Vợ chồng muốn hạnh phúc thì chỉ nên sống… mỗi người một nhà
Ý tưởng ngông cuồng đó không phải của “những người thích đùa” mà ngày nay đã trở thành hiện thực ở nhiều nơi trên thế giới.
Từ hàng chục năm nay, thủ đô Bắc Kinh của Trung quốc đã xuất hiện lối sống “7-2″, tức là vợ chồng chỉ gặp nhau 2 ngày nghỉ cuối tuần, 5 ngày còn lại, hai người ở hai đầu thành phố.
Trương Thành là tổng biên tập một tạp chí về đời sống gia đình và vợ anh là Lý Liên Hoa giáo sư đại học. Họ đều ở độ tuổi 40 và sống riêng từ hơn 5 năm nay. Anh Thành cho biết sống riêng như vậy rất lợi về thời gian vì không mất nhiều thì giờ vào việc nội trợ, đặc biệt với những người làm việc trí óc cần yên tĩnh thì hiệu quả công việc tăng rõ rệt.
Ngày nào cũng “dính” lấy nhau có thể khiến các cặp đôi nhanh nhàm chán. Ảnh minh họa
Theo chị Hoa, khi còn ở chung nhà, anh chị hay tranh cãi những chuyện không đâu, có khi bực mình vô cớ. Bây giờ tuần nào họ cũng có hai ngày đằm thắm yêu đương không khác gì hồi mới cưới. Chị thấy mình có nhiều bạn bè hơn, đời sống tình cảm phong phú hơn và lúc nào cũng cảm thấy yêu chồng hơn.
Cô con gái 11 tuổi sống với chị nhưng vẫn chuyện trò với bố hàng ngày qua điện thoại và “chat”. Từ năm 2000, phương thức sống “7-2″ được nhiều cặp vợ chồng ở Bắc Kinh hưởng ứng, đặc biệt trong tầng lớp nghệ sĩ và giáo viên.
Thủ đô Paris của nước Pháp, hiện có 5,8% số cặp vợ chồng lựa chọn giải pháp không sống chung một nhà. Xa nhất là mỗi người ở một nước. Gần hơn là mỗi người ở một thành phố. Gần hơn nữa là, hai nhà chỉ cách nhau có 50 mét.
Trả lời tạp chí “Paris match”, những cặp vợ chồng đó cho rằng có nhiều lý do thôi thúc họ sống riêng. Đó là vì nhu cầu độc lập bản thân, vì cần có khoảng cách để quyến rũ nhau, vì họ không muốn đánh mất mình. Có thể đặt tên cho kiểu sống này là “Sự lựa chọn của các nghệ sĩ”, vì hầu hết những người sống theo kiểu này là văn nghệ sĩ.
Trường hợp của Michèle Morgan và Gérard Oury là một ví dụ. Từ 37 năm nay họ sống ở hai nơi khác nhau tại Paris. Họ cho rằng, điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì trong thế giới đương đại chẳng vẫn tồn tại nghìn lẻ một lý do để không thể ngủ cùng với nhau tất cả các đêm đó sao?
Video đang HOT
Chính sự xa cách tạm thời này đã thúc đẩy họ năng trò chuyện với nhau hơn. Xa mà gần, gần mà xa là cách nuôi dưỡng những niềm mơ ước. Bởi vì, khi sống chung, ít nhất có một trong hai người cảm thấy gò bó, như là bị buộc phải tiếp tục thực hiện một bản hợp đồng, khi mà người này không còn chịu đựng nổi cách sống của người kia.
Vậy là tạm “chia tay” nhau, nó cho phép mỗi người tìm lại chính mình mà vẫn thông cảm được với người kia. Họ chỉ gặp nhau khi cả hai đồng tình.
Cũng có những người mong muốn làm một cuộc thử nghiệm trước khi dấn thân vào cuộc sống vợ chồng đầy mạo hiểm. Việc thử nghiệm này cũng giống như bài thi trắc nghiệm ở trường học. Hiện có 11% số người sống một mình cho rằng cần phải có một khoảng thời gian ít nhất là 15 tháng thử nghiệm, trước khi họ sống cùng nhau dưới một mái nhà.
Có thể gọi đó là thời gian “tiền hôn nhân”. Giải pháp này đặc biệt được những người đã từng “qua một lần đò” áp dụng, họ thận trọng hơn những người mới “sang sông” lần đầu.
Cũng có một số người tạm sống xa nhau sau một thời gian dài chung sống. Họ cho rằng đó là cách hâm nóng lại tình cảm của họ.
Từ xưa, ông cha ta đã thừa nhận một quy luật của tình cảm là “xa thương gần thường”. Sự xa cách thường tạo nên nỗi nhớ và nỗi nhớ bao giờ cũng đẹp, cũng nên thơ nên nhạc. Những lời ca tha thiết “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, “Trường sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” từ bao lâu nay vẫn rung động lòng người.
Sống tách biệt, thi thoảng hẹn hò nhau là một giải pháp “hâm nóng” tình cảm. Ảnh minh họa
Có người cho rằng ngày nay tình nghĩa vợ chồng không được gắn bó như ngày xưa, bằng chứng là tỷ lệ ly hôn cao hơn ngày trước. Thực ra điều đó có nhiều lý do và một trong những lý do quan trọng là sự xa cách do hoàn cảnh chiến tranh gây ra cũng khiến cho con người luôn nhớ nhung, gắn bó với nhau hơn.
Tuy nhiên, tục ngữ cũng có câu “xa mặt cách lòng”, nếu tình cảm vợ chồng đã phai nhạt thì khoảng cách có khi càng làm cho nó nhạt phai hơn.
Theo nhật ký đàm thoại của một trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình ở Hà Nội, trong số những trường hợp ngoại tình đang gia tăng gần đây, có một tỷ lệ không nhỏ là những gia đình đã có hàng chục năm chung sống ấm êm chung thuỷ, bỗng trở thành dối trá, ăn ở hai lòng từ khi họ có hai, ba ngôi nhà và vợ chồng mỗi người ở một nơi.
Cho nên đến nay chưa thể biết được lối sống vợ chồng ở mỗi người một nơi trong tương lai có trở thành phổ biến không? Vì ngay cả cặp vợ chồng có lẽ là lãng mạn nhất thế giới như Pierre Arditi và Evelyne Bouix vài ngày lại hẹn hò gặp nhau như hai kẻ tình nhân, mới đây cũng bộc lộ với tờ “Voici”: “Sắp tới chúng tôi lại quyết định sống cùng một nhà. Bởi vì, dần dần chúng tôi nhận ra, thật là lãng phí nếu phải sống xa nhau, cuộc đời ngắn lắm”.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Dân Việt)
Trầm cảm vì thiếu hợp tác
Trầm cảm đôi lúc được diễn tả như tình trạng có một khoảng cách giữa con người thực tế và con người mong đợi. Khoảng cách càng lớn thì nguy cơ trầm cảm càng cao, bởi nó chứa sự thất vọng trong tâm hồn.
Anh Cường là doanh nhân. Hơn 3 năm nay, bị áp lực và căng thẳng vì việc kinh doanh của mình, về nhà anh còn phải lo chiều chuộng chị Diễm, nhất là giai đoạn chị mang bầu và hiện con vẫn còn rất nhỏ. Anh Cường có quá nhiều tâm tư, nhưng không thể nói với vợ; trong khi chị Diễm cũng đành đợi, vì không quen với chuyện không chịu nói của chồng. Cứ thế, sự im lặng chờ người kia hiểu thấu đã đẩy họ đến... tòa.
Ngược với cặp Cường - Diễm, anh Thắng và chị Loan từng đánh nhau vài lần, nhưng vẫn quyết sống với nhau. Suốt gần 5 năm hôn nhân, họ luôn nỗ lực kiềm chế để không gây tổn thương cho nhau. Chuyện cãi vã của họ riết thành quen với hàng xóm, đôi khi vừa mới như không đội trời chung lúc khuya thì đến sáng đã thấy vợ chồng quấn quýt tiễn nhau đi làm.
Chị Loan lắm lúc muốn vợ chồng nói chuyện hòa bình, nhưng chỉ cần có chuyện thì từ ngữ như tự động phát ra từ miệng anh Thắng: "Tao đập mày chết", khiến chị "hăng tiết", sau đó là đồ đạc đổ bể. Cho đến tuần trước, anh Thắng phát hiện trong bóp của vợ có gần trăm viên thuốc ngủ.
Bà Sally Connolly, một chuyên gia có trên 30 năm trị liệu cho các cặp đôi cho biết: sự mâu thuẫn của vợ chồng, sự cô đơn hay cảm giác xa cách luôn có khả năng dẫn đến trầm cảm. Bà cũng chỉ ra, khi một bên không chịu hợp tác với bên kia để điều chỉnh mô hình hôn nhân, tình trạng trầm cảm sẽ tiếp tục.
Gặp chuyên gia, anh Thắng kể: "Vợ tôi là người than phiền chứ không phải tôi, nên cô ấy mới cần được trợ giúp. Tôi có thể có vấn đề dưới mắt vợ, nhưng tôi thấy ổn, chỉ cần cô ấy cư xử cho đúng là một người vợ". Yêu cầu của anh Thắng càng khiến chị Loan thêm bế tắc, bởi chị thấy mình đang hành xử như một phụ nữ hiện đại, ngang hàng với chồng và không thể "hạ mình làm một người vợ như chồng tôi muốn". Hay như khi chị Diễm đề cập ở trên, không thể trở thành người "gợi cho chồng nói về khó khăn của ảnh, bởi anh ham làm ăn quá, chứ tôi đâu có nhu cầu gì nhiều. Tôi cần anh ấy hiểu mình, nhưng thứ ảnh mang về chỉ có tiền thôi. Giờ tiền kiếm không ra nữa nên đổ bể hết".
Cả hai cặp dường như là điển hình cho nhiều đôi khác. Các vấn đề lẽ ra được cải thiện, nhưng cả hai lại thiếu động tác cùng tiến hành việc cải thiện với nhau, hướng đến mục tiêu chung. Chúng ta sống với quá nhiều định kiến trong đầu - những niềm tin hình thành từ khi còn thơ bé. Có điều, ta không biết các niềm tin đó sai lầm thế nào.
Ảnh minh họa
Trầm cảm hoàn toàn có thể nảy sinh từ các trục trặc trong đời sống hôn nhân. Nghiên cứu cho thấy, một khi các vấn đề hôn nhân không được cải thiện, tình trạng và mức độ trầm cảm của một hoặc cả hai người sẽ không thể chuyển biến tích cực. Trầm cảm đôi lúc được diễn tả như tình trạng có một khoảng cách giữa con người thực tế và con người mong đợi. Khoảng cách càng lớn thì nguy cơ trầm cảm càng cao, bởi nó chứa sự thất vọng trong tâm hồn.
Thật ra, nếu các đôi vẫn còn thương, đồng lòng muốn "cứu" hôn nhân thì vẫn còn cách, chẳng hạn:
1. Cùng nhau học hỏi để hiểu biết về đời sống hôn nhân cũng như các nguy cơ và kiến thức về sức khỏe tâm thần nói chung hay trầm cảm nói riêng.
2. Cải thiện các kỹ năng giao tiếp tích cực và hòa bình. Kỹ năng có thể tập luyện được, nhưng điều gây khó khăn cho các đôi và thái độ đối với việc bàn luận với nhau về các vấn đề của cuộc sống hôn nhân. Có những người tin rằng, chỉ nên nói chuyện vui thôi, còn những căng thẳng hay lo lắng, buồn chán thì không nên nói cho người kia biết, vì "chuyện đó mà mình không giải quyết được thì còn ra gì nữa". Tư duy đó không đúng. Một mối quan hệ an toàn và tin tưởng là có thể nói với nhau mọi thứ tốt xấu. Về kỹ thuật thì đương nhiên là phải hòa bình, không gây hấn hay khiêu khích và không làm tổn thương nhau.
3. Bàn bạc với nhau về các cảm giác hay dấu hiệu trầm cảm cùng những hệ lụy của nó trên người còn lại và trên các mối quan hệ xã hội khác, kể cả các khả năng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc. Sau đó lên kế hoạch điều chỉnh và kiên trì giúp đỡ nhau.
4. Tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tư vấn và trị liệu. Cần mạnh dạn bày tỏ vấn đề của mình và xác nhận mình đang gặp khó khăn. Mọi chuyện sẽ được giải quyết và trở nên tốt hơn.
Ngô Minh Uy
Theo phunuonline.com.vn
9 dấu hiệu bạn đời đã không còn tôn trọng bạn Liệu bạn có nhận ra người bạn đời cạnh bên đã không còn tôn trọng bạn từ rất lâu? Nếu chưa từng nghĩ qua, hãy xem liệu người ấy từng có 9 dấu hiệu này không?1. Họ không còn lắng nghe bạn nói Giữa vợ chồng phải có sự giao tiếp nhất định, để duy trì và bắt kịp nhau trong đời sống...