Vladimir Putin – hình mẫu của Donald Trump
Trở thành một nhà lãnh đạo chủ động, luôn biết cách xử lý mọi vấn đề như ông Putin là mục tiêu lý tưởng mà tỷ phú Trump muốn hướng tới, chuyên gia đánh giá.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Xuất hiện tại diễn đàn Tổng tư lệnh của đài NBC hôm 7/9, ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Cộng hòa Donald Trump ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin “rất ra dáng lãnh đạo”, theo New York Times.
Putin “kiểm soát mạnh mẽ đất nước”, Trump nói. “Đó là một hệ thống rất khác và chắc chắn ở hệ thống đó, ông ấy là một nhà lãnh đạo thực sự, vượt xa tổng thống của chúng ta”.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump thể hiện sự thán phục đối với Tổng thống Nga Putin. Nhà tài phiệt New York năm ngoái còn ca ngợi ông chủ Điện Kremlin là người “xuất chúng”.
Giới chuyên gia đánh giá ánh nhìn đầy thiện cảm mà tỷ phú Trump dành cho Tổng thống Nga một phần xuất phát từ thực tế rằng ông Putin thật sự là một nhà lãnh đạo cứng rắn, biết cách đưa mọi chuyện đi theo đúng quỹ đạo.
“Tôi nghĩ Trump ngưỡng mộ Putin với tư cách một người đàn ông quyền lực, luôn hoàn thành mọi mục tiêu đề ra”, Angela E. Stent, giáo sư tại Đại học Georgetown, Mỹ, nhận xét.
Tại Nga, truyền thông nước này vẽ chân dung ông Putin là một người đầy quyết đoán, vẫn vững vàng lèo lái con thuyền đất nước vượt qua khó khăn trước áp lực từ những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Putin vì thế cũng luôn đứng ở mức cao.
Ở Trung Đông, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria được không ít người nhìn nhận như một hành động cứu nguy đầy dứt khoát, không chần chừ, lưỡng lự như chính sách của Mỹ.
Năm 2013, khi ông Putin đứng ra dàn xếp một bản thỏa thuận giúp thu hồi và phá hủy gần như toàn bộ số vũ khí hóa học ở Syria, Matt Drudge từ trang tin chính trị bảo thủ Drudge Report đã gọi Tổng thống Nga là “nhà lãnh đạo của thế giới tự do”. Các biên tập viên tạp chí Forbes còn xếp ông vào hàng những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới
Theo Stent, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria khởi động từ năm ngoái một lần nữa đã đưa Putin trở lại sân khấu trung tâm trên trường quốc tế và việc tất cả mọi người đều dành sự chú ý cho Tổng thống Nga chính là điều khiến tỷ phú Trump ngưỡng mộ nhất.
Video đang HOT
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Matt Lauer thuộc kênhNBC, Trump nhấn mạnh ông không cần thiết phải tán thành hệ thống chính trị mà Tổng thống Putin xây dựng nhưng liên tục sử dụng những câu hỏi để ám chỉ việc nước Mỹ đang trở thành một quốc gia bị chia rẽ bởi năng lực yếu kém của người lãnh đạo.
Nina Khrushcheva, giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế, phó hiệu trưởng đại học tư thục New School, Mỹ, chỉ ra một đặc điểm chung mà cả tỷ phú Trump và Tổng thống Putin cùng có: tư tưởng cứng rắn, không bao giờ ái ngại trước những cuộc đối đầu.
“Trump rõ ràng mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực và mạnh mẽ, người có thể uy hiếp đối phương chỉ bằng ánh mắt như Putin”, Khrushcheva nhận định.
Tuy nhiên, hành động so sánh Tổng thống Obama với người đồng cấp Nga Putin, ngụ ý rằng ông chủ Nhà Trắng thua kém người đứng đầu Điện Kremlin đã khiến tỷ phú Mỹ phải hứng chịu hàng loạt đòn công kích, điển hình là từ cựu ngoại trưởng Clinton.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ gọi những phát ngôn mà ông Trump đưa ra là “sự xúc phạm người dân cũng như tổng tư lệnh nước Mỹ”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Cú lội ngược dòng hé mở cơ hội thắng cử cho Donald Trump
Sự ủng hộ cho Donald Trump đang phục hồi mạnh mẽ dù ông trải qua một mùa hè với những cú sẩy chân liên tiếp, đe dọa làm suy yếu triển vọng thắng cử.
Donald Trump dự lễ ở một nhà thờ tại thành phố Detroit, nơi ông gặp gỡ giáo đoàn người Mỹ gốc Phi hôm 3/9. Ảnh: Reuters
Donald Trump và Hillary Clinton đang bước vào giai đoạn tranh cử nước rút vô cùng quan trọng. Cuộc khảo sát trên toàn quốc do CNN/ORC công bố hôm 6/9 cho thấy tỷ phú Trump hiện dẫn bà Clinton hai điểm với mức ủng hộ từ các cử tri có thể bầu cử lần lượt là 45% và 43%. Cuộc đua giữa hai ứng viên cũng sát sao ở nhóm cử tri đã đăng ký bầu cử với mức ủng hộ dành cho bà Clinton cao hơn 3 điểm phần trăm, theo CNN.
Giới quan sát đánh giá thu hẹp khoảng cách trong cuộc đua vào Nhà Trắng là một thành tích phi thường đối với Trump vì chỉ cách đây một tháng, ông còn thua bà Clinton tới 10 điểm.
Tuy nhiên, Trump vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn đang chờ đón. Ông có xu hướng xa rời phần lớn cử tri, đặc biệt là những cộng đồng thiểu số đã rầm rộ bỏ phiếu cho ông Barack Obama ở hai kỳ bầu cử trước đây. Ông cũng không giành được nhiều sự ủng hộ từ nhóm nữ cử tri có trình độ đại học vốn là thành trì vững chắc của đảng Cộng hòa.
Bộ máy vận động tranh cử cho ông quá yếu ớt nếu so với bộ máy của đối thủ Clinton ở các bang dao động, nơi ông bị bà Clinton dẫn điểm trong hầu hết các cuộc khảo sát. Bang dao động, hay còn gọi với cái tên bang chiến trường, là nơi không ứng viên tổng thống nào giành ủng hộ vượt trội.
Con đường hẹp
Hai bình luận viên Stephen Collinson và Maeve Reston từ CNN nhận định nếu Trump có thể nêu bật những điểm yếu của bà Clinton trong hơn hai tháng tranh cử còn lại, đồng thời tránh tự gây tổn thương cho chính mình, con đường, dù hẹp, dành cho ông để bước vào Nhà Trắng sẽ xuất hiện.
Thời cơ tốt nhất để Trump xoay chuyển tình thế nằm ở những cuộc tranh luận giữa ứng viên tổng thống bắt đầu từ ngày 26/9 tới đây. Chúng là bài sát hạch quan trọng nhất đối với tính khí cũng như kiến thức của ông.
Trước đông đảo khán giả truyền hình, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa hoàn toàn có cơ hội định hình lại những cảm nhận về tính cách và sự lưu loát của mình với điều kiện ông phải tránh những câu phát biểu hớ hênh, bộc lộ những nét mâu thuẫn tính cách.
Đối với Trump, các cuộc tranh luận một chọi một sẽ là một thử thách đầy cam go, giới phân tích nhận xét. Theo Collinson và Reston, nhà tài phiệt New York không thể có thời gian thư giãn và hồi phục năng lượng khi tranh luận với cựu ngoại trưởng Clinton. Ông sẽ phải liên tục đối mặt với áp lực từ một ứng viên dày dạn kinh nghiệm như bà Clinton.
Tuy nhiên, Trump vẫn có thể mở rộng con đường của mình nếu ông thành công trong việc nêu ra những điểm yếu chính trị mà bà Clinton mắc phải. Mặt khác, Trump cũng phải chứng tỏ rằng ông sẵn sàng lãnh đạo nước Mỹ và cần củng cố mối kết nối tình cảm với những cử tri nằm ngoài nhóm trung thành.
Đến nay, những nỗ lực của Trump nhằm cải thiện vị thế đang lung lay của ông giữa những cử tri còn ngờ vực vẫn giậm chân tại chỗ.
Tuần trước, Trump đến Mexico với dụng ý rõ ràng là cải thiện mức ủng hộ của cử tri. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau chuyến đi, ông lại tung ra một bài phát biểu gây tức giận về vấn đề nhập cư, khiến các cử tri gốc Mỹ Latin tiếp tục xa lánh, đồng thời làm cho một số lãnh đạo đảng Cộng hòa gốc Latin rút lại những tuyên bố ủng hộ Trump.
Đua tranh 270 phiếu đại cử tri
Những dấu hiệu tích cực tại các cuộc khảo sát cũng như sự thể hiện đầy nhiệt huyết của Trump trong cuộc vận động tranh cử hồi tuần trước khiến nhiều chuyên gia thuộc đảng Cộng hòa cảm thấy phấn chấn, theo CNN.
"Hãy nhìn tình hình hiện nay...Tình thế đang ủng hộ chúng tôi", chiến lược gia trưởng của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Sean Spicer nói. Tuy vậy, Trump vẫn có ít cơ hội hơn so với Clinton trong cuộc đua tranh 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.
Nếu muốn chiến thắng tại cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, bao gồm 538 đại cử tri, tỷ phú Trump ít nhất phải giành thắng lợi ở một trong các bang đã bỏ phiếu ủng hộ ông Obama vào năm 2012. Bang này có thể là Pennsylvania, nơi ông đang bám sát bà Clinton với khoảng cách 3 đến 9 điểm phần trăm. Một mục tiêu khả dĩ khác là bang Michigan, nơi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy bà Clinton đang dẫn trước 11 điểm.
Chờ đợi bất ngờ
Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto tại Mexico City hôm 31/8. Ảnh: New York Times
Tỷ phú Mỹ đã khiến giới phân tích ngạc nhiên khi từ bỏ kế hoạch làm mềm quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư đang khiến nhiều cử tri ôn hòa da trắng xa lánh ông.
Theo các cuộc khảo sát ngay sau vòng bầu cử của đảng Cộng hòa ở Pennsylvania, chỉ 12% cử tri nói nhập cư là vấn đề quan trọng nhất đối với họ. Tuy nhiên, tới 60% cử tri bỏ phiếu cho Trump khẳng định nhập cư là vấn đề quan trọng nhất.
Điều này cho thấy lập trường của Trump về nhập cư đã giúp ông lôi kéo được ủng hộ từ nhóm cử tri trung thành nhưng gây tổn thương cho ông ở nhóm cử tri Cộng hòa ôn hòa và ít bảo thủ hơn, hai cây bút Collinson và Reston nhận xét. Bài phát biểu mạnh mẽ của Trump về nhập cư vào tuần trước cho thấy ông rõ ràng muốn đặt cược vào nhóm cử tri bị gạt ra bên lề xã hội bởi tiến trình toàn cầu hóa và tình trạng mất việc làm quá nhiều ở các nhà máy Mỹ.
"Tôi nghĩ số cử tri ủng hộ Clinton sẽ giảm 30% so với số cử tri bỏ phiếu cho Obama 4 năm trước. Và tôi cho rằng tỷ trọng ủng hộ Trump ở nhóm cử tri da trắng sẽ tăng mạnh. Ông ấy sẽ kiếm thêm được 4 triệu phiếu, hầu hết đến từ cộng đồng người da trắng", nhà bình luận Wayne Allyn Root dự đoán.
Nếu tất các nỗ lực thất bại, Trump vẫn có thể hưởng lợi nếu một sự kiện lớn gây bất ngờ xảy ra. Một sự kiện chấn động truyền thông, chẳng hạn một vụ tấn công khủng bố ở Mỹ hoặc nước ngoài, đủ sức khiến những cử tri yếu bóng vía đón nhận lời kêu gọi của ông về các biện pháp hạn chế nhập cư đối với người Hồi giáo. Hoặc một cuộc khủng hoảng toàn cầu, ví dụ như một cú sốc kinh tế, hay thậm chí một bằng chứng cho thấy bà Clinton đang che giấu những bê bối khác, cũng có thể thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng, chuyên gia đánh giá.
Hồng Vân
Theo VNE
Trang tin chuyên gây bão dư luận trở thành công cụ của Trump Giám đốc tranh cử mới Donald Trump dẫn dắt trang web nhiều lần phanh phui bê bối của chính trị gia, tuy nhiên, không phải thông tin nào họ đăng tải cũng chính xác. Stephen Bannon, giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Ảnh:Reuters Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tuần trước chọn lãnh đạo của trang Breitbart,...