Vỏ bọc đại gia, quý cô hàng hiệu của những siêu lừa
Khoác lên người trang sức rởm, tạo vỏ bọc quý cô sành điệu, nhiều kẻ lừa đảo đã dụ người có tiền vào bẫy.
Nguyễn Chính Nghĩa, 28 tuổi, trú quận Ba Đình (Hà Nội) có gia cảnh bình thường nhưng lại chỉ thích vào quán bar, vũ trường ăn chơi. Cuối tháng 10/2009, đi qua một gara ôtô tại quận Hai Bà Trưng, Nghĩa thấy một chiếc Lexus mới coóng chưa có biển kiểm soát được chủ xe mang đến để sắm đồ nội thất nên lân la làm quen với anh Khánh, chủ xe.
Biết tâm lý chủ nhân của những chiếc xe sang sẽ muốn có biển số đẹp, Nghĩa khoe khéo rằng mẹ mình đang làm việc trong một cơ quan trọng yếu nên quen biết nhiều, trong đó có cả đơn vị cấp biển số. Gia đình Nghĩa thích biển số nào là có ngay biển số đó.
Thấy Nghĩa ăn mặc sành điệu ra dáng dân chơi, anh Khánh tin là con “VIP”, nhờ vả lo giúp “biển số đẹp” với giá thỏa thuận là 7.500 USD.
Các thiếu gia, đại gia rởm lừa đảo bị cơ quan công an bắt giữ.
Sau đó Nghĩa gọi điện cho anh Khánh thông báo đã lo được biển số đẹp như ý và hẹn đến uống cà phê tại một khách sạn 5 sao trên phố Lý Thường Kiệt để bàn bạc. Trước khi đi, Nghĩa dặn anh Khánh mua một chai rượu ngoại và 2 chiếc điện thoại di động đời mới nhất lúc đó để làm quà “cảm ơn” người cấp biển số. Khi anh Khánh mang số quà tới, Nghĩa lấy lý do đã muộn, để mình nhận chuyển quà giúp vì đến nhà riêng lúc này không tiện. Sau đó, Nghĩa rủ anh Khánh đi ăn tối rồi khéo léo hỏi vay 2.500 USD.
Một tuần sau, Nghĩa giục anh Khánh đưa nốt 5.000 USD để dẫn đi lấy biển. Nghĩa còn bắt anh này mua thêm 2 lạng cao hổ cốt để làm quà biếu “cảm ơn”. Sau khi đã nẫng đủ tiền và quà của chủ nhân xe sang, Nghĩa tắt điện thoại ,”lặn” mất.
Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bắt giữ thiếu gia rởm này khi đang ăn chơi trong một vũ trường. Nghĩa bị tòa xử 24 tháng cải tạo không giam giữ.
Bẵng đi một thời gian, năm 2014, Nghĩa lại “tái xuất giang hồ”. Để hành nghề, Nghĩa ra chợ trời sắm dây chuyền, lắc tay mỹ ký vàng chóe, một tập đôla âm phủ và bắt đầu các phi vụ lừa đảo nhằm vào cánh lái xe taxi. Nghĩa chọn thời điểm nhập nhoạng tối, gọi điện thoại tới các tổng đài yêu cầu đón anh ta.
Mỗi khi lên xe, Nghĩa khoe có bố mẹ là “VIP”, đầu tư tiền cho anh ta mở quán bar Luxury ở quận Tây Hồ mới bị hỏa hoạn nên tạm thời phải chuyển sang kinh doanh chuỗi cửa hiệu cầm đồ. Nhìn cách ăn mặc sành điệu, kèm theo dây chuyền to tướng như dân “anh chị”, chốc lát lại rút tập đôla trong túi quần ra đập bôm bốp vào đùi nên các bác tài đa phần từ nơi khác ra Hà Nội lập nghiệp đều “lác mắt”. Nghĩa sau đó dễ dàng bảo họ chở đi lòng vòng để thu nợ.
Xe chạy qua khu biệt thự Mỹ Đình, Nghĩa chỉ đại vào một căn hoành tráng nhất khoe đó là nhà mình. Sau khi biết con mồi đã tin tưởng, Nghĩa vờ rút tập đôla ra nhờ đổi sang tiền Việt để tiện việc giao dịch với con nợ. Đương nhiên lái xe taxi làm gì có nhiều tiền mà đổi, Nghĩa chuyển sang hỏi “vay tạm”, khi nào lên phố Hà Trung bán ngoại tệ sẽ trả lại, đồng thời hỏi mượn điện thoại gọi cho con nợ với lý do nếu dùng số của Nghĩa thì họ sẽ trốn.
Video đang HOT
Nghĩa hẹn lái xe chờ anh ta ít phút để vào đòi nợ sẽ ra ngay. Sau một vài điểm đúng hẹn, khi đến những điểm tiếp theo, nghi phạm trốn mất.
Cuối tháng 10/2014, từ trình báo của bị hại, Công an quận Bắc Từ Liêm bắt được thiếu gia rởm này. Cảnh sát tìm được 62 lái xe taxi là nạn nhân của Nghĩa.
Tang vật của thiếu gia rởm Nguyễn Chính Nghĩa dùng để lừa đảo.
Trần Thị Tùng (35 tuổi, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) trong mắt nhiều người là một “đại gia” kinh doanh bất động sản thành đạt bởi luôn thấy cô ta ở trong những khu đô thị, chung cư “VIP” nhất Hà Nội.
Ngoài nhà đẹp, Tùng đi xe Mercedes, thi thoảng khoe ảnh mặc đồng phục đi tặng hoa chỗ này chỗ nọ nên ai cũng tin Tùng là một cán bộ ngân hàng thành đạt. Nghĩ Tùng giàu có nhờ kinh doanh bất động sản như lời cô ta quảng cáo, nữ đại gia Nguyễn Thị Mai, bạn của bố mẹ Tùng, đã gửi gắm tổng cộng trên 20 tỷ đồng nhờ Tùng mua giúp nhà đất, bất động sản do ngân hàng phát mại. Và số tiền này của bà Mai đã bị Tùng chiếm đoạt.
Trần Thị Tùng chuyên thuê nhà ở trong các khu đô thị, chung cư cao cấp để lừa đảo.
Như Tùng, Nguyễn Phượng Ly (30 tuổi, quê Bắc Giang) được trời phú cho vẻ đẹp “lai Tây”, có biệt tài dùng đồ hiệu hóa trang thành nữ đại gia sành điệu nhằm mục đích lừa đảo. Để có tiền tiêu xài, “nữ đại gia rởm” liên tục gây ra những vụ lừa bạc tỉ.
Năm 2011, khi bị Công an Hà Nội bắt về hành vi lừa đảo bán nhà dự án, lúc đó Ly đã dám chi tiền mua ôtô Venza nhập khẩu trị giá 1,6 tỷ đồng, thuê lái xe riêng; mua nhà phân lô trang bị đồ đạc xịn để chứng tỏ mình là đại gia không kém cạnh ai. Đương nhiên, tiền mua sắm là do cô ta dùng thủ đoạn để chiếm đoạt của những người nhẹ dạ cả tin.
Khi được hoãn thi hành bản án 15 năm tù, Ly khoe là cán bộ ngân hàng, có thể giúp vay tiền tín chấp, “rút” sổ đỏ đang đặt tại các ngân hàng ra và đã chiếm đoạt được hàng tỷ đồng từ chiêu lừa này.
Một điều tra viên nhận xét rằng, có lẽ lừa tiền tỉ dễ dàng nên khi có tiền trong tay, Ly bị ảo tưởng rằng cô ta là đại gia thật. Hứng lên, cô ta ném vài tỷ ra mua sắm là chuyện bình thường, trong khi đại gia kiếm tiền chân chính không ai chi tiêu kiểu phá mả như vậy.
Khi việc đi thuê, đi mượn những tài sản có giá trị lớn để đánh bóng tên tuổi, để khoe mẽ trở nên phổ biến thì việc những kẻ lừa đảo sử dụng chiêu thức này để tạo vỏ bọc là một trong những thủ đoạn dễ đánh lừa người bị hại nhất.
Theo An ninh thế giới
"Siêu lừa" vượt mặt Trầm Bê - kẻ gây "đụng độ" hai ngân hàng
Cầm sổ đỏ để vay tiền ngân hàng này rồi mượn lại sổ để đi vay ở nhà băng khác,tài sản thế chấp không đủ giải ngân khoản vay nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn nâng quyền phán quyết, chuyện chỉ có ở Agribank chi nhánh 6 và "siêu lừa" Dương Thanh Cường.
Siêu lừa Dương Thanh Cường (nguyên giám đốc Công ty Bình Phát) được phóng thích ra khỏi trại giam vào năm 2005, khi vừa chấp hành xong 20 năm tù về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "đưa hối lộ".
Cường bắt đầu "làm lại cuộc đời" khi thành lập hàng loạt Công ty như: Thanh Phát, Tấn Phát, Châu Hoàng Ngân, Tân Đại Phát... và kinh doanh rất nhiều ngành nghề.
"Siêu lừa" Dương Thanh Cường khiến cả Agribank và Phương Nam điêu đứng
Muốn kinh doanh thì phải cần vốn. Vì thế, Cường mang theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bất động sản số 10 Âu Cơ và 44 An Dương Vương sang Ngân hàng Agribank chi nhánh 6, TPHCM để vay tiền.
Cũng chính từ đây, đại họa bắt đầu giáng xuống Ngân hàng Agribank. Với hai giấy tờ trên, Cường xin vay 170 tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, Cường lại mang thêm 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác đến Agribank chi nhánh 6 tiếp tục vay 700 tỉ đồng.
Với hai khoản vay này, Agribank chi nhánh 6 không đủ thẩm quyền cho vay. Nếu muốn cho vay, Agribank chi nhánh 6 phải xin nâng quyền phán quyết từ cấp trên. Không biết dùng những lời lẽ gì, Cường đã khiến cho Hồ Đăng Trung (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh 6) cùng các nhân viên phải lấy quyền phán quyết của một bộ hồ sơ khác bỏ vào để cho Cường vay 170 tỉ đồng. Tiếp đến, Agribank chi nhánh 6 xin nâng quyền phán quyết thành công đối với gói vay 700 tỉ của Cường.
Thế nhưng, Dương Thanh Cường vẫn chưa yên phận và chấp nhận. Tiền vào túi chưa nguội, Cường tiếp tục chỉ đạo cho nhân viên cấp dưới và các giám đốc ở các công ty "con" do Cường lập ra ký giấy đi mượn lại các giấy tờ trên với lý do... chuyển đổi tên người sở hữu.
Điều đáng nói, khi cho mượn lại các giấy tờ đất nhưng Agribank chi nhánh 6 lại không có người theo giám sát Cường và để cho "siêu lừa" thoải mái với đống giấy tờ... "muốn làm gì thì làm".
Lúc này, Cường tung ra "cú đấm" được xem là đau đớn nhất đối với Agribank chi nhanh 6 khi mang toàn bộ các giấy chứng nhận sử dụng đất sang Ngân hàng Phương Nam của đại gia Trầm Bê để tiếp tục thế chấp lấy tiền.
Hồ Đăng Trung cùng thuộc cấp nhiều lần đòi lại nhưng Cường luôn thất hứa hoặc xin gia hạn thời gian trả, cứ thế kéo dài nhiều năm. Thấy không ổn, Agribank chi nhánh 6 phải nhờ tới thanh tra. Nhưng mọi thứ đã muộn...
Với việc thế chấp chồng chéo lên nhau, Cường đã đẩy hai ngân hàng được xem là anh em trong giới tài chính phải đối đầu với nhau để giành - giữ tài sản.
Ngày mở phiên tòa, Cường và các "bộ sậu" của mình cùng với giám đốc, cán bộ của Agribank chi nhánh 6 đứng trước vành móng ngựa khai vanh vách. "Sếp" thì đổ cho nhân viên và nói vì quá tin tưởng nên mới vậy. Còn nhân viên thì nói chỉ làm theo chỉ đạo của sếp, không biết và không hưởng lợi gì cả.
Nhưng người dự phiên tòa không còn mấy quan tâm chuyện ai đúng, ai sai, vì tội danh của các bị cáo đã rõ ràng và chính các bị cáo cũng đã thừa nhận hành vị phạm tội của mình. Điều người dự tòa chờ đợi chính là muốn biết kết quả giải quyết hậu quả về những gì Cường đã gây ra.
Hồ Đăng Trung có là nạn nhân của Dương Thanh Cường?
Đại diện Ngân hàng Phương Nam cho biết, mình đến đây để giữ tài sản. Các giao dịch của Cường với ngân hàng đều được làm đúng thủ tục và quy trình. "Ngày 23/3/2010, Dương Thanh Cường đã ký gán sổ đỏ cho Ngân hàng Phương Nam. Vì vậy, các giấy tờ đất đai liên quan đã được hoàn tất và giờ nó là của chúng tôi", đại diện Phương Nam nói.
Trái ngược với lập chắc chắn và vững vàng như "đinh đóng cột" từ phía Ngân hàng Phương Nam, đại diện cho Ngân hàng Agribank trở nên sốt sắng hơn. Trong những lần xét hỏi, vị đại diện cho Agribank luôn đề nghị HĐXX xem xét trả lại các giấy tờ đất Cường đã mang đi thế chấp với "cái lý" rất yếu.
Vị đại diện này lập luận, số giấy tờ trên đã được thế chấp đầu tiên ở Agribank chi nhánh 6. Việc thế chấp của Cường đã được Cổng thông tin của Ngân hàng cho đăng tải. Như vậy việc thế chấp của Cường ở ngân hàng khác, Agribank không chịu trách nhiệm và không liên quan.
Tuy chỉ mới là phần xét hỏi nhưng dấu hiệu của sự "đụng độ" ở các bên đã bắt đầu có... đường nét.
Quế Sơn
Theo Dantri
Vụ án tham nhũng gần 1.000 tỉ tại Agribank: "Siêu lừa" bị đề nghị 2 án chung thân Bị cáo Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Bình Phát) bị VKS đề nghị 2 án tù chung thân cho cả 2 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Chiều 28/10, sau khi kết thúc phần xét hỏi, phiên tòa sơ thẩm vụ án tham nhũng...