Vợ bỏ theo bạn thân, chồng trốn vào rừng biệt tích 40 năm
Đau khổ vì vợ bỏ đi theo người bạn thân nhất, ông Toán bỏ vào rừng sống một mình và đốt hết giấy tờ.
Buồn khổ vì vợ bỏ đi theo người bạn thân nhất, ông Toán bỏ vào rừng sống một mình và đốt sạch giấy tờ.
40 năm qua, vùng núi cao heo hút thành mái nhà che chở cho ông lão Đinh Văn Toán (62 tuổi, ngụ xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Theo người dân bản, vào những ngày thời tiết chuyển mùa, những ngày mưa phùn gió bấc hoặc những đêm trăng sáng vằng vặc, phía rừng Lắn phát ra tiếng vi vu, réo rắt, giai điệu dìu dặt bi ai lúc trầm, lúc bổng tựa như tiếng sáo Ôi của người Mường. Lúc đầu, người dân đồn thổi về một con ma rừng biết thổi sáo, biết săn bắn và bảo vệ những người dân bản Mường khi họ vô tình đi lạc. Mãi sau này, bí mật mới được hé mở. “Con ma rừng” chính là ông Đinh Văn Toán.
Để đến được hang của “người rừng”, người đi rừng thạo cũng phải mất đến gần 3 tiếng đồng hồ vạch lá, xuyên rừng, leo núi rồi xuống dốc. Nơi ông Toán ở có khung cảnh hữu tình nơi đây, từ dòng suối nhỏ trong suốt chảy ra từ khe núi đến những vườn rau cải nương, những khóm mía, cây cau xanh tốt thẳng tắp, mọc cao vút như một bức tranh sơn thủy.
Nhà của ông, thực chất chỉ là một hang đá có độ sâu chưa tới 5m. Trên đỉnh, có một mỏm đá hơi nhô ra phía trước như một mái nhà che nắng mưa. Ngôi nhà nhìn có vẻ sơ sài nhưng chẳng thiếu thứ gì, từ những vật dụng nhỏ nhất như chiếc lược, cái bật lửa bằng dầu cũ kỹ, chiếc khăn mặt cho đến những hạt lúa giống được treo cẩn thận trên gác bếp rồi bộ bàn ghế bằng đá được kê rất ngay ngắn.
Thậm chí, nơi cao nhất trong hang Lắn cũng được người rừng trưng dụng một góc nhỏ để làm nơi thờ tự. Bởi bàn thờ tổ tiên là một trong những nơi không thể thiếu trong cuộc sống của những người con bản Mường, dù họ ở bất cứ nơi đâu.
“Người rừng” đang nằm còng queo trên một tấm ván, ngay cạnh bếp lửa. Không chăn, không chiếu, trên người chỉ đắp duy nhất một chiếc áo khoác đã cáu bẩn. Với ánh mắt sợ sệt xen lẫn nghi ngờ, ông tỏ ra khá rụt rè khi tiếp chuyện với những vị khách mới đến.
Tuy nhiên, sau một hồi được thuyết phục, ông đã chấp nhận nói chuyện một cách khiên cưỡng. Tuy nhiên, không phải tại hang Lắn, nơi trú ngụ của ông, mà tại bìa rừng, nơi ngày hôm qua ông vừa bẫy được một con thú khá to. Đó cũng chính là nguồn thức ăn giúp ông Toán tồn tại được ở nơi đại ngàn này.
Dưới gốc cây cổ thụ quen thuộc, “người rừng” nói chuyện có vẻ cởi mở hơn. Với gần 40 năm sống trong rừng, ít giao tiếp với xã hội nên trong suốt cuộc nói chuyện, có từ ông nhớ, có từ quên. Ông bảo: “Lâu lắm rồi mới có khách ghé thăm, nhưng các anh thông cảm, không phải vì không muốn tiếp chuyện với các anh ở trong nhà tôi đâu, mà bởi ra giữa cánh rừng này tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn”.
Ngồi trầm tư một lúc, ông Toán tâm sự tiếp: “Tôi tên Đinh Văn Toán, năm nay đã 62 tuổi. Mặc dù sinh ra tại xóm Đá Bia nhưng trước đây mọi người vẫn thường gọi tôi là Toán ‘Mực’, bởi vợ tôi là người ở xóm Mực. Sau khi kết hôn, tôi chuyển về đó sinh sống nên mới có tên như vậy. Nhập ngũ năm 1970 khi vừa mới lập gia đình được mấy ngày. Năm ấy, miền Nam bước vào thời kỳ cao điểm nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi nhập ngũ và được phân công vào đơn vị đặc công, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Tôi xuất ngũ năm 1975, năm đó cũng là năm cuộc đời tôi gặp nhiều bất hạnh nhất”.
Nỗi bất hạnh trong cuộc đời của ông Toán, đó chính là sự tổn thương trong sâu thẳm tâm hồn. Ông kể: “Trở về từ chiến trường, những tưởng về nhà sẽ gặp được người vợ hiền đảm đang, thế nhưng, sự thật với tôi lại quá phũ phàng. Khi trở về, cha mẹ thì mất, người vợ hiền thảo chỉ mới ở với nhau chưa trọn tuần trăng mật, bao thề non, hẹn biển rằng sẽ đợi chờ tôi cho đến ngày chiến thắng trở về. Nhưng lời thế ấy có lẽ chỉ còn tôi là nhớ. Vì không thể chờ đợi được nên cô ấy đã bỏ theo một người đàn ông khác.
Người đàn ông đó không ai khác lại chính là người bạn một thời từng chăn trâu, cắt cỏ, rồi cùng chung chiến tuyến với tôi. Do bị thương nên anh ta được xuất ngũ về quê trước. Không biết có phải vì cố tình hay là do thông tin sai lệch trong chiến trường mà khi trở về, người bạn đó đã nói với vợ tôi rằng tôi đã hy sinh. Thế rồi, chuyện gì đến cũng đã đến”.
Video đang HOT
Hang đá, nơi ông Toán trú ẩn suốt 40 năm.
Ông trầm ngâm nói tiếp: “Vợ tôi mặc dù rất đau khổ nhưng không thể ở một mình mãi được, khi cô ấy vẫn đang ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời. Trước sự giúp đỡ tận tình và những lời hứa hẹn gánh vác trách nhiệm của bạn tôi, cô ấy đã chấp nhận đi bước nữa. Khi trở về, quá cay đắng, tủi nhục, cảm thấy xấu hổ với làng xóm, tôi bỏ nhà bỏ cửa lên hang Lắn này. Ấy thế mà cũng đã được gần 40 năm rồi đấy”.
Cũng theo ông Toán chia sẻ, mặc dù rất đau khổ trước sự ra đi của người vợ cùng sự phản bội của người bạn thân nhưng bao nhiêu ký ức đẹp đẽ về thời gian yêu nhau giữa hai người, ông vẫn luôn gìn giữ. Chỉ có giấy tờ bản thân là ông không còn muốn giữ lại. Bởi ông nghĩ, cái quan trọng nhất là tình người đã không còn thì những mảnh giấy vô tri cũng không còn quan trọng nữa. Tất cả được ông Toán kết thúc bằng một ngọn lửa.
Thứ ông giữ lại duy nhất đó là lời thề, lời ước hẹn của ông với người vợ năm xưa trước khi lên đường nhập ngũ. Bởi theo ông Toán, ông muốn quên, nhưng nó cứ ngự trị trong tâm hồn mình. Quên không được, ông đành phải nhớ.
Giờ đây, khi tuổi đã già, sức đã yếu, ông Toán cũng không còn tinh nhanh như trước nữa nhưng không khi nào ông nghĩ đến việc rời cánh rừng Lắn trở về bản sinh sống. Thậm chí, các cháu trong họ đã nhiều lần vào hang Lắn vận động, thậm chí cưỡng ép đưa ông về bản để sống tuổi già. Tuy nhiên, nhớ rừng, nhớ hang, nhớ cây sáo Ôi, chỉ dăm bữa là ông lại trốn vào rừng.
Ông Bùi Mạnh Tưởng, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong chia sẻ: “Trường hợp của ông Toán, chúng tôi rất tiếc là giấy tờ đã mất hết nên không thể làm các chế độ cho ông ấy được. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần lặn lội lên tận hang Lắn vận động ông Toán trở về với cuộc sống đời thường, với bản làng mà ông ấy có chấp nhận đâu. Chúng tôi muốn đưa ông Toán vào danh sách những người được hưởng trợ cấp xã hội, người nghèo không nơi nương tựa mà ông ấy cũng không chịu. Vì ‘người rừng’ thì chỉ thích ở trong rừng thôi”.
Sống một mình trong rừng, ông Toán nuôi trồng được nhiều cây cối như rau cải nương, táo, mận hoang dại, cùng với vài ba con lợn rừng đã được ông thuần hóa. Giản dị vậy thôi nhưng với ông, đó là niềm vui, là hạnh phúc.
Ông bảo: “Hạnh phúc của tôi đơn giản chỉ có vậy, gần 40 năm sống ở đây, giờ đã quen “mùi” của rừng rồi. Cánh rừng này đã cưu mang, che chở tôi gần nửa cuộc đời, khi tôi chết, tôi muốn hồn mình hòa vào với cánh rừng mẹ bạt ngàn”.
Chiều tàn, cánh rừng Lắn càng trở nên âm u, tĩnh mịch và lạnh lẽo hơn. Bên bếp lửa hồng bập bùng, “người rừng” cầm cây sáo lên thổi những giai điệu quen thuộc. Tiếng sáo Ôi réo rắt, vun vút phá tan sự tĩnh lặng cả khu rừng. Giai điệu rời rạc, trầm bổng như chính cuộc đời bất hạnh của ông vậy.
Theo Xahoi
Nghiệt ngã phận đời ngày là công nhân, tối về... bán dâm
Đoạn quốc lộ 1A trước cửa khu công nghiệp Vĩnh Lộc, khá nổi tiếng với những người "đi xe đạp bán dâm" ...
Đa phần công nhân phải ở trọ trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp
Rời bỏ quê lên thành phố lập nghiệp với mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nghiệt ngã thay, nhiều bạn trẻ đi làm công nhân đã bị vướng cái vòng luẩn quẩn nơi phố phường hoa lệ là thu không đủ chi. Tiền lương công nhân trung bình khoảng trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng dường như là quá ít so với cuộc sống thị thành, nhất là thời gian gần đây, mọi thứ đều tăng giá một cách chóng mặt.
Cũng vì đồng lương eo hẹp mà đa phần công nhân đều phải làm tăng ca, ăn uống dè sẻn, chi tiêu tằn tiện cũng như luôn phải sống trong những căn phòng trọ tồi tàn. Ngoài ra, họ phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát với vô vàn những rủi ro, bất hạnh có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Con đi viện, bố mẹ đi bán máu
Trong thời gian tìm hiểu về đời sống công nhân ở các khu công nghiệp lớn như Sóng Thần, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Biên Hòa... chúng tôi nhận thấy rằng, cuộc sống của công nhân thường vô cùng chật vật. Đa phần họ phải làm việc trong môi trường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, rất dễ bị các bệnh nghề nghiệp nhưng lại hoàn toàn không có bảo hiểm hay chế độ lương thưởng phù hợp.
Tôi đã được nghe một công nhân giày dép xuất khẩu ở khu công nghiệp Linh Xuân (Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự rằng, chuyện mọi người đi vệ sinh trong ca làm việc là khá bình thường, vì đó là nhu cầu sinh lý. Tuy vậy, với hàng ngàn công nhân mà công ty chỉ xây có vỏn vẹn 3 cái nhà vệ sinh nữ. Thế nên, nhiều chị em đang làm, muốn đi vệ sinh mà nghĩ cảnh phải chờ đợi quá lâu để đến lượt mình đành cố gắng "nhịn", ngồi lại làm việc tiếp, để đảm bảo năng suất lao động ở mức cao nhất.
Mặc dù luôn phải làm việc với cường độ cao như vậy nhưng cuộc sống của công nhân, đa phần là cơ cực vì đồng lương quá thấp. Giá cả thì tăng vùn vụt nhưng lương, thưởng thì nhiều năm vẫn chưa tăng kịp. Cá biệt, nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn giảm lương công nhân nữa. Thế nên, nếu chẳng may trong cuộc sông có những biến cố như con cái bệnh tật, họ gần như "chết đứng" vì không biết cách gì xoay xở.
Gặp gỡ gia đình anh Đinh Văn Toàn, 33 tuổi quê ở Tánh Linh (Bình Thuận) trong một căn phòng trọ chật hẹp ở gần đường Võ Văn Vân (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi được biết. Anh Toàn hiện nay đang là công nhân làm thủy sản đông lạnh của một công ty Hàn Quốc trên địa bàn. Mặc dù làm công nhân ở đây được gần 6 năm nhưng cuộc sống của anh vẫn không có gì thay đổi, luôn luôn phải lo lắng trước những bất trắc bởi lương tháng nào cũng chỉ đủ tiêu tiền ăn, tiền nhà trọ, điện nước, xăng xe và tiền mua sữa, bột cho con. Vừa ôm đứa con gái nhỏ hơn 2 tuổi vào lòng, anh vừa rầu rĩ kể.
Tôi lấy vợ được 4 năm rồi. Cô ấy là người ở vùng núi Vĩnh Cửu (Đồng Nai), làm chung công ty với nhau. Vẫn biết đời sống khó khăn nên hai người chỉ biết nương nhau mà sống. Từ hồi bé Trà My ra đời, cuộc sống của hai vợ chồng càng cơ cực hơn nữa vì nhiều chi phí phải dành cho con như tiền sữa, tiền bột, tiền quần áo, đồ dùng cho trẻ... mà vợ thì phải nghỉ làm ở nhà trông con. Khi bé được đúng 1 tuổi, vợ chồng đành phải gửi con ở nhà trẻ tự phát gần khu trọ để đi làm chứ một mình tôi lo không xuể. Mấy ngày đầu, bé xa cha mẹ nên khóc suốt, lại không ăn uống gì nên người cứ lả đi, rồi ốm.
Thế là lại xin nghỉ, cả hai đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 1 dưới quận 10 mà cả nhà chỉ còn hơn 600 ngàn đồng. Vừa đợi khám bệnh cho con, vừa lo lắng không biết có đủ tiền hay không nữa. Thấy vậy, cả hai chỉ biết quay đi, nhìn con mà rơi nước mắt. Như hiểu được nỗi lòng của vợ chồng tôi, có một bác bán cà phê cóc ở cổng bệnh viện bảo, nếu thiếu tiền khám bệnh cho con thì cứ sang bên Bệnh viện Chợ Rẫy mà bán máu kiếm tiền, dễ lắm. Hỏi kỹ ra mới biết, mỗi lần đi bán máu như vậy thu được gần 500 ngàn đồng mà cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của người bán.
Vì quá thiếu tiền nên tôi nói dối vợ ra ngoài gặp người bạn ở gần đó mượn thêm ít tiền, rồi sang Bệnh viện Chợ Rẫy, ăn vội ổ bánh mì thịt nguội để có sức khỏe. Tìm đến khoa huyết học truyền máu, nơi mà ngày nào cũng có cả trăm người, chủ yếu là những công nhân, lao động nghèo tới bán máu, tôi được mấy người ở đây hướng dẫn, một lần bán máu như thế kiếm được 470 ngàn đồng. Sau một hồi bấm số thứ tự và chờ đợi, tôi được các bác sĩ gọi vào, lấy máu và đem đi kiểm tra.
Trong khi họ kiểm tra xem máu có "sạch" hay không thì mình ngồi hành lang chờ. Lúc này tôi mới để ý thấy, không chỉ có riêng mình mà còn rất nhiều người nữa cũng chung cảnh ngộ thiếu tiền nên phải đi bán máu để kiếm tiền sống qua ngày.
Ngay như chị Thủy ngồi cạnh tôi lúc đó cũng vậy. Chị bảo, mỗi tuần chị đi bán máu 1 lần, bán huyết tương (một loại máu chọn) 1 lần nên cũng thu về gần triệu đồng, đủ tiền chi tiêu cho gia đình. Trước, cả 2 vợ chồng chị đều làm công nhân dưới Tân Tạo nhưng từ hồi đầu năm, công ty thua lỗ nên cả hai đều mất việc. Về quê thì không đành mà ở lại thì biết lấy tiền đâu trả phòng trọ, sinh hoạt hằng ngày. Bí quá, chồng chị phải chạy xe ôm ngoài ngã ba An Lạc còn chị, giữa lúc không biết kiếm tiền đâu để nuôi con thì có người giới thiệu lên Bệnh viện Chợ Rẫy bán máu. Không chỉ ở bệnh viện Chợ Rẫy, những người thường xuyên bán máu như chị Thủy còn sang cả Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nữa nên thu nhập cũng... tàm tạm. Thực sự chẳng có ai muốn bán đi giọt máu của mình đâu, cũng vì sinh kế ép buộc mà thôi. Mà thực ra, ai tìm đến nơi bán máu này gần như cũng là bước đường cùng rồi.
Nhiều công nhân phải đi bán cả máu mình để có tiền.
Gần trưa, khi có kết quả xét nghiệm, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì mình... đậu bởi nhiều người, có thể sẽ không được bán máu để kiếm vài trăm ngàn đồng vì máu của họ không phù hợp hoặc có bệnh di truyền, truyền nhiễm. Cuối cùng, cầm gần năm trăm ngàn, tôi chạy xe như bay sang Bệnh viện Nhi đồng 1 để đưa tiền cho vợ. Cầm tiền, vợ tôi cứ ngân ngấn nước mắt bởi cô ấy biết, chắc tôi đã phải vất vả đi mượn bạn bè chứ cũng không nghĩ là tôi đi bán máu kiếm tiền. Cũng may, bé Trà My chỉ bị sốt nhẹ, bác sĩ khám bệnh rồi kê đơn thuốc cho về nhà chứ nếu phải nhập viện, nằm điều trị chừng tuần lễ thì tôi không biết mình phải bán bao nhiêu máu mới đủ tiền đóng viện phí, thuốc men cho con nữa".
Câu chuyện của anh Toàn không phải là cá biệt bởi với những cặp vợ chồng công nhân ở thành phố này, lo cuộc sống thường nhật đã gần như kiệt sức rồi, nếu có xảy ra hoạn nạn đau ốm thì bán máu là chuyện bình thường.
6 mét vuông, 2 cặp vợ chồng sống chung
Nhưng không chỉ lúc hoạn nạn, ngay cả đời sống thường nhật của công nhân như nơi ăn chốn ở cũng vô cùng éo le, cơ cực. Trong những ngày tìm hiểu về đời công nhân, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy, đa phần họ phải ở trong những căn nhà trọ tạm bợ, kiểu "ổ chuột", đêm thì lạnh vì gió sương có thể luồn qua khe cửa vào phòng, ngày thì nóng nực vì chật và thấp, mái tôn mỏng manh. Cá biệt, có những căn phòng chỉ vài mét vuông nhưng có đến gần chục người ở trọ cùng bởi hiện nay, một căn phòng trọ giá rẻ ở thành phố cũng có giá từ 800 - 900 ngàn đồng/tháng, chưa kể điện nước, một hai người không thể lo nổi. Vì thế, ở ghép nhiều người gần như là giải pháp mà tất cả các công nhân đều lựa chọn. Những bạn trẻ còn độc thân thì ở ghép với nhau cũng dễ. Như 4, 5 bạn gái cùng công ty, cùng quê thuê chung một căn phòng ở với nhau thì cũng còn có thể chấp nhận được.
Nhưng, hoàn cảnh như cặp vợ chồng anh Sơn với vợ chồng anh Cảnh thì lần đầu chúng tôi thấy. Đó là việc cả 2 cặp vợ chồng này cùng thuê trọ 1 căn phòng ở trong con hẻm nhỏ trên quốc lộ 1A (quận Bình Tân). Căn phòng này chỉ có vỏn vẹn 6 mét vuông, nằm ở một dãy trọ dài có gần 20 phòng như thế, úp mặt vào nhau. Mặc dù những phòng khác, có kích cỡ và hình dáng tương tự cũng có đến 4, 5 hay thậm chí 6 người ở cùng nhưng họ toàn là bạn bè, đồng giới nên cũng thuận tiện trong sinh hoạt cá nhân. Đằng này đây lại là 2 cặp vợ chồng trẻ thì làm sao mà tránh khỏi phiền phức trong sinh hoạt, nhất là lúc quan hệ vợ chồng.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ngay tại căn phòng với những chén bát, bếp ga mini, tủ đựng đồ, quần áo... anh Cảnh cho biết: "Tôi quê dưới Mộc Hóa (Long An) lên đây làm bảo vệ công ty đã 4 năm rồi. Sau đó có người bạn là Sơn cùng quê lên làm công nhân in ấn nên hai anh em ở cùng nhau trong căn phòng này, giá thuê là 900 ngàn đồng/tháng, cộng thêm điện nước là khoảng hơn một triệu. Cuối năm ngoái, tôi lấy vợ nên Sơn chuyển sang phòng bên cạnh, ngay sát đây, ở cùng mấy người khác. Đầu năm vừa rồi Sơn cũng lấy vợ, là một công nhân làm ở công ty chế biến thủy sản bên Tân Tạo nên hai vợ chồng loay hoay chưa biết ở đâu thì tôi bảo, hay chuyển qua ở cùng phòng với vợ chồng tôi cho tiết kiệm tiền nhà trọ bởi vợ chồng tôi chỉ làm ban đêm. Vợ làm ca đêm mà tôi cũng bảo vệ ca đêm còn vợ chồng Sơn lại làm ban ngày cả. Thế là, cứ 18 giờ, hai vợ chồng ăn cơm xong là đi làm còn vợ chồng Sơn, tan ca lúc 18g nhưng đi chợ đến 18g30 mới về đến nhà. Sáng hôm sau, vợ chồng cậu ta lại thức dậy đi làm từ 7 giờ còn chúng tôi, tan ca lúc 7 giờ mà phải 7g30 mới về tới phòng trọ. Vì thế, mặc dù danh nghĩa là ở cùng nhau nhưng thực chất, chúng tôi chỉ gặp nhau đúng ngày Chủ nhật, khi tất cả cùng được nghỉ. Phòng chật, lại nhiều đồ đạc nên những ngày đó, mỗi cặp vợ chồng nằm ngủ trên 1 chiếc chiếu, có căng một tấm vải ở giữa phòng".
Vừa kể với chúng tôi, anh Cảnh vừa nén tiếng thở dài. "Cũng vì hoàn cảnh cả thôi chứ có ai muốn như vậy đâu các chú ơi. Mai mốt mà có con cái chắc sẽ chấm dứt cái cảnh ở chung thế này thôi vì bất tiện lắm. Mà giờ mỗi tháng bỏ ra hơn triệu đồng tiền thuê nhà, rồi điện nước, ga nữa thì làm sao mà đủ sống. Giờ đi làm về, vợ chồng tôi ăn sáng rồi đi ngủ đến gần chiều mới dậy, nấu cơm ăn rồi lại chuẩn bị đi làm đêm. Như thế vừa khỏe người lại vừa đỡ được 1 bữa cơm trưa, giảm chi phí tiền ăn"- anh Cảnh nói tiếp. Thú thực, nghe người đàn ông ấy kể về hoàn cảnh sống và những nỗi niềm của mình chúng tôi mới thấy, mặc dù đã làm việc rất chăm chỉ, lại tiết kiệm hết mức, nhưng dường như cuộc sống của họ lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu thốn vật chất.
Ngày làm công nhân, tối về bán dâm
Hiện nay, chuyện những người công nhân đi làm phải tăng ca ban đêm đã là rất bình thường, thậm chí nhiều người còn mong mỏi xin được tăng ca, được làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống nhưng vì tình hình kinh tế chung đang trong giai đoạn suy thoái nên nhiều nơi, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, có muốn tăng ca cũng không có. Thế nên, những công nhân này, ban ngày đi làm, chiều tan ca về thì đàn ông lại xách xe đi chạy xe ôm ở mấy ngã ba, ngã tư hòng kiếm thêm vài chục ngàn đồng. Ngoài ra, nhiều người phải nhận hàng về nhà làm thêm ban đêm hoặc đi bốc vác, phụ bồi bàn ở các quán ăn, quán cà phê ban đêm với mong muốn kiếm thêm chút đỉnh. Riêng với những công nhân nữ, dù biết là tội lỗi, là nhục nhã nhưng nhiều người vì miếng cơm, manh áo vẫn nhắm mắt đưa chân để làm cái việc nhơ nhuốc là đi bán dâm, như một cứu cánh duy nhất trong cơn cùng quẫn.
Từ lâu, đoạn quốc lộ 1A trước cửa khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đã khá nổi tiếng với những người " đi xe đạp bán dâm" bởi khu vực này cứ khoảng 20g đến quá nửa đêm là có hàng chục công nhân nghèo, ban ngày đi làm ở công ty, ban đêm tranh thủ ra đây kiếm thêm tiền.
Chia sẻ trong nỗi niềm đầy nước mắt đắng cay, một chị xin giấu tên (quê ở Tràm Chim, Đồng Tháp) cho biết: "Mình năm nay đã 33 tuổi, có 2 con nhỏ nhưng chồng chẳng may mất trong một tai nạn giao thông cách đây 3 năm. Từ khi chồng mất, mình chẳng biết làm gì để nuôi con nữa đành gửi hai đứa nhà ông bà ngoại để lên thành phố cùng mấy người bạn trong ấp làm công nhân may mặc, hằng tháng dành dụm tiền gửi về nuôi con.
Không chỉ lao động cực nhọc, cuộc sống vất vả mà gần như 100% công nhân đều đối mặt với nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Theo đó, ai càng làm lâu thì càng có nguy cơ cao và bệnh càng nặng mà các chế độ đãi ngộ sau khi nghỉ việc thì hầu như không có gì. Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, mặc dù nhiều công nhân bị ảnh hưởng sức khỏe do nghề nghiệp nhưng hầu hết chủ cơ sở chưa quan tâm đến môi trường lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động cho công nhân. Quy định bắt buộc cơ sở sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân ít nhất mỗi năm một lần, để phát hiện dấu hiệu người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, từ đó có hướng can thiệp, nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện".
Gần đây, công ty làm ăn không được như ý muốn, lương công nhân vừa giảm, lại vừa chậm nên đến tháng mà vẫn chưa có tiền gửi về quê. Các con còn nhỏ, mà ông bà thì lại lớn tuổi, chẳng biết làm gì nuôi chúng. Ở thành phố này, người quen chả mấy ai nên khi cần tiền, không biết kiếm ở đâu. Thế là, biết rằng đó là việc làm tội lỗi, nhục nhã nhưng tôi đành cắn răng, theo mấy chị khác đêm đêm đạp xe ra đây đứng đợi khách. Ai thương thì cho năm trăm, ai kỳ kèo thì hai, ba trăm cho một lần "gặp gỡ" trong nhà nghỉ tôi cũng gật đầu. Chị còn bảo, có ông khách nghe chuyện thương quá còn hào phóng cho chị cả triệu đồng, bảo thôi đừng làm công nhân với nghề này trên thành phố nữa, về quê trồng trọt, rau cháo nuôi con có khi còn thanh thản hơn. Nhiều lúc, mình cũng biết đây là nghề phạm pháp nhưng cũng không còn cách nào khác. Có lẽ tôi chỉ làm việc này một thời gian nữa để dành đến tết về quê có tiền mua quà cho các con rồi thôi. Cầm những đồng tiền nhơ nhuốc này, tôi cũng tủi thân, cay đắng lắm nhưng làm phận đàn bà giữa thành phố đông đúc này, thân cô thế cô, biết lấy gì mà sống và lấy tiền nuôi con hả các anh ơi?".
Nhưng ở khu vực này không chỉ có một mình chị ấy mà đa phần những người phụ nữ đang đứng dưới ánh đèn cao áp đêm nhập nhoạng của khu công nghiệp, bên chiếc xe đạp cà tàng của mình kia đều có hoàn cảnh tương tự, dù chẳng ai nói chuyện với ai một lời nào, vì ngại ngùng, vì nhục nhã bởi họ đang làm cái việc đáng bị xã hội lên án này.
Có thể họ sẽ bị xã hội lên án, bị mọi người xa lánh nhưng quả thực, hiện nay đang có rất nhiều công nhân phải làm thêm những công việc nặng nhọc khác sau khi làm chính ở công ty để có tiền trang trải cho cuộc sống của mình, kể cả những công việc đầy tội lỗi như trên. Thậm chí, cũng vì cùng quẫn, nhiều công nhân còn dại dột phạm những tội ác tày trời mà nguyên nhân sâu xa ban đầu cũng vì những khó khăn trong cuộc sống thường nhật mà thôi.
Theo Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 10 KCN và 3 KCX đang hoạt động với khoảng gần 300.000 lao động, số lượng công nhân đến từ các tỉnh thành khác chiếm đa số. Mức lương trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng; nhưng mức chi tiêu lại khá tốn kém khiến nhiều công nhân rất chật vật với cuộc sống. Tiền lương chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu nên khi vật giá tăng cao thì ngoài việc cân đo đong đếm các khoản chi, công nhân buộc lòng cắt bớt nhu cầu cá nhân hoặc làm thêm những công việc khác mới có dư chút ít tiền gửi về quê cho gia đình.
Theo Xahoi
Bỏ tiền triệu săn gà cổ thuần Việt ăn Tết Với người Việt Nam, ngày Tết không thể thiếu món gà. Thời buổi "phú quý sinh lễ nghĩa", nhiều đại gia không tiếc tiền của, công sức tìm mua những loại gà độc và đắt để ăn Tết. Gà Đông Tảo "cưỡi" máy bay vào Nam Dịp Tết Quý Tỵ 2013, nhiều người không khỏi xuýt xoa khi nghe thông tin về 4...