Vợ chồng sinh viên “lục đục” vì bão giá
Những tưởng rằng cưới chỉ dành cho những cặp đôi đã có công ăn việc làm ổn định hay chí ít cũng xong xuôi việc học hành, nhưng thực tế cho thấy một trào lưu đang nở rộ trong cộng đồng sinh viên, đó là vừa lấy chồng vừa đi học.
Những cảnh đời… “cô dâu sinh viên”
“Tùng ơi, bắc cơm đi”, tiếng Hoa từ sau khu vực bể nước vọng ra phía mấy cậu sinh viên. Chàng trai tên Tùng đáp: “Mày bắc đi, tao đang bận”. Ai không biết cứ tưởng họ là bạn nhưng thực ra họ là một cặp “vợ chồng” sinh viên.
Thời gian đầu về sống cùng nhau, đôi bạn trẻ tình cảm lắm, cứ ríu rít suốt ngày, tối lại cùng nhau “ xe đạp ơi” đi dạo phố. Tùng đã từng hùng hồn lập luận: “Ở chung, vừa đỡ tiền nhà, tiền ăn, lại được đầy đủ về mặt tinh thần cho cả hai, vẹn cả đôi đường”.
Nhưng những ngày gần đây, khi “bão giá” đang hoành hành, ai nấy cũng lo ngay ngáy về vấn đề “cơm áo gạo tiền”, thì đôi “vợ chồng trẻ” cũng lo không kém. “Ở trong khu Nhổn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) này, cứ tưởng giá cả không tăng mấy, ai ngờ cái gì cũng leo thang, tiền nhà cũng sắp tăng rồi chứ” – Hoa thở dài nhăn nhó.
Cả hai hiện đều đang là sinh viên năm cuối. “Lấy chồng rùi nhưng vẫn phải “xin viện trợ” từ gia đình. Nhiều lúc cuối tháng hết tiền lại cuống cuồng lên chạy vạy, vay mượn bạn bè, làm thêm…” – “cô vợ sinh viên” giãi bày.
Làm mẹ – làm vợ vẫn tới trường (nguồn ảnh: vietbao)
Hay như Lan, cứ sau mỗi buổi tan trường các bạn trong lớp lại thấy cô bạn vội vã đạp xe tạt qua chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) Bởi vì phải lo “đi chợ, thổi cơm cho ông xã”.
Lan tâm sự do gia đình gặp khó khăn về kinh tế, bố ốm nặng, một mình mẹ làm ruộng nuôi mấy chị em ăn học, số tiền vay ngân hàng không đủ để bạn trang trải cuộc sống. Có người yêu từ hai năm nay, người yêu lại lớn hơn nhiều tuổi và đã đi làm nên gia đình cũng gợi ý việc tổ chức đám cưới luôn khi bạn còn đang học năm hai để chồng chu cấp việc ăn học.
“Từ khi lấy chồng phải lo việc đối nhân xử thế với hai bên họ hàng. Số tiền hai gia đình chu cấp eo hẹp, cuộc sống trở nên chật vật trước những lo toan hàng ngày. Mỗi khi nấu ăn, gạo hết, ga hết, chồng đôi khi lại không tiếc lời cằn nhằn cô là người lười biếng, vô tích sự và những cuộc cãi vã cũng bắt đầu nảy sinh từ đó” – Lan chia sẻ.
Còn Thu cũng đang là sinh viên một trường cao đẳng chấp nhận lên xe hoa khi bạn bè vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường vì may mắn yêu được anh “đại gia” ở cách nhà không xa, vậy là mặc dù mới quen và yêu được mấy tháng nhưng Thu đã vội vàng về nhà chồng vì nơm nớp lo anh đại gia đi lấy người khác.
“Với lại nhà anh ấy có hứa ra trường sẽ xin việc cho mình, gia đình bố mẹ mình nghèo, nên thấy con được trao thân vào một gia đình tử tế. Bên nhà cũng có hứa sẽ không làm ảnh hưởng đến chuyện học hành của mình. Mọi việc cưới xin mọi người lo cả. Mình chỉ về làm cô dâu thôi. Thế là cưới”.- Thu bộc bạch.
Video đang HOT
Và thế là sau khi cưới, các cô lại gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề hơn, vừa làm sinh viên, vừa làm vợ.
“Vợ chồng sinh viên” ngày… “củ ấu thôi tròn”.
“Yêu nhau củ ấu cũng tròn”, cuộc sống khi đang yêu của Tùng và Hoa đầy những ước mơ đẹp đẽ và lãng mạn. Tuy nhiên, về chung sống vợ chồng một thời gian thì những gánh nặng kinh tế, sức ép công việc, học tập khiến điểm yếu của hai bên bắt đầu lộ ra.
Trong khi đó càng tới năm cuối thì cả hai đều cần nhiều tiền hơn cho việc học tập. Nhiều sức ép cũng khiến Hoa hay cằn nhằn hơn. Mỗi lần như vậy, Tùng lại chửi Hoa là loại ăn bám, tiêu quá nhiều tiền của anh mà không biết tiếc. Nhiều lần Hoa còn bị Tùng đánh té tát kêu la thất thanh khiến cả khu trọ phải chạy ra can thiệp.
Còn Lan từ ngày lấy chồng, cô luôn tới lớp muộn. Khi thầy giảng bài thì cô luôn tranh thủ “ngủ bù”. Cô bạn thân gặng hỏi cô mới dám bộc bạch: “Đi học về phải nấu ăn, sáng ra thì phải chuẩn bị bữa sáng cho anh ý, rồi còn học bài, chẳng bao giờ mình dám đi ngủ sớm…”. Rồi cô buông tiếng thở dài: “Giá mình đừng lấy chồng sớm thì chắc đỡ phải lo. Bây giờ tiền đóng học phí mình vẫn phải xin tiền bố mẹ đẻ…”.
Cô buồn rầu tâm sự rằng: “Anh ấy không đưa mình đi chơi như hồi yêu nhau. Thỉnh thoảng lại còn gắt gỏng vì những lý do không đâu…”.
Thu thì chỉ sau khi về nhà chồng được đúng một tháng, người chồng “đại gia” lộ đúng bản chất ham chơi và hám gái. Những cuộc tụ tập nhậu nhẹt suốt ngày, kết thúc bằng màn đi hát karaoke và nhà nghỉ khiến Thu cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, cuộc sống trở nên bức bối.
Bố mẹ chồng cũng tỏ ra coi thường khi cô con dâu không mang được đồng nào về nhà thì chớ, còn phải nuôi thêm khoản học hành tốn kém. Cuộc hôn nhân chóng vánh sau mấy tháng tìm hiểu đã phải trả giá đắt bằng tờ đơn li dị
Đủ đường thua thiệt
Sống trong môi trường xa người thân, thiếu thốn tình cảm, sinh viên bước chân vào tình yêu trong sáng là lẽ thường, nhưng không ít cử nhân tương lai đến với nhau và “sống thử” công khai như cặp vợ chồng. Hay với nhiều nữ sinh viên khác thì lại do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Họ đã vội bước lên xe hoa, trở thành những “cô dâu sinh viên” khi đang dở dang sự học, khiến không ít người xót xa. Nhiều ông bố bà mẹ đã sửng sốt vì kỳ vọng vào sự học của con đã “nửa đường đứt gánh”. Và cái gì tới, sẽ tới…
Cuộc sống vợ chồng thật không còn đẹp đẽ như vẽ ra trong tưởng tượng. Việc làm không ổn định, kinh tế khó khăn, bao mối lo “cơm, áo, gạo, tiền” đè nặng.
Tùng – Hoa dù đã chuẩn bị tinh thần “chấp nhận khổ cực để được sống bên nhau”, nhưng những lo toan cơm áo gạo tiền không ít lần làm lung lay hạnh phúc. Từ khi đôi sinh viên sống thử này chuyển đến xóm trọ, mọi người thường phải chứng kiến cảnh họ chủi bới, đánh đập nhau đều đặn như cơm bữa. Việc học hành của hai người ngày càng sa sút.
Còn Lan , kỳ vừa rồi phải xin bảo lưu kết quả để sinh con. Cô dấm dứt: “Mình chỉ muốn học xong rồi sinh em bé. Thế nhưng mẹ anh ấy cứ muốn có cháu bế. Anh ấy cũng muốn chiều ý mẹ… Có con rồi khiến cho chuyện sách vở trở thành cực hình với mình…”.
Nhìn bạn bè đến giảng đường mà Lan thấy nuối tiếc. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” cho gia đình nhỏ, khiến cô phải vừa học vừa làm, kiếm tiền trang trải việc học tập và giúp chồng lo cho đứa con nhỏ. Cuộc sống gia đình vốn thiếu thốn đủ bề, nay lại thêm đứa con nhỏ, đã biến căn phòng trọ chật hẹp, tổ ấm đơn sơ của đôi vợ chồng này trở thành “lò lửa” của các vụ xích mích, cãi vã: Từ con cái cho đến chuyện cơm nước, giặt giũ – chuyện gì cũng khiến đôi vợ chồng này ra lời kịch liệt
Biết bao cặp “vợ chồng” đã phải chia tay vì nhận ra không hòa hợp, bao cuộc tình đẹp do ảnh hưởng của lối sống gấp, choáng ngợp vì cơ may làm giàu nhanh chóng, đã “đốt cháy giai đoạn”, bỏ dở học hành để lên xe hoa. Không ít người trong số họ sa cơ lỡ bước, chịu cuộc sống cay đắng, chịu bạo hành trong cuộc sống gia đình.
Hiện nay, hiện tượng nữ sinh viên kiêm thêm thiên chức là vợ, là mẹ không còn là chuyện hiếm. Đằng sau cuộc sống của những gia đình quá trẻ ấy là bao nỗi niềm trăn trở…
Theo VietNamNet
Bỏ phố về quê thời bão giá
Khi mới cưới nhau, vợ chồng chị Nguyệt quyết tâm bám trụ Hà Nội dù phải "hy sinh đời bố để củng cố đời con". Nhưng sau 6 năm vất vưởng, sau 3 lần chuyển nhà và vài lần vất vả xin học cho con, anh chị chuẩn bị "hồi hương".
Chị Nguyệt cho biết, trước đây, vợ chồng chị quyết tâm sẽ cố gắng chắt bóp để mua được một ngôi nhà nhỏ ở thủ đô, nhưng đến giờ, giấc mơ đó trở nên quá xa xỉ. Chị làm văn phòng ở một công ty nhà nước, mỗi tháng tổng các khoản được hơn 3 triệu đồng. Chồng chị là kỹ sư phần mềm, lương khoảng gần chục triệu. Mới có một con nhỏ nhưng hầu như làm được bao nhiêu anh chị chi tiêu hết bấy nhiêu, nhất là khi giá cả mọi thứ đều tăng cao như từ cuối năm ngoái tới giờ.
May mắn là anh chị không phải mất tiền thuê nhà, vì mượn được một căn hộ cấp 4 của một người bà con. Đầu năm nay, gia đình họ ở Sài Gòn về và nói sẽ sửa sang lại nhà để ở. Vợ chồng chị Nguyệt buộc phải đi tìm nhà thuê. "Nhà gia đình ở được ít cũng phải 2-3 triệu, vợ chồng mình nghĩ mà nản. Giờ muốn sinh thêm đứa thứ hai cũng không dám vì thêm con là thêm đủ thứ chi phí", chị than thở.
Sau nhiều lần bàn tính, cuối cùng, vợ chồng chị Nguyệt quyết định hai mẹ con chị sẽ khăn gói về quê chồng ở Hải Dương còn anh tiếp tục "cày" ở Hà Nội thêm vài năm nữa, thêm chút vốn rồi về tỉnh làm ăn. Để tiết kiệm chi phí, anh dọn sang ở với cậu em đang học năm cuối đại học, tháng sẽ về quê thăm vợ con đôi lần.
"Về quê thì có ông bà trông con giúp, hơn nữa, có sẵn mảnh đất ông cha lúc nào làm nhà thì làm. Mình cũng quá mệt mỏi với cuộc sống không biết tương lai ở Hà Nội rồi" chị Nguyệt chia sẻ.
Nhiều gia đình tính kế về quê sau nhiều năm bon chen vất vả tại Hà Nội. Ảnh chỉ mang tính minh họa: MT.
Cũng từng quyết tâm "làm giàu" ở đất thủ đô, nhưng hai tháng trước, Thu (Bắc Ninh) đã quyết định về quê làm ăn. Cách đây 6 năm, Thu ra Hà Nội theo học nghề làm tóc, trang điểm rồi đi làm thuê cho vài cửa hàng để chắt chiu vốn và học hỏi thêm. Sau đó, cô thuê một gian hàng nhỏ trên phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) để mở tiệm cắt tóc gội đầu. Từ đó đến nay, Thu đã phải chuyển cửa hàng 3 lần khi thì vì tăng giá quá cao, lúc vì chủ nhà gây khó dễ hay bị dân xã hội đen quậy phá...
Cũng có lúc việc kiếm tiền khá dễ dàng nhưng nhiều khi Thu mệt mỏi vì cảnh phải một mình vật lộn mưu sinh nơi đô thị bon chen. Thời gian gần đây, cửa hàng ế ẩm phần vì không phải mùa vụ làm đẹp, phần vì bão giá, chị em cũng thắt lưng buộc bụng nên ít chi tiêu cho nhu cầu bản thân hơn, Thu càng nản. Gần đây, chủ nhà lại tăng giá, trong khi mọi chi phí đắt đỏ, Thu quyết định chuyển về quê mở cửa hàng.
"Bây giờ ở quê cũng văn minh hơn, nhiều người có nhu cầu làm đẹp. Về quê thì chắc chắn không kiếm được nhiều bằng ngoài này, nhưng mình sẽ không mất chi phí thuê cửa hàng vì làm ngay tại nhà, ăn uống cùng bố mẹ và quan trọng nhất là không phải lúc nào cũng đau đầu, mệt mỏi vì cảnh tha hương một mình", cô gái 27 tuổi thổ lộ.
Trước tình trạng giá cả leo thang, giá bất động sản dù giảm cũng cao ngất ngưởng, để mua được nhà riêng ở thủ đô là giấc mơ xa vời đối với đại đa số dân tỉnh lẻ lên phố mưu sinh. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người đã chọn con đường trở lại quê hương. Một số người có quê gần Hà Nội thì chấp nhận đi lại vất vả hơn, sáng vào thành phố, tối về quê với gia đình, bù lại, con cái có thể nhờ người chăm sóc, lại giảm chi phí thuê nhà, và không phải lo chật vật mua chỗ ở.
Trường hợp của vợ chồng anh Đình (Phúc Thọ, Hà Nội) là một điển hình.
Chồng làm kiểm toán trong một công ty về tài chính, vợ là giáo viên, dù thu nhập không thấp nhưng anh chị cũng chật vật với cảnh thuê nhà và nuôi hai con nhỏ ở Hà Nội. Vợ chồng anh Đình cùng quê, hai gia đình đều nghèo khó nên không hỗ trợ gì được về kinh tế. Quê cách Hà Nội 30 km, anh chị vẫn phải thuê nhà để tiện làm việc và chăm sóc con cái. Hai người cũng từng lập kế hoạch sẽ phấn đấu mua một căn hộ chung cư ở đây, để sau này con cái đi học không phải lo thuê nhà như mình nữa. Thế nhưng, giá nhà thì ngày càng tăng, lãi suất ngân hàng cũng cao, khiến dự định này mãi không thực hiện được.
Vất vưởng mãi, cuối cùng hai vợ chồng quyết định cả nhà sẽ về quê sống, dù anh chị vẫn làm việc ở Hà Nội. "Thật ra, việc đi lại cũng khá vất vả nhưng đường xá ngày càng thuận tiện nên sẽ đỡ dần. Hai vợ chồng đang phấn đấu vài năm nữa sẽ sắm một con bốn bánh cho đỡ vất vả. Bây giờ cố gắng đủ tiền mua ô tô tránh mưa nắng còn dễ, chứ mua nhà thì quá khó. Hơn nữa, ở quê thì còn nhờ ông bà chăm con giúp chứ ngoài này hai vợ chồng quanh không kịp...", anh Đình kể.
Một khảo sát mới đây của Vnexpress.net với hơn 3.4000 người cho thấy, có tới hơn 1/4 số người được hỏi cho biết, trong thời điểm bão giá hiện nay, họ đã chọn về quê lập nghiệp và thấy cuộc sống ổn hơn.
Cũng có không ít độc giả khẳng định họ rất muốn về quê nhưng lại do dự vì lo tương lai của con cái. "Ở thành phố thì bọn trẻ có điều kiện học hành tốt hơn. Giờ về quê thì tốt cho mình hơn nhưng nghĩ đến việc các con sau này lại lặn lội từ quê lên Hà Nội học, vất vả thuê nhà thì không đành, nên cố cày vậy", anh Thắng (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Giáo sư Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết, những người di cư từ nông thôn lên thành phố mưu sinh cũng được xếp vào nhóm người dễ bị tổn thương, chịu tác động nặng nề trong thời điểm bão giá, nhất là những người vốn không được đào tạo bài bản, không có chuyên môn sâu. Nhóm này thường có mức thu nhập thấp, không đủ để trang trải các chi phí cuộc sống, cơ hội kiếm việc làm thêm, tăng thu nhập cũng không nhiều, nhất là trong tình hình mọi người đều cắt giảm chi tiêu, nhu cầu dịch vụ cho cá nhân... Khi đó, nỗi lo về cơm áo, cộng với áp lực trong việc mua được ngôi nhà ở thành phố, đầu tư cho con cái ăn học... trở nên quá khó với họ.
Theo ông, trong hoàn cảnh này, việc trở về quê có lẽ giúp họ tổ chức cuộc sống dễ hơn vì ở ở nhiều vùng nông thôn hiện nay cơ hội làm việc cũng không nhỏ, hơn nữa, ở đó có thể có được sự hỗ trợ từ phía gia đình, các chi phí cho sinh hoạt, mua nhà đất cũng không "căng" như ở Hà Nội. Thực ra, lý do khiến nhiều người không muốn về quê là do việc tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục... ở các vùng nông thôn còn có sự chênh lệch lớn so với thành phố.
Giáo sư Đào cho rằng, quyết định trở về quê hay bám trụ tại thành phố là lựa chọn của mỗi cá nhân và tùy điều kiện của mỗi người. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, bạn nên cân nhắc một số yếu tố như: Điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường ở vùng quê bạn muốn chuyển về như thế nào, có phù hợp với mong muốn của bạn và gia đình để ổn định cuộc sống lâu dài? Cơ hội để bạn tìm kiếm công việc, phát triển ngành nghề của mình tại địa phương đó? Các mối quan hệ xã hội, gia đình và điều kiện học hành cho con cái khi trở về sẽ như thế nào...?
"Bạn cần phải tính hết những điều này, chứ không chỉ về để giải quyết vấn đề khó khăn kinh tế trước mắt, nếu không, sau đó, bạn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, trong khi con đường quay trở lại thành phố đã hẹp bớt", giáo sư chia sẻ.
Theo VNExpress
Nỗi niềm đôi uyên ương nghèo thời vàng bão giá "Toát mồ hôi" là cảm xúc của hầu hết đôi lứa sắp kết hôn trong những ngày giá vàng tăng như vũ bão. Đặc biệt, với những người kinh tế chật vật như công nhân, lao động phổ thông... lại càng khó khi cưới vào mùa vàng đắt đỏ. Chớp thời cơ vàng đang xuống giá, nhiều đôi uyên ương kéo nhau đi...