Vợ chồng sống dưới gầm cầu ở Sài Gòn dành tiền nuôi con
Để có thêm tiền gửi về quê nuôi ba đứa con, thay vì ở trọ thì vợ chồng ông Ta (quê Đồng Tháp) lại sống gầm cầu hơn một năm nay, làm phụ hồ mưu sinh.
Suốt hơn một năm nay, ông Nguyễn Văn Ta (48 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng vợ và em ruột dựng chòi sống dưới gầm cầu đang xây dở ở công trình Thủ Thiêm ( quận 2, TP HCM). Họ đều làm công nhân xây dựng ở công trường này.
“Lẽ ra chúng tôi cũng ở lán trại với những công nhân khác. Nhưng vợ chồng mà sống chung với nhiều người vậy bất tiện nên ở bên ngoài cho thoải mái”, ông Ta giải thích và cho biết, họ cũng không dám thuê nhà trọ vì sợ tốn kém.
Ông Ta là người Việt gốc Campuchia, về nước định cư khoảng 14 năm nay. Lúc về lại quê, ông không miếng đất cắm dùi nên hai vợ chồng kéo nhau lên Sài Gòn làm phụ hồ ở các công trình xây dựng, nay đây mai đó.
Hai vợ chồng có 3 người con, lớn nhất 19 tuổi. Cô con gái lớn chỉ học hết lớp 5, từng lên thành phố bán nước. Hiện cả ba đứa con đều ở nhà bà ngoại tại Đồng Tháp.
Hai vợ chồng làm phụ hồ ở công trình ngay gần gầm cầu từ sáng đến tối. “Mỗi tháng, chúng tôi kiếm được hơn 10 triệu đồng và gửi phần lớn số tiền về quê lo cho con ăn học”, ông chia sẻ.
Video đang HOT
Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Thúy (49 tuổi, vợ ông Ta) đều đảm nhận việc cơm nước, giặt giũ. Để có nước sinh hoạt, bà phải đến lán trại xách từng can về xài.
Những khi ít công việc, anh Nguyễn Út Cường (30 tuổi, em ruột ông Ta) tranh thủ quăng lưới ở các vũng nước dưới gầm cầu kiếm mấy con cá cho bữa cơm.
Bữa ăn trưa, ba người thường ngồi ở gò đất bên hông cầu ăn cho mát mẻ. “Hầu như cả nhà chỉ ăn cá, nếu muốn thay đổi món ăn thì phải ra chợ Bình Khánh, cách đó hơn 2 km, nhưng bữa nào làm về sớm mới đi chợ được. Việc tắm rửa, chúng tôi phải chạy lại mấy lán trại gần đó”, bà Thúy nói.
Sau giờ làm, cuộc sống của họ diễn ra tẻ nhạt, chỉ quanh quẩn dưới gầm cầu. Thú vui hiếm hoi là vài bộ phim, video hài do anh Cường tải về điện thoại.
Những công nhân khác ở công trường thỉnh thoảng cũng đến trò chuyện với hai vợ chồng. Ông Ta nói, cả khu Thủ Thiêm này chỉ có duy nhất gia đình ông sống ở gầm cầu nên ai cũng biết.
Khi màn đêm buông xuống, gầm cầu càng trở nên tối om. Không có đèn điện, họ chỉ thắp nến để lấy chút ánh sáng le lói.
Ông Ta thường “giết thời gian” buổi tối bằng ấm trà, điếu thuốc lá, khi nào chán quá thì họ ra cầu Thủ Thiêm hóng gió hoặc uống cà phê. “Ở gầm cầu không sợ nắng mưa nhưng rất nhiều muỗi. Lúc nào tôi cũng phải để sẵn chai dầu xoa vết muỗi đốt. Không có gì làm nên cả nhà đi ngủ sớm lắm”, ông chia sẻ.
“Tôi tủi lắm khi phải sống nhọc nhằn dưới gầm cầu nhưng biết làm sao giờ. Khi nào công trình hoàn tất thì gia đình mới phải chuyển đi. Giờ tôi chỉ mơ có miếng đất ở quê để trồng trọt rồi đi bán vé số kiếm thêm cũng được”, ông tâm sự.
Quỳnh Trần
Theo VNE
TP HCM xây trung tâm hội nghị hình cánh sen ở Thủ Thiêm
Công trình tiếp giáp mặt tiền sông Sài Gòn tạo điểm nhấn quan trọng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm mới của TP HCM.
UBND TP HCM vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Trung tâm hội nghị triển lãm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công trình mang hình "cánh hoa sen" có vị trí tiếp giáp mặt tiền sông Sài Gòn, tạo điểm nhấn kiến trúc tại khu vực trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong đó, mái vòm của khu Trung tâm hội nghị triển lãm được thiết kế đặc biệt, có thể nhìn thấy từ xa (bên phía bờ Tây sông Sài Gòn từ khu trung tâm hiện hữu hoặc trên cầu Thủ Thiêm 1 và 2).
Ngoài ra, các công trình trong khu Trung tâm hội nghị được bố cục tương quan hài hòa, tạo không gian mở dọc sông Sài Gòn kết hợp với các khoảng cây xanh và các mảng trang trí mang nét văn hóa Việt Nam.
Vị trí xây khu phức hợp trung tâm hội nghị triển lãm (màu đỏ) hình cánh hoa sen trong khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: BQL Thủ Thiêm
Theo chính quyền thành phố, trong tương lai, công trình này có thể tiếp nhận và đăng cai tổ chức các hoạt động sự kiện kinh tế - chính trị tầm quốc tế như: APEC, ASEAN Forum, PATA (Hội nghị Hiệp hội Du lịch quốc tế), các sự kiện lớn liên quan đến TPP, AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN), các Hiệp định song phương với Châu Âu...
Được bao quanh bởi sông Sài Gòn, khu đô thị mới Thủ Thiêm với 8 khu chức năng được kỳ vọng sẽ là khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á và trung tâm tài chính, thương mại của khu vực trong tương lai. Tổng dân số cư trú thường xuyên là 145.400 người, 219.200 người làm việc thường xuyên, khách vãng lai là một triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), Văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.700.
Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 657 ha thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm: lõi trung tâm chính, hồ trung tâm, châu thổ phía Nam, khu dân cư phía Đông, Khu phía Bắc Đại lộ Đông - Tây và dọc theo đại lộ vòng cung gắn với khu dân cư phía Bắc.
Trung Sơn
Theo VNE
Thủ Thiêm sẽ là nơi tổ chức duyệt binh có khí tài tại TP HCM Lễ diễu hành, duyệt binh có khí tài, phương tiện tải trọng lớn tại TP HCM trong tương lai sẽ được tổ chức trên đại lộ Vòng Cung - khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa đồng ý đề xuất của Ban Quản lý khu Thủ Thiêm về điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch...