VNPT đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2019
VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Phạm Đức Long, năm 2018, bên cạnh những kế hoạch cụ thể đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, VNPT cũng đã tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo cũng như trong các hoạt động ký kết hợp tác với các tỉnh, thành, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, tổng công ty về lĩnh vực này. Đây cũng là tiền đề để VNPT thực hiện chiến lược VNPT 4.0 trong giai đoạn tới.
- Nhìn lại một năm qua, ông có thể chia sẻ VNPT đã thực hiện những mục tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra như thế nào?
Ông Phạm Đức Long: Năm 2018, VNPT tiếp tục giữ vững vị trí doanh nghiệp chủ lực trên thị trường ICT Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, nhiều chính sách lớn của cơ quan quản lý chính thức có hiệu lực, VNPT vẫn hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2018, lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua của VNPT là 24,7%.
Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long
- Trong năm 2018, VNPT đã phát triển tốt nhất lĩnh vực nào, thưa ông?
Trong năm 2018, lĩnh vực dịch vụ số là điểm sáng nhất về tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn. Tuy nhiên, hiện giờ quy mô dịch vụ số vẫn còn nhỏ. Phần doanh thu đạt được từ phía khách hàng mới chỉ khoảng 30%, còn lại chủ yếu vẫn đang thực hiện công ích, VNPT hỗ trợ cho các địa phương, các ngành, mang lại lợi ích cho xã hội và tạo nguồn thu trong tương lai.
Về doanh thu, mảng dịch vụ băng rộng cố định vẫn phát triển tốt nhất trong năm 2018. Tổng số thuê bao Internet băng rộng phát sinh cước của Tập đoàn đạt 5,2 triệu thuê bao, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó thuê bao FiberVNN đạt 5 triệu thuê bao, tăng 27% so với năm 2017. Trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn thì mảng băng rộng cố định ngày càng chiếm tỷ trọng cao, đây là nền tảng rất tốt khi VNPT phát triển các dịch vụ công nghệ 5G trong thời gian tới.
Video đang HOT
- Trong thời gian vừa qua, thị trường ICT Việt Nam đang có xu hướng thay đổi. Với VNPT, việc xác định trụ cột phát triển có thay đổi theo hay không, nhất là với những lĩnh vực công nghiệp, phần mềm hay an toàn thông tin?
Ngay từ cuối năm 2017, Tập đoàn VNPT đã chính thức triển khai chiến lược phát triển mới với mục tiêu chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Năm 2018, VNPT đã hình thành thêm một trụ cột về CNTT với việc thành lập công ty VNPT-IT, tập trung nguồn lực CNTT của các đơn vị thành viên trong tập đoàn và nhiệm vụ tập trung phát triển để chuyển đổi số.
Năm 2018, VNPT cũng chính thức công bố về chiến lược VNPT 4.0 song trên thực tế, ngay khi bắt tay vào thực hiện tái cơ cấu, trong nội bộ Tập đoàn cũng đã hình thành các chiến lược liên quan. Với VNPT 4.0, các mục tiêu, nhiệm vụ của Tập đoàn được định vị rất rõ ràng, thiên về định lượng, cụ thể rõ các nội hàm cần triển khai. Chiến lược VNPT 4.0 không phải là chiến lược để nâng tầm VNPT lên trong nước mà mục tiêu của chúng tôi là đưa VNPT lên ngang tầm với khu vực, tầm nhìn mang tính dài hạn hơn. Với việc thành lập thêm trụ cột công ty VNPT – IT cũng chính là hướng đi nhằm hiện thực hóa chiến lược VNPT 4.0 của Tập đoàn.
- Đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư rất nhiều vào các công nghệ mới như AI, Bigdata, Blockchain…. Vậy kế hoạch của VNPT sẽ như thế nào?
Trước làn sóng CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT đã tự thiết lập cũng như hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây. Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhất nhu cầu của khách hàng.
Hiện VNPT đã hoàn thiện được IoT platform đang triển khai cung cấp dịch vụ trên nền tảng đó. Về công nghệ AI và Blockchain, hiện VNPT cũng đã có lab để nghiên cứu phát triển. Trong năm 2018, VNPT tập trung vào nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm cụ thể. Ví dụ như trong lĩnh vực AI, một trong những sản phẩm VNPT đã được đưa vào ứng dụng đó là liên quan tới nhận diện hình ảnh giữa người thực với ảnh CMND – giải pháp này dựa trên nền tảng AI của VNPT.
Việc nắm bắt xu thế công nghệ mới cũng như nghiên cứu các công nghệ này đã được VNPT đón đầu, thực hiện từ rất sớm. Hiện chúng tôi đã làm chủ được công nghệ. VNPT đang tập trung để phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như ứng dụng các công nghệ đó vào các sản phẩm sẵn có để giải quyết các bài toán của các địa phương, các bộ, ngành.
- Năm 2018 đã đánh dấu một sự thay đổi khá được đánh giá có tác động lớn tới VNPT đó là việc chuyển giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, VNPT đã gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Thực tế sự thay đổi này không tạo ra nhiều sự khác biệt lắm trong năm 2018 đối với Tập đoàn VNPT bởi từ ngày 15/11 mới chính thức chuyển giao từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp. Do vậy, cho tới nay vẫn chưa có tác động nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò quản lý nhà nước, đối với VNPT, Bộ vẫn sẽ tập trung vào quản lý nhà nước đối với các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực viễn thông, CNTT chứ không có gì thay đổi. Còn về việc chuyển giao chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp, theo tôi, chức năng quản lý vốn nhà nước và quản lý cơ chế chính sách sẽ được tách bạch, giúp các cơ chế chính sách được nâng cao hơn, thắt chặt hơn, sâu sát và phù hợp với sự phát triển của thị trường cũng như phù hợp hơn với các quy luật chung của thế giới.
- Có thể khẳng định 2018 là một năm thành công của Tập đoàn. Vậy mục tiêu 2019 được VNPT đặt ra là gì?
Năm 2018 VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ, tạo đà thuận lợi cho một giai đoạn phát triển mới trong các năm tiếp theo. Những kết quả đã đạt được sẽ tạo tiền đề vững chắc để VNPT hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 cũng như các mục tiêu phát triển trong Chiến lược VNPT 4.0. Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh hơn mục tiêu chuyển đổi số – tham gia mạnh vào thị trường chuyển đổi số cho các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh thành và các doanh nghiệp khác. Hiện nay VNPT đang chuẩn bị các bước để thực hiện chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục duy trì các dịch vụ cốt lõi hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Theo vn media
VinaPhone hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 2018
Năm 2018, trong điều kiện khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ, cũng như nhu cầu đòi hỏi của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng ngày càng cao, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 2018 do Tập đoàn giao.
Trước bối cảnh thị trường viễn thông trong nước cũng như nước ngoài đang có chiều hướng đi xuống, các nhà mạng cạnh tranh quyết liệt, dịch vụ data chưa bao giờ rẻ như thế, tuy nhiên Tổng Công ty VNPT VinaPhone vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh thu di động 2,4% so với năm 2017 và duy trì rất tốt tăng trưởng băng rộng cố định. VNPT VinaPhone đã làm tốt công tác truyền thông thương hiệu, hình ảnh VNPT và VinaPhone tới khách hàng. Nhờ đó, giá trị thương hiệu của VNPT và VinaPhone đã tăng mạnh trong năm qua. Cả VNPT và VinaPhone đều trong top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của VNPT VinaPhone
Với sự nỗ lực không ngừng của 14.000 CBCNV Tổng công ty VNPT VinaPhone đã đạt được những thành quả, những thành tích đáng ghi nhận với những con số ấn tượng của năm 2018. Cụ thể, tổng lợi nhuận toàn Tổng Công ty VNPT VinaPhone năm 2018 đạt 1.550 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017. Doanh thu VT-CNTT (không gồm card payment) dự kiến 41.772 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch, tăng 5,6% so thực hiện năm 2017.
Năm 2018, Ban lãnh đạo VNPT VinaPhone đã điều hành Tổng công ty theo định hướng chiến lược VNPT4.0, thực hiện chiến lược tập trung đối với dịch vụ di động như phát triển data, gói tích hợp, nuôi dưỡng thuê bao, nâng cao ARPU, tăng cơ cấu doanh thu từ dịch vụ số ICT, định hướng nâng cao trải nghiệm khách hàng, hướng tới khách hàng doanh nghiệp như triển khai các gói tích hợp Gia đình, văn phòng data, xây dựng công cụ, chỉ tiêu để đo lường, trải nghiệm khách hàng, điều hành thử nghiệm các mô hình kinh doanh, khách hàng doanh nghiệp...Bên cạnh đó, công tác điều hành của VNPT VinaPhone cũng có nhiều chuyển biến tích cực như phân cấp, phân quyền mạnh, tạo cơ chế tích cực và cung cấp sản phẩm để các Trung tâm kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố chủ động cạnh tranh trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Tổng Công ty VNPT VinaPhone
Với những kết quả đã đạt được, VNPT VinaPhone cũng nhìn nhận những tồn tại của năm 2018 cần khắc phục, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt và sự chuyển biến nhanh của thị trường trong năm 2019. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được của năm 2018, với tinh thần cố gắng nỗ lực cao nhằm góp phần vào tăng trưởng và phát triển của Tập đoàn VNPT, mục tiêu phát triển tại Chiến lược VNPT4.0, VNPT VinaPhone đã đề ra hai kịch bản tăng trưởng doanh thu. Phương án cơ bản 45.766 tỷ đồng, tăng 9,3% so thực hiện năm 2018; phương án quyết tâm 46.586 tỷ đồng, tăng 11,2% so thực hiện năm 2018.
Tại Lễ tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của VNPT VinaPhone, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu và cố gắng của toàn thể Tổng Công ty trong năm 2018 để đạt được kết quả kể trên, và đóng góp cho thành công chung của Tập đoàn VNPT trong năm qua.
Mặt khác, TGĐ Phạm Đức Long cũng đánh giá cao VNPT-VinaPhone khi nhìn thẳng vào những tồn tại trong điều hành của các ban tới các đơn vị trong năm 2018, cũng như đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2019. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đặt ra, TGĐ Phạm Đức Long cũng nhấn mạnh, Tổng Công ty VinaPhone cần phải nhanh nhạy và chuyên nghiệp hơn nữa trước những thay đổi của thị trường và sự thay đổi của chính sách quản lý nhà nước, phải tập trung vào triển khai dịch vụ CNTT, chuyển đổi số; hệ sinh thái số tương tác khách hàng; tăng trưởng khách hàng doanh nghiệp...
Theo Báo Mới
Thái Lan sẽ khai tử mạng 2G vào tháng 10/2019, rộng đường cho 5G Cơ quan quản lý viễn thông Thái Lan dự kiến sẽ xóa sổ mạng lưới 2G vào tháng 10/2019 để các nhà mạng có thêm nhiều năng lực mạng lưới và mở đường cho dịch vụ 5G vào năm 2020. Cơ quan quản lý viễn thông Thái Lan dự kiến sẽ xóa sổ mạng lưới 2G vào tháng 10/2019 để các nhà mạng...