Vợ chồng hơn thua nhau làm chi
Hôn nhân là phép tính cộng chứ không phải dạng toán bé, lớn, bằng. Nghèo nàn nhất là khi dựa vào số tiền kiếm được để so sánh sự phát triển của vợ và chồng, bởi đâu ai cưới nhau để thi tài kiếm tiền.
“Tui già tui xấu vì đâu, chắc cha con anh hiểu hơn ai hết mà. Nếu tui chỉ suốt ngày lo chưng diện thì sẽ thành gái xuân phơi phới, nhưng cái nhà này chắc ăn trấu thay cơm”. Biết mình quá lời, chị Hoàng Oanh ngừng lại, liếc sang phía bếp, thấy chồng vẫn điềm nhiên băm tỏi, chiên cá.
Chị đổ quạu chỉ vì một lý do lãng nhách: một nhân viên giao hàng gọi chị bằng cô, nhưng lại gọi anh bằng… anh. Bé út mượn cớ ghẹo chị, anh ăn theo, châm vào vài câu hài hước để “dìm hàng” vợ. Không ngờ, với bao suy diễn nhạy cảm, tự ái, ghen tuông, chị trách mắng chồng con như rơm ủ dưới nắng phụt cháy.
Ảnh minh họa
Vợ khôn, chồng sốc óc
Cơn giận đã nguôi, nhưng buồn vẫn buồn; chị bỏ ăn, vào phòng đóng kín cửa. Chị nghiêm túc ngẫm, vì cái tuổi tiền mãn kinh khó kiểm soát bản thân hay vì áp lực dồn nén khiến chị trở nên dễ tổn thương như thế? Tít tít tít, anh nhắn tin xin lỗi, vì đã đùa vô duyên và nộp “đơn xin vào ngủ”. Mãi một lúc, chị mới chịu mở cửa. Anh bước vào với nụ cười “cầu hòa”, hai tay bưng chén cơm, canh cho chị.
Video đang HOT
Trước nay, chị cắm chân ở một công ty truyền thông, nhưng thu nhập chính là từ nhiều nguồn khác, chủ yếu là những hợp đồng quảng cáo. Chị đi làm suốt, không nấu ăn, không tập thể dục, không rước con, họp phụ huynh, đi đám tiệc… như thể chị sinh ra chỉ để kiếm tiền. Chị hoạch định kế hoạch “khủng”: con vào trường quốc tế, chị sẽ đi học cao học, sẽ mua hai cái nhà mặt tiền nữa… Anh tỉ tê nỉ non mãi, chị vẫn cuốn theo công việc và những mục tiêu của mình.
Một tháng sau khi chị lấy bằng thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh và lên chức phó giám đốc, trùng hợp vụ đấu đá tranh quyền ở công ty anh, anh xin nghỉ, ở nhà nhận báo cáo thuế lai rai để tiện chăm con, “điền vào chỗ trống” của chị. Chị dần lạc lõng ngay trong nhà mình; trong khi mấy cha con rủ nhau đi học kỹ năng sống, đi đánh cầu lông… Chị chê anh thiếu ý chí, không cố mà phấn đấu, chắc ỷ có vợ lo nên lười. Chị bắt anh liệt kê tổng thu nhập trong tháng, rồi đem bảng thu nhập của mình ra để đánh bẹp anh. “Người ta kiếp trước có tu nên lấy được chồng tài giỏi thấy ham, còn tôi đây…” – chị than.
Câu chuyện nhân viên giao hàng gọi mình bằng cô mà gọi chồng mình bằng anh, rồi hình ảnh chồng bưng cơm vào tận phòng khiến chị giật mình, suy nghĩ và quyết tâm thay đổi, bắt đầu từ quan niệm kiếm tiền. Chị bỏ bớt một số hợp đồng mới, thường xuyên ăn cơm nhà và cùng chồng con tập thể dục. Tình hình chuyển biến chưa nhiều, nhưng gia đình chị vui hơn, chị tươi trẻ hơn, hòa nhập vào… nhà mình hơn.
Tiến nhanh mà chẳng… đứt đuôi
Hôn nhân là phép tính cộng chứ không phải dạng toán bé, lớn, bằng. Nghèo nàn nhất là khi dựa vào số tiền kiếm được để so sánh sự phát triển của vợ và chồng, bởi đâu ai cưới nhau để thi tài kiếm tiền. Với từng người, mức độ thành công cũng khó so, vì tiêu chí đánh giá cũng phong phú như trái cam nhiều múi: múi tài chính, múi địa vị, tri thức, múi quan hệ, bước tiến trong đam mê, năng khiếu… Múi thật to, mọng nước mà chỉ được một múi thì trái cam coi như… dị tật.
Ảnh minh họa
Quen bạn trai ở một chương trình đào tạo ca sĩ, do tuổi trẻ bồng bột, mang thai trước, “bác sĩ bắt cưới”, L.H. ở nhà ôm con trong khi bạn bè tung hoành sân khấu này phòng trà kia. Mới ra nghề, chưa tên tuổi, chồng L.H. phải “cày” nhiều nghề để nuôi vợ con. Tuy vậy, L.H. mau quên. Khi con cứng cáp, cô đi hát và nhanh chóng chớp được thời cơ, nổi lên.
Cậy vào nhan sắc, L.H. ngả ngớn với các anh đạo diễn để được nhận vai đóng phim. Sô ca hát, đóng phim, quảng cáo tới tấp, L.H. sáng chói trong nghề mà chồng vẫn miệt mài với sô đám cưới, đám ma, thù lao chỉ gọi là “chi phí xăng cộ”. L.H. liên tục đăng lên trang cá nhân hình ảnh các chương trình biểu diễn hoành tráng, ảnh chụp cùng người nổi tiếng. Càng thành công trong nghề, L.H. càng khinh thường chồng. Có lần người khác hỏi về ông xã, L.H. nói dối chồng mình là… chủ doanh nghiệp.
L.H. mê tiền, mê danh, nên đi suốt, giao con cho chồng, xem chồng không hơn một Ô-sin. Khi về nhà, cô cũng ôm điện thoại tám chuyện với ngôi sao này, thần tượng nọ. Vợ chồng nhiều phen gây gổ, thậm chí xô xát, không hẳn vì chồng L.H. ghen mà vì chướng mắt. “Anh không đáng mặt nói chuyện với con nhỏ này. Anh đã làm gì được cho tui chưa mà có quyền bó buộc? Hay anh ganh tỵ với tài năng và sự nổi tiếng? Chồng người ta đỉnh cao sáng chói, chồng mình kể tới tên mà thêm nhục” – L.H. thường gào lên như thế những khi về khuya say khướt, chồng ra mở cửa, hạch hỏi. Cuộc tình của đôi thanh mai trúc mã kéo dài được 4 năm thì tan vỡ. L.H. cặp ngay với một bầu sô đã có vợ, rồi cũng bị chán chê, thất sủng; còn chồng cũ vẫn đêm đêm hát đám ma, đám cưới, kiếm tiền nuôi con.
Có không ít phụ nữ cố sức vươn đến đỉnh cao danh lợi. Họ vay mượn, ứng trước từ tương lai và “thế chấp” bằng những thứ vô giá… Đó không coi là tiến bộ mà là một sự đánh đổi: đánh đổi sức khỏe, nhan sắc, thanh xuân, mối quan hệ… Điều đó mang cho người ta cảm giác nuối tiếc, ân hận và bất hạnh. Nếu phải trả giá bằng hạnh phúc gia đình thì quả là bi kịch.
“Chồng khôn vợ được đi hài/ Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông”. Tùy khả năng, mong muốn, nỗ lực và vận may mà mỗi người tiến nhanh hay chậm hay lùi. Miệng đời vẫn gièm pha vợ giỏi giang, lanh lợi còn chồng ù lì, giậm chân tại chỗ; kèm theo cảnh báo về nguy cơ đứt đuôi “toa xe lửa đồng tiến”. Cảnh báo tình yêu và hôn nhân ít nhiều xộc xệch, long ốc, rã keo. Làm sao để tránh?
“Em ơi chầm chậm chờ anh với” hay chẳng cần chờ chi hết, miễn bài toán gia đình được sắp xếp, thỏa thuận ổn thỏa, chu toàn cho con cái. Dù vợ có học tới tiến sĩ, làm lương trăm triệu, chồng chí thú với nghề sửa máy lạnh hay buôn bán lẻ mà tôn trọng nhau, nói lời hòa nhã, trong ấm ngoài êm, trách nhiệm với con cái thì vẫn sẽ “anh với em như một cặp vần”. Không ai chắc được niềm vui của người vợ khi nhận được chục triệu đồng chồng đưa sẽ hơn vị ngọt ngào của món dưa hấu la-sét chồng chăm chút cho bữa ăn tối.
Tô Diệu Hiền
Theo phunuonline.com.vn
Bạn trai không chịu học lên cao dù trình độ thấp hơn tôi
Tôi muốn anh học để có thu nhập cao hơn, ổn định cuộc sống và để vợ chồng không chênh lệch.
Tôi 25 tuổi, ngoại hình dễ nhìn, tốt nghiệp đại học và đang làm cho một công ty tư nhân với mức lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Tôi muốn quen người có học thức nhưng hiện tại lại quen người không học hành tử tế, anh hiện làm nhân viên giao hàng cho một công ty vận chuyện lớn. Anh cao ráo, nhìn sáng sủa, quan tâm và đối xử với tôi rất tốt, có điều anh chỉ học hết cấp. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh đi làm sớm. Ở bên anh, tôi luôn thấy thoải mái và vui bởi anh biết cách làm cho tôi cười. Chỉ có điều, thi thoảng nghĩ về chuyện bằng cấp, tôi lại lăn tăn. Trước giờ tôi luôn nghĩ sẽ quen người có trình độ bằng hoặc hơn mình, vì thế khi sau một thời gian yêu anh, tôi cũng đề cập chuyện này, muốn anh học lên để tìm việc tốt hơn, làm giao hàng mãi sao được.
Ảnh minh họa.
Nếu chúng tôi cưới nhau, kinh tế sẽ khó khăn khi anh vẫn tiếp tục công việc cũ. Tôi không có ý chê bai công việc của anh, chỉ là muốn anh học để có thu nhập cao hơn, ổn định cuộc sống và để vợ chồng không chênh lệch trình độ thôi. Anh bảo giờ đi làm về muộn rất mệt, cũng chẳng còn thời gian và sức khỏe mà đi học nữa, cứ từ từ để anh tính xem sao. Vậy mà yêu nhau 2 năm rồi tôi vẫn chưa thấy anh có ý định đi học. Tôi phải làm sao đây, nếu cứ suy nghĩ vấn đề này tôi sợ sớm muộn cũng ảnh hưởng đến tình cảm dành cho anh. Mong các bạn tư vấn.
Thu
Theo ngoisao.net
Trớ trêu chuyện con dâu tặng "ba con sâu" có gai cho... mẹ chồng Chiều ý cả nhà, bà Hạnh vui mừng bóc hộp quà nhưng khi chiếc hộp được mở ra, mặt bà biến sắc và tắt luôn nụ cười trước đó... Vợ chồng đùn đẩy chuyện mua "áo mưa" Sau khi kết hôn, vì chưa muốn có con ngay nên vợ chồng Thanh - Hằng luôn đau đầu chuyện "kế hoạch". Sau rất nhiều bàn...