VN còn nhiều “tỷ phú Forbes” giấu mặt
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều tỷ phú như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, nhưng không “xuất đầu lộ diện” vì nhiều lý do.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, vừa được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới.
Theo đó, ông Vượng xếp hạng 974 trong danh sách của Forbes năm 2013, đồng hạng với hơn 40 tỷ phú khác, với giá trị tài sản ròng theo Forbes là 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Vượng cũng nằm trong danh sách 210 tỷ phú mới nhất của năm 2013.
Con số ấn tượng
Việc ông Phạm Nhật Vượng lọt vào danh sách bình chọn của tạp chí tài chính hàng đầu thế giới như Forbes được chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá cao.
Theo ông Ánh, trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều bấp bênh như hiện nay, vẫn có một mã chứng khoán với giá trị tài sản ước tính lên đến 1,5 tỷ USD là điều đáng tự hào.
Đồng thời, trong điều kiện phát triển kinh tế Việt Nam, việc hình thành nên những tỷ phú như ông Vượng khẳng định xu thế tất yếu, “tạo ấn tượng lớn đối với việc phát triển kinh tế thị trường”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu không thể khẳng định về nguồn thông tin mà tạp chí Forbes đưa ra. Tuy nhiên, với con số 1,5 tỷ USD tài sản ròng của tỷ phú Vượng được vị chuyên gia này đánh giá là rất đáng kể: “Giá trị thị trường chứng khoán cả nước là hơn 120 tỷ USD mà một mình ông Vượng đã giữ 1,5 tỷ USD. Nếu đây là con số thực thì tôi mừng cho ông Vượng”.
Tỏ ra tin tưởng tạp chí Forbes, Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV Tống Minh Tuấn cho rằng tài sản ròng 1,5 tỷ USD của ông Vượng là có thật.
Video đang HOT
Theo ông Tuấn, Việt Nam “tạm thời nên tự hào vì có người như ông Vượng”, bởi giá cổ phiếu được tính trên một thời gian dài, tính thanh khoản rất cao. Điều này làm nên giá trị cổ phiếu.
Trả lời câu hỏi về việc thị trường chứng khoán, BĐS ở Việt Nam đang bấp bênh, có thể ảnh hưởng tới giá trị tài sản thực của ông Vượng, ông Tuấn nói rằng “Forbes rất uy tín” nên “thị trường chứng khoán, BĐS đang bấp bênh mà có người lọt vào danh sách của Forbes chứng tỏ rất giỏi, chẳng bất công hay công bằng gì ở đây”.
Việt Nam còn nhiều tỷ phú giấu mặt
Trong khi có nhiều thắc mắc xung quanh khối tài sản khổng lồ này của tỷ phú Vượng thì chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng đây là số liệu đáng tin cậy. Theo ông Ánh, tạp chí Forbes tính toán tài sản dựa trên giá trị cổ phiếu trên thị trường, loại trừ tài sản ngầm. Tuy nhiên, thông thường ở những nước phát triển, tài sản ngầm còn lớn hơn tài sản thực công bố. Điều đó có nghĩa là còn có nhiều tỷ phú “đô la” như ông Vượng nhưng không được công bố.
Qua việc này, ông Ánh đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc nên công khai minh bạch tài sản.
“Đây là tín hiệu tốt khuyến khích người có tài sản ngầm công khai tài sản để đạt đến mong muốn nền kinh tế công khai minh bạch”.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều tỷ phú như ông Phạm Nhật Vượng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu Khẳng định: Ông Vượng không phải là người duy nhất đứng vào hàng tỷ phú.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu Forbes dùng nguồn khai thuế để tìm người có tài sản lớn thì không chính xác, bởi có nhiều người giàu nhưng khai thuế ít hoặc không khai báo tài sản. Ngoài ra, việc những tỷ phú không dám khai thuế đúng theo sức mạnh tài chính sẽ không được “giới truyền thông” để ý cũng khiến dánh sách này dễ “lọt”.
Là một trong những tạp chí xếp hạng tài chính uy tín nhất thế giới, Forbes đưa ra các thông tin dựa vào nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, nguồn đó có chính xác hay không, chính xác như thế nào thì không thể biết được.
“Forbes quan tâm đến những nhân vật có nhiều hoạt động về tài chính. Có những người vì lý do này hay lý do khác tạo được khối tài sản không thuộc về giới tài chính thì Forbes không quan tâm. Những con số này dựa nhiều vào các phỏng đoán nên không ai biết được chính xác tài sản của một người trừ khi các cơ quan chính quyền đưa ra”, ông Hiếu nói.
Thông tin thêm về giới tỷ phú trên thế giới, ông Tống Minh Tuấn cho biết có nhiều người “giàu ảo”.
“Có người năm trước giàu nhất hành tinh nhưng năm sau đứng thứ 10 bởi giá chứng khoán thay đổi. Nếu là BĐS thì không mất đi nhưng giá chứng khoán đã bốc hơi”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng, có thể ở Việt Nam còn nhiều người giàu hơn ông Phạm Nhật Vượng nhưng không thể đo được.
“Ông Vượng không phải người giàu nhất nhưng để chuyên nghiệp chúng ta nên minh bạch tài sản”, ông Tuấn khuyến nghị.
Ý nghĩa của việc được lọt vào danh sách tỷ phú thế giới được ông Tuấn nhấn mạnh vào hai từ: “Thương hiệu”. Với “thương hiệu” này, “nếu muốn đi vay vốn kiểu gì cũng vay được. Nhiều người giàu như ông Vượng cũng mơ ước được vào danh sách của Forbes”, ông Tuấn nói vui.
Theo 24h
Forbes vinh danh tỷ phú Việt Nam đầu tiên
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú thế giới của tạp chí danh tiếng Mỹ. Ông xếp thứ 974, với số tài sản tương đương 1,5 tỷ USD.
Theo danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới vừa được tạp chí Forbes công bố, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên. Theo đó, ông xếp thứ 974 trong danh sách với 1,5 tỷ USD tài sản, chủ yếu nhờ 53% cổ phần trong Vingroup.
Xếp hạng tỷ phú năm nay của Forbes không có sự thay đổi với các vị trí dẫn đầu. Người giàu nhất thế giới vẫn là tài phiệt viễn thông Mexico Carlos Slim Helu với 73 tỷ USD. Đứng thứ hai là nhà sáng lập Microsoft Bill Gates với 67 tỷ USD. Khoảng cách giữa hai tỷ phú này đã thu hẹp so với năm ngoái khi cổ phiếu hãng viễn thông America Movil của Carlos Slim giảm xuống thấp nhất gần 4 năm.
Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn
Vị trí thứ ba của tỷ phú đầu tư Warren Buffett đã bị thay thế bằng nhà sáng lập hãng thời trang Inditex người Tây Ban Nha Amancio Ortega. Tài sản của Ortega hiện là 57 tỷ USD và Warren Buffett là 53,5 tỷ USD.
Năm nay, cả thế giới có tổng cộng 1.426 tỷ phú. Số lượng nhiều nhất tập trung tại Mỹ với 442 tỷ phú. Châu Âu có 366 người và Trung Quốc đóng góp 122 người.
Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội, khởi nghiệp bằng hoạt động kinh doanh trong cộng đồng người Việt tại Ukraina. Sau đó, ông phát triển Tập đoàn kinh tế Technocom - giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nhanh tại quốc gia Đông Âu này, đồng thời xuất khẩu sản phẩm cho 29 thị trường quốc tế.
Đầu những năm 2000, ông Vượng đầu tư về Việt Nam và hiện là người đứng đầu Tập đoàn Vingroup với vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng. Ông cũng là tỷ phú đôla đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011, liên tục giữ vị trí ngườigiàu nhất trên sàn chứng khoán trong các năm 2010, 2011 và 2012, theo thống kê của VnExpress.net. Ông còn lọt vào top 50 Người Tiên phong do độc giả VnExpress bình chọn năm 2012, trong lĩnh vực Kinh doanh.
Hiện nay ông Vượng đã chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh về nước, để lại dấu ấn đặc biệt ở những khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng và các tòa tháp văn phòng, trung tâm thương mại cao cấp nhất Việt Nam.
Theo VNE
Uẩn khúc vụ chém dã man GĐ BV Thanh Nhàn Mâu thuẫn âm ỉ vì lợi ích kinh tế tại BV, 4 nghi can đã ủ mưu và gây nên vụ truy sát dã man giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn. Liên quan tới vụ giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội bị truy sát trên đường đi công tác, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt được 3 trong 4...