Vợ bị cáo quỳ trước vành móng ngựa cảm ơn quan tòa
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, khi nghe vị chủ tọa tuyên hủy án sơ thẩm, người vợ của bị cáo quỳ trước vòng móng ngựa rồi chắp tay “cảm ơn, cảm ơn quan tòa”.
Vợ bị cáo chắp tay vái lạy cảm ơn HĐXX phiên phúc thẩm
Nhiều uẩn khúc
Theo cáo trạng, chiều 2/9/2015, Đinh Thiện (trú tại xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) là người cầm lái chiếc xe máy BKS 38N5- 4586 chở ông Cao Hồng Tuyên (xe của ông Tuyên) chạy trên đường thuộc khối 12, thị trấn Hương Khê đã vượt phải, va quệt với chiếc xe máy BKS 38H4-5924 do ông Đinh Quốc Mỹ điều khiển.
Vụ va chạm khiến ông Tuyên chết tại chỗ, ông Mỹ bị thương nhẹ, còn ông Thiện chỉ xây xát nhẹ. Cả ba người đều là người cùng xã với nhau, trước khi xảy ra vụ tai nạn, cả ba đi là và có uống bia rượu cùng nhau. Lúc xảy ra tai nạn, cả ba người đi trên 2 xe máy để về nhà.
Tháng 4/2016, Công an huyện Hương Khê bắt tạm giam đối với Đinh Thiện về hành vi “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ”. Sau khi bị bắt giam, Đinh Thiện một mực kêu oan vì cho rằng nạn nhân Cao Hồng Tuyên là người cầm lái chứ không phải mình và xe ông Mỹ đâm vào xe ông Tuyên. “Khi ông Tuyên chở tôi chạy trước, ông Mỹ chạy xe đi sau vượt lên đâm vào xe chúng tôi”, bị cáo Đinh Thiện khai nhận.
Tại phiên toàn sơ thẩm, cho dù bị cáo, luật sư và nhiều nhân chứng đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh nạn nhân là người cầm lái và mâu thuẫn trong các lời khai của nhân chứng bên phía bị hại. Tuy nhiên, HĐXX TAND huyện Hương Khê vẫn tuyên án 42 tháng tù giam đối với bị cáo Đinh Thiện.
Video đang HOT
Người thân bị cáo gào khóc tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4/10
Chắp tay vái lạy cảm ơn
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, rất đông người thân và hàng xóm của bị cáo vật vã khóc than tại tòa. “Tại sao chồng tôi lại bị bắt oan thế này. Khi tai nạn xảy ra, ông Mỹ biết sai gọi điện cho người nhà đưa 5 triệu đồng đi mua quan tài cho ông Tuyên cơ mà. Sao giờ lại đi bắt chồng tôi ở tù”, chị Nguyễn Thị Hồng, vợ bị cáo Đinh Thiện gào khóc tại tòa.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4/10, rất đông người thân và hàng xóm của bị cáo vượt hơn 50km đến dự tòa. Vẫn như không khí tại phiên tòa sơ thẩm, những tiếng khóc than kêu oan vang khắp TAND tỉnh. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Đinh Thiện một mực kêu oan. Các nhân chứng bảo vệ cho phía bị hại tỏ ra lúng túng và trả lời mâu thuẫn với những lời khai tại cơ quan điều tra.
Ngoài ra, luật sư bảo vệ cho bị cáo còn đưa ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng của cơ quan điều tra Công an huyện Hương Khê. “Tại nhiều bút lục thể hiện, điều tra viên Nguyễn Kim Khoa cùng một thời điểm lại vừa có thể tiến hành lập biên bản bắt giữ bị cáo tại xã Hương Đô, nhưng thời điểm đó điều tra viên này lại cũng có mặt tại Công an huyện Hương Khê để tiếp nhận và giao các quyết định tố tụng cho ông Đinh Thiện. Nếu điều tra viên không có phép phân thân để cùng một lúc có thể làm 2 việc ở 2 nơi, thì khả năng hồ sơ này đã bị hợp thức và làm ảnh hưởng đến vụ án”, luật sư Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng VP Luật sư An phát (Đoàn luật sư Hà Tĩnh) phân tích.
Cũng theo luật sư Tuấn, quá trình tiến hành điều tra, lấy lời khai có nhiều cán bộ công an không được cơ quan điều tra CA huyện có quyết định phân công điều tra vụ án nhưng vẫn tiến hành lấy lời khai.
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra lại. Theo Chủ tọa phiên tòa, trong vụ án này, xét thấy những lời khai, lời trình bày của những người làm chứng do luật sư của bị cáo đưa ra là có căn cứ, phải trả hồ sơ để được điều tra bổ sung, để cơ quan lấy lời khai của những người làm chứng đó.
“Ngoài ra, trong hồ sơ còn thấy một số vi phạm khác, trong các biên bản lấy lời khai không phải do một số điều tra viên được phân công tiến hành. Hơn nữa, vụ án xảy một thời gian dài mới rồi mới tiến hành trưng cầu giám định, điều tra, những vết tích có tại hiện trường có thể bị xóa, mờ… vì thế cần được điều tra làm rõ. Từ những căn cứ trên, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy cấp sơ thẩm huyện Hương Khê vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng, tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại”, Chủ tọa phiên toàn nhận định.
Kết thúc phiên tòa, bị cáo cùng người thân ôm nhau khóc nức nở vui mừng tại tòa. Họ vẫn hy vọng một phép màu, một phép màu của công lý, phép màu ở một kết luận điều tra khách quan, xét xử nghiêm minh từ các cơ quan tố tụng huyện Hương Khê sau phiên phúc thẩm này. “Cảm ơn, cảm ơn quan tòa. Chồng tôi không thể oan sai thế này được”, người vợ bị cáo quá xúc động quỳ rạp xuống trước vành móng ngựa chắp tay vái lạy HĐXX.
Theo Minh Thùy (Tiền phong)
Ba cựu cán bộ Công an bị bắt giam oan sai 38 năm trước mong được giải oan sớm
Mới đây, Viện KSND và Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cần Thơ làm việc về vụ bắt giam oan sai 3 cán bộ công an 38 năm trước. Oan sai rõ nhưng vì xảy ra đã lâu, để giải oan, các cơ quan chức năng ở Cần Thơ đang phải xin hướng dẫn của cấp trên.
Ba cựu cán bộ công an nay đã già, mỗi người một phương đều nghèo khó. Ông Đinh Trung Tấn sinh năm 1939, ở xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng); ông Nguyễn Văn Dồi sinh năm 1951, ở phường 4 (Vị Thanh, Hậu Giang); ông Triệu Hoàng Sơn sinh năm 1950, ở xã Vĩnh Mỹ B (Hòa Bình, Bạc Liêu).
Vụ bắt giam oan sai
Đây là vụ án rúng động tỉnh Hậu Giang cũ. Đêm 29/4/1978, thượng úy Phó trưởng Công an thành phố Cần Thơ, ông Hai Thông, bị bắn chết khi đang chạy xe máy trên đường phố. Hồi đó, thành phố Cần Thơ là cấp huyện của tỉnh Hậu Giang cũ (gồm tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ hiện nay).
Mấy ngày sau, đêm 1/5/1978, ông Đinh Trung Tấn cũng là thượng úy, Đội trưởng của Công an thành phố Cần Thơ, bị bắt tại nhà vì tình nghi chủ mưu vụ ám sát. Ông Tấn tham gia cách mạng từ năm 1960, có nhiều thành tích trong chiến đấu, khi bị bắt đã gây hoang mang dư luận địa phương.
Ông Tấn (trái) và ông Dồi ôm đơn kêu oan ở Cần Thơ
Còn ông Dồi và Sơn bị bắt vì nghi là đồng phạm. Ông Dồi lúc ấy vừa rời chức vụ Phường đội trưởng một phường của thành phố Cần Thơ, được điều lên công tác ở Phòng Thể dục Thể thao Công an thành phố. Ông Sơn tham gia ngành an ninh từ năm 1968, trải nhiều chức vụ với nhiều tành tích, lúc bị bắt là thiếu úy ở Đội trinh sát Bảo vệ Chính trị của Công an thành phố Cần Thơ.
Người ký lệnh bắt ba ông là Trưởng công an thành phố Nguyễn Tấn Lộc. Sau đó, điều tra không kết luận được các ông phạm tội, các ông đều có chứng cứ ngoại phạm. Các cấp từ tỉnh Hậu Giang cũ đến Bộ Nội vụ (Bộ Công an bây giờ), cử cán bộ xuống xem xét, cũng kết luận các ông không liên quan vụ giết ông Hai Thông. Nên các ông được thả.
Ông Tấn bị giam 6 tháng 20 ngày, ông Sơn 18 tháng, ông Dồi 19 tháng 15 ngày. Thời gian giam mỗi người khác nhau do bắt tùy tiện không qua viện kiểm sát nên thả cũng tùy tiện, khi cấp trên đã kết luận các ông không phạm tội nhưng vẫn chưa được thả. Người ký "quyết định trả lại tự do" cho các ông là đại tá Nguyễn Ngọc Như, Phó trưởng ty Công an tỉnh Hậu Giang cũ, nay nghỉ hưu ở phường Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh báo cáo các ông không có tội, bị bắt oan "nên tôi ký quyết định trả tự do".
Mong giải oan trước khi chết
Sau hơn tháng được trả tự do, đòi phục hồi quyền lợi không có kết quả, ở trọ đói khát, lại sợ bị trả thù nên ông Tấn về quê sống nhờ anh em. Gia đình ông có 5 anh em, trong đó 2 người là liệt sỹ, 3 người là thương binh. Sau này, mẹ của ông được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ở quê, ông lấy vợ có 4 con, làm ăn vất vả.
Gần đây, nhờ đồng đội cũ giúp đỡ, ông được trợ cấp thương binh hạng 4/4, hưởng thêm trợ cấp người có công với nước. Ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, trở thành nông dân sản xuất giỏi được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen. Ông Tấn còn có 8 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Liêu Tú.
Ông Dồi ra tù về quê là xã Nhơn Nghĩa (Phong Điền, Cần Thơ), một vùng căn cứ kháng chiến cũ, không chịu nổi dư luận chê trách nên lang thang làm thuê.
Còn ông Sơn, ra tù, về quê với xấp giấy chứng nhận Huân chương Quyết thắng, Danh hiệu Dũng sỹ Quyết thắng và giấy khen trong chiến tranh nhưng không xua được tiếng xấu "bị tù". "Tôi không dám ngửng mặt nhìn ai", ông nhớ lại.
Ông Sơn ở vườn nhà
Yêu cầu giải oan của các ông càng khẩn thiết khi tuổi đã cao, sức yếu. Ông Tấn bày tỏ nguyện vọng chung của ba người: "Bây giờ tuổi đời chúng tôi đã cao, mong Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết để trước khi chết được giải oan".
Theo Nông Nghiệp
Đi tù chục năm, hóa đơn đâu để đòi bồi thường? Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: "Đến thời điểm phải bồi hoàn mà chưa bồi hoàn thì phải quy định chế tài". Sáng 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi). Một lần nữa, những vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc...