Vợ chồng chủ DN Lâm Quyết bị VKS Thái Bình kết luận gian dối điều gì?
Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Thái Bình, vợ chồng chủ doanh nghiệp Lâm Quyết (Thái Bình) bị kết luận nại ra việc Đường Nhuệ chiếm đoạt công ty làm mất giấy tờ trả tiền cho bị hại.
Liên quan đến vụ việc của vợ chồng chủ doanh nghiệp Lâm Quyết (TP.Thái Bình), người từng bị Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ, SN 1971, TP.Thái Bình, bị can của 3 vụ án mà Công an tỉnh Thái Bình, Công an TP.Thái Bình mới khởi tố) doạ giết, cả 2 bị can này đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn thay vì bị tạm giam trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm.
Ông Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, tên gọi khác là Lâm, TP.Thái Bình) và vợ là bà Phạm Thị Quyết (SN 1967, TP.Thái Bình) bị VKSND tỉnh Thái Bình truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vào năm 2018.
Theo bản cáo trạng được Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình ban hành vào ngày 31/12/2018, trên cơ sở kết quả điều tra xác định, ngày 23/1/2013, ông Lẫm và vợ vay của ông Đỗ Văn Tới (SN 1956) và bà Lê Thị Tuyết (SN 1966), cùng trú số nhà 216 Hùng Vương (TP.Thái Bình) 4 trăm triệu để sản xuất và kinh doanh đồ gỗ.
Hai bên có ký hợp đồng vay vốn, tài sản thế chấp trong hợp đồng là chiếc xe Toyota Camry 2.0E, biển kiểm soát 17K 9966, thời hạn trả gốc là 28/6/2013 âm lịch.
Sau khi được tại ngoại thay vì bị tạm giam, vợ chồng ông Lẫm đã tới trụ sở Công ty của mình trước kia và đau khổ tột cùng khi cơ ngơi khi xưa phút chốc tan hoang, doanh nghiệp phá sản. (Ảnh: VTC)
Nếu quá thời hạn trả nợ gốc một tháng thì ông Tới có quyền mua lại chiếc xe ô tô trên bằng 70% giá thị trường tại thời điểm đó. Theo cáo trạng, vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết cam kết không thế chấp, không bán, cho, tặng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu không được sự thoả thuận của ông Tới trong thời gian vay.
Ngày 20/1/2016, ông bà Lẫm, Quyết tiếp tục đến vay ông Tới 5 trăm triệu, có lập hợp đồng. Thế chấp cho khoản vay này và khoản vay ngày 23/1/2013 vẫn là chiếc xe ô tô Camry trên.
Tới khoảng tháng 4/2017, ông Lẫm, bà Quyết đi xe ô tô Camry trên đến nhà ông Phạm Công Tự và bà Tống Thị Huệ (Vũ Chính, TP.Thái Bình) đề nghị bán chiếc xe trên cho ông bà này để trừ vào khoản vay 8 trăm triệu vay năm 2015 mà không hỏi ý kiến ông Tới.
Cáo trạng thể hiện, tháng 10/2017, nghe tin Công ty TNHH Lâm Quyết (Công ty do ông Lẫm thành lập) phá sản, vợ chồng ông Lẫm bỏ trốn, ông tới gọi điện, nhắn tin đòi tiền. Ông Tự cũng hành động tương tự như ông Tới khi nhắn tin đòi xe.
Quá trình điều tra, ông Lẫm, bà Quyết khai đối với khoản vay của ông Tới đã được trả hết cả gốc và lãi, đến nay không còn nợ khoản nào.
Việc thanh toán được trả tại Công ty TNHH Lâm Quyết, không có ai chứng kiến, khi nhận tiền ông Tới viết giấy biên nhận thể hiện đã nhận toàn bộ tiền gốc và hợp đồng vay vốn không còn giá trị.
Video đang HOT
Giấy biên nhận đã mất do Đường Nhuệ chiếm công ty vào ngày 3/10/2017.
Công ty TNHH Lâm Quyết thời điểm khi chưa bị Đường Nhuệ và đồng bọn chiếm giữ công ty. (Hình ảnh do con trai ông Lẫm cung cấp cho Dân Việt. Trước thời điểm bố mẹ anh này được tại ngoại, anh đã gửi nhiều đơn kêu cứu và tố cáo đích danh những người được cho có liên quan đến vụ án của gia đình anh )
Cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Bình vào năm 2018 kết luận, năm 2013 và năm 2016, ông Lẫm, bà Quyết vay số tiền 9 trăm triệu đồng của ông Tới, hợp đồng có thế chấp tài sản là chiếc ô tô ở trên, cam kết không thế chấp, không bán…
Ngày 12/4/2017, khi chưa trả nợ số tiền nêu trên cho ông Tới, ông Lẫm, bà Quyết đem chiếc xe đã thế chấp vay tiền trên bán cho ông Tự mà không được sự đồng ý của ông Tới, nhưng vẫn nói dối ông Tới là chưa bán xe.
Đáng chú ý, theo cáo trạng, vợ chồng ông bà Lẫm, Quyết đã gian dối, nại ra lý do anh Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt Công ty TNHH Lâm Quyết làm mất giấy biên nhận đã trả tiền cho ông Tới để chiếm đoạt số tiền 9 trăm triệu đồng.
Trong cáo trạng của vụ án này, bản kết luận xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm số 12 ngày 29/3/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái bình kết luận nhiều nội dung, trong đó có nội dung: Không có căn cứ xác định anh Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết cũng là một trong các căn cứ để VKSND tỉnh Thái Bình kết luận, truy tố vợ chồng ông bà Lẫm, Quyết ra toà.
Trong bản án sơ thẩm của Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình, nội dung này cũng được nhắc lại một lần nữa.
Khi Đường Nhuệ và đồng bọn rời đi, Công ty của gia đình nạn nhân Lẫm, Quyết trở nên hoang tàn.
Toà nhận định việc các bị cáo cho rằng giấy biên nhận tiền của ông Đỗ Văn Tới đã bị mất do Đường Nhuệ chiếm đóng Công ty TNHH Lâm Quyết từ ngày 3/10/2017, song qua các tài liệu có trong hồ sơ cũng như kết quả giải quyết tin báo tội phạm của Công an TP.Thái Bình, không có căn cứ xác định Đường Nhuệ lấy giấy biên nhận tiền của các bị cáo, do đó việc các bị cáo khai bị mất giấy biên nhận tiền của ông Tới là không có căn cứ.
“… Chưa trả nhưng gian dối đã trả tiền và nại ra lý do mất giấy biên nhận đã trả tiền cho ông Tới do anh Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt Công ty TNHH Lâm Quyết…” – bản án sơ thẩm kết luận.
Ở phiên sơ thẩm, người bào chữa cho các bị cáo Quyết, Lẫm trình bày, cáo trạng cho rằng các bị cáo có hành vi gian dối, nại ra việc Công ty mất giấy tờ, trốn tránh việc trả nợ cho ông Tới số tiền 9 trăm triệu, để chứng minh có phải 2 bị cáo gian dối hay không thì phải khám nghiệm hiện trường tại Công ty TNHH Lâm Quyết và xác minh hậu quả thiệt hại theo quy định nhưng điều này chưa được thực hiện.
Luật sư bào chữa nhận định đây là việc hết sức quan trọng để xác định có tội hay không có tội, đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, kết quả như chúng ta đã thấy, toà không trả hồ sơ và bản án sơ thẩm đã được tuyên.
Sau án sơ thẩm, 2 bị cáo Lẫm, Quyết kháng cáo và phiên toà phúc thẩm sẽ được mở vào thời gian tới đây. Dư luận xã hội đang rất trông chờ vào một bản án công tâm, đúng người, đúng tội trong vụ án này, tránh để oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm.
Trong thông cáo do Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Văn Điều ký được phát đi thể hiện, về dư luận cho rằng ông Nguyễn Văn Lẫm là Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết, địa chỉ tại xã Vũ Chính, TP.Thái Bình cùng vợ là bà Phạm Thị Quyết từ những người bị hại (bị Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ, đập phá Công ty Lâm Quyết) nhưng sau đó lại trở thành bị cáo:
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình, việc này là không chính xác, bởi lẽ kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm của các ngành chức năng và Toà án Nhân dân tỉnh cho thấy: Ông Lẫm và bà Quyết bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án khác (về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Đỗ Văn Tới, trú tại số nhà 216 đường Hùng Vương, tổ 13, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình. Vụ án này hiện đang được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm do có kháng cáo của ông Lẫm và bà Quyết).
Tố giác của ông Lẫm, bà Quyết và anh Hà (là con trai của ông Lẫm, bà Quyết) đối với Nguyễn Xuân Đường có hành vi chiếm đoạt, đập phá tài sản của Công ty Lâm Quyết hiện đang được Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo xem xét lại hồ sơ vụ việc để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Đường Nhuệ và con nuôi có vai trò gì trong vụ án chủ DN Lâm Quyết?
Ngày 2/5, thông tin mà Dân Việt nắm được, liên quan đến vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" của cặp vợ chồng từng bị Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ, Thái Bình) doạ giết, Toà đã ấn định ngày xét xử phúc thẩm.
Cụ thể, Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Thái Bình), bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình xử phạt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt 14 năm tù; Phạm Thị Quyết (SN 1967, Thái Bình), bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình xử phạt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt 13 năm tù vào năm 2019.
Cả 2 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm.
Phiên phúc thẩm xét kháng cáo của ông Lẫm, bà Quyết sẽ được Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở vào 8h ngày 11/5, tại trụ sở Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình, vụ án được xét xử công khai.
Ở bản án sơ thẩm ngày 12/6/2019, bị hại là ông Đỗ Văn Tới, bà Lê Thị Tuyết.
Đáng chú ý, Đường Nhuệ và con nuôi Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng") cũng xuất hiện trong vụ án này. Theo bản án sơ thẩm, Đường Nhuệ và Tiến "trắng" là người làm chứng trong vụ án mà ông bà Lẫm, Quyết là bị cáo.
Đường Nhuệ và con nuôi xuất hiện với vai trò người làm chứng trong vụ án của nhà Lâm Quyết.
Ngoài Đường Nhuệ và con nuôi, còn có 2 người khác cùng làm chứng trong vụ án này. Tuy nhiên, Đường Nhuệ và Tiến "trắng" vắng mặt tại phiên toà, chỉ có 2 người làm chứng còn lại có mặt là ông Nguyễn Văn Nhàn và ông Nguyễn Bá Ngọc (cả 2 ông ở xã Thái Đô, Thái Thuỵ, Thái Bình).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Phạm Công Tự (TP.Thái Bình), Tống Thị Huệ (TP.Thái Bình), Phạm Văn Mạnh (TP.Thái Bình), Nguyễn Thị Linh (TP.Thái Bình).
Ở lần xét xử sơ thẩm, ông Tự, bà Huệ có đơn xin xét xử vắng mặt. Đường Nhuệ và Tiến "trắng" đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 nhưng vẫn vắng mặt, người bào chữa cho các bị cáo, ông Mạnh đã được thông báo về thời gian, địa điểm tuyên án nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, Hội đồng xét xử tuyên án vắng mặt đối với họ.
Theo bản án của Hội đồng xét xử sơ thẩm, kết luận bị cáo Lẫm, Quyết vay của ông Tới, bà Tuyết số tiền 9 trăm triệu đồng thông qua 2 hợp đồng vay vốn. Khi chưa trả số tiền vay trên, các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối để không trả nợ bằng cách bán tài sản thế chấp nhưng nói dối là chưa bán, chưa trả nhưng gian dối đã trả tiền và nại ra lý do mấy giấy biên nhận đã trả tiền cho ông Tới do Đường Nhuệ chiếm đoạt công ty, khi ông Tới yêu cầu giao tài sản thế chấp thì có hành vi tẩu tán tài sản thế chấp nhằm chiếm đoạt số tiền trên.
Hành vi của bị cáo Lẫm, Quyết đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.
2 vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết bật khóc khi về thăm lại công ty sau khi được tại ngoại. (Ảnh: VTC)
Tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo theo toà sơ thẩm là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, xâm phạm đến trật tự và an toàn xã hội.
Các bị cáo vay tiền của bị hại, chưa trả nhưng đưa ra các lý do gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền 9 trăm triệu đồng. Toà sơ thẩm xác định đây là vụ án đồng phạm giản đơn, hai bị cáo thống nhất ý chí thực hiện tội phạm, cùng thực hành, tuy nhiên bị cáo Lẫm thực hiện hành vi tích cực hơn, là người nhắn tin nói dối ông Tới về việc xe ô tô không bán cho người khác.
Hành vi mang xe ô tô đi gửi, tháo biển số xe để tránh bị phát hiện, do đó bị cáo Lẫm là người giữ vai trò thứ nhất.
Bị cáo Quyết là người giúp sức, cùng ký vào giấy bán xe ô tô cho ông Tự, cùng gian dối việc đã thanh toán tiền, cùng nại ra lý do mất giấy biên nhận tiền của ông Tới để chiếm đoạt số tiền vay trên nên có vai trò thứ 2.
Vừa qua, cả 2 người này đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn, họ được tại ngoại thay vì bị tạm giam trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm.
Dân Việt tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này.
Những ngày sợ hãi của vợ chồng giám đốc bị Đường Dương dọa giết Ông Lẫm, bà Quyết đã trải qua những ngày sợ hãi, không dám về nhà khi bị Đường "Nhuệ" đăng ảnh lên facebook, treo thưởng 1 tỷ đồng nếu ai tìm thấy ông bà. Theo VTC News, trưa 29/4, đại diện TAND Cấp cao tại Hà Nội trực tiếp về Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình thực hiện các thủ tục...