VKS đề nghị giảm hình phạt cho ông Phạm Công Danh
Nhận định hậu quả vụ án một phần được khắc phục, VKS đề nghị tòa giảm hình phạt cho ông Phạm Công Danh và các bị cáo khác.
Ngày 29/9, phiên xử ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng – VNCB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng, tiếp tục với phần tranh luận.
Đại diện VKS cho biết đã nghiêm túc ghi nhận ý kiến, quan điểm bào chữa và bảo vệ của các luật sư, bị cáo… Viện đồng tình với các luật sư bào chữa cho ông Danh về tình trạng VNCB khi ông nhận tái cơ cấu. Bị cáo đã dùng hơn 3.600 tỷ đồng trả cho nhóm Phú Mỹ để lấy các dự án trong đó có dự án ở quận 2. Tuy nhiên, VKS cho rằng, nói nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Danh và các đồng pham “do bị áp lực của bối cảnh” là không chính xác.
“Bối cảnh không có nghĩa là các bị cáo được quyền gây ra hàng loạt sai phạm từ lập hồ sơ khống, rút tiền ngân hàng không có chữ ký… gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng”, công tố viên nêu quan điểm và cho rằng các luật sư nêu “một trong những nguyên nhân khiến ông Danh phạm tội là Ngân hàng Nhà nước không cho lập ngân hàng mới mà phải tái cơ cấu ngân hàng thua lỗ” cũng không đúng.
Bởi theo VKS, giai đoạn từ 2011 lạm phát tăng cao, an sinh xã hội không đảm bảo… Ngân hàng Nhà nước không có chính sách mở rộng cho vay một số lĩnh vực, trong đó có chứng khoán và bất động sản để đảm bảo an ninh tiền tệ. Còn việc Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB giá 0 đồng, theo VKS là để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an ninh tiền tệ, nên không bình luận thêm.
Trong phần tranh luận hôm nay, đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm hình phạt cho các bị cáo so với mức đề nghị trong bản luận tội. Ảnh: X. D.
Trước đó, luật sư cho rằng, VNCB là tổ chức tín dụng không có vốn Nhà nước; lãnh đạo, nhân viên ngân hàng này không phải công chức… đề nghị VKS xem xét việc khởi tố các bị cáo.
VKS khẳng định, việc truy tố các bị cáo về 2 tội danh là hoàn toàn có căn cứ. Về việc đề nghị thu hồi các khoản tiền rút từ VNCB, theo VKS “đây không phải là tình tiết khắc phục hậu quả” của các bị cáo. Tuy nhiên, Viện đề nghị HĐXX xem xét tình tiết này là “hậu quả vụ án được khắc phuc” và ghi nhận thái độ khai báo thành khẩn, để giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo Danh và các đồng phạm.
Video đang HOT
Trong các phiên tranh luận trước đó, đối với khoản tiền 5.490 tỷ đồng bà Trần Ngọc Bích vay của VNCB thông qua việc thế chấp 124 số tiết kiệm, sau đó bị ông Danh chỉ đạo chuyển vào tài khoản của mình để trả nợ cho ông Trần Quý Thanh (bố bà Bích), VKS đề nghị HĐXX “tiền chỗ nào chuyển về chỗ đó”. Tức là thu hồi số tiền đã chuyển vào tài khoản của ông Thanh để chuyển trả cho VNCB.
Đối với Phan Thành Mai, VKS nhận định bị cáo có vai trò và phải chịu trách nhiệm tương đương với ông Danh. Bị cáo tham gia tất cả các cuộc họp ngân hàng liên quan đến các khoản vay, không thực hiện xin phép tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn, VKS nhận thấy sự ăn năn, hối cải của bị cáo cùng với việc sử dụng phương pháp khắc phục hậu quả, đã đề xuất để giảm trách nhiệm so với bản luận tội trước.
“Chúng tôi cũng nhận thấy mục đích của bị cáo là để đưa Ngân hàng Xây dựng tốt lên, không có tư lợi cá nhân, nhân thân tốt… nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”, VKS đề nghị.
Tương tự, đối với nhiều bị cáo khác, VKS cũng đề nghị tòa giảm nhẹ so với bản luận tội trước đó vì có nhân thân tốt, không được hưởng lợi. Đặc biệt, một số bị cáo như Lê Công Thảo (cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VNCB), Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên tổng giám đốc Công ty Hương Việt), VKS đề nghị HĐXX cho hưởng án treo thay vì mức án 5-6 năm tù như đề nghị trước đó.
Trong phiên tranh luận hôm nay, VKS đề nghị HĐXX thu hồi bổ sung 754 tỷ đồng, là tiền ông Danh phạm tội mà có, để trả lãi và nợ cho nhóm Trần Ngọc Bích, Nhóm Phú Mỹ.
Theo cáo buộc, trong quá trình tái cơ cấu VNCB, ông Danh và đồng phạm đã thực hiện các hành vi sai phạm rút trái phép cả chục tỷ đồng của ngân hàng này gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Danh mức án 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt, ông Danh bị đề nghị tối đa 30 năm tù (mức cao nhất của khung hình phạt có thời hạn).
Đại án kinh tế gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay được TAND TP HCM đưa ra xét xử từ ngày 19/7, dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 9.
Hải Duyên
Theo VNE
Ông Phạm Công Danh xin cơ chế riêng để khắc phục thiệt hại 9.000 tỷ
Khẳng định tài sản hiện nay của mình có giá trị rất lớn, cựu Chủ tịch Ngân hàng xây dựng xin được bán các bất động sản đang bị kê biên với giá cao nhất và gặp gỡ người thân bàn cách khắc phục thiệt hại trong vụ đại án.
Trình bày trong phiên xử chiều 29/7, ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) cho biết, từ ngày bị bắt giam ông không có cơ hội được trình bày nguyện vọng xin khắc phục hậu quả vụ án. Nay ông xin HĐXX cho ông có cơ hội được nói.
Ông Danh bảo rằng đang có nhiều tài sản giá trị lớn "không ai khác ngoài bị cáo biết việc này", ngay cả các đồng nghiệp, cộng sự. Riêng 13 lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất 209 Trường Trinh (TP Đà Nẵng) có giá trị đặc biệt lớn do Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên. Trước khi ông làm thủ tục ra chủ quyền sử dụng đất, khu này đã là dự án phức hợp cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại và đã được một đối tác muốn mua giá 250 triệu USD...
"Nhưng giờ còn ai đang muốn mua lô đất này không?", chủ tọa ngắt lời. Ông Danh nói do bị bắt nên không có cơ hội tiếp tục thực hiện các thỏa thuận với đối tác.
Chủ tọa đề nghị bị cáo cung cấp tên, địa chỉ đối tác này, nếu được tòa sẽ mời họ đến để xem xét. Tuy nhiên, sau khi nghỉ giải lao và trao đổi với luật sư, ông Danh nói rằng "thông tin về đối tác phải giữ bí mật, không thể công bố".
Ông Danh xin cơ chế riêng bán lô đất tại TP Đà Nẵng đang bị kê biên với giá cao nhất để khắc phục hậu quả. Ảnh: H. D.
Theo HĐXX, hiện những bất động sản thuộc sân vận động Chi Lăng của bị cáo đang được Hội đồng định giá Công ty cổ phần định giá TP Đà Nẵng cho là 2.600 tỷ đồng, còn Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là 1.200 tỷ đồng. Để áp dụng có lợi cho bị cáo nên các cơ quan tố tụng đã áp dụng mức giá cao hơn.
Ông Danh cho biết, nếu có thể, ông sẽ không lựa chọn cả hai mức giá trên "vì lý do rất chính đáng của bất kỳ doanh nghiệp nào và người chủ sở hữu nào".
"Hơn ai hết tôi hiểu giá trị tài sản mình đang sở hữu. Tôi chỉ đánh giá trên cơ sở pháp lý hồ sơ mà tôi đã làm. Đất này là đất sử dụng ổn định lâu dài chứ không phải là 50 năm hay bao nhiêu năm. Tôi xin HĐXX tạo cơ hội cho tôi được cơ chế riêng trong khuôn khổ của pháp luât để bán đấu giá với giá cao nhất, để đảm bảo được giá trị, khắc phục thiệt hại", cựu chủ tịch VNCB nói.
Luật sư Phan Trung Hoài sau đó thay mặt thân chủ Phạm Công Danh trình bày ngắn gọn nguyện vọng này. Theo luật sư, khu phức hợp sân vận động Chi Lăng từng được đối tác đề nghị mua nhưng đến này chưa thể tiếp tục. Nếu có một cơ chế riêng cho phép Tập đoàn Thiên Thanh được bán với giá tốt nhất thì việc thi hành án sẽ được đảm bảo. Đồng thời, luật sư đề nghị đưa mức thẩm định giá hơn 6.000 tỷ đồng theo chứng thư thẩm định của VNCB vào làm mức giá mới để xem xét.
HĐXX không chấp nhận vì đây là mức giá của dự án hình thành trong tương lai khi Thiên Thanh hoàn thành các chỉ tiêu của dự án do Công ty thẩm định giá của VNCB thực hiện.
"Trong trường hợp nếu ngày mai, ngày mốt có người chuyển vào tài khoản của Thiên Thanh nói mua khu này với khoản tiền đó hay với mức giá cao hơn thì HĐXX chấp nhận. Chứ HĐXX không có cơ chế riêng cho phép xử lý trách nhiệm dân sự trong hình sự như thế. Mức giá luật sư đưa ra không phù hợp với quy định của pháp luật", chủ tọa nêu ý kiến.
HĐXX sau đó đồng ý ra ngay quyết định thành lập Hội đồng định giá Bộ tài chính xem xét lại toàn bộ khu đất ở Đà Nẵng một cách độc lập. Hội đồng này sẽ làm việc song song trong quá trình xét xử để đảm bảo phiên tòa vẫn diễn ra bình thường. Song, chủ tọa cũng lưu ý, khi có kết quả của Hội đồng định giá mới thì kết quả dù cao hơn hay thấp hơn tòa sẽ xem xét theo quy định của pháp luật để áp dụng cho bị cáo mà không còn được có ý kiến gì khác.
Ngoài việc xin cơ chế định giá lại tài sản, ông Danh cũng xin HĐXX cho phép được gặp gỡ người thân, anh chị em trong gia đình bàn bạc việc bán các tài sản của gia đình hiện có để khắc phục hậu quả...
Trước đó, ông cho HĐXX biết, bản chất của việc ký các hợp đồng khống để rút tiền từ VNCB ra phục vụ cho việc chăm sóc khách hàng chỉ là biện pháp ứng trước tạm thời. Sau đó, ông sẽ thế chấp, bán các tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh bù vào. Tuy nhiên, ông chưa thực hiện được thì bị bắt giam. Ông cũng cho biết, đã phải sử dụng cả các tài sản của Tập đoàn thừa kế từ người cha để phục vụ cho việc đảm bảo hoạt đoạng bình thường của VNCB.
Theo cáo trạng, trong quá trình tham gia tái cơ cấu Ngân hàng xây dựng, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hợp đồng kinh tế khống để rút tiền khỏi VNCB chi chăm sóc khách hàng, nợ cá nhân... dẫn đến thất thoát 9.000 tỷ đồng. Còn sai phạm của ông trong việc giải ngân trái phép hơn 6.600 tỷ đồng được tách ra để xử lý trong một vụ án khác.
Dự kiến, trong tuần sau, phiên xử sẽ tiếp tục xét hỏi ông Danh để làm rõ một số nội dung còn lại trong vụ án.
Hải Duyên
Theo VNE
Ông Phạm Công Danh bật khóc, xin giảm nhẹ cho cấp dưới Cho rằng bản thân chưa từng dùng một đồng tiền vi phạm, các thuộc cấp cũng không có động cơ trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, ông Phạm Công Danh bật khóc xin tòa xem xét giảm hình phạt cho họ. Ngày 22/8, phiên xét xử ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây...