, thu từng tai nấm trưởng thành, những tai nấm nhỏ để lại thu hoạch sau. Quá thể bị chết và chân nấm cũ phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh gây mốc.
Theo chị Hải trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, thị trường nấm luôn ổn định. Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm chị Hải còn tự sản suất phôi nấm giống, để bán cho các hộ trồng nấm khác.
Chị mong muốn người dân trong vùng sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, cũng như cung cấp các sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Huế – Chủ tich Hội Nông dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời gian qua trên địa bàn xã Vĩnh Thành đã xuất hiện những mô hình làm ăn hiệu quả, trong đó trại nấm chị Hải là một trong những điển hình.
Hiện nay trại nấm của chị Hải không chỉ là nơi sản xuất nấm chất lượng mà còn là cầu nối giúp nông dân trong vùng cùng phát triển kinh tế. Là người kinh doanh nhưng chị Hải luôn sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân đến tham quan, học hỏi môt cách tận tình để giúp nhau phát triển kinh tế.
“Qua đây, tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền cấp trên tiếp tục quan tâm địa phương để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện vốn vay ưu đãi, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nông dân Vĩnh Thành có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu một cách chính đáng”, bà Nguyễn Thị Huế.
Theo Phan Việt Toàn (TT KNQG)
Nông nghiệp Quảng Trị héo hon vì hạn
Hạn hán đến mức khốc liệt đang diễn ra tại Quảng Trị làm người nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh này thực sự... lo lắng.
Hồ thủy lợi La Ngà trơ đáy . Ảnh: Nguyễn Phúc
Dù đã làm rất nhiều biện pháp cấp bách nhưng trước tình hình thời tiết cực đoan, vụ hè thu tại nhiều địa phương đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Hồ thủy lợi trơ đáy, đồng lúa cháy khô!
Những ngày cuối tháng 6, đứng trên bờ đập hồ thủy lợi La Ngà (H.Vĩnh Linh), nhìn ra phía xa thấy hồ chứa chỉ còn một ít nước, trong khi phần đáy ở nhiều vị trí đã trơ ra khô khốc. Đến nỗi cột đo nước của hồ thủy lợi này đã trở nên vô dụng, khi mực nước xuống quá thấp không còn mức nào để... đo. Hỏi những cán bộ ngành nông nghiệp địa phương mới hay, dung tích nước của hồ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp lớn nhất phía bắc tỉnh Quảng Trị này chỉ còn 26,6%, tỷ lệ thấp nhất nhì từ trước đến nay.
Nhưng không chỉ ở La Ngà, mà mực nước ở hầu hết các hồ chứa trên địa bàn Quảng Trị đều giảm mạnh, bình quân chỉ còn 36,8%, trong đó một số hồ rất thấp như Tân Kim 19,9%, Trúc Kinh 27,7%, Ái Tử 34,4%... Thậm chí, trên sông Cánh Hòm mực nước xuống thấp hơn mặt nước biển 0,2 m.
Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hết sức phức tạp. Tại sông Bến Hải, mặn đã xâm nhập vượt xa cầu Tiên An, độ mặn ở đây đo được từ 9,6 - 16,2; trên sông Hiếu xâm nhập mặn đã tác động đến cầu Đuồi, độ mặn đo được từ 0,54 - 1,3...
Với tình hình như trên, sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2019, nhất là với lúa, trên địa bàn Quảng Trị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng lúa tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ diện tích gặp hạn nặng lần lượt là 249 ha, 446 ha và 257 ha... Nhiều cánh đồng đất không nứt nẻ, lúa cháy héo hon. Đứng giữa mảnh ruộng không còn một giọt nước, lão nông ở thôn An Xá (xã Trung Sơn, H.Gio Linh) ngao ngán: "Thời tiết khắc nghiệt như này thì người cũng héo chứ huống chi là đất, là cây". Trong khi đó, ông Trần Mỵ, quyền Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lệ Môn (xã Gio Phong, H.Gio Linh), cho biết địa phương có 120 ha lúa nhưng có 5 ha mất trắng do hạn, nhiều diện tích còn lại năng suất bị ảnh hưởng rất lớn vì thiếu nước.
Những cánh đồng lúa nứt nẻ
Ông Lê Văn Ty, Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Vĩnh Linh, cho hay mực nước tại đập Kinh Môn đang xuống còn 35%, dự kiến sẽ chỉ đủ tưới thêm được 2 lượt cho 800 ha lúa trên địa bàn. Xí nghiệp cũng đã huy động toàn bộ trạm bơm để vét nước nhưng hệ thống kênh ngòi đã khô cạn hết nên rất khó khăn. Ông Ty lo lắng toàn bộ diện tích lúa được gieo từ ngày 20.5 đến nay đang bị khô hạn, nếu tình trạng này kéo dài thì 600 ha lúa trên địa bàn sẽ bị mất trắng...
Khẩn cấp ứng phó
Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, khắc phục tình trạng thiếu nước và cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, tỉnh Quảng Trị đã huy động mọi nguồn lực thực hiện các giải pháp: đắp đập tạm để trữ và dâng cao mực nước bơm tưới cho lúa; đắp các đập ngăn mặn; điều tiết nguồn nước từ các hồ; nạo vét một số đoạn trên sông, kênh mương thủy lợi; lắp đặt các trạm bơm dã chiến... Đồng thời chuyển đổi sang các giống cây ngắn ngày như: lạc, đậu xanh, dưa hấu, dừa xiêm, mướp đắng... Một số mô hình đã có hiệu quả bước đầu như mô hình chuyển đổi 6 ha trồng lúa sang trồng dưa ở thôn Lễ Môn (xã Gio Phong), cho thu nhập 4 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, như lời của bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, khi thời tiết quá khắc nghiệt, nhiều nỗ lực chuyển đổi cây trồng, áp dụng kỹ thuật cũng... chào thua. "Ví như cây đậu xanh trồng chuyển đổi ở H.Đakrông thuộc cây chịu hạn cực tốt, nhưng vẫn không sống nổi với nắng gió kiểu này", bà Phương nói.
Trong khi đó, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết trước tình trạng hạn hán xảy ra và kéo dài trên diện rộng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương và công ty khai thác công trình thủy lợi cấp nước tiết kiệm, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trước mắt cho người dân và sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huy động toàn bộ nguồn lực, người dân và xã hội tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét các kênh mương, cửa sông để tích tụ nước; thực hiện lắp đặt các trạm bơm dã chiến phục vụ tưới tiêu với quyết tâm cứu diện tích lúa đã gieo sạ... "Địa phương cũng cố gắng hết sức rồi nên rất mong sự quan tâm đến các cấp các ngành T.Ư, Chính phủ, hỗ trợ ngân sách xây dựng một số công trình ngăn mặn cũng như nạo vét các hồ đập, thủy lợi trên địa bàn để phục vụ sản xuất sinh hoạt, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo cuộc sống cho nhân dân", ông Đồng cho hay.
Theo Thanhnien
Cất bằng kỹ sư công nghệ thông tin, về núi trồng nấm thành tỷ phú Từng tốt nghiệp khoa CNTT của ĐH Bách Khoa nhưng cơ duyên lại đưa anh Bùi Văn Phương ở tiểu khu 4 (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đến với nghề trồng nấm. Sau 5 năm nỗ lực, hiện tại anh Phương đang làm chủ của 4 cơ sở sản xuất nấm, thu về gần 1 tỷ đồng tiền...