V.League: Cách nào đá hết xấu?
“Bà con ai đang gặp vấn đề về xương khớp thì đừng xem V.League nhé” – đó là một lời bình luận ngao ngán của khán giả trên mạng khi chứng kiến nhiều pha bóng thô bạo diễn ra trên sân cỏ trong các trận gần đây.
Một pha tranh chấp trong trận Nam Định – Sông Lam Nghệ An
Sự cố nghiêm trọng Đỗ Hùng Dũng ( Hà Nội FC) bị gãy chân sau cú tắc bóng của Ngô Hoàng Thịnh (TP.HCM) ở vòng 5 V.League 2021 dần lắng xuống thì ở các vòng sau, tình trạng những pha bóng thô bạo lại diễn ra, dẫn đến một số cầu thủ bị cấm đá vài trận.
Cựu cầu thủ Nigeria Amaobi nói: “Vòng loại World Cup 2022 sắp đá vào tháng 6 tới. Tôi hy vọng ông Park Hang-seo sẽ tập trung được những cầu thủ giỏi nhất, đội tuyển Việt Nam sẽ có đội hình mạnh nhất để đạt được mục tiêu đầu bảng”.
Đáng nói là khi sự cố diễn ra trên sân, họ chỉ bị trọng tài phạt thẻ vàng (thay vì bị truất quyền thi đấu ngay). Mức phạt đúng mức chỉ diễn ra sau đó khi Ban tổ chức xem lại băng hình, các báo cáo và quyết định “phạt nguội”.
Trao đổi với Đồng Nai cuối tuần , cựu tiền đạo người Nigeria Ama Obi (Đặng Amaobi) cho rằng, bóng đá Việt Nam phải gióng lên những hồi chuông để thay đổi nhiều thứ nhằm hạn chế tình trạng bạo lực trên sân cỏ.
* Trọng tài phải mạnh tay
Amaobi nói: “Trọng tài là nhân tố rất quan trọng để giữ sân cỏ Việt Nam không bạo lực, thể hiện lối đá đẹp. Từng đá V.League nhiều năm cũng như tiếp tục quan sát kỹ mọi mùa giải gần đây, tôi thấy các trọng tài trong nước còn khá nhân nhượng và thiếu quyết đoán trong việc phạt thẻ cảnh cáo các cầu thủ trong nhiều tình huống phạm lỗi, khiến cầu thủ “lờn” và không sợ”.
Video đang HOT
“Có thể tình huống không gây nguy hiểm nặng nhưng cũng cần phạt nghiêm khắc để răn đe. Nhiều tình huống đáng phải phạt thẻ thì lại không phạt. Hoặc đáng thẻ đỏ thì chỉ phạt thẻ vàng” – Amaobi bình luận về các trường hợp xảy ra gần đây trên sân cỏ V.League.
* Rèn quân từ thuở còn thơ
“Điều thứ hai tôi muốn nói là hiện Việt Nam đã có nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp, bề thế, cơ sở vật chất tốt nhưng ngoài chuyên môn, thì việc trau dồi đạo đức cho các cầu thủ trẻ cũng không kém phần quan trọng. Có như vậy các mầm non trẻ vừa rèn luyện tài năng đá bóng vừa có ý thức và tinh thần thi đấu fairplay (đá đẹp) ngay từ bé” – vua phá lưới V.League mùa giải 2004 trong màu áo Sông Đà Nam Định nói.
Trọng tài phạt thẻ trong trận Than Quảng Ninh – Sài Gòn ngày 7-4. Ảnh: vpf
Amaobi nói: “Họ phải “nói không, tránh xa và miễn nhiễm” với lối đá bạo lực, đá xấu và mọi hành vi phi thể thao khác nhau trên sân cỏ. Xem chuyện thắng – thua đều theo tinh thần thượng võ, tôn trọng luật lệ, trọng tài và đối phương”.
Amaobi hiện đang là HLV tại Trung tâm Bóng đá Ngọc Hùng (TP.HCM) đánh giá Việt Nam “đang có thế hệ cầu thủ tài năng, nếu ai đó phải nghỉ thi đấu vì chấn thương do đối phương đá xấu thì rất tiếc”.
Những hành động phi thể thao trong bóng đá cần phải chấm dứt
Thể thao nói chung và Bóng đá nói riêng luôn cuồng nhiệt, khi sự cổ vũ của khán giả làm "nóng" khán đài, dưới sân thi đấu, các vận động viên cũng luôn "cháy" hết mình vì đam mê, cống hiến nhiệt huyết vì màu cờ sắc áo. Tuy nhiên, sự kịch tính, quyết liệt trên sân đấu với những hành động phi thể thao đang có ranh giới rất "mong manh".
Ranh giới giữa quyết liệt và thô bạo rất "mong manh"
Trong Bóng đá, khán giả luôn hòa mình vào những trận cầu "đinh", những trận đấu quyết liệt và hơn hết, người hâm mộ khao khát được chứng kiến những lần so tài của những đội bóng có lối đá "đẹp". Nhưng cũng không ít lần, những "cầu thủ thứ 12" phải quay mặt đi, hoặc thốt lên đầy bất lực trước những pha vào bóng thô bạo, thậm chí là bạo lực, ác ý trên sân cỏ.
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC) bị chấn thương nặng sau pha vào bóng nguy hiểm của Ngô Hoàng Thịnh (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Mới đây, trong trận đấu giữa Hà Nội FC và Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh trên sân Thống Nhất ở vòng 5 V.League 2021, phút thứ 28, cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh đã có pha vào bóng "quá quyết liệt" khiến Hùng Dũng (Hà Nội) gãy xương chày và xương mác của chân phải. Tiền vệ của Hà Nội phải rời sân, tới bệnh viện và làm phẫu thuật ngay ngày hôm sau.
Đối với Ngô Hoàng Thịnh, sau án phạt của trọng tài ngay trên sân cỏ, Ban Kỷ luật, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ra quyết định xử phạt tiền vệ này 40 triệu đồng, đồng thời, đình chỉ tham gia hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quản lý, tổ chức đến hết ngày 31/12/2021, do có hành vi xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với cầu thủ. Ngoài ra, cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Đỗ Hùng Dũng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 39 Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Chuyện xảy ra trên sân Thống Nhất chưa lâu, đến vòng 6, trong trận đấu giữa Câu lạc bộ Nam Định và Câu lạc bộ Sài Gòn, cầu thủ Phan Thế Hưng của Nam Định có hành vi phạm lỗi nghiêm trọng với cầu thủ Nguyễn Công Thành của Sài Gòn. Mặc dù cầu thủ của Nam Định không bị trọng tài xử phạt tại chỗ nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ra quyết định xử phạt "nguội" nghiêm khắc, phạt 15 triệu đồng và đình chỉ 3 trận kế tiếp đối với cầu thủ Phạm Thế Hưng.
Cũng trong vòng 6, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định đình chỉ thi đấu 3 trận kế tiếp và phạt 15 triệu đồng đối với cầu thủ Hoàng Vũ Olaleye Samson của Đông Á Thanh Hóa do có hành vi phạm lỗi nghiêm trọng với cầu thủ Nguyễn Tuấn Mạnh của SHB Đà Nẵng trong trận đấu giữa hai Câu lạc bộ trên sân Thanh Hóa ngày 29/3.
Hoàng Vũ Olaleye Samson còn phải nhận thêm án kỷ luật của Câu lạc bộ Đông Á Thanh Hóa, chuyển xuống đội hình dự bị cho tới hết mùa giải.
Không chỉ các cầu thủ bị phạt do có hành vi "không đẹp" trên sân, các Câu lạc bộ cũng phải chịu phạt. Đơn cử như Câu lạc bộ Viettel bị phạt 2 triệu đồng do có 5 cầu thủ bị phạt thẻ vàng trong trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Viettel ngày 28/3. SHB Đà Nẵng bị phạt 3 triệu đồng do có 5 cầu thủ bị phạt thẻ vàng trong trận đấu giữa Đông Á Thanh Hóa và SHB Đà Nẵng ngày 29/3.
Cần sớm chấm dứt tình trạng phi thể thao trong Bóng đá
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trong vòng 6 V.League 2021, có tới 26 thẻ vàng được rút ra, trung bình 3,71 thẻ/trận. Từ đầu mùa giải tới nay, trọng tài đã phải rút ra 176 thẻ vàng, 5 thẻ đỏ, tương đương với trung bình 4,19 thẻ vàng/trận và 0,12 thẻ đỏ/trận.
Thậm chí, có những trận đấu như tại vòng 1, Sông Lam Nghệ An gặp Topenland Bình Định đã có 7 thẻ vàng, một thẻ đỏ được trọng tài rút ra cho các cầu thủ của hai đội. Trận đấu giữa Becamex Bình Dương và Đông Á Thanh Hóa, cầu thủ của cả hai đội cũng nhận tới 8 thẻ vàng. 8 thẻ vàng cũng được rút ra ở trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh...
Tại vòng 2, trọng tài đã phải rút ra 5 thẻ vàng, một thẻ đỏ trong trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Sông Lam Nghệ An. Vòng 4, trận "derby" giữa Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Sài Gòn, trọng tài cũng đã phải rút ra 7 thẻ vàng và một thẻ đỏ cho những tình huống phạm lỗi của các cầu thủ hai đội...
Việc chấn thương trong luyện tập, thi đấu thể thao là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, chấn thương do va chạm, tranh chấp bình thường, hậu quả để lại không tới mức quá nghiêm trọng, các cầu thủ sẽ nhanh hồi phục. Những trường hợp vào bóng thô bạo, thậm chí là ác ý, triệt hạ đối thủ, những cách chơi bóng phi thể thao, chắc chắn rằng sẽ để lại trong lòng khán giả những hình ảnh, những ấn tượng xấu. Đáng sợ nhất là có thể tước đi sự nghiệp chính "đồng nghiệp" của họ.
Mới đây, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có văn bản gửi đến các Câu lạc bộ tham dự các Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021, Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài... yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn các hành vi bạo lực, phạm lỗi nghiêm trọng.
Theo đó, trước tình trạng cầu thủ thể hiện lối chơi thô bạo, xâm phạm thân thể, gây chấn thương nghiêm trọng cho cầu thủ đối phương; phản ánh thái quá với các quyết định của trọng tài làm ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chỉ đạo Ban điều hành các Giải tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ chuyên môn các trận đấu. Đồng thời, Ban điều hành các giải phối hợp với các câu lạc bộ tăng cường các biện pháp và công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cầu thủ.
Đối với các câu lạc bộ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm với hình ảnh của giải đấu; có các biện pháp giáo dục cầu thủ về tinh thần thi đấu cao thượng và trung thực, ý thức bảo vệ đồng nghiệp. Các cầu thủ cần nâng cao nhận thức nghề nghiệp và trách nhiệm đối với công chúng; phát huy tinh thần thi đấu cao thượng, phong cách ứng xử và thi đấu chuyên nghiệp, tuyệt đối tôn trọng và tuân thủ các quyết định của trọng tài, chấp hành các quy định của Luật và Điều lệ giải.
Đối với Ban Trọng tài và lực lượng trọng tài, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam yêu cầu điều hành công tác chỉ định, phân công trọng tài tại các trận đấu, bổ nhiệm trọng tài đúng năng lực và phù hợp với tính chất trận đấu theo đúng quy định. Giám sát chặt chẽ công tác trọng tài tại mùa giải, kịp thời rút kinh nghiệm cho lực lượng trọng tài, hạn chế tối đa sai sót khi điều hành trận đấu.
Lực lượng trọng tài cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa khả năng chuyên môn điều hành trận đấu trung thực, khách quan, vô tư. Đồng thời, kiên quyết, nghiêm khắc xử lý các hành vi phi thể thao, phạm lỗi nghiêm trọng, tránh bỏ sót lỗi, qua đó góp phần tạo ý thức, thói quen cho các cầu thủ thi đấu một cách chuyên nghiệp và đúng luật.
Để thể thao nói chung và Bóng đá nói riêng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, ngoài những yếu tố khách quan từ bên ngoài, điều cần hơn hết, là từ ý thức của các vận động viên, các cầu thủ phải tự loại bỏ những hành vi phi thể thao, bạo lực. Điều này không chỉ góp phần giữ gìn hình ảnh, sức khỏe cho bản thân mà còn bảo vệ chính đồng nghiệp của họ.
Dạy cái tâm cho cầu thủ Cú vào bóng quá nghiệt ngã của Ngô Hoàng Thịnh (CLB TP HCM) đối với Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội) không chỉ khiến HLV Park Hang-seo mất đi một chiến binh quan trọng trong chiến dịch vòng loại World Cup 2022 sắp tới, mà còn có khả năng buộc cầu thủ của đội bóng thủ đô phải giải nghệ ở tuổi 27,...